Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Tóm Tắt Sách: "Thuyết Trình Như TED" (Talk Like TED) - Chiến Thuật Thuyết Trình Của Những Diễn Giả Có Tầm Ảnh Hưởng Nhất Thế Giới

Carmine Gallo

Thể loại sách: kỹ năng, thuyết trình

Tóm tắt

Trong cuốn Talk like TED, bạn sẽ học được những chiến thuật thuyết trình được sử dụng bởi những diễn giả có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Tác giả Carmine Gallo đã phân tích hơn 500 bài thuyết trình của TED để rút ra những điểm chung tạo ra sự ảnh hưởng cũng như sức hấp dẫn của những bài nói chuyện này

Ai nên đọc cuốn sách này?

  • Những ai quan tâm đến việc thành lập một công ty khởi nghiệp (start-up)
  • Những ai muốn có khả năng thuyết trình hiệu quả và ấn tượng
  • Những ai muốn học cách tiếp thị bản thân tốt hơn

Về tác giả

Carmine Gallo đã từng là phóng viên của đài CNN và đài CBS, cũng là tác giả một số cuốn sách, bao gồm “Bí quyết thuyết trình của Steve Jobs” (cũng có trên blinks hay sachluoc). Ông cũng từng làm huấn luyện viên cho các giám đốc kinh doanh của các công ty như Coca-Cola và Intel và thường xuyên là diễn giả chính trong một số hội thảo quan trọng.

Có gì trong cuốn sách? Học bí quyết thuyết trình như một chuyên gia.

Nếu bạn có một ý tưởng hay, làm thể nào để chia sẻ nó với cả thế giới? Mỗi ngày chúng ta nhận được vô vàn thông tin, vì vậy, để cho một ý tưởng thực sự tỏa sáng, người có ý tưởng cần nỗ lực để đẩy mạnh ý tưởng đó. Nói một cách khác, bạn cần phải “bán” ý tưởng đó.

Trong “Talk like TED”, tác giả Carmine Gallo tiết lộ những bí quyết thuyết trình được sử dụng bởi những diễn giả có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Sau khi phân tích hơn 500 bài nói chuyện phổ biến được trình bày tại TED (Technology, Entertainment, Design). Gallo đã chỉ ra ba điểm chung mà theo quan điểm của ông, làm cho những bài nói chuyện này khác biệt.

Trong tất cả các bài nói chuyện này, nội dung của các bài thuyết trình thường rất khác lạ, diễn giả luôn cố gắng kết nối cảm xúc của mình với khán giả; và nội dung thì luôn được trình bày theo cách dễ nhớ nhất.

Bạn sẽ học được cách kết nối với khán giả bằng cảm xúc, làm cho bài thuyết trình của mình ấn tượng hơn và thêu dệt các câu chuyện vào các bài nói chuyện. Bạn cũng hiểu được rằng vì sao đam mê đóng vai trò rất quan trọng để tạo ra một bài nói chuyện thuyết phục và vì sao bạn nên chắc chắn rằng chủ đề bạn chọn có thể khơi dậy không chỉ một giác quan.

Sau cùng, bạn sẽ học được một vài thủ thuật “bơ & bánh mỳ” để thiết kế bài thuyết trình của mình sao cho nó đi sâu vào trí nhớ khán giả.

Trong phần tóm tắt dưới đây, bạn sẽ được khám phá:

  • Việc thả đàn muỗi ra giúp cho một bài nói chuyện TED trở nên phổ biến như thế nào;
  • Giấc mơ Mỹ và nước Đan Mạch có điểm gì chung;
  • Thông tin mới khuyến khích não bộ ghi nhớ như thế nào

Những bài nói chuyện TED có thể giúp bạn cải thiện một mảng quan trọng của cuộc sống: kỹ năng thuyết trình.

