Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[ToMo] 10 Chướng Ngại Vật Ai Cũng Phải Vượt Qua Để Khởi Nghiệp Thành Công

Rủi ro mà các doanh nhân khởi nghiệp gặp phải là vô cùng đáng sợ. 9 trên 10 người khởi nghiệp thất bại trong năm đầu tiên. Sự thất bại là quá đỗi bình thường đến mức các doanh nhân sau khi tàn cuộc vẫn luôn nghiền ngẫm xem mọi thứ đã sai ở đâu, với hy vọng rằng những người khác sẽ học được từ sai lầm của họ.

Dẫu cho có nhiều nguy hiểm, ta vẫn cứ làm. Có lẽ là vì tình yêu cho kinh doanh. Có lẽ là vì ta khao khát tạo ra gì đó của riêng mình. Nhưng cũng là vì ta tin rằng mình sẽ nằm trong 10% người khởi nghiệp thành công ấy. Thế giới luôn cần những công ty sáng tạo và đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng, và ta chắc chắn rằng ta đủ điều kiện như thế.

Liệu bạn có bản lĩnh đưa công ty vượt qua vực thẳm? Sau khi gây dựng Owlmetrics của tôi, một công cụ phân tích Instagram, tôi nhận ra có 10 trở ngại tất cả doanh nhân khởi nghiệp đều phải vượt qua nếu muốn thành công. Đây là cơ hội cho bạn xác định các điểm yếu của mình và phát huy điểm mạnh.

1. Khả năng lãnh đạo cao

Để việc khởi nghiệp có được sức mạnh cần thiết dẫn tới thành công, nó phải có những người lãnh đạo kiên quyết sẵn sàng bỏ ra công sức gây dựng nó. Nhưng đừng nhầm lẫn giữa một người lãnh đạo tốt với một người lãnh đạo phân cấp bậc và độc đoán.

Những người lãnh đạo giỏi sẽ hiểu được mình cần thuê đúng người, và phải tin cậy vào khả năng làm việc của họ. Họ hiểu nhu cầu cần phải nuôi dưỡng những mối quan hệ hợp tác hiệp trợ và giúp đỡ lẫn nhau. Họ tin tưởng sâu sắc vào doanh nghiệp của mình và tiếp tục nỗ lực phát triển tầm nhìn cho tương lai của công ty. Sự lãnh đạo là chìa khóa cho khởi nghiệp, bởi mọi thứ trong doanh nghiệp cần được đưa vào kiểm soát. Doanh nghiệp đang trong thời kỳ vô cùng dễ lung lay. Những người lãnh đạo tốt là những người đưa ra quyết định, ý tưởng, xây dựng phòng ban và làm nên hình ảnh của công ty. Nếu bạn đang nắm bánh lái của một doanh nghiệp, bạn đóng vai trò chủ chốt trong tất cả các lĩnh vực trên. Tóm lại, những lời khuyên phía dưới là vô dụng nếu không có một người lãnh đạo mạnh mẽ dẫn dắt.

2. Trồi lên trong một thị trường cạnh tranh

Dù bạn đi theo ngành nghề gì, công ty khởi nghiệp của bạn đang dấn thân vào một cuộc đấu tranh sống còn. Sự cạnh tranh nảy lửa hoặc sẽ đưa doanh nghiệp của bạn dẫn trước, đưa bạn và mọi người trong công ty lên tầm cao mới, hoặc sẽ nuốt chửng bạn. Nếu bạn không muốn bị nghiền nát, bạn cần học cách phát triển khi đối mặt với sự cạnh tranh trực tiếp và gián tiếp. Thực tế là các nghiên cứu cho thấy việc học cách ‘bơi trong biển lửa” của sự cạnh tranh sẽ giúp một doanh nghiệp trở nên cứng cáp hơn nhằm sinh tồn lâu dài.

