Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[ToMo] Các Phương Pháp Ghi Chép Để Đạt Hiệu Quả Trong Học Tập

Một vài tuần trước, chúng tôi đã phát hành một bài báo về các phương pháp học tập để hoàn thành xuất sắc bài thi. Trong bài viết đó, tôi có nhắc đến khả năng sẽ viết bài tiếp theo về việc ghi chép, và rất nhiều bạn đã bày tỏ mong muốn tôi làm vậy. Và tôi rất vui lòng chiều theo các bạn. Dưới đây, tôi sẽ cung cấp một vài phương pháp ghi chép cơ bản, những phương pháp mà cá nhân tôi đã sử dụng trong quá trình học vấn. Rất nhiều phương pháp trong số này thì khá là cơ bản - không có “bí quyết” nào trong việc ghi chép hết. Nhưng hy vọng những lời khuyên này sẽ giúp bạn bắt đầu ghi chép có hiệu quả hơn.

Các công cụ ghi chép

Laptop

Với hầu hết các lớp của bạn (đặc biệt là những lớp khoa học xã hội với những bài giảng dài lê thê), tôi khuyên bạn nên ghi chép bằng laptop. Bạn có thể đánh máy nhanh hơn viết tay, nó giúp cho việc sắp xếp các ghi chép trở nên dễ dàng hơn, và ghi chép của bạn sẽ luôn ở trạng thái đọc được thay vì chữ viết tay nguệch ngoạc của bạn.

Dùng chương trình ghi chép. Mặc dù bạn có thể sử dụng trình chỉnh sửa văn bản mặc định hoặc chương trình xử lý ghi chép có sẵn trong máy tính, tôi khuyên bạn nên dùng một chương trình được thiết kế riêng cho ghi chép. Dưới đây là 2 chương trình mà tôi đã sử dụng thành công.

  • Evernote. Tôi dùng Evernote cho việc ghi chép khi còn ở trường Luật. Nếu bạn là sinh viên, tôi thật lòng khuyên bạn hãy dùng nó. Evernote là một ứng dụng ghi chép thiết thực, miễn phí (!) mà cho phép bạn ghi nhớ và sắp xếp mọi thứ mà giảng viên nói. Các ghi chép bạn có trên ứng dụng Evernote trên máy tính tự động đồng bộ với tài khoản Evernote online của bạn. Nếu laptop của bạn bị đơ hoặc bị mất, bạn vẫn sẽ có thể lấy lại được chúng. Nếu bạn muốn viết tay các ghi chép của bạn, nhưng lại muốn lưu chúng bằng kỹ thuật số, Evernote biến điều đó thành có thể. Chỉ cần scan chữ viết tay của bạn vào Evernote, và Evernote sẽ sử dụng ma thuật của công nghệ nhận diện hình ảnh để cho phép bạn tìm những ghi chép viết tay của mình trong ứng dụng. Nó cũng cho bạn ghi âm lời của giảng viên bằng cách sử dụng mic của máy tính (hãy đảm bảo rằng bạn đã hỏi ý kiến của giảng viên trước khi ghi âm).

  • OneNote. OneNote là chương trình ghi chép của Microsoft. Tôi dùng nó khi còn là sinh viên trước khi Evernote xuất hiện. OneNote là một chương trình khá chỉn chu, nhưng nó có một vài thiếu sót. Đầu tiên là giá cả. Bạn phải mua Microsoft Office để có OneNote. Và nó có giá $119. Ghé qua khoa IT ở trường bạn để xem họ có bán MS Office với giá ưu đãi không. Tôi nhớ tôi đã mua nó với giá $20 ở trường Luật. Một vấn đề khác là OneNote không đồng bộ hóa giống Evernote. Vì thế: hãy dùng Evernote.

Học cách đánh máy (nhanh hơn). Nếu như bạn không biết cách đánh máy mà không cần nhìn bàn phím, thì hãy học đi. Nó sẽ khiến việc bắt kịp lời giảng viên trở nên dễ dàng hơn. Có nhiều chương trình online miễn phí dạy bạn cách đánh máy, vậy nên hãy bắt đầu sử dụng chúng đi. Chương trình yêu thích của tôi là keybr.com. Nó hoàn toàn miễn phí. Nếu bạn đã biết cách đánh máy, hãy tập cách đánh nhanh hơn.

