Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Thực Tập: “Đi Học Miễn Phí", Học Sao Cho Tốt?

Bước chân ra khỏi giảng đường là cuộc sống cạnh tranh vô cùng khắc nghiệt. Thay vì chỉ mài quần ở giảng đường suốt 4 năm Đại học, ngày nay nhiều bạn sinh viên lựa chọn đi thực tập ngay khi đang đi học để cọ xát bản thân và trải nghiệm thực tế về cuộc sống.

Mỗi vị trí thực tập thường chỉ kéo dài từ 3 - 6 tháng nên luôn phải tìm cách tối ưu hoá mọi cơ hội có được để học hỏi và phát triển nhiều nhất. HRC tin chỉ cần làm tốt những điều sau, bạn hoàn toàn thay đổi và trưởng thành từ công việc thực tập của mình.

1. Đặt đúng câu hỏi

Tuần đầu tiên đi làm luôn là quãng thời gian khó khăn vì bạn sẽ phải học và làm quen với hàng trăm việc mới tinh, từ những điều cơ bản nhất như cách sử dụng máy photo, quá trình thông tin lưu thông giữa các phòng ban,.. Tất nhiên công ty sẽ phân cho bạn một người hướng dẫn riêng, nhưng họ không thể theo sát bạn 24/7 để giải đáp mọi thắc mắc của bạn được.

Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học. Tuy nhiên, với vài tháng thực tập ngắn ngủi mình có thể giỏi bằng việc hỏi không?

Câu trả lời là hoàn toàn có thể. Hãy học cách đặt đúng câu hỏi. Trước 1 vấn đề, thay vì chạy đi hỏi anh chị ngay lập tức, tập thói quen suy nghĩ thật kĩ về vấn đề đó bằng cách đặt câu hỏi cho bản thân:

  • Vấn đề này có quan trọng không? Tại sao?
  • Mình có thể tự giải quyết nó bằng những cách nào?
  • Tại sao không thể tự giải quyết được?
  • Vậy mình cần biết thêm những gì từ anh chị?

Sau khi xác định được 4 yếu tố này, bạn sẽ tìm ra vấn đề cốt lõi bạn đang gặp phải. Điều này giúp bạn đặt câu hỏi chính xác, giúp tiết kiệm thời gian của các anh chị tiền bối, đồng thời rèn luyện khả năng suy nghĩ và phân tích vấn đề và đẩy nhanh quá trình học hỏi của bản thân.

2. Kể cả pha cà phê, hãy là nhân viên pha cà phê ngon nhất

Nhiều bạn mới đi thực tập hay than thở: nộp CV phỏng vấn đàng hoàng mà đi làm như chân sai vặt, toàn phải pha cà phê, rồi chạy đưa đồ qua lại giữa các phòng ban. Nhưng sự thật là, cho dù bạn có giỏi thế nào và CV của bạn có hoành tráng ra sao, thì khi bước vào một môi trường mới, không một người sếp nào đủ tin tưởng để giao ngay cho một đứa vừa học xong những việc trọng đại cả.

Hãy tập làm thật tốt từ những điều nhỏ nhặt. Pha cà phê hay photo tài liệu thực chất là một trong những kĩ năng quan trọng dạy bạn cách giao tiếp nơi công sở, hay việc đưa đồ cho các phòng sẽ giúp bạn nắm kĩ được cấu trúc của công ty, cách làm việc giữa các phòng ban. Khi bạn làm tốt những việc nhỏ và cơ bản, không có lý do gì để sếp không tin tưởng và giao cho bạn những công việc chuyên môn hơn.

3. Networking bao nhiêu cũng không đủ

Đi thực tập thì học hỏi càng nhiều càng tốt. Để hấp thụ được nhiều kiến thức nhất, networking bao nhiêu cũng không đủ.

Bạn rất chịu khó trò chuyện, trao đổi với các anh chị cùng phòng khi làm việc, học được những kĩ năng nghiệp vụ rất quan trọng, nhưng đừng giới hạn những mối quan hệ ấy chỉ trong không gian làm việc. Luôn tìm kiếm những cơ hội để gặp gỡ họ ngoài giờ làm, như mời đi ăn trưa chẳng hạn. 15 - 30 phút bữa trưa tuy ngắn ngủi nhưng với những người tài giỏi, giàu kinh nghiệm cũng đủ để bạn mở mang đầu óc và lĩnh hội nhiều điều mới mẻ không chỉ về công việc mà còn rất nhiều về cuộc sống.

Và nhớ, luôn ghi chép lại cẩn thận tất cả những kiến thức bạn nhận được mỗi ngày vào một quyển sổ, để hệ thống và theo dõi mình đã học được gì, sau này cũng không phải hỏi lại.

4. Muốn giỏi nhanh, phải chủ động học hỏi từ những người giỏi

Chủ động học hỏi là điều cực kỳ quan trọng. Khi đi thực tập, nhiều khi mình cần người ta hơn là người ta cần mình, và mỗi người đều có công việc và  KPI riêng, nếu bản thân không chủ động thì rất dễ bị công ty bỏ quên. Chủ động làm những việc nhỏ, kể cả không được yêu cầu, ví dụ như thấy chị đồng nghiệp chuẩn bị đứng dậy photo tài liệu thì hãy nhanh nhẹn xung phong làm hộ.

Có 1 mentor giỏi và tận tâm cũng sẽ giúp bạn phát triển rất nhanh. Đó sẽ là người thầy, người bạn của bạn, giúp bạn định hướng công việc nhanh chóng và vượt qua các khó khăn tại công sở. Đặc điểm nhận biết của 1 mentor? Cái này phụ thuộc vào mỗi người, nhưng có thể chính là  anh tiền bối ngồi kế bên nhiều kinh nghiệm, lại luôn thân thiện và cởi mở với bạn đấy!

Theo hrc.com.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,699 lượt xem