Sự cạnh tranh thúc đẩy các công ty non trẻ tập trung vào nhu cầu của khách hàng và giữ giá cả ở mức thấp hơn, dễ kiểm soát hơn. Nó cũng mở ra các cơ hội và lợi thế cho những doanh nghiệp mới. Trong sự gập ghềnh của một thị trường cạnh tranh, không ai được sung sướng đung đưa trên cái phao cứu sinh cả. Nó là lựa chọn giữa bơi hoặc chìm, nên bạn tốt hơn hết phải sẵn sàng vững mái chèo ngay từ khi mới ra khơi.

3. Chọn những tài năng phù hợp

Nếu bạn là một người lãnh đạo giỏi, bạn đã hiểu tầm quan trọng của việc thuê những ứng viên với kiến thức nền, bộ kĩ năng và tính cách phù hợp để làm việc hiệu quả. Nhưng nó không chỉ đơn giản là thuê đúng người; nó là việc tập hợp một đội có thể làm việc cùng nhau, giúp đỡ lẫn nhau, tương trợ nhau khi cần thiết và luôn giữ tâm thế hào hứng, tập trung vào nhiệm vụ gây dựng một công ty khởi nghiệp thành công.

Trong quá trình tuyển dụng, hãy nhớ rằng đây là những người sẽ quyết định sự sinh tồn của công ty bạn, nên hãy cẩn thận và chú ý. Quá trình tuyển dụng sẽ ngốn nhiều thời gian quý giá của doanh nghiệp. Mục tiêu của bạn là tiêu quỹ thời gian ấy thật hợp lý để tránh việc cần tuyển dụng lại trong giai đoạn tới. Thu hẹp phạm vi tìm kiếm bằng cách xác định trước chất lượng ứng viên qua các đoạn quảng cáo được viết cẩn thận trên báo, nói rõ rằng mình đang tìm kiếm kiểu người như thế nào.

Hãy dùng đến sự giới thiệu của người khác. Cho các ứng viên gặp mặt với những thành viên đã có và xem họ phối hợp với nhau như thế nào. Nếu bạn có thể thành lập một đội hình tốt, bạn sẽ tiết kiệm được cả đống tiền và thời gian về lâu dài.

4. Có những kỳ vọng thực hiện được

Công ty khởi nghiệp của bạn đã đạt được những thành công nhất định. Mọi thứ có vẻ khả quan và doanh số bán hàng đang tăng vùn vụt. Bầu trời là giới hạn phải không? Thật dễ để cho rằng doanh nghiệp sẽ tiếp tục vượt quá những kỳ vọng điên rồ nhất của bạn. Đây là thực tế: Những quãng thời gian tươi đẹp không kéo dài mãi mãi đâu.

Kể cả khi mọi thứ dường như đang vận hành hoàn hảo, điều quan trọng là vẫn giữ được lối suy nghĩ cẩn trọng. Nếu bạn cho rằng mọi việc sẽ luôn tốt đẹp, bạn đang tiến dần đến thất bại. Sự sinh tồn đòi hỏi những nỗ lực liên tục và chăm chỉ. Bạn không thể dựa vào thành công trong quá khứ hay tiềm năng phát triển thiếu thực tế được đâu. Dù doanh nghiệp của bạn là gì, bạn cần trong tâm thế sẵn sàng, tiếp tục làm việc không ngừng nghỉ và hiểu rằng kể cả nếu bạn đang phát đạt thì cuộc đua tranh vẫn đang đợi bạn. Thành công thực sự không phải là khi mọi thứ đi theo hướng bạn muốn; nó là những gì bạn làm trong thời gian khó khăn. Đó là cách bạn có thể sinh tồn lâu bền.

5. Tai ương về ngân sách và tài chính

Nếu có một thứ làm phiền lòng hầu hết các doanh nhân khởi nghiệp thì đó là thu nhập. Một công ty trẻ rất dễ lún sâu vào áp lực và căng thẳng về tài chính. Những chi phí và trường hợp khẩn cấp ngoài dự tính sẽ xảy đến. Đôi khi bạn có vẻ lãi trên sổ sách nhưng trong thực tế bạn đang chờ đợi các khách hàng và đối tác trả tiền mình. Điều quan trọng nhất là hầu hết các công ty khởi nghiệp không tạo được nhiều thu nhập mấy - ít nhất là vào thời điểm ban đầu - nên việc trả hóa đơn và tìm cách mở rộng quy mô là những vấn đề tiếp diễn.

