Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[ToMo] Cách Khởi Nghiệp Trong Ngành Ứng Dụng Di Động Đem Lại Nhiều Lợi Nhuận

Sự phát triển nhanh chóng của các thiết bị di động đã thay đổi nền công nghệ số một lần và mãi mãi. Theo như Smart Insights, 70% người dùng điện thoại lướt Internet trên đó và dành khoảng 87 giờ một tháng cho việc này. Những trang web thiết kế dành cho điện thoại không còn là một lựa chọn nữa; nếu trang web đó không có chế độ xem trên điện thoại, nó sẽ mất đi một thị trường to lớn.

Trong năm vừa qua, theo như App Annie, người dùng điện thoại trên toàn thế giới đã dành hơn 900 tỉ giờ đồng hồ để sử dụng các ứng dụng; nghĩa là mỗi người đã đóng góp ít nhất 2 giờ mỗi ngày vào số liệu này. Nguồn thu nhập mà các ứng dụng điện thoại kiếm được đã tăng 40%, riêng những ứng dụng không dùng cho giải trí đã thu được 7 tỉ đô la. Các con số vẫn đang tiếp tục tăng và không có dấu hiệu dừng lại hay giảm đi.

Điện thoại di động đã trở thành một phần quan trọng trong thế giới của ta và không có gì ngạc nhiên khi thấy các doanh nghiệp thiết bị di động liên tục mọc lên ở mọi nơi. Một số thử nghiệm với chính người dân, số khác cố gắng giới thiệu những dịch vụ mới lạ của mình tới hàng ngàn công ty toàn cầu.

Phần nan giải nhất của phép tính là tìm câu trả lời cho câu hỏi sau: làm thế nào để thành công?

Thật không may mắn là rất ít hãng ứng dụng điện thoại thất bại ngay từ đầu. Có một số ứng dụng có thu nhập ít hơn $500 một tháng. Quan trọng là bạn cần biết những yếu tố sẽ giúp bạn tiến càng xa càng tốt. Dưới đây là vài đặc điểm của những công ty khởi nghiệp thành công.

1. Kể cả những người dùng ít kinh nghiệm nhất cũng nên sử dụng được ứng dụng

Tất nhiên, có những người có thể sử dụng thành thạo mọi tính năng trong điện thoại của mình, nhưng bạn không thể đầu tư vào nhóm người này được. Một lượng lớn người dùng điện thoại hàng ngày nhưng chỉ biết vài chức năng cơ bản và mọi thứ khác sẽ là vấn đề đối với họ.

2. Bạn phải làm cho trải nghiệm của người dùng đơn giản và hài lòng hết mức có thể

Người dùng điện thoại sẽ không mấy vui vẻ nếu phải bỏ thời gian ra để làm quen với ứng dụng đâu, họ đã tốn thời gian download và chỉ muốn dùng ngay thôi. Có quá nhiều ứng dụng trên thị trường, bạn không thể để quá trình tập sử dụng ứng dụng làm giảm lượng người tiêu dùng được.

Hãy giúp họ bắt đầu sử dụng ngay, thiết kế một giao diện thân thiện với người dùng, thêm vào vài chỉ dẫn. Bằng mọi giá phải tránh những điểm khó khăn trong sử dụng. Ứng dụng của bạn được tạo ra để khiến cuộc sống con người trở nên dễ dàng và vui vẻ hơn chứ không phải thêm bực mình.

3. Tìm hiểu đối tượng khách hàng

Chỉ một ý tưởng tuyệt vời thôi không bao giờ là đủ. Dịch vụ hay ứng dụng của bạn có rẻ và tiện dụng hơn cái của đối thủ không? Ai sẽ trả tiền để có được nó? Bạn thu hút khách hàng mới như thế nào? Công ty khởi nghiệp thành công về phần mềm điện thoại luôn hiểu rõ khách hàng của mình, thị trường mà mình nhắm đến và biết được thị trường ấy phụ thuộc vào ai.

