Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[ToMo] 13 Cách Hiệu Quả Để Vượt Qua Sự Tự Ti

“Những nghi ngờ chính là kẻ phản bội chúng tôi, và khiến chúng ta đánh mất những điều tốt đẹp mà chúng ta có thể có được, chỉ vì không dám thử.” - William Shakespeare.

Sự tự ti có thể trở thành giọng nói phiền phức và có sức thuyết phục cản trở chúng ta.

Nó khiến bạn ngập ngừng khi đứng trước cơ hội.

Nó khiến việc bắt đầu hay kết thúc các công việc trở nên khó khăn hơn cần thiết.

Đương nhiên, đôi khi nó giúp bạn bình tĩnh nhìn nhận giới hạn của bản thân hay đơn giản là nhận ra những ý tưởng tồi hay chưa chín chắn. Nhưng phần lớn, nó cản trở bạn trong cuộc sống.

Vậy làm sao để giải quyết vấn đề này, làm sao để vượt qua những lúc tự ti ấy để bạn lại có thể bước tiếp một lần nữa?

Trong bài báo này, tôi sẽ đưa ra 13 lời khuyên và thói quen đã giúp tôi giảm bớt đi giọng nói bên trong tiêu cực ấy.

1. Dừng lại ngay cái cảm giác tự ti

Đầu tiên, khi sự tự ti bắt đầu xuất hiện, hãy hành động nhanh chóng. Đừng để chúng vượt quá tầm kiểm soát và đi từ một lời thì thầm trở thành một chuỗi những câu nói làm nản lòng. Thay vào đó, hãy nói lại phần nghi ngờ ấy của bản thân.

Trong đầu bạn, hãy nói hoặc hét lên những thứ kiểu như: Không, không, không, chúng ta sẽ không đi vào vết xe đổ lần nữa.

Bằng cách đó, bạn có thể phá vỡ dòng suy nghĩ và không để cho sự tự ti chiếm ngự.

2. Nhìn vào quá khứ và thả bản thân vào những kỷ niệm

Hãy thành thật với bản thân và hỏi bản thân rằng: Có bao nhiêu lần khi mà mình nghi ngờ bản thân hoặc sợ rằng điều gì đó sẽ xảy ra thì điều tiêu cực thật sự xảy ra ngay cả khi mình đã hành động?

Câu trả lời cho tôi - và cũng có thể là cho bạn - là không thường xuyên chút nào.

Tự ti thường chỉ là con quái vật trong đầu bạn mà suy nghĩ của bạn có thể sử dụng để ngăn cho bạn không tạo ra sự thay đổi và giữ bạn trong vùng an toàn.

Nếu bạn nhìn về quá khứ và thấy xem đã có biết bao nhiêu lần mọi thứ đều tốt đẹp dù cho bạn có nghi ngờ bản thân, thì việc mặc kệ những nghi ngờ ấy sẽ trở nên dễ dàng hơn và bạn sẽ chỉ tập trung vào hành động và kết quả tích cực hơn.

3. Chia sẻ vấn đề này với ai đó

Khi bạn cứ giữ những suy nghĩ trong lòng, chúng có thể trở nên méo mó, bị cường điệu và không hề phù hợp với với thực tế hay những cách lý giải hợp lý.

Điều này cực kỳ đúng đối với những suy nghĩ nghi ngờ bản thân.

Vậy thì hãy bày tỏ những suy nghĩ ấy ra. Hãy nói với ai đó thân cận với bạn về sự tự ti của mình.

Hãy cứ bày tỏ những suy nghĩ ấy ra để bạn nhận ra những suy nghĩ ấy đã bị phóng đại như thế nào. Và bằng cách nói về những nghi ngờ ấy với người ủng hộ bạn, bạn có thể sẽ thay đổi suy nghĩ đấy.

4. Đừng mắc kẹt trong cái bẫy so sánh

Nếu bạn so sánh bản thân mình với người khác quá nhiều, so sánh với những thành công và đặc biệt là cuộc sống nổi bật mà họ chia sẻ trên mạng xã hội, thì sự tự ti sẽ nhanh chóng chiếm ngự.

Cách giải quyết tốt hơn là hãy tự so sánh mình với chính mình. Để xem bạn đã đi xa được đến đâu. Để xem bạn đã vượt qua được những gì.

Và để xem bạn đã tiếp tục tiến lên, thành công và trưởng thành như thế nào.

