Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[ToMo] Hãy Ghen Tị Một Cách Thông Minh Hơn!

Nhiều tháng sau khi bỏ việc, tôi nhận được tin một đồng nghiệp cũ vừa được thăng chức. “Tốt cho cô ấy”, tôi nói khi nghe tin này. Thật ra, tôi đã ghen tị. Tôi luôn cảm thấy một sự cạnh tranh giữa hai chúng tôi, và kể cả sau khi nghỉ việc, tôi vẫn cảm thấy đối thủ càng đạt được nhiều thành công thì tôi càng ít nhận được gì. Trong hầu hết mọi công việc tôi đã có, tôi đều mường tượng ra một đối thủ bí mật cho bản thân, mục tiêu thầm lặng cho sự ghen tuông của tôi. Tôi luôn luôn so sánh. Sự ghen tị cũng giống như xem lại những bức ảnh cũ sau một cuộc chia tay: mình biết là như vậy không tốt, nhưng chìm đắm vào sự tiêu cực lại cảm thấy thật thoải mái theo cách nào đó. Trong khi đó, đối thủ của tôi lại không hề biết về sự cạnh tranh ngầm giữa chúng tôi.

Hoặc cô ta có biết. Có thể sự cạnh tranh mà tôi cảm thấy đến từ việc những người xung quanh tôi cũng đang ghen tị. Có thể, giống như tôi, họ cũng luôn so sánh. Dù sao ghen tị cũng là một phần của con người và nó thậm chí là một cơ chế sinh tồn qua quá trình tiến hóa. Tiến sĩ Lauren Appio, một nhà tâm lý học tại Manhattan đã nói: “Tất cả cảm xúc của chúng ta đều phát triển để định hướng bản thân tới những thứ quan trọng xảy ra xung quanh ta và cho phép chúng ta giao tiếp với người khác. Từ quan điểm của một người sống sót, nếu chúng ta không có đủ thức ăn hay những thứ thiết yếu, sự ghen tị sẽ là động lực cho ta chiến đấu giành lấy công bằng.” Có một sự khác biệt quan trọng giữa ghen tị và đố kị. Cả hai đều có thể là xấu tính, nhưng với một chút tự ý thức về bản thân, bạn có thể kiểm soát chúng - hoặc hơn nữa là biến chúng thành lợi thế.

Hiểu cách sự ghen tị hoạt động

Ta thường dùng các cụm từ “ghen tị” và “đố kị” như là đồng nghĩa với nhau, nhưng có một sự khác biệt rõ ràng giữa hai khái niệm, và sự đố kị thiên về nỗi sợ sự khan hiếm. Ta cảm thấy ghen tị khi người khác có gì đó mà ta muốn; ta cảm thấy đố kị khi ta sợ mất đi những gì mình đang sở hữu.

Appio cho rằng: “Nếu ta tin rằng các nguồn tài nguyên là có hạn, ta sẽ giữ chặt hơn những gì mình có hoặc hoảng sợ khi thấy người khác có được những cái mình cần và muốn. Ta tự hỏi ‘Liệu có còn đủ cho mình không? Mình sẽ làm gì nếu không có đủ những thứ mình cần? Mình sẽ làm gì nếu mất đi những gì mình có?’”

Nhiều nhà tâm lý học đã gắn cách nghĩ này với cái tên “lối suy nghĩ sợ sự khan hiếm”. Nói đơn giản, đó là nỗi sợ rằng không có đủ thứ gì đó cho mình - chẳng hạn như sự ca ngợi trong công việc. Appio giải thích rằng: “Nếu ta bị tắc trong lối suy nghĩ kinh khủng này, ta sẽ bắt đầu hành xử như hạnh phúc và thành công trong tương lai phụ thuộc hoàn toàn vào một người hay một thứ nhất định.” Với tầm nhìn hạn hẹp như vậy, sự ghen tị có thể dễ dàng biến thành đố kị bởi nó thu hẹp góc nhìn của chúng ta và tạo ra một cảm giác khan hiếm. Appio nói: “Việc duy trì lối suy nghĩ sợ sự khan hiếm có thể đẩy mạnh sự ghen tị và đố kị, và chúng sẽ củng cố tiếp cho lối suy nghĩ sợ sự khan hiếm ấy. Đây là một mối quan hệ hai chiều.”