Làm quen với những tổ hợp phím. Khi bạn ghi chép trong lớp, bạn chắc hẳn sẽ muốn tô đậm, gạch chân hoặc in nghiêng những chỗ và những chữ nhất định. Thay vì dùng chuột máy tính để di chuyển và click vào nút “Bold” trên thanh công cụ, hãy tiết kiệm thời gian bằng cách dùng những tổ hợp phím.

Sau đây là một số tổ hợp phím và những ai ghi chép tốt đều biết:

Để tô đậm: Control + B (Command+B trên Mac), sau đó đánh những gì bạn muốn tô đậm.

Để gạch chân: Control + U (Command + U trên Mac), sau đó đánh những gì bạn muốn gạch chân.

Để in nghiêng: Control + I (Command + I trên Mac), sau đó đánh những gì bạn muốn in nghiêng.

Để tạo một danh sách gồm các gạch đầu dòng: Phụ thuộc vào chương trình bạn sử dụng-

  • Evernote/OneNote: Control + Shift + U (Command+Shift+U trên Mac)

  • Word: Control + Shift + L (Command+Shift+L trên Mac)

Để tạo một danh sách được đánh số đầu dòng: Phụ thuộc vào chương trình bạn sử dụng-

  • Evernote/OneNote: Control + Shift + O (Command+Shift+O trên Mac)

  • Word: Control + Alt + L

Để tìm đoạn văn bản: Control + F (Command+F trên Mac). Cái này rất tiện lợi mỗi khi bạn đọc lại ghi chép và muốn tìm những ví dụ về chủ đề cụ thể.

Sử dụng các chương trình mở rộng văn bản. Nếu bạn thấy mình đang viết đi viết lại những cụm từ hoặc từ cụ thể, hãy tự tiết kiệm thời gian bằng cách sử dụng một chương trình mở rộng văn bản. Các chương trình mở rộng văn bản cho phép bạn ấn định những phím được cài đặt sẵn thành những từ hoặc cụm từ hoàn chỉnh. Mỗi khi bạn đánh những phím ấy ra, trình mở rộng văn bản sẽ cho ra từ hoặc cụm từ hoàn chỉnh.

Ví dụ, khi tôi dùng Torts trong năm đầu ở trường Luật, thay vì phải viết cả cụm “cố ý gây thương tổn về mặt cảm xúc” mỗi khi giảng viên nhắc đến, tôi cài đặt trình mở rộng văn bản để mỗi khi tôi viết “cygttvmcx”, kết quả sẽ là “cố ý gây thương tổn về mặt cảm xúc”. Khá hay, phải không?

Sau đây là những chương trình mở rộng văn bản cho các hệ điều hành hiện nay:

  • PhraseExpress (Windows 7)

  • Texter (Mọi phiên bản Windows)

  • TextExpander (Mac)

  • AutoKey (Linux)

  • AutoHotKey (Windows/Mac/Linus)

Giấy bút

Để ngăn sinh viên không lướt web trong lớp và ép họ thực sự tập trung, một vài giảng viên bắt đầu cấm sử dụng laptop trong lớp. Nếu bạn ở trong những lớp này, bạn sẽ cần phải sử dụng đến công cụ ghi chép từ thời ông bà bố mẹ: giấy và bút.

Kể cả giảng viên của bạn không cấm dùng laptop, có vài lớp mà ở đó ghi chép bằng tay thật sự có hiệu quả hơn. Những lớp nặng về số liệu, phương trình, hoặc công thức, hóa học, vật lý, kinh tế, logic tượng trưng,... - phù hợp nhất với việc ghi chép tay. Quá khó để đánh máy những thứ đó bằng bàn phím. Tôi cũng thấy rằng giấy bút hiệu quả đối với các lớp ngôn ngữ. Thường thường bạn sẽ chép bảng chia động từ từ trên bảng, và viết tay sẽ dễ hơn là đánh máy.

Mỗi lớp một quyển vở riêng. Hãy có vở riêng cho từng môn. Nó giữ cho mọi thứ được gọn gàng. Thêm nữa, nếu bạn giữ hết các ghi chép trong cùng một quyển và bạn làm mất quyển vở đó, bạn sẽ khá là đau đầu đấy.

