Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[ToMo] Làm Thế Nào Để Tiêu Hóa Những Cuốn Sách "Trên Tầm" Và Tăng Sự Hiểu Biết?

Lời khuyên tuyệt vời nhất tôi từng nhận được về việc đọc sách đến từ một nhà sản xuất phim kín tiếng và một nhà quản lý tài ba, người đã bán được hơn 100 triệu album và thu được hơn 1 tỉ đô tại phòng vé. Vào một ngày anh ta nói với tôi: “Ryan, đọc nhiều thôi là chưa đủ. Để làm được những điều to lớn, anh phải đọc để lãnh đạo.”

Ý anh ta là trong thời đại mà hầu như chẳng ai đọc sách, bạn có thể coi việc đơn giản cầm một cuốn sách lên cũng mang tính cách mạng. Có thể là như thế, nhưng chưa đủ. Đọc để lãnh đạo nghĩa là thúc đẩy bản thân đọc những cuốn sách “trên tầm” của bạn. Nói ngắn gọn, bạn biết những cuốn sách mà các con chữ như mờ lẫn vào nhau và bạn chẳng hiểu mình đang đọc gì chứ? Đấy là những quyển sách mà một nhà lãnh đạo cần đọc. Đọc để học và lãnh đạo yêu cầu bạn đối xử với bộ não như những bắp thịt - nó cần phải nâng những chủ đề với sức nặng và độ căng thẳng cao nhất.

Đối với tôi, điều này đồng nghĩa với việc dấn thân vào những đề tài không quen thuộc và vật lộn với chúng tới khi mình cảm thấy mình đang tránh được việc “đọc dễ dàng”. Giống như đọc Feynman thay vì Friedman, đọc tiểu sử thay vì sách kinh doanh, đọc văn học cổ điển thay vì hiện đại. Làm thế này đã giúp tôi rất nhiều: ở tuổi 19, tôi là một người điều hành tại Hollywood, tôi trở thành giám đốc marketing trong một công ty cổ phần đại chúng ở tuổi 21, và tới tuổi 24 tôi đã hoàn thành 5 cuốn sách bán chạy nhất và kí hợp đồng với nhà xuất bản lớn nhất thế giới. Đúng là tôi đã bỏ học đại học, nhưng tôi đã có những giáo viên tuyệt nhất trên đời: những cuốn sách khó nhằn. Căn hộ của tôi đầy ắp những cuốn sách như vậy mà đáng lẽ ra tôi có thể chẳng bao giờ đọc và hiểu được. Việc khám phá chúng không hề dễ dàng, nhưng với các bí quyết dưới đây tôi đã làm được điều đó. Và quá trình ấy bắt đầu trước cả khi bạn động vào quyển sách.

1. Trước trang đầu tiên…

1.1. Thoát khỏi lối suy nghĩ trong trường học

Cách bạn học đọc trong lớp đã bị làm hỏng bởi quy chế kiểm tra. Những bài kiểm tra thường chẳng liên quan mấy tới việc chứng minh xem bạn có biết hay quan tâm đến tư liệu mình đã đọc hay không, thay vào đó chúng kiểm tra xem bạn có dành thời gian đọc hay không. Cách dễ nhất để chứng minh là chọn ra những chi tiết nhỏ nhặt trong văn bản và đặt câu hỏi về chúng: “Đặt tên cho đoạn văn này”, “Các nhân vật chính trong Chương 4 là ai?”. Từ đó ta mang theo thói quen này bên mình. Nhưng hãy nhớ: bây giờ bạn đọc vì muốn tốt cho bản thân mình.

Giả sử bạn đang đọc cuốn “Lịch Sử Của Chiến Tranh Peloponnesus”. Nó kể