5. Giữ bên mình một quyển nhật ký

Có một quyển nhật ký bên mình là một thói quen tốt vì nhiều lý do. Khi bạn tự ti, nó có thể giúp bạn:

  • Có một bản ghi chép thực tế về cuộc đời bạn. Và giúp bạn nhớ về những thứ tích cực, những thành công mà bạn đã đạt được và cách bạn vượt qua những trở ngại khi bạn có xu hướng nhớ về những thứ tiêu cực.

  • Dễ dàng có được sự rõ ràng hơn. Bao giờ cũng dễ bớt sợ hãi và nghi hoặc và có được sự rõ ràng nếu vấn đề được đặt ra trên giấy hay tài liệu trên máy tính hơn là cố gắng nhẩm trong đầu. Bằng cách lập ra danh sách những lợi ích và bất cập, điểm lại những suy nghĩ và cảm xúc và những việc tương tự trong quá khứ và bằng cách viết hết những quan điểm khác nhau về vấn đề ấy ra, bạn sẽ dễ tìm ra giải pháp và nhìn nhận vấn đề theo cách rõ ràng và bình tĩnh hơn.

6. Nhớ rằng: người ta không quan đến những gì bạn làm hay nói đến thế

Nếu bạn lo lắng về việc người ta sẽ suy nghĩ và nói gì nếu bạn làm gì đó, thì sự tự ti có thể nhanh chóng trở nên mạnh mẽ hơn và bạn sẽ mắc kẹt với sự trì hoãn và nỗi sợ hãi.

Khi điều đó xảy ra, nhắc nhở bản thân rằng sự thật là người ta không thực sự quan tâm đến thế về những gì bạn làm hay không làm.

Họ đã đủ bận rộn với việc suy nghĩ cho bản thân họ, con cái và thú cưng, công việc và những trận đấu thể thao sắp tới và với việc lo lắng về suy nghĩ của người khác về họ.

7. Những gì người khác làm hay nói có thể không phải về bạn (hoặc về những gì mà bạn nghĩ)

Khi ai đó chỉ trích bạn, bạn dễ bắt đầu nghi ngờ bản thân. Khi ai đó từ chối bạn và bạn không có cuộc hẹn thứ hai sau cuộc hẹn đầu tiên mà bạn nghĩ là đã diễn ra khá suôn sẻ, việc bạn nghi ngờ bản thân không có gì lạ lẫm.

Nhưng nếu như những gì anh ấy hoặc cô ấy nói hay làm không phải thật sự về bạn thì sao?

Có thể người đồng nghiệp nặng lời với bạn đang có một ngày tồi tệ, một tháng tồi tệ hay một cuộc hôn nhân tồi tệ.

Và bạn có thể không có cuộc hẹn thứ hai vì mẹ của người kia đang ốm và anh ấy phải dành sức cho việc đó hoặc bởi vì anh ấy đã liên lạc lại với bạn gái cũ và muốn quay lại với mối quan hệ cũ.

Bạn không biết mọi thứ đang diễn ra với cuộc đời của người khác. Và thế giới không xoay quanh mình bạn. Vậy nên hãy cẩn thận để bản thân bạn không hiểu nhầm và đổ lỗi và tự nghi ngờ bản thân không lý do.

8. Tìm cách để trở nên lạc quan

Hãy để sự nhiệt huyết, động lực và sự lạc quan tích cực của một người khác truyền sang bạn.

Dành 20 phút cho một quyển sách nói, một đoạn podcast hay một cuốn sách khiến bạn cảm thấy như vậy. Đoạn podcast của Tim Ferriss đã giúp tôi trong việc này dạo gần đây và suốt nhiều năm liền, tôi đều nghe sách nói của Brian Tracy để được thúc đẩy.

20 phút này có thể giúp bạn rất nhiều trong việc chuyển những mối nghi ngờ bản thân thành sự lạc quan và thành suy nghĩ tích cực về những thử thách của bạn.

9. Coi khó khăn chỉ là tạm thời

Khi bạn gặp khó khăn, bạn có thể bắt đầu nhìn nhận mọi thứ bằng con mắt tiêu cực và đen tối. Bạn có thể coi sự khó khăn hiện tại là việc bình thường của mình.

Cách nhìn nhận mọi thứ như thế có thể khiến bạn nghĩ rằng có hành động cũng chẳng ích gì.