Tính toán và dự toán ngân sách cẩn thận là nhân tố chủ chốt để vượt qua trở ngại tài chính ban đầu này. Hãy ghi lại những dự đoán thu nhập và nghĩ ra một kế hoạch tài chính. Biết được những gì mình có thể dự toán về thu nhập và các chi phí sẽ giúp bạn vượt lên và nhìn thấy các vấn đề sớm hơn. Hãy cân nhắc việc đẩy nhanh quá trình kiếm thêm thu nhập bằng cách yêu cầu việc trả các hóa đơn được hoàn thành nhanh hơn. Một lựa chọn khác là yêu cầu khách hàng trả tiền tại chỗ cho sản phẩm hay dịch vụ.

6. Xác định sản phẩm và thị trường trọng tâm

Đối với nhiều doanh nhân mới, việc quyết định tập trung vào loại sản phẩm hay dịch vụ nào là trở ngại lớn đầu tiên trong quá trình gây dựng công ty. Điều này đặc biệt đúng với các doanh nhân kinh doanh thương mại điện tử, họ có thể chật vật để lựa chọn nên tập trung vào thị trường nào.

Một mặt, có quá nhiều thị trường tiềm năng nên rất khó để biết được mình nên đầu tư thời gian và nỗ lực vào cái nào. Mặt khác, tất cả những ý tưởng tốt đều đã được khai thác, vậy mình làm sao để cạnh tranh và nổi bật trong thị trường đông đảo như thế? Giờ là lúc nghiên cứu và suy ngẫm. Dưới đây là vài thứ đáng cân nhắc khi xác định sản phẩm và thị trường:

  • Bạn muốn làm việc với những khách hàng như thế nào?
  • Sở thích, lĩnh vực chuyên môn và kinh nghiệm của bạn là gì? Sản phẩm và thị trường trọng tâm nên đến từ một lĩnh vực bạn thật sự yêu thích.
  • Bạn có thể kiếm tiền từ những xu thế mới nổi nào?

Hãy nhớ rằng dù bạn làm gì cũng nên chú ý tới việc xây dựng một thương hiệu riêng biệt.

7. Hiểu khách hàng của bạn

Có được lòng tin của khách hàng là điều quan trọng nhất trong bất cứ doanh nghiệp nào có ý định xây dựng một nền tảng khách hàng trung thành. Đây là khát vọng của mọi doanh nhân khởi nghiệp. Nhưng vấn đề là: Không doanh nghiệp nào bán được hàng cho tất cả mọi người cả. Không phải ai cũng sẽ hứng thú mua sản phẩm hay sử dụng dịch vụ của bạn. Để thành công, bạn phải biết khách hàng của mình là ai và kết nối với họ như thế nào.

Chỉ biết độ tuổi, giới tính hay trình độ học vấn của khách hàng là chưa đủ. Bạn phải hiểu điều gì tạo động lực cho họ, họ đang khao khát điều gì và cái gì đang cản đường hay thử thách họ. Hãy dành thời gian trao đổi với họ để thực sự cảm nhận được con người họ. Coi như bạn đang tạo ra một nhân bản vô tính của khách hàng, một nhân vật ảo đại diện cho khách hàng lý tưởng. Làm việc này sẽ giúp bạn nhìn nhận khách hàng rõ hơn và xác định họ dễ dàng hơn.

8. Marketing và tạo nên thương hiệu của chính bạn

Mỗi công ty đều có một cá tính riêng. Nó hơn cả một cái logo hay một câu khẩu hiệu bắt tai. Nó là cái đại diện cho doanh nghiệp, cách mà khách hàng nhìn vào doanh nghiệp và những gì thu hút mọi người đến với doanh nghiệp. Nhưng những công ty khởi nghiệp thường bỏ lỡ điều này vì họ coi nhẹ tầm quan trọng của việc quảng cáo và marketing. Marketing, tạo dựng thương hiệu và quảng cáo đóng vai trò to lớn trong việc xây dựng cá tính của doanh nghiệp và hình ảnh mà thế giới bên ngoài sẽ nhìn vào.

