Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Thiếu Tiền, Thiếu Tự tin, Thiếu Kĩ Năng: Làm Thế Nào Để Theo Đuổi Đam Mê?

Thật ra tìm ra đam mê của đời cũng không phải chuyện gì quá ghê gớm lắm. Mình tin là nếu chúng ta bỏ ra 30 phút dành thời gian ngẫm nghĩ (và đừng lướt Facebook), kiểu gì chúng ta cũng viết ra được một vài (hoặc nhiều vài) sở thích của chúng ta từ hồi bé đến giờ thôi, đúng không nào? Đam mê, sở thích dễ nghĩ ra là vậy nhưng chúng ta lại chẳng thể theo đuổi được nó, lý do thì thật là nhiều:

  1. đam mê đấy không (hoặc chưa) mang lại tiền; vẫn cần làm việc khác
  2. mình không tự tin là mình giỏi trong khoản đấy lắm, có nhiều người giỏi hơn
  3. mình không biết cần kĩ năng hay kiến thức gì để theo đuổi đam mê đấy

Như mình đã chia sẻ, đam mê không phải là tất cả. Nếu chưa tìm ra đam mê, chúng ta vẫn sống tốt (mỗi tội chưa vui lắm). Bố mẹ ông bà mình ngày xưa có đam mê gì cao siêu đâu, bây giờ vẫn ổn nuôi nấng chúng mình nên người. Vậy nên nếu bạn chưa tìm được đam mê, cũng đừng lo lắng quá, cứ từ từ ngẫm một số bài viết này:

Đam mê hiện tại của mình là viết lách và chia sẻ, và dựa trên những gì mình đang làm trên blog anhtuanle.com cũng như trang Facebook cá nhân https://www.facebook.com/tiay23, mình nghĩ là mình đang rất ổn trong việc theo đuổi đam mê của mình. Nhờ đam mê này mà mình được gặp gỡ, giao lưu và kết nối với nhiều nhiều người khác cũng giỏi hơn trong lĩnh vực giáo dục.

Vậy mình đã tìm ra đam mê của bản thân như thế nào?

Đơn giản là khi thấy bản thân mình thích, mình bắt tay vào làm liền. Vào tháng 4/2015, trong một ngày đẹp trời sau sinh nhật, mình nhận ra là mình cũng có tí khiếu viết lách và lại thích chia sẻ cho người khác, vậy tại sao mình không làm gì đó liên quan đến hai cái đó nhỉ? Thế là mình quyết định làm từng bước:

  1. Vì mình thích viết nên mình nghĩ là mình cần một trang blog và một fanpage (vì trang cá nhân khó thu hút về sau). Mà blog và fanpage thì cần phải có tên đàng hoàng, mà tốt nhất nên là tên mình nên mình chọn là Anh Tuan Le (vì Lê Tuấn Anh bị trùng với nhiều người quá). Các bạn có thể đọc thêm: 8 lý do bạn nên sở hữu một website cá nhân giống mình. Bây giờ nghĩ xem bạn thích giao tiếp với thế giới bằng công cụ nào? Viết thì dùng blog, làm trò nhảm nhí thì dùng YouTube, ca hát hoặc radio thì dùng SoundCloud, kiểu gì cũng có hết.
  2. Mình thấy để người khác nhớ và biết về đam mê của bản thân thì chỉ nên chọn một chủ đề nhỏ và tập trung vào đó thôi. Ví dụ mình đam mê chơi game, xem đá bóng và chia sẻ kinh nghiệm, nếu bây giờ viết về cả 3 cái thì nhiều quá. Vậy là mình quyết định chọn Chia sẻ kinh nghiệm. Nhưng chia sẻ kinh nghiệm thì vẫn rộng quá, chọn một kinh nghiệm chia sẻ thôi – vậy là mình chọn chia sẻ kinh nghiệm về Cách viết CV.

Cứ như vậy mình bắt đầu tỉ mẩn viết bài chia sẻ kinh nghiệm về cách viết CV trên blog sau đấy chia sẻ lại trên các trang mạng xã hội việc làm có liên quan. Ban đầu có 1 vài bạn đọc, sau đó dần dần có nhiều hơn nhiều hơn. Đam mê là cái gì đó rất đơn giản, chỉ cần bạn giỏi một thứ và được người khác công nhận là giỏi cái đấy, tự nhiên có động lực tràn trề làm việc hơn hẳn, và nó biến thành đam mê.

Bước cuối cùng để nuôi dưỡng đam mê là đọc để bổ sung kiến thức. Nếu thấy bản thân mình chưa giỏi trong lĩnh vực mình thích, hãy dành thời gian ngâm cứu thêm về nó. Ví dụ hồi đó mình cũng biết về CV nhưng chưa giỏi hoàn toàn, nên mình liền lên Udemy đăng ký học ngay 5 khoá học về CV, search google từ khoá ‘writing CV’ và đọc nhiều bài nhất có thể. Dần dần có nhiều kiến thức hơn.

Mà để kiến thức đọng lại sâu hơn cũng như để nhiều người biết đến đam mê của bản thân hơn thì bạn phải chia sẻ lại với người khác. Ban đầu có thể chưa siêu thì chia sẻ với những người không biết gì. Khi siêu siêu rồi thì chia sẻ với những người cấp cao hơn.

Đại loại chốt lại là, để nuôi dưỡng đam mê thì cần:

  1. Thêm chút màu sắc cho cuộc sống. Nếu đam mê của bạn không liên quan đến công việc bạn đang làm, hãy cố gắng kiếm các chương trình online, các chương trình tình nguyện hoặc tự tổ chức cái gì đó liên quan đến đam mê đấy.
  2. Xây dựng kĩ năng đầy đủ. Bằng cách đi học và thực hành.
  3. Tiết kiệm xiền. Mỗi 1000 kiếm được, hãy bỏ vào lợn 300đ. Đừng quan tâm đến việc sẽ làm gì với nó vội, dần dần sẽ tiết kiệm được kha khá đấy.

Theo anhtuanle.com

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,672 lượt xem