Năm 1915, Dale Carnegie viết cuốn sách tu thân (self-help) đầu tiên trên thế giới, Nghệ thuật nói chuyện trước công chúng. Trong tác phẩm này, Carnegie giải thích làm thế nào mà người ta có thể trình bày quan điểm theo cách ấn tượng và hấp dẫn nhất.

Việc này cho thấy, ngay từ 100 năm trước người ta đã tìm cách làm mình nổi bật  giữa đám đông để thành công. Nếu điều đó là thật từ một thế kỷ trước, thì đến ngày nay nó lại càng trở nên đúng đắn.

Trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, cạnh tranh lại càng trở nên khốc liệt. Để ý tưởng của mình nổi bật, bạn cần phải học thêm cách tiếp thị bản thân.

Tác giả Daniel Pink cũng nhận thức được điều này và đề cập đến trong cuốn Từ bản năng đến nghệ thuật bán hàng rằng dù muốn hay không thì ngày nay chúng ta đều tham gia vào các cuộc mua bán. Nhưng bạn sẽ học cách tiếp thị bản thân tốt nhất ở đâu? Đối trọng trong thế giới ngày nay của cuốn Nghệ thuật nói chuyện trước công chúng là gì?

Những bài nói chuyện TED

TED (Technology, Entertainment, Design) là một hội thảo có tiếng, nơi các nhà lãnh đạo và các nhà phát minh hàng đầu trình bày ý tưởng của mình. Các bài thuyết trình (đều có thể xem miễn phí online) là một ví dụ điển hình cho kỹ năng tiếp thị hiệu quả.

Bắt đầu từ năm 1984, người ta chỉ định tổ chức hội thảo TED một lần duy nhất. Tuy nhiên, TED nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Ngày nay, TED đã hiện diện trên toàn thế giới. Trên thực tế, mỗi ngày có 5 hội thảo TEDx được tổ chức ở hơn 130 quốc gia (theo diện nhượng quyền thương hiệu từ events gốc).

Bởi vì những bài TED mang nét đặc trưng của những nhân vật thành công và sáng giá nhất, chúng luôn là những nguồn tư liệu quý giá cho bất kỳ ai muốn trở thành một diễn giả thành công. Với tư tưởng đó, tác giả đã phân tích hơn 500 bài TED và nhận thấy có nhiều điểm tương đồng giữa những bài thuyết trình này. Vậy những điểm chung này là gì? Kỹ năng nào diễn giả TED sử dụng để truyền tải thông điệp? Bài tóm tắt sau thể hiện công cụ quan trọng nhất bởi những chuyên gia sales trên toàn thế giới

Đam mê là nền tảng của một bài diễn thuyết thành công và thuyết phục.

Những người thành công có điểm gì chung?

Đam mê là cảm giác say mê tích cực khi bạn theo đuổi một công việc có ý nghĩa sâu sắc với bản thân bạn. Hơn nữa, theo đuổi một thứ gì mà bạn đam mê cũng đóng vai trò quan trọng để đạt được thành công trong lĩnh vực đó.

Hãy xem trường hợp của Tony Hsieh, nhà sáng lập hãng bán lẻ giày online Zappos rất thành công. Hsieh có đam mê đặc biệt – không phải là về giày – đam mê của ông là làm khách hàng và nhân viên của mình hạnh phúc. Nhiệt huyết đem lại hạnh phúc cho mọi người giúp phát triển Zappos thành một công ty nổi bật trong lĩnh vực chăm sóc khách hàng và môi trường làm việc tốt cho nhân viên.

Ngoài việc tạo nền tảng cho thành công, đam mê cũng là nguyên liệu quan trọng để tạo ra bài thuyết trình chất lượng.

Năm 2012, một nhóm các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu nguyên nhân tại sao nhà đầu tư chi tiền cho một số dự án khởi nghiệp (start-up) này mà không phải dự án khác. Trong nghiên cứu này, họ quan sát cách các nhà đầu tư quyết định sau khi họ đánh giá bài thuyết trình dài 15 phút của những dự án khởi nghiệp đang tìm kiếm nguồn vốn.