Viết sạch sẽ. Nếu bạn định viết tay, chắc chắn rằng bạn có thể đọc lại sau này. Cách viết rất quan trọng đấy.

Trước khi lên lớp: Chuẩn bị để ghi chép có hiệu quả

Đọc trước phần được giao về nhà. Cách tốt nhất để chuẩn bị lên lớp đơn giản là đọc trước phần được giao về nhà. Làm quen với tài liệu sẽ giúp bạn hiểu được bài giảng của giảng viên và nắm được những ý quan trọng. Khi bạn đọc, hãy ghi lại những chỗ mà bạn nghĩ là ý chính. Highlight, gạch chân, và viết vào lề sách. Hãy viết vào đó những câu hỏi xuất hiện trong lúc bạn đọc.

Đến lớp trước 10 phút và xem lại phần được giao về nhà và những ghi chép từ buổi trước. Hãy cố đến lớp sớm vài phút. Ngồi bàn đầu và chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ. Đọc lướt qua phần được giao về nhà và những ghi chép bạn có. Viết ra bất kỳ câu hỏi nào bạn có trong lúc đọc mà bạn hy vọng sẽ được giải đáp trong bài giảng.

Tắt wifi hoặc chặn Internet. Lướt Reddit trong lớp không giúp bạn tập trung đâu. Hãy tắt wifi hoặc dùng một trong các công cụ chặn Internet nhé.

Trong lớp: Những thứ cần ghi chép

Chỉ viết những ý chính trong bài giảng. Đừng viết hết mọi thứ! Mục tiêu của bạn không phải chép lại từng từ trong bài giảng của giảng viên, mà là trích ra và ghi chép những ý chính. Mẹo nhỏ để ghi chép có hiệu quả là học cách chọn lọc. Giảng viên của bạn có thể sẽ nói những thứ sẽ không xuất hiện trong bài thi. Bạn sẽ không muốn phí phạm thời gian viết và học thông tin mà bạn sẽ không bị kiểm tra đâu.

Vậy làm sao để biết đâu là ý chính trong bài giảng? Chú ý đến những gợi ý mà giảng viên của bạn đưa ra vô tình hay cố ý. Sau đây là một vài gợi ý mà giảng viên có thể đưa ra trong bài giảng. Mỗi khi thấy chúng, chắc chắn là chúng quan trọng đấy, nên hãy viết ra nhé.

  1. Mỗi khi giảng viên nói, “Các bạn cần phải biết điều này”, hoặc “Phần này sẽ có trong đề thi đấy”.

  2. Mỗi khi giảng viên lặp đi lặp lại một phần.

  3. Bất cứ thứ gì giảng viên viết trên bảng hoặc có trong slide Powerpoint.

  4. Bất cứ thứ gì giảng viên lặp đi lặp lại thật chậm để sinh viên có thể ghi từng từ một.

  5. Nếu giảng viên bắt đầu nói nhanh hơn, hoặc to hơn, hoặc nhấn mạnh hơn.

  6. Chú ý ngôn ngữ thể hiện mối quan hệ giữa các ý. Những ý này là chỗ mà các giảng viên khai thác câu hỏi trong đề thi:

  • Đầu tiên, thứ hai, thứ ba

  • Đặc biệt, quan trọng nhất

  • Tuy nhiên, mặt khác

  • Vì, vì vậy

Viết phần tóm tắt của giảng viên cuối buổi và phần nhắc lại kiến thức ở đầu buổi. Ở cuối buổi, giảng viên thường tóm tắt những ý chính. Hãy ghi chép lại phần đó. Giảng viên của bạn về cơ bản đang nói cho bạn biết những ý chính mà họ muốn bạn nắm được. Ở đầu buổi tiếp theo, giảng viên của bạn có thể nhắc lại nhanh về buổi trước và sau đó nói qua về mối liên hệ giữa kiến thức buổi trước và buổi này. Hãy ghi chép lại nhé.

Ghi lại ví dụ hoặc giả thuyết mà giảng viên đưa ra trong lớp. Điều này cực kỳ quan trọng cho các lớp toán và khoa học. Còn nữa, nếu bạn học ở trường Luật, hãy ghi lại bất kỳ vấn đề giả thuyết nào mà giảng viên nói. Bạn có thể sẽ thấy giả thuyết tương tự trong bài thi.