Nhưng với sự ghen tị lành tính - kiểu ghen tị chưa bị tha hóa thành đố kị - bạn đơn giản chỉ nhìn vào những gì người khác sở hữu và muốn có những thứ đó. Như thế không hẳn là bắt nguồn từ nỗi sợ sự khan hiếm, và nó không nhất thiết là xấu xa. Có nhiều lợi ích trong việc nuôi dưỡng sự ghen tị vì một sự ghen tị đúng đắn có thể khiến bạn làm việc chăm chỉ vì mục tiêu nào đó. Appio nói: “Nếu bạn tò mò và khoan dung với bản thân khi cảm thấy ghen tị hoặc đố kị, bạn có thể nhận ra rằng bạn đang thiếu gì đó trong các mối quan hệ hay sự nghiệp của mình. Hãy dùng sự nhận thức đó để tạo ra những thay đổi trong cuộc đời, giúp bạn có được hay giữ được những thứ đáng giá.”

Trong một nghiên cứu năm 2011, các nhà khoa học đã tìm thấy mối liên hệ giữa sự ghen tị, động lực và sự thể hiện. Các nhà nghiên cứu viết rằng: “Qua 4 nghiên cứu chúng tôi thấy rằng sự ghen tị lành tính, nhưng không phải những cảm xúc liên quan đến các phép so sánh xã hội, sẽ thúc đẩy con người thể hiện tốt hơn… Sự ghen tị lành tính khiến bạn thấy buồn phiền nhưng nó sẽ dẫn tới một nguồn động lực cải thiện bản thân.” Nghiên cứu cũng đã chỉ ra sự khác biệt rõ ràng giữa lòng ái mộ và sự ghen tị. Nhà triết học Soren Kierkegaard gọi lòng ngưỡng mộ là “sự đầu hàng bản thân tích cực” - khi ai đó quá giỏi ở lĩnh vực nào đấy mà bạn “chỉ có thể nhìn lên với sự cảm khái vì người ta quá giỏi”, như các nhà nghiên cứu đã viết. Mặt khác, sự ghen tị được Kierkegaard gọi là “sự khẳng định bản thân tiêu cực”. Bạn tin rằng mình chỉ có thể giỏi về thứ gì đó bằng một ai đó, nhưng bạn không vui vì mình chưa giỏi như vậy. Tôi ngưỡng mộ LeBron James vì tôi sẽ không bao giờ chơi bóng rổ giỏi như anh ấy, và tôi bằng lòng với việc đó. Trái lại, tôi ghen tị với đồng nghiệp cũ vì tôi có thể đạt được thành công như cô ta, nhưng tôi thấy khó chịu vì mình chưa đạt được.

Tận dụng lòng ghen tị như động lực

Sự ngưỡng mộ không tạo được nhiều động lực như lòng ghen tị vì bạn không kỳ vọng gì rằng mình sẽ chạm được đến ngưỡng tuyệt vời đó. Mặt khác, với sự ghen tị, bạn có thể hình dung ra một phiên bản tốt hơn của bản thân, một sự hình dung cay đắng. Sự ghen tị là một cảm xúc tiêu cực, nhưng nó phục vụ cho một mục đích. Sarah Hill, giáo sư tại khoa tâm lý học Đại học Thiên chúa giáo Texas, nói rằng: “Nó giống như trải nghiệm nỗi đau về thể xác. Khi ta chạm vào thứ gì nóng hay vấp vào ngón chân, những cảm giác ấy không dễ chịu, nhưng cuối cùng sẽ cho ta một chức năng hữu ích, giúp thích nghi.” Trong trường hợp của nỗi đau về thể xác, nó bảo vệ cơ thể ta khỏi chấn thương; trong trường hợp của lòng ghen tị, chức năng ấy giúp bạn tìm cách cải thiện bản thân hay tình trạng của mình, theo như Hill nói.

Hill và các đồng nghiệp đã thực hiện nghiên cứu của riêng họ về các tác động của lòng ghen tị. Bà nói: “Qua vài nghiên cứu, chúng tôi tìm ra rằng mỗi trải nghiệm của sự ghen tị thực ra đều làm tăng sự tập trung và trí nhớ của chúng ta đối với thông tin về đối thủ hay những người thân cận xung quanh.” Ví dụ, trong một nghiên cứu, các đối tượng làm tốt hơn trong bài kiểm tra trí nhớ khi nó bao gồm những chi tiết về đối thủ cạnh tranh của họ. Nói cách khác, sự ghen tị có thể giúp bạn tập trung vào những chi tiết về mục tiêu của lòng ghen và những gì khiến bạn ghen tị. Nếu bạn ghen tị vì thứ gì đó, tự nhiên bạn sẽ chú ý hơn bởi chúng thường là những thứ quan trọng với bạn.

Hill nói rằng: “Ví dụ, nếu bạn là một nhà báo hoặc một nhà văn và ai đó biểu hiện tốt hơn bạn trong mảng viết lách, điều đó sẽ làm bạn thấy khá tồi tệ bởi đây là vùng chuyên nghiệp của bạn. Và khi ấy sự ghen tị là tốt theo cách nào đấy. Bạn sẽ để ý mình đang ở đâu trong sự nghiệp và sẽ có thêm động lực để làm tốt hơn.” Dù sao, bạn cũng phải cẩn thận vì lòng ghen có thể gây nguy hại cho nguồn động lực. Hill nói: “Chúng tôi cũng thấy rằng sự ghen tị có thể gây cạn kiệt năng lượng và phiền nhiễu. Chúng tôi phát hiện ra khi mọi người có lòng ghen họ mất đi khả năng tập trung vào những thứ khác.”