Như các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra, một trong các yếu tố quan trọng đóng góp vào quyết định của các nhà đầu tư là đam mê mà người thuyết trình thể hiện. Trong thực tế, yếu tố này còn quan trọng hơn cả bằng cấp, kinh nghiệm và tuổi tác của người khởi nghiệp.

Nhưng nếu đam mê không tự nhiên chảy trong huyết mạch của bạn thì sao? Thật may mắn là ai cũng có thể học để trở thành một diễn giả đầy đam mê. Đơn giản là luyện tập. Bộ não con người thay đổi liên tục để xử lý các dữ liệu nhập vào. Một nghiên cứu về các lái xe taxi ở London cũng chỉ ra rằng khu vực não gắn liền với kỹ năng tìm đường – kiểu cá ngựa – có xu hướng lớn hơn trung bình, giải thích khả năng định vị đường quãng đường đi nhanh nhất từ A đến B tốt hơn mức trung bình.

Theo cách đó, nếu bạn thường xuyên tự đặt mình vào vị trí mà bạn phải diễn thuyết và cần thể hiện đam mê, não bạn sẽ tìm cách thích nghi với nhiệm vụ này và bạn sẽ tự cải thiện kỹ năng này.

Vậy bạn còn chờ gì nữa?

Kể chuyện giúp bạn kết nối với khán giả bằng tình cảm.

Hầu hết mọi người sẽ đồng ý rằng Steve Jobs là một trong những diễn giả tốt nhất trên thế giới. Nhưng điều gì đã làm cho những bài thuyết trình của ông trở nên thuyết phục đến vậy?

Các bài nói của ông luôn tràn đầy cảm xúc – đúng như  một bài thuyết trình thành công và thuyết phục nên có. Một trong những người đầu tiên suy nghĩ thấu đáo về giao tiếp thuyết phục là triết gia Hy Lạp Aristotle. Aristotle tin rằng sức thuyết phục được tạo thành khi kết hợp đủ ba yếu tố ethos, logospathos

Nhân tố đầu tiên – ethos – đề cập đến tính cách hoặc niềm tin của bản thân bạn và có mối liên hệ mật thiết đến kinh nghiệm hoặc học vấn của bạn, vốn là những yếu tố củng cố niềm tin của khán giả vào quan điểm của bạn.

Yếu tố thứ 2- logos – đề cập đến nền tảng logic trong lý luận của bạn, có thể bao gồm số liệu thống kê hoặc cơ sở dữ liệu giúp đưa đến khán giả của bạn những lý do vững chắc cho quan điểm của bạn.

Yếu tố thứ 3 – pathos – liên quan đến liên kết tình cảm bạn tạo ra với khán giả của mình. Trong phân tích hàng trăm bài nói chuyện TED của tác giả, ông nhận thấy rằng những bài diễn thuyết được yêu thích nhất bao gồm 65% pathos, 25% logos và 10% ethos.

Rõ ràng, pathos là đặc trưng quan trọng nhất của một bài diễn thuyết đầy tính thuyết phục. Nhưng làm sao để đưa được nhiều pathos vào bài phát biểu của bạn?

Cách tốt nhất là qua kể chuyện.

Về cơ bản, kể chuyện giúp bạn kết nối với khán giả thông qua cách làm cho bài diễn thuyết của bạn đỡ trừu tượng và dễ hiểu hơn. Có ba kiểu chuyện bạn có thể dùng để đi theo cách này.

Kiểu đầu tiên là những câu chuyện của chính bản thân bạn. Một câu chuyện của chính mình sẽ chiếm ưu thế để trả lời những câu hỏi kiểu như “những kỷ niệm đầu tiên trong thời thơ ấu của bạn là gì?”

Kiểu thứ hai là những câu chuyện của người xung quanh, ví dụ như một câu chuyện của một người bạn đã từng thất bại thảm hại với ý tưởng đầu tiên cho dự án start-up nhưng thành công với ý tưởng sau và thu hút rất nhiều nhà đầu tư.

