Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Tìm Hiểu Ẩn Số “Người Chuyên Nghiệp” - Ưu Tiên Hàng Đầu Của Mọi Nhà Tuyển Dụng

Nếu được hỏi về môi trường làm việc trong mơ, có đến 99/100 ứng viên đi phỏng vấn nói rằng “Em muốn làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp!” Các bạn sinh viên mong muốn tìm thấy sự chuyên nghiệp trong môi trường làm việc, nhưng lại chưa thực sự “chuyên nghiệp hoá” bản thân. Có bao nhiêu lần bạn tự hỏi: Làm thế nào để trở thành một con người chuyên nghiệp?

Ranh giới giữa người chuyên nghiệp và kẻ nghiệp dư: Tác phong làm việc

Cho dù bạn làm bất kì công việc nào, nếu bạn chỉ làm việc khi “có hứng" hoặc có động lực, bạn sẽ không bao giờ được mọi người nhìn nhận với tính từ “chuyên nghiệp".

Điều khác biệt duy nhất giữa người chuyên nghiệp và kẻ nghiệp dư, đó là khả năng luôn hoàn thành công việc của mình tốt nhất và đúng với deadline, biết cách điều chỉnh cảm xúc và đời tư của mình để không ảnh hưởng tới hiệu quả công việc. Một người chuyên nghiệp sẽ không vì “con mèo ở nhà mới bị bắt mất" hay “em và người yêu đang cãi nhau" mà không làm việc hay trễ mất deadline quan trọng.

Tác phong làm việc chuyên nghiệp thực chất chỉ là khả năng thực hiện mọi việc theo kế hoạch đã đề ra. Tuy nghe rất đơn giản, nhưng không phải ai cũng thực hiện được!

 

Làm người chuyên nghiệp...thật khổ!

Vấn đề lớn nhất mà sinh viên gặp phải là sự thiếu kiên định. Mỗi chúng ta đều có những ước mơ, hoài bão riêng để theo đuổi và luôn hết mình làm mọi việc vì những mục tiêu. Nhưng đó chỉ là khi ta có động lực, hoặc được truyền cảm hứng, hoặc vì chúng ta không vấp phải bất cứ “tảng đá” nào trên con đường đó.

Nếu bạn lên lịch thực hiện một công việc nào đó trong vòng 1 tháng, không phải vì bạn thích mà vì bạn phải làm, hoặc nó có tác động tích cực tới cuộc sống của bạn - ví dụ như tập gym chẳng hạn. Sẽ có những ngày bạn không muốn nhấc người ra khỏi nhà và chỉ muốn tống khứ ngay cái thẻ tập gym cho đứa bạn thân, hay kể cả khi bạn đã xuất hiện ở phòng tập rồi, sẽ có những sets bài tập đáng ghét mà bạn sẵn sàng bỏ qua vì bạn không thích nó.  

Điều tương tự xảy ra ở nhiều hoàn cảnh khác trong công việc của bạn, đặc biệt khi bạn làm việc trong các ngành cần nhiều sáng tạo, đòi hỏi thời gian nhất định để đạt được hiệu quả công việc, nhưng khách hàng của bạn lại không hiểu được điều đó!

Tuy nhiên, việc điều chỉnh cảm xúc bản thân để hoàn thành công việc dù gặp rất nhiều trở ngại khó chịu chính là tác phong chuyên nghiệp. Người chuyên nghiệp luôn theo sát lịch trình đã đề ra, vì họ luôn  hiểu rõ sự ảnh hưởng của mình lên công việc của đồng nghiệp và của công ty như thế nào, họ không cho phép việc riêng cá nhân tác động xấu tới hiệu quả làm việc của cả tập thể.

Trong khi người chuyên nghiệp luôn đi làm đúng giờ, hoàn thành việc đúng deadline thì kẻ nghiệp dư có thể xem hết tập cuối của 1 gameshow hot trên truyền hình.

Người chuyên nghiệp luôn nghĩ tới người khác. Kẻ nghiệp dư thì được nghĩ tới bản thân nhiều hơn.

Người chuyên nghiệp luôn tập trung làm việc nơi công sở. Kẻ nghiệp dư thì được xen lẫn việc cá nhân vào khoảng thời gian đó.

Làm người chuyên nghiệp, không hề sung sướng như bạn tưởng! 