Vào năm 2007, khi ngành sản xuất điện thoại thông minh bắt đầu phát triển, một nhà đầu tư tên Mark Andressen đã nói rằng quy mô của thị trường là nhân tố quyết định sự thành công của một công ty khởi nghiệp. Khi thị trường đủ rộng, khách hàng sẽ trung thành với bạn. Nghĩa là đội ngũ của công ty sẽ có thời gian điều chỉnh sản phẩm và vị trí trên thị trường kịp thời gian - nếu nó đã nhận được sự yêu thích của khách hàng ngay từ thời kỳ đầu tiên.

4. Bạn không thể làm tất cả vui vẻ - và bạn không cần làm thế

Xin hãy nhớ rằng ứng dụng của bạn không thể được coi là lý tưởng với tất cả mọi người được. Chỉ cần cố gắng hết sức để đáp ứng nhu cầu đối tượng khách hàng của bạn. Luôn giữ một chân dung khách hàng trong đầu khi đưa ra những quyết định quan trọng có liên quan tới sự phát triển ứng dụng. Đừng hướng tới mọi đối tượng có thể download nó, tập trung vào khách hàng tiềm năng và khiến người ta hài lòng thôi.

5. Phản hồi là rất quan trọng

Bạn có khách hàng chứ? Thật tốt nếu bạn có, nhưng chắc chắn bạn sẽ muốn có nhiều hơn. Bạn có lắng nghe họ sau khi đã bán được ứng dụng không? Bạn có lắng những gì họ phàn nàn với bên chăm sóc khách hàng không? Họ không hài lòng về cái gì? Bạn có thể làm gì để cải thiện nó?

Trò chuyện và lắng nghe khách hàng là điều vô cùng quan trọng. Thu thập, phân tích và thực hành dựa trên các phản hồi là yếu tố chủ chốt dẫn tới thành công. Ví dụ như CleverTap có chức năng giúp nhà sản xuất liên hệ với người dùng. Thậm chí họ có thể gửi những tin nhắn được viết riêng cho từng người một.

6. Học hỏi từ khách hàng

Mạng Internet đầy rẫy những người có ý kiến về tất cả mọi thứ. Nếu họ không thích cái gì đó, họ sẽ không ngần ngại nói với bạn, kể cả bạn không muốn nghe đi chăng nữa. Tuy nhiên, đây là một trong những cách hiệu quả nhất để cải thiện sản phẩm của bạn.

Hãy lắng nghe người ta phê bình, dù đôi khi có thể hơi khó chịu. Đừng quên là bạn sẽ luôn bị chỉ trích nhiều hơn là được khen ngợi, và điều đó hoàn toàn tự nhiên. Đấy là lý do tại sao chúng tôi khuyên bạn nên luôn hỏi người dùng về phản hồi của họ, dù tích cực hay tiêu cực thì nó cũng cho mọi người thấy rằng bạn thực sự quan tâm đến nhưng gì mình làm.

7. Tìm hiểu các đối thủ cạnh tranh

Điều đầu tiên bạn cần làm trước khi bắt đầu bất kì dự án nào là tìm hiểu thị trường và những đối thủ quan trọng nhất của bạn. Nếu đã có một phiên bản của ứng dụng nào đó mà mọi người dùng và thích thì bạn nên học hỏi từ nó. Kiểm tra kĩ ý tưởng của mình để đảm bảo rằng những tiện nghi của bạn là độc nhất và người ta sẽ muốn sử dụng. Nó thậm chí có thể là cái gì đó mà các đồng nghiệp của bạn đã và đang phát triển, nhưng chính sự khác biệt về quan điểm sẽ đưa bạn tiến lên trước họ.