Kiểu thứ ba là câu chuyện về những thương hiệu, công ty hoặc tổ chức thành công. Ludwick Marshane – nhà đầu tư của DryBath, một loại gel tắm giúp làm sạch mà không dùng đến nước – đã mua vui cho khán giả trong một bài nói chuyện TED của ông bằng câu chuyện về thương hiệu của ông đã giúp người dân ở những quốc gia thiếu nước như thế nào.

Liên kết tình cảm chỉ đạt được khi diễn giả kết hợp hài hòa giọng nói, cử chỉ và ngôn ngữ cơ thể

Đã bao giờ bạn nghe một bài diễn thuyết mà diễn giả nói chậm đến mức cảm thấy có thể ngủ ngay được?

Thế nhưng nói nhanh cũng không hẳn là giải pháp. Tốc độ diễn giả nói phụ thuộc vào việc khán giả đang làm gì vào thời điểm ấy. Giả sử như bạn vừa làm một việc gì đó – ví dụ như lái xe – vừa nghe đọc sách (audiobook), bạn muốn người đọc đọc tương đối chậm. Tuy nhiên, nếu bạn dồn tất cả sự chú ý của mình vào bài diễn thuyết, bạn lại muốn diễn giả nói nhanh hơn nhiều.

Vậy tốc độ nào là hoàn hảo cho một bài diễn thuyết? Tác giả nhận thấy rằng hầu hết các diễn giả nói với tốc độ 190 từ một phút.

Tuy nhiên, kiểm soát giọng nói của bạn mới chỉ là khâu đầu tiên. Để kết nối được với khán giả, bạn cần chú ý đến cả ngôn ngữ cơ thể.

Chúng ta thu được rất nhiều thông tin từ cách mà chúng ta di chuyển. Trong một bài nghiên cứu, sinh viên được cho xem một đoạn video hoặc nghe một đoạn ghi âm lời khai của những kẻ tình nghi phạm tội  và sau đó được hỏi để xem ai trong số những kẻ tình nghi này nói dối.

Kết quả là những sinh viên được xem video có xu hướng chỉ đúng kẻ tình nghi hơn (tỷ lệ thành công là 65%) so với những sinh viên chỉ nghe ghi âm (với tỷ lệ 55%).

Vậy thì loại ngôn ngữ cơ thể nào bạn nên dùng?

Tư lệnh Mỹ Matt Eversman gợi ý rằng lãnh đạo thì luôn đứng thẳng và thể hiện sự tự tin. Điều này cũng áp dụng cho những diễn giả: nên đứng thẳng trước khán giả và thể hiện sự tự tin với các ý tưởng của mình.

Một nét quan trọng trong ngôn ngữ cơ thể là cử chỉ. Trên thực thế, một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa cử chỉ của diễn giả và mức độ tin tưởng khán giả dành cho diễn giả đó.

Để có thể sử dụng cử chỉ hiệu quả, bạn nên hạn chế những điệu bộ trong khoảng giữa mắt và bụng vì những động tác trong khu vực này luôn có tác động rất lớn.

Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế những cử chỉ mở rộng (ví dụ như giang rộng cánh tay) và chỉ dùng khi bạn nhấn mạnh những điểm quan trọng nhất.

Như vậy là chúng ta đã biết cách để thiết lập và duy trì liên kết tình cảm với khán giả.

Giờ thì chúng ta sẽ chú ý đến cách làm cho bài diễn thuyết của bạn nổi bật.

Để làm cho bài diễn thuyết của bạn mới lạ và khó quên, hãy đưa thông tin mới cho khán giả.

Thử nghĩ lại lần cuối bạn thực sự bị bất ngờ, cái giây phút “Ôi! Vậy ư?” có lẽ đã làm bạn chú ý hơn tới nguồn thông tin mới đó – cho dù đó là một cuốn sách, chương trình tivi hay một bài giảng.