Nếu bạn không hiểu chỗ nào, ghi lại, và đợi tan lớp thì hỏi. Nếu bạn lỡ mất một ý, ghi lại để nhắc bản thân sẽ hỏi lại giảng viên sau khi tan học. Hãy thể hiện sự tôn trọng đối với giảng viên và các bạn trong lớp.

Sau khi tan lớp: Đọc lại, làm rõ, và tổng hợp

Đọc lại và làm rõ các ghi chép ngay sau khi tan học. Sắp xếp thời gian biểu để bạn có chút thời gian ngay sau mỗi lớp để đọc lại ghi chép. Trong thời gian này, đọc qua các ghi chép và hãy chắc chắn là bạn thật sự hiểu những gì mình ghi lại. Tôi không biết đã bao nhiêu lần tôi ghi chép trong lớp rồi sau đó lại gãi đầu tự hỏi, “Thế này là thế quái nào nhỉ?” Nếu bạn không hiểu ghi chép của mình, làm rõ nó bằng cách đọc lại tài liệu hoặc hỏi bạn cùng lớp hoặc giảng viên. Đọc lại ghi chép sau giờ học cũng giúp bạn trong việc ghi nhớ.

Tổng hợp các ghi chép thành một đề cương. Trong số các bình luận trong bài về phương pháp học tập, có người hỏi tôi “tổng hợp các ghi chép” nghĩa là gì. Nó đơn giản là kết hợp bài giảng và những ghi chép của bạn thành một thể chặt chẽ. Việc này khó hơn bạn nghĩ rất nhiều. Nó yêu cầu bạn phải xem nhiều thông tin khác nhau, tìm ra những ý chính và chúng liên quan đến nhau như thế nào, và sắp xếp chúng theo cách dễ hiểu.

Một trong những cách tổng hợp ghi chép tốt nhất là làm đề cương. Việc tạo đề cương ép bạn phải kết hợp tất cả các ghi chép thành một khối tương ứng.

Cách ghi chép

Suốt nhiều năm, các giảng viên và chuyên gia học tập đã đề ra nhiều cách ghi chép để giúp sinh viên sắp xếp các ghi chép. Tôi đã thử hết các cách, nhưng tôi thường quay trở về cách thông dụng của mình. Dưới đây là tóm tắt nhanh những phương pháp ghi chép hiện có. Thử trải nghiệm chúng và dùng phương pháp nào hiệu quả đối với bạn.

Phương pháp dàn ý thô

Cách ghi chép điển hình của tôi là đơn giản tạo ra dàn ý thô của bài giảng sử dụng gạch đầu dòng. Nếu có ý nhỏ hơn, tôi sẽ ấn “tab” và tạo ra một danh sách có tổ chức. Tôi sẽ tô đậm hoặc gạch chân các ý quan trọng. Nó không phải là phương pháp ghi chép phức tạp nhất, nhưng nó hiệu quả với tôi. Cách này giúp cho việc sắp xếp ghi chép thành một bản đề cương cuối cùng trở nên dễ dàng hơn.

Ghi chép theo phương pháp Cornell

Hệ thống ghi chép này được phát triển vào những năm 1950 bởi giảng viên Đại học Cornell, Walter Pauk. Nó là một cách sắp xếp các ghi chép để khiến việc đọc lại dễ dàng và hiệu quả hơn. Đây là cách bạn làm.

Chia trang vở thành 2 cột. Cột bên trái là cột “Từ khóa” và cột bên phải là “Ghi chú”. Bên dưới 2 cột đó, để 1 phần gọi là “Tóm tắt”. Nó sẽ trông như thế này:

Trong lớp, ghi chép ở cột “Ghi chú”. Ghi chép như bạn vẫn làm. Một lần nữa, mục tiêu là ghi lại những lập luận có nghĩa và ý chính của bài giảng.