8. Tập trung vào một thứ gì đó và làm tốt hơn bất kì ai khác

Vài người muốn ứng dụng của họ nhìn như một phiên bản cho điện thoại di động của trang web mà họ đã có, với tất cả tính năng và đặc điểm tương tự. Đôi khi đó không phải là lựa chọn đúng đắn nhất vì ứng dụng thường không thể là mọi thứ cùng lúc được. Ví dụ, Facebook đã dần dần biến các dịch vụ của nó thành các ứng dụng riêng biệt, như điều đã xảy ra với Messenger. Tập trung nỗ lực vào một đặc điểm một lúc sẽ giúp bạn phát triển chuyên môn trong lĩnh vực này và đưa ra một giải pháp xuất sắc.

9. Luôn nhắm tới sự cải thiện

Uber có thể là công ty khởi nghiệp về ứng dụng di động thành công nhất trong vài năm qua. Ý tưởng cung cấp dịch vụ taxi với nhiều người làm hợp đồng tự do khác nhau không phải là mới. Tuy nhiên, trải nghiệm tuyệt vời mà mỗi người sử dụng có được, quy mô tối ưu và những điều khoản linh hoạt đã đưa nó lên vị trí số 1 trên thị trường, và điều đó sẽ không thể xảy ra nếu thiếu đi công lao của những kĩ sư tuyệt vời, những chuyên gia marketing và những nhà quản lý.

Khởi điểm từ một ứng dụng đơn giản để kết nối tài xế lái taxi và hành khách, Uber đã trở thành một dịch vụ mà ai cũng có thể bắt taxi từ bất cứ nơi đâu họ muốn và còn là một nhà cung cấp việc làm lý tưởng nơi ai cũng có thể bắt đầu công việc của riêng mình. Uber cũng đang dần dần tiếp tục cải thiện quá trình trả tiền, hệ thống đánh giá, bản đồ và các thông báo. Nó đã chứng tỏ rằng kể cả khi bạn không phải là người tiên phong, bạn vẫn có thể đạt được rất nhiều nếu liên tục cải thiện.

10. Không bao giờ ngưng học hỏi

Một công ty khởi nghiệp về ứng dụng điện thoại nên luôn luôn học hỏi. Đảm bảo rằng bạn phải thuê những người háo hức tiếp nhận kiến thức mỗi ngày, và những dịch vụ như iTunes U, Khan Academy hay Udacity sẽ lo phần còn lại. Nhưng nên luôn có khát khao tìm được những giải pháp mới, khả năng học và sử dụng những kĩ năng mới. Điều này sẽ tạo nên sự khác biệt to lớn giữa những sản phẩm tầm thường và nổi bật.

11. Đừng vung tiền quá trán

Dù cho bạn có một sự hỗ trợ tài chính vững chắc, quan trọng là bạn không được vượt quá giới hạn kinh tế của mình. Như thế bạn sẽ có thể linh hoạt thay đổi lộ trình và phát triển lâu bền dưới mọi hoàn cảnh. Bạn chỉ nên tiêu tiền vào những gì bạn thực sự cần để thành công, và dùng số tiền còn lại cho việc quảng cáo, nó sẽ tăng thêm lợi nhuận cho bạn. Việc áp dụng những công nghệ mới luôn đầy cám dỗ, nhưng bạn phải đảm bảo là nó hợp lý. Ngày nay có vô số giải pháp cho các lĩnh vực như marketing, xây dựng thương hiệu hay quản lý dự án…

12. Gắn bó chặt chẽ

Những công nghệ hiện đại tạo điều kiện cho những chuyên gia hàng đầu thế giới làm việc cho công ty của bạn mà không cần rời khỏi nơi họ đang ở, đây là một lợi thế rất lớn trong kỷ nguyên số. Nhưng bạn phải luôn giữ liên hệ thường xuyên với họ, nên đừng quên cài đặt những công cụ sử dụng cho việc quản lý như Slack hay Messenger và Skype để đảm bảo mọi người làm việc như một tập thể và hoàn thành đúng deadlines.