Nếu bạn muốn có được sự chú ý và trí tưởng tượng như vậy từ khán giả của mình, bạn nên lồng ghép những thông tin mới mẻ và đột biến vào các bài diễn thuyết của mình.

Trong một bài nói chuyện TED rất phổ biến, một nhà thám hiểm đáy biển Robert Ballard đã trình bày một cách thuyết phục cho lý luận của ông là vì sao người ta nên chi nhiều tiền hơn cho những nghiên cứu về đáy đại dương

Trong rất nhiều các sự việc ông chia sẻ, hai trong số đó đặc biệt gây chú ý.

Đầu tiên là ngân sách thường niên của Cơ quan Hàng không và Không gian Hoa Kỳ (NAS)  tương đương với ngân sách mà Cơ quan Đại dương và Khí quyển Hoa Kỳ (NOAA) sử dụng trong 1.600 năm.

Sự việc thứ hai là những dải núi lớn trên trái đất không chỉ nằm trên mặt đất mà còn cả dưới biển.

Những thông tin mới và thú vị giúp khán giả ngồi lại và chú ý hơn. Và tất nhiên những thông tin đó cũng dễ để ghi nhớ hơn.

Nguyên nhân là do trí nhớ phụ thuộc vào dopamine, một chất có trong não. Khi bạn học một thứ gì mới, não bạn phát ra dopanine có chức năng giống như nút “lưu” (“save”). Thông tin càng mới lạ và hấp dẫn thì dopamine càng dễ được sinh ra và do đó khả năng ghi nhớ cũng tốt hơn.

Một ví dụ khác, Susan Cain đã thảo luận về năng lực của những người hướng nội trong một bài nói chuyện TED, một chủ đề nghe qua thấy có vẻ nhàm chán và dễ quên.

Tuy nhiên, Cain biết rằng khán giả cần một cú huých, vì vậy bà nói rằng “một người có thể có một ý tưởng hay nhưng chưa chắc đã trình bày tốt”

Ngay lập tức thì những nhà quản lý trong số khán giả của bà bắt đầu chú ý hơn: Ý kiến của Cain làm tiêu tan suy nghĩ chung của mọi người là những ai nói nhiều trong các cuộc họp là những người sáng tạo nhất (dựa trên thực tế là những người này có vẻ được chú ý hơn những người hướng nội lặng lẽ trong các cuộc họp)

Bởi vì bà đã diễn giải quan điểm của mình theo cách hoàn toàn mới cho khán giả, khả năng khán giả ghi nhớ ý tưởng đó cũng được cải thiện theo.

Làm cho bài thuyết trình của mình đáng nhớ bằng cách chia sẻ một khoảnh khắc đặc biệt hoặc một số liệu bất thường.

Bạn đã làm gì vào ngày 11 tháng 9 năm 2001? Thế còn ngày 11 tháng 9 năm 2002 thì sao?

Không phải nghi ngờ gì, ký ức của bạn dành cho năm 2001 chắc chắn sẽ rõ ràng hơn. Những thời điểm đặc biệt thì thường là khó quên – và nếu có những khoảnh khắc như vậy trong khi bạn thuyết trình thì khán giả sẽ dễ ghi nhớ bài nói chuyện của bạn cũng như chia sẻ về bài nói chuyện của bạn  với bạn bè

Năm 2009, Bill Gates làm diễn giả của một bài nói chuyện TED mà ngay sau đó được lan truyền rộng rãi. Bài thuyết trình của ông thậm chí còn thu hút sự chú ý của Brian William, phát thanh viên bản tin thời sự đài NBC – người mà đã đề cập đến bài nói chuyện của Gates trên sóng truyền hình – mặc dù những sự kiện như vậy thì thường không được coi như là “tin tức”.

Vậy có gì đặc biệt trong những bài nói chuyện đó mà gây ấn tượng đến vậy?