Một lần nữa, ta lấn quá sâu vào sự ghen tị đến mức hình thành một góc nhìn hạn hẹp. Góc nhìn này có thể dẫn tới hành vi tiêu cực hơn được kích thích bởi lòng đố kị, như việc hạ thấp địa vị của ai đó hay nghiền ngẫm những thất bại trong quá khứ của bản thân. Và điều đó không tạo động lực cho lắm.

Phát hiện những dấu hiệu của sự ghen tị

Nếu bạn muốn dùng lòng ghen như một động lực, bạn phải xác định được nó khi nó đến. Thường thì ta hay phản ứng mà không khám phá xem những thứ đó khiến ta cảm thấy như thế nào, và đó là một cơ hội bị bỏ lỡ cho sự phát triển. Ví dụ, giả sử bạn theo dõi một ngôi sao trên Instagram, người mà suốt ngày bay vòng quanh thế giới. Cô ấy đăng một tấm hình mới và trong bạn bùng lên một cơn khao khát. Bạn không thể ngừng ngắm tấm ảnh đó. Hoặc có thể bạn sẽ đảo mắt và nghĩ: “Tuyệt, một bức selfie nữa trước vài ngọn núi - tốt cho cô.”

Việc khám phá những kiểu phản ứng này rất có giá trị. Bạn cảm thấy khó chịu đến thế với những tấm hình đó (cũng đúng thôi), hay có gì về bức ảnh này mà bạn muốn? Nếu là vế sau thì thứ gì trong bức hình làm bùng lên khao khát trong bạn? Có lẽ bạn đang chịu căng thẳng trong công việc vì nhiều năm rồi chẳng đi du lịch ở đâu. Có lẽ bạn chỉ muốn ra khỏi nhà nhiều hơn và nhìn ngắm những thứ mới mẻ. Hoặc có lẽ bạn chỉ muốn chụp được những bức hình đẹp hơn! Dù là gì đi chăng nữa, lòng ghen đóng vai trò là ngòi châm để bạn xác định rõ mục tiêu, lên kế hoạch cho một kỳ nghỉ hay đi đâu đó cuối tuần này chẳng hạn. Sẽ dễ hơn rất nhiều để đạt được cái bạn muốn nếu bạn biết mình muốn gì ngay từ khi bắt đầu. Sự ghen tị có thể giúp bạn tìm ra thứ đó, nhưng bạn phải nhận ra khi nó đến.

Đừng cảm thấy tồi tệ khi ghen tị

Một chút khoan dung với bản thân sẽ ngăn lòng ghen của bạn biến thành sự đố kị. Hill nói rằng: “Mọi người thường ghen tị khi họ cảm thấy tồi tệ, và điều này chỉ khiến họ thấy tệ hơn, rồi cứ thế dẫn đến một vòng luẩn quẩn của sự tiêu cực.” Hiểu được tại sao bạn ghen tị là bước đầu tiên quan trọng nhất trong việc biến cảm xúc tiêu cực đó thành lợi thế; bạn có thể ý thức được lòng ghen của mình và tiếp tục sống. Hill nói tiếp: “Khi bạn hiểu cách não mình vận hành, bạn có thể tự nhìn vào cách mình cư xử và gật đầu rồi nói ‘Okay, okay, mình hiểu rồi, mình hiểu tại sao mình lại cảm thấy như vậy rồi.’” Bà nói bằng cách này bạn phải thực sự ý thức được rằng đúng là ai đó có thể đang vượt trội hơn hay thành công ở một lĩnh vực gì đó mà bạn chưa đạt được. Bạn cũng phải nhận ra rằng điều này có thể khiến bạn hơi cay cú một chút. “Nó không có nghĩa bạn là một người xấu xa; nó không có nghĩa bạn là kẻ thua cuộc. Nó chỉ là một phần của nhân cách con người.”

Khi lòng ghen trở thành sự đố kị, nó có thể che khuất óc phán đoán của bạn và khiến bạn hoang tưởng - đó là tại sao việc kiểm tra thực tế rất quan trọng, theo như Lauren Appio nói. “Hãy để ý xem bạn có đang nhìn nhận hiện trạng bây giờ bằng đôi mắt của quá khứ hay không. Có lẽ trong quá khứ đã có những lần bạn không có đủ thứ gì đó hay cái gì bị lấy đi từ bạn. Điều đó có đang tái hiện không, hay bạn chỉ đang sợ là nó sẽ xảy ra lần nữa dựa trên quá khứ của bạn?” Quan trọng nhất là, rất dễ để đối xử tệ với bản thân và trở nên hoang tưởng khi bạn ghen tị - nhưng đặc biệt là điều đó chỉ khiến mọi thứ tệ hơn.