Sau buổi học, ghi những từ khóa vào cột “Từ khóa”. Ngay sau buổi học, đọc lại các ghi chép ở cột “Ghi chú”. Cố gắng tổng kết mỗi dòng hoặc mỗi phần thành một từ khóa. Viết từ khóa đó vào cột “Từ khóa” ở bên trái. Ví dụ, nếu bạn có một đoạn văn ở cột “Ghi chú” về Bộ luật quyền công dân năm 1961, thì ở cột “Từ khóa”, bạn sẽ viết “Bộ luật quyền công dân năm 1961”.

Kiểm tra trí nhớ bằng cột “Từ khóa”. Che cột “Ghi chú” bằng một tờ giấy, nhưng để cột “Từ khóa” vẫn nhìn thấy được. Nhìn vào những từ khóa đó, cố gắng nhớ lại càng nhiều ghi chép càng tốt. Nói to nếu bạn muốn hoặc chỉ viết ra những gì bạn nhớ. Khi đã xong, mở cột “Ghi chú” để xác nhận những gì bạn đã nói hoặc viết. Đây là cách để ghi nhớ thông tin.

Viết một bản tóm tắt ngắn gọn. Khi bạn đã xong với việc kiểm tra trí nhớ, viết một bản tóm tắt ngắn gọn những ghi chép trong ngày ở phần “Tóm tắt”.

Nếu bạn dùng máy tính để ghi chép, bạn có thể download template cho cách ghi chép Cornell. Tìm trên google “Cornell Notes template” và chọn cái bạn thích.

Sơ đồ tư duy

Sơ đồ tư duy là dạng ghi chép hình ảnh. Thay vì đánh máy hay viết các câu theo dạng dòng, với sơ đồ tư duy, bạn vẽ các ghi chép của mình. Những người ủng hộ sơ đồ tư duy nói rằng dạng không dòng, mang tính hình ảnh của sơ đồ tư duy cho phép sinh viên tìm ra các mối liên hệ mà họ có thể bỏ lỡ nếu dùng phương pháp ghi chép thông thường. Còn nữa, vì sơ đồ tư duy là một hoạt động sáng tạo, bằng cách dùng cả bán cầu não trái và phải, việc ghi nhớ sẽ được cải thiện (một nhận định mà một số nhà nghiên cứu về não đang tranh cãi).

Để lập được sơ đồ tư duy của một bài giảng, đơn giản là bạn viết chủ đề chính của bài giảng vào giữa tờ giấy. Khi giảng viên nói về ý mới, viết chúng xung quanh chủ đề chính. Vẽ các đường để liên kết các ý khác nhau. Hãy thoải mái vẽ các hình ảnh thay vì viết chữ. Dù sao thì sơ đồ tư duy cũng là một hoạt động sáng tạo.

Đây là một ví dụ đầy màu sắc của sơ đồ tư duy bởi Philip Chambers:

Tôi biết có những người cực thích sơ đồ tư duy. Tôi đã thử vài lần trong quá trình học vấn, nhưng không bao giờ thấy nó có ích trong việc ghi chép. Tôi sẽ lại bỏ lỡ một vài ý quan trọng vì tôi quá mải mê vẽ và liên kết các ý. Thêm nữa, dạng không dòng khiến cho việc sắp xếp các ghi chép trở nên khó khăn.

Phương pháp lập bảng

Nếu bài giảng của giảng viên tập trung vào việc so sánh 2 hoặc nhiều ý, bạn có thể cân nhắc phương pháp lập bảng. Tạo bảng với chương trình ghi chép mà bạn đang dùng. Có bao nhiêu đề mục thì hãy lập bấy nhiêu cột. Đặt tên mỗi cột với một đề mục. Khi bạn nghe giảng, ghi chép dưới đề mục phù hợp.

Vậy là bạn đã có các mẹo ghi chép của tôi. Tôi muốn nghe thêm những phương pháp ghi chép từ các học giả ngoài kia!

----------

Tác giả: Brett & Kate McKay

Link bài gốc: Write This Down: Note-Taking Strategies for Academic Success

Dịch giả: Phạm Hà Thủy Linh - ToMo: Learn Something New

(*) Bản quyền bài viết thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Phạm Hà Thủy Linh - Nguồn: ToMo: Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Fanpage ToMo: Learn Something New để cập nhật thông tin bổ ích hàng ngày!

(***) Trở thành CTV, Thực Tập Sinh Part-time để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: http://bit.ly/ToMo-hiring.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,482 lượt xem