Bài thuyết trình của Gates là về những căn bệnh do muỗi truyền nhiễm có thể gây tử vong như sốt rét. Gates cho rằng chẳng có lý do gì mà chỉ mỗi người nghèo phải chịu đựng mối đe dọa bệnh tật từ muỗi, rồi ông đưa ra trước khán phòng một lọ muỗi và thả cho chúng bay. Mặc dù Gates nhanh chóng bổ sung là những con muỗi này không nhiễm sốt rét, hành động khác thường này làm cho bài nói chuyện của ông gây ra khá nhiều tranh cãi. Bài thuyết trình đạt 2.5 triệu lượt xem trên website của TED và một lượt tìm kiếm trên Google cho bài nói chuyện đưa ra hơn 500,000 kết quả.

Nhưng không chỉ có những hành động khác thường làm cho bài thuyết trình của bạn nổi bật. Những số liệu gây shock cũng có thể thu hút sự chú ý của khán giả.

Mỗi khi chuẩn bị cho bài thuyết trình, bạn nên tìm kiếm những sự thật hoặc số liệu thú vị minh họa cho lập luận của mình.

Đây là hai ví dụ từ những bài nói chuyện TED phổ biến:

“Năm 1972, có hơn 300,000 người bị bắt giam và ở tù. Ngày nay con số này là 2.3 triệu người. Hoa Kỳ hiện tại có tỷ lệ đi tù cao nhất thế giới” (Bryan Stevenson)

“Cứ 100 người thì lại có 1 người mắc bệnh tinh thần. Trong phòng này hiện tại có 1,500 người, vậy 15 trong số các bạn mắc bệnh tinh thần.” (Jon Ronson)

Hai số liệu trên đã làm các bài nói chuyện trở nên dễ ghi nhớ và thú vị hơn nhiều.

Tăng tính hài hước vào bài phát biểu khiến khán giả nhìn nhận bạn theo hướng tích cực hơn

Thử nhìn lại những bài thuyết trình mà bạn thực sự thích? Nó có hài hước chút nào không?

Hài hước là yếu tố tích cực trong mối quan hệ của chúng ta với những người khác. Các nghiên cứu cho thấy rằng chúng ta thường gán những đặc điểm được ưa chuộng hoặc có tính chất tích cực như thân thiện, thông minh, điềm tĩnh cho những người có khiếu hài hước.

Tương tự như vậy, những người hài hước cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập một công việc kinh doanh hoặc trong quá trình thuyết trình.

Một nghiên cứu xuất bản trong tạp chí Kinh doanh Havard, khiếu hài hước được chứng minh là làm giảm tính hiếu chiến, giảm căng thẳng và cải thiện tinh thần giữa các đồng nghiệp.

Một nghiên cứu khác xem xét sự khác biệt giữa các nhà quản lý doanh nghiệp bình thường và xuất sắc chỉ ra rằng những người được liệt vào hạng xuất sắc thì thường có khiếu hài hước gấp đôi những người ở mức trung bình.

Nếu bạn đã có sẵn năng lực hài hước thì bạn nên học cách lồng ghép yếu tố này vào các bài thuyết trình. Có nhiều cách để làm được điều này. Một cách là chia sẻ các giai thoại. Có thể chỉ là một chuyện vui vui xảy ra với bạn ngày hôm trước. Cũng không nhất thiết là phải làm khán giả cười lớn mà cũng chỉ cần khán giả nở một nụ cười hoặc cười khúc khích thôi là đạt được mục đích.