Vì vậy, thay vào đó hãy:

  • Nhớ rằng: Bạn không phải là một thất bại chỉ vì bạn không làm được. Khó khăn xảy ra với bất kỳ ai nắm lấy cơ hội. Nó đơn giản chỉ là một phần của một cuộc sống có ý nghĩa. Đôi khi mọi thứ diễn ra thuận lợi và đôi khi không phải như thế. Thế nên đừng biến một thất bại thành thứ gì đó to lớn hay biến chúng thành một phần của bạn.

  • Hỏi bản thân: Từ khó khăn này mình sẽ học được gì? Biến những lỗi lầm và thất bại của bạn thành lợi thế của mình và tiến lên một lần nữa một cách thông minh hơn.

10. Mài giũa các kỹ năng của bạn

Giả dụ, nếu bạn thường xuyên nghi ngờ bản thân trước một bài thuyết trình ở trường hay ở nơi làm việc, thì hãy mài giũa kỹ năng thuyết trình của bạn.

Đọc một vài quyển sách về kỹ năng đó và luyện tập ở nhà trước gương hay với một người bạn. Hoặc tham gia vào Toastmasters để có được kinh nghiệm và kiến thức mà bạn cần.

Khi đó bạn sẽ tự tin, thành thạo và thoải mái hơn trong những tình huống như thế.

11. Không tự trách mình

Một cách phổ biến để giải quyết sự tự ti là trở nên tức giận với chính mình và sự thiếu nhạy bén của bản thân. Tự trách bản thân để ép mình cố gắng hơn.

Theo kinh nghiệm của tôi - điều đó không giúp ích gì nhiều.

Tôi thấy rằng trở nên tốt bụng và tích cực khi thấy tự ti là một lựa chọn tốt hơn. Thế nên tôi dùng những từ ngữ tốt đẹp và thấu hiểu với bản thân nhưng tôi cũng tự hỏi bản thân:

Trong tình huống này, tôi có thể bước một bước nhỏ như thế nào?

Sau đó tôi bước một bước nhỏ ấy và từng bước tiến về phía tôi muốn đến.

12. Ăn mừng vì những bước tiến và chiến thắng nhỏ

Khi bạn đã bước một bước nhỏ và bạn đã làm xong, tức là bạn đã chiến thắng. Nó có thể nhỏ nhưng vẫn là một chiến thắng. Vì thế hãy ăn mừng.

Ăn món ăn vặt ngon lành hoặc nấu một món ngon cho bữa tối, dành thời gian cho sở thích của bạn hoặc mua cho bản thân thứ mà bạn đã muốn từ lâu.

Điều này sẽ giúp tái tạo và nạp lại động lực cho bạn và khiến việc hành động trở nên thú vị và vui hơn. Và điều đó sẽ dẹp những nghi ngờ bản thân sang một bên để bạn có thể tiếp tục tiến lên và có được nhiều chiến thắng nhỏ mà lớn hơn.

13. Nhớ rằng: Bạn có thể sửa sai trong suốt quá trình

Cố gắng lập kế hoạch từng bước một sẽ khiến hành trình đạt được mục tiêu và ước mơ trở nên mệt mỏi và dẫn đến một chút tự ti.

Và nó thường không diễn ra suôn sẻ vì những kế hoạch được lên cụ thể nhất thường gặp trục trặc một chút hoặc cần thay đổi khi chúng đối mặt với hiện thực.

Vì vậy hãy chỉ lên kế hoạch sơ lược và bắt đầu hành trình của bạn ngay.

Và hãy nhớ rằng bạn luôn có thể sửa sai trong suốt quá trình tiến đến thứ bạn muốn. Bạn sẽ thấy được mở mang với những kiến thức mới, kinh nghiệm và những nhận xét khi bạn tiếp tục đi trên con đường của mình.

----------

Tác giả: Henrik Edberg

Link bài gốc: 13 Powerful Ways to Overcome Self-Doubt (So You Can Finally Move Forward in Life)

Dịch giả: Phạm Hà Thủy Linh - ToMo: Learn Something New

(*) Bản quyền bài viết thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Phạm Hà Thủy Linh - Nguồn: ToMo: Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Fanpage ToMo: Learn Something New để cập nhật thông tin bổ ích hàng ngày!

(***) Trở thành CTV, Thực Tập Sinh Part-time để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: http://bit.ly/ToMo-hiring.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

494 lượt xem