Hãy cố gắng kết nối với những người khiến bạn ghen tị

Nếu bạn ghen với ai đó, thường là vì họ có tài năng, giỏi giang hay họ đã đạt được gì đó mà bạn chưa. Nếu bạn cũng muốn được như vậy, bạn cần thiết lập quan hệ với mục tiêu của lòng ghen. Bạn có thể làm việc này bằng cách đề nghị giúp đỡ, dù là giúp họ phát triển một dự án mới hay chỉ đơn giản chúc mừng họ khi được thăng chức. Khi bạn hỗ trợ những người xung quanh, bạn có thể vẫn ghen tị với họ nhưng bạn gần như sẽ không thể đố kị. Sau cùng thì bạn cũng đã giúp đỡ và ủng hộ họ trở nên thành đạt. Bằng một cách nào đó, sự hỗ trợ chính là liều thuốc giải cho lòng đố kị.

Appio nói giải pháp này là ví dụ của một quy tắc cảm xúc mang tên “hành động đối nghịch”. “Bạn cố tình lựa chọn làm trái với điều bạn nghĩ bạn nên làm. Luyện tập quy tắc này có thể thực sự tạo ra những trạng thái cảm xúc khác trong con người bạn, có lẽ là những cảm xúc khiến bạn hào phóng, lạc quan và cởi mở hơn.”

Lòng đố kị thường liên quan tới cảm giác không xứng đáng; khi bạn hỗ trợ người khác, bạn thấy mình có ích và có khi còn đóng góp cho thành công của họ. Theo một cách nào đó thì bạn chia sẻ thành công ấy cùng họ. Ví dụ, thay vì ngẫm nghĩ về sự thăng tiến của đồng nghiệp, bạn có thể giúp đỡ cô ấy trong vị trí mới của mình. Thêm nữa, thành công hiếm khi chỉ dựa vào một người duy nhất. Thường thì nó là nỗ lực của cả nhóm, đạt được qua một mạng lưới những hệ thống hỗ trợ. Bằng việc trau dồi cách ứng xử ấy, bạn cũng đang xây dựng bệ phóng cho thành công của chính mình.

Cũng có tác dụng khi bạn thay đổi cách nghĩ về thành công. Thay vì nhìn vào nó với lối suy nghĩ sợ sự khan hiếm, hãy thử tiếp cận nó như là một thứ tồn tại ê hề. Có vô số cách để trở nên thành đạt. Appio gợi ý: “Hãy nhắc nhở bản thân rằng có rất nhiều thứ đang chờ bạn, rằng bạn có thể có được những thứ mà người ta có.”

Yêu cầu sự trợ giúp

Cuối cùng, kêu gọi sự giúp đỡ là một dạng khác của việc hỗ trợ bởi nó khiến người kia trở thành người có uy tín chuyên môn. Nếu đồng nghiệp của bạn được thưởng tiền vì sự thể hiện xuất sắc, bạn có thể cảm thấy tủi thân ngay lập tức. Ý thức được cảm giác ấy, rồi nhờ đồng nghiệp đưa ra nhận xét về sự thể hiện của chính bạn. Thậm chí khi bạn vẫn thấy ganh tị thì bạn cũng đã có cách xử sự thân thiện và thông cảm hơn.

Từ góc độ thực tiễn mà nói, đề nghị giúp đỡ cũng có thể giúp bạn thiết lập mối quan hệ với những người có khả năng đưa bạn đến những điểm mốc tương tự. Appio giải thích: “Có thể bạn ghen tị với một người đã có được một dự án hay giải thưởng mà bạn muốn, và người này sẽ là một liên hệ có ích cho mạng lưới xã hội của bạn. Nếu bạn cứ mãi ganh tị và trốn tránh họ, hoặc hủy hoại mối quan hệ với họ, thì bạn sẽ bỏ qua cơ hội để được cùng họ hưởng thành công.”

----------

Tác giả: Kristin Wong

Link bài gốc: How to Get Better at Being Jealous

Dịch giả: Bùi Hương Mai - ToMo: Learn Something New

(*) Bản quyền bài viết thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Bùi Hương Mai - Nguồn: ToMo: Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Fanpage ToMo: Learn Something New để cập nhật thông tin bổ ích hàng ngày!

(***) Trở thành CTV, Thực Tập Sinh Part-time để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: http://bit.ly/ToMo-hiring.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,362 lượt xem