Trong một bài nói chuyện TED, Dan Pallotta, nhà sáng lập tổ chức quyên góp tiền cho những nghiên cứu y khoa và hỗ trợ bệnh AIDS, đã bình luận về vai trò của ông ở nhà. Pallotta cởi mở chia sẻ mình là người đồng tính và là bố của ba đứa con sinh ba, Pallotta cho rằng cuộc sống gia đình là sự thăng hoa nhất về mặt sáng tạo và khởi nghiệp mà ông có được

Một cách tiếp cận khác là dùng biện pháp so sách và ẩn dụ. Trong bài nói chuyện về những hệ quả xã hội tiêu cực của bất bình đẳng kinh tế, Giáo sư Đại học Nottingham Richard Wilkinson mô tả Đan Mạch là một quốc gia với mức độ bất bình đẳng thấp và có dân số mạnh khỏe hạnh phúc. Bạn có thể cho rằng đó không hẳn là chất liệu tạo nên nụ cười, tuy nhiên, Wilkinson nhận thấy khía cạnh sâu xa của vấn đề: “Nếu người Mỹ muốn sống trong giấc mơ Mỹ thì nên đến Đan Mạch”

Giờ thì bạn đã biết cách làm sao đề làm bài thuyết trình của mình khác biệt. Phần tóm tắt dưới đây giúp bạn biết cách làm cho bài thuyết trình của mình gây ấn tượng khó quên.

Bài thuyết trình không nên đề cập đến quá ba chủ đề trong vòng 15 đến 20 phút

Bạn có bao giờ nhận thấy mình bị kiệt sức sau khi ngồi dự một buổi nói chuyện dài? Khán giả của bạn có thể cũng đối mặt với vấn đề tương tự. Vậy giải pháp là gì? Hãy trình bày ngắn gọn thôi. Điều này giúp khán giả của bạn nắm bắt và ghi nhớ nội dung nhanh hơn nhiều.

Hãy lấy một ví dụ, Paul King, Giáo sư Đại học Christian Texas, đã chia buổi học 3 tiếng hàng tuần thành 3 ca, mỗi ca kéo dài 50 phút.

Kết quả thì sao? Sinh viên ghi nhớ được nhiều thông tin và thường đạt điểm cao trong kỳ thi.

Các bài thuyết trình của TED thường kéo dài 18 phút, đây được coi như độ dài đạt mức độ phù hợp hoàn hảo với độ dài tối ưu trong khoảng 15-20 phút.

Ngoài việc giữ cho bài thuyết trình ngắn gọn, bạn cũng nên lưu ý rằng bài thuyết trình không nên bao gồm quá 3 chủ đề riêng biệt.

Tại sao?

Năm 1956, một nhà nghiên cứu của Harvard đã phát hiện ra rằng hầu hết mọi người gặp khó khăn khi ghi nhớ 7 thông tin mới.

Tuy nhiên, sau đó các nhà nghiên cứu đã rà soát lại lý thuyết này và chia số liệu đó thành ba hoặc bốn đơn vị thông tin cơ bản – hoặc gọi là “tệp dữ liệu” (chunk)

Ví dụ, số 2,222 thì dễ nhớ hơn số 3,948.

Tại sao lại thế? Số đầu tiên mô tả một tệp dữ liệu (“2”) và số thứ hai, ít nhất có hai tệp dữ liệu (39 và 48).

Do đó, càng ít tệp dữ liệu thì càng dễ nhớ – đó là lý do tại sao mỗi bài thuyết trình không nên bao gồm hơn ba chủ đề.

Những chủ đề này có thể được sắp xếp theo bản đồ thông điệp.

Để làm một bản đồ thông điệp, bạn phải trả lời những câu hỏi sau:

“Thông điệp nào là quan trọng nhất tôi muốn khán giả mang theo?”

Một khi đã có câu trả lời, viết thông điệp lên đầu một mảnh giấy – giống như tiêu đề.

Tiếp theo, bạn phải tìm ra ba  lập luận (hoặc ít hơn) để bổ trợ cho thông điệp tiêu đề, và liệt kê dưới tiêu đề đó.

Sau cùng, dưới mỗi ý bổ trợ đó, bạn có thể vạch ra những nội dung cụ thể hay là phần cốt lõi của bài thuyết trình.

Thúc đẩy mọi giác quan trong suốt bài thuyết trình giúp khán giả ghi nhớ ý kiến của bạn.