Có được bước nhảy lớn trong mảng marketing và tạo dựng thương hiệu sẽ giúp doanh nghiệp có được nét nhận dạng của mình, và điều này có ý nghĩa vô cùng giúp nó nổi bật trong cuộc cạnh tranh. Xây dựng thương hiệu đòi hỏi công ty phải hiểu rõ đối tượng khách hàng và diễn đạt được điều gì làm nó khác biệt hay độc đáo so với những doanh nghiệp khác. Tạo dựng thương hiệu nên là một phần của tầm nhìn khởi nghiệp ngay từ lúc bắt đầu. Nó cũng cho khách hàng một cảm giác là doanh nghiệp này sẽ bền vững.

9. Tầm nhìn và mục tiêu rõ ràng

Nếu có một thứ mà chắc chắn doanh nhân khởi nghiệp nào cũng phải đối mặt thì đó là sự thay đổi liên tục. Nó giống như cố tham gia vào một cuộc thi chạy tiếp sức đường dài dang dở với một đội bạn chưa từng tập luyện cùng. Để chiến thắng, bạn nên biết trước mình đang chạy đến đâu. Hoặc không, bạn đã thua từ trước khi bắt đầu.

Một tầm nhìn xác định là sự thúc đẩy hết sức nhanh chóng để bạn vượt qua vạch đích. Nó cho phép bạn đặt ra những mục tiêu để định hướng con đường mình phải chạy và cách bạn hình dung quá trình trên đường chạy. Một tầm nhìn mạnh với những mục tiêu rõ ràng sẽ là chiến thuật để bạn đạt tới thành công.

Dùng chiến thuật này để phát triển một cấu trúc bên trong vững chắc và bạn sẽ có “cơ bắp” để đến được nơi mình muốn. Bắt đầu bằng việc đưa ra một nhiệm vụ cho thấy doanh nghiệp của bạn có hướng đi và cái bạn mong muốn được thấy khi chạm đích.

10. Sự quản lý thời gian

Trong khi phải đương đầu với vô số quyết định và vấn đề trong quá trình gây dựng công ty, bạn sẽ dễ dàng cảm thấy thời gian như kẻ thù của mình vậy. Đơn giản là không có đủ thời gian để hoàn thành các nhiệm vụ cần làm trong ngày. Học cách quản lý thời gian là vô cùng thiết yếu để theo kịp tiến độ. Làm việc thông minh hơn mà không cần quá nhiều nỗ lực nghe hay đấy, nhưng liệu nó có khả thi không?

Nó có thể thực hiện được, nhưng chỉ khi bạn hoàn toàn tập trung và tìm cách khống chế thời gian, tối đa năng suất và biết giới hạn của mình. Hãy đảm bảo bạn có mục tiêu hàng tuần, thứ gì đó bạn muốn hoàn thành trong tuần làm việc. Giống như xác định mục tiêu chung cho doanh nghiệp giúp bạn thấy được viễn cảnh tổng thể, việc lựa chọn những mục tiêu nhỏ hơn, dễ dàng hơn mỗi tuần để thực hiện sẽ giúp bạn giữ tập trung vào những gì quan trọng.

Cuối cùng, hãy dành thời gian nghỉ ngơi. Co duỗi chân bằng một chút dạo bộ. Một chút thời gian cho đầu óc thư giãn sẽ khiến bạn làm việc hiệu quả hơn. Nó sẽ cho bạn không gian mà bạn cần để đưa ra những quyết định sáng suốt và cho phép bạn trở thành người lãnh đạo tốt nhất có thể.

----------

Tác giả: Deep Patel

Link bài gốc: 10 Obstacles Every Startup Must Overcome to Be Successful

Dịch giả: Bùi Hương Mai - ToMo: Learn Something New

(*) Bản quyền bài viết thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Bùi Hương Mai - Nguồn: ToMo: Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Fanpage ToMo: Learn Something New để cập nhật thông tin bổ ích hàng ngày!

(***) Trở thành CTV, Thực Tập Sinh Part-time để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: http://bit.ly/ToMo-hiring.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

613 lượt xem