 

Đổi lại, các công ty luôn đề cao giá trị người chuyên nghiệp

Mọi người thường mặc định “Người chuyên nghiệp luôn làm việc chăm chỉ hơn cả, vì vậy họ luôn tuyệt vời.” Trên thực tế, chăm chỉ không phải là yếu tố khiến người chuyên nghiệp luôn được các công ty săn đón.

Những người chuyên nghiệp là luôn nghiêm khắc với bản thân, yêu cầu bản thân phải thực hiện những kế hoạch đã đề ra không phải vì khen thưởng đặc biệt của công ty, mà bởi vì công việc đó quan trọng và cần phải hoàn thành ngay cả khi họ không thấy thoải mái với nó.

Người chuyên nghiệp không đi làm muộn. Người chuyên nghiệp hiểu rõ vị trí và nhiệm vụ của mình trong chuỗi mạng lưới nhân sự của một tổ chức. Người chuyên nghiệp biết tận dụng thời gian và nguồn lực để hoàn thành công việc theo đúng kế hoạch.  Người chuyên nghiệp luôn ý thức được và tôn trọng công việc của đồng nghiệp.

Chính vì vậy, họ luôn là những người có hiệu suất làm việc cao nhất trong công ty dù họ không phải là người chăm chỉ nhất - đó chính là phẩm chất quan trọng mà mọi công ty hướng tới.

 

Vậy phải làm thế nào để trở thành người chuyên nghiệp?

Để được mọi người nhìn nhận là một người chuyên nghiệp không thể qua 1 ngày hay 1 tuần làm việc, đó là cả một quá trình.

1. Xác định mục tiêu nghề nghiệp của bản thân

Mục tiêu nghề nghiệp là điều cực kì quan trọng khi bạn đi làm. Nếu bạn xác định được bản thân muốn đạt được những gì khi nhận lời mời làm việc ở một vị trí nào đó, mọi công việc sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Việc này nghe có vẻ đơn giản, nhưng kể cả những người cực kì thông minh và tài giỏi cũng khó để xác định được chính xác mình đang làm gì và nó giúp đạt được những mục đích nào trong quá trình làm việc.

2. Lên kế hoạch hành động cụ thể

Khi bạn xác định được mục tiêu của mình, hãy lên kế hoạch để thực hiện nó.

Việc lập kế hoạch sẽ giúp cho bạn xác định được mục tiêu và dễ dàng hình thành nên những bước đi chuẩn xác trong việc thực hiện các mục tiêu đó của mình. Việc lập kế hoạch và dự tính thời gian hoàn thành tạo cho bạn thói quen làm việc chủ động, có trách nhiệm đồng thời sẽ góp phần làm cho côn việc của bạn được tiến hành trôi chảy và hiệu quả hơn.

Điều quan trọng để kế hoạch của bạn không rơi vào quên lãng, đó là đừng lên kế hoạch dựa trên kết quả. Ví dụ, hãy chọn “xuất hiện ở phòng tập gym 1 tiếng mỗi ngày” thay vì vì ghi “sẽ giảm 2kg trong vòng 3 tuần", điều này sẽ giúp bạn thực hiện việc dễ dàng hơn rất nhiều.

Hãy luôn nhớ, bạn đang rèn luyện tác phong chuyên nghiệp, không phải “kết quả chuyên nghiệp”!

3. Nghiêm túc thực hiện kế hoạch trong 1 tuần.

Khi bắt đầu kế hoạch của mình, đừng nghĩ bạn sẽ vất vả thế nào để theo sát kế hoạch đó trong 1 tháng hay 1 năm. Hãy nghĩ rằng kế hoạch này chỉ diễn ra trong 1 tuần, và luôn giữ tinh thần trong trạng thái như vậy ở các tuần tiếp theo.

Việc trở nên chuyên nghiệp không nằm ở giai đoạn lên kế hoạch mà ở quá trình bạn theo sát kế hoạch đó. Đừng trở thành nhà văn, hãy chỉ viết blog mỗi ngày. Đừng trở thành salesman, hãy chỉ đạt chỉ tiêu sales mỗi ngày. Trong vòng 1 tuần, hãy thực hiện kế hoạch đó cho dù bất kì điều gì xảy ra.

 

Rèn luyện tác phong chuyên nghiệp không hề dễ, nhưng một khi bạn làm chủ được nó, nó chính là chìa khoá thành công của mọi lĩnh vực trong cuộc sống không chỉ trong công việc mà cũng như trong đời sống tình cảm hàng ngày.

Theo Hrc.com.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,873 lượt xem