Thử nhớ lại lần cuối cùng bạn tắm nắng. Da bạn cảm thấy gì? Bạn ngửi thấy gì? Những thứ xung quanh bạn ra sao? Bạn có thể nhớ tường tận đến mức nào?

Chúng ta ghi nhớ mọi thứ rõ ràng hơn khi chúng ta trải nghiệm với tất cả mọi giác quan.

Richard Mayer từ Đại học California tại Santa Barbara nhận thấy mối liên hệ giữa việc thúc đẩy đa giác quan và cải thiện trí nhớ và cho rằng đây sẽ là một chủ đề nóng cho những nghiên cứu về tâm lý học nhận thức trong tương lai.

Theo kinh nghiệm của Mayer, những sinh viên trải nghiệm trong những môi trường đa giác quan (bằng video, tin nhắn văn bản và hình ảnh) tỏ ra tốt hơn khi gợi nhớ lại thông tin hơn so với tiếp nhận thông tin thông qua một kênh đơn lẻ (nhìn hoặc đọc văn bản).

Theo đó, nếu bạn muốn tạo một bài thuyết trình dễ nhớ, bạn nên trao đổi thông tin theo cách mà khơi dậy nhiều hơn một giác quan. Ở đây, chúng ta sẽ xem cách trao đổi thông tin qua hai cơ quan cảm giác chính là thị giác và thính giác.

Có hai cách cơ bản để trao đổi thông tin bằng thị giác: hình ảnh và văn bản.

Nếu chú ý bạn sẽ thấy rằng những bài nói chuyện TED hay nhất sử dụng nhiều hình ảnh hơn là các bài thuyết trình Powerpoint dày đặc chữ.

Điều này cũng hợp lý thôi vì chúng ta có năng lực hạn chế khi hấp thụ thông tin. Do đó, một bài thuyết trình Powerpoint được lấp đầy bởi các con chữ có thể làm khán giả quá tải và bị sao lãng.

Thay vào đó, sử dụng hình ảnh bổ trợ cho bài thuyết trình song song với một vài từ khóa hỗ trợ cho ý kiến của bạn.

Thính giác cũng có thể được thúc đẩy bởi các biện pháp hùng biện, ví dụ như phương pháp lặp lại.

Lấy bài phát biểu nổi tiếng của Martin Luther King làm ví dụ, trong bài phát biểu, ông đã lặp lại rất nhiều lần bốn từ: “I have a dream”.

Những từ này vẫn còn được nhớ đến tận ngày nay và chúng ta ngay lập tức gắn liền những từ này với King.

Một ví dụ khác gần đây là là cụm từ “Yes, we can” của ông Barack Obama đưa các cử tri tập trung vào thông điệp này và giúp ông thắng cử trở thành Tổng thống Hoa Kỳ.

Tóm tắt cuối

Thông điệp chính trong cuốn sách:

Khả năng truyền tải thông điệp một cách thuyết phục là một trong những kỹ năng chủ chốt bạn cần trong thế kỷ 21. Khi bạn thuyết trình, điều quan trọng là bạn cần làm nó nổi bật. Để làm được thế, bạn cần kết nối bằng tình cảm với khán giả của mình. Nếu bạn muốn khán giả nhớ bài nói chuyện của mình, hãy trình bày ngắn gọn, không đề cập đến quá 3 chủ đề và đánh thức các giác quan của khán giả.

Sách nên tìm đọc: bạn nên đọc cuốn Bí quyết thuyết trình của Steve Jobs của Carmine Gallo.

Bí quyết thuyết trình của Steve Jobs giải thích cách một diễn giả có thể trở nên thuyết phục và tạo cảm hứng như huyền thoại Stveve Jobs. Carmine Gallo đã mổ xẻ chi tiết một bài thuyết hay, từ việc lên kế hoạch, tập dượt và phát biểu.

Photo credit: Amazon

Người dịch: Ngọc Hà

Biên dịch: Hà Trần & TháiPH

Nguồn sachluoc.com

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

7,433 lượt xem