13. Đi tìm cảm hứng

Để gây dựng sự nghiệp từ tay không và làm nó thành công, bạn sẽ cần kiến thức, làm việc chăm chỉ và cả đống thời gian, đương nhiên là cả nguồn cảm hứng để tiếp tục nữa. Hãy đi tìm cảm hứng, nghe những bài phát biểu của những người đã thay đổi cục diện thế giới, hẹn khách hàng ăn trưa ngoài văn phòng, đi du lịch vào cuối tuần. Luôn cởi mở với những ý tưởng mới, vì việc tiếp tục là hết sức quan trọng.

Hãy nhớ rằng không có phép màu nào để xây dựng một ứng dụng mang lại lợi nhuận, nhưng bạn chắc chắn có thể tăng thêm cơ hội bằng cách làm những việc sau:

13.1. Đặt tầm nhìn cụ thể và đối tượng của nó. Tìm xem những ai cần một ứng dụng nhưng không tìm thấy cái nào với chức năng mà họ cần. Rồi tạo ra một ứng dụng cho họ.

  • Theo dõi mọi thứ. Trở thành một chuyên gia phân tích.

  • Đừng cho hiện quảng cáo ngay từ ban đầu. Hãy để mọi người yêu thích ứng dụng của bạn đã. Đừng khiến họ phải xóa ứng dụng đi chỉ vì những quảng cáo khó chịu cứ liên tục hiện lên màn hình ngay từ lúc đầu; bạn nên kiếm đủ số lượng người sử dụng để tạo ra lợi nhuận đã. Bạn cần ít nhất 400-600 lượt download mỗi ngày.

  • Chú ý đến những gì đang phổ biến và thịnh hành, bạn cần biết chính xác khách hàng của mình cần gì. Bạn không muốn phải bỏ ra hàng tháng trời phát triển một ứng dụng để rồi nhận ra chẳng ai hứng thú với nó cả đâu.

  • Bạn có thể bắt chước gì đó từ những người khác, nhưng chỉ để khiến cho ứng dụng của bạn tốt hơn - 4 triệu ứng dụng trong các cửa hàng ứng dụng không thể cái nào cũng độc nhất vô nhị được. Dù bạn làm gì đi nữa thì cũng hãy chắc chắn rằng bạn làm tốt và đúng. Ngày nay để đào sâu vào thị trường không phải dễ, nhưng đó là cách duy nhất để tiến lên.

13.2. Kiểm chứng với khách hàng vô cùng quan trọng. Đừng để bất cứ thứ gì ngoài vòng quan tâm của bạn: cái tên, những bức ảnh chụp màn hình, những câu miêu tả và thiết kế. Đừng chỉ dựa vào trực giác mà hãy kiểm tra mọi thứ.

  • Hãy áp dụng phương án mua sắm trong ứng dụng nếu cần thiết. Hiện nay lựa chọn này khá phổ biến.

  • Luôn có mục “liên hệ với chúng tôi”. Người dùng phải có một phương thức để trao đổi, hoặc không bạn sẽ nhận được nhiều phản hồi 1 sao hơn bạn tưởng.

  • Đừng đánh giá thấp sức mạnh của marketing. Một chiến dịch PR hiệu quả có thể đưa bạn đến thành công.

  • Tối ưu hóa mọi thứ, đây là cách để bạn làm ít hơn nhưng nhận được nhiều hơn. Hãy nhớ lấy.

Và điều quan trọng nhất là: Hãy hành động. Thử nghiệm. Sáng tạo. Đây là con đường duy nhất tới thành công.

----------

Tác giả: Roman Bozhenko

Link bài gốc: Building A Profitable Mobile Startup

Dịch giả: Bùi Hương Mai - ToMo: Learn Something New

(*) Bản quyền bài viết thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Bùi Hương Mai - Nguồn: ToMo: Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Fanpage ToMo: Learn Something New để cập nhật thông tin bổ ích hàng ngày!

(***) Trở thành CTV, Thực Tập Sinh Part-time để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: http://bit.ly/ToMo-hiring.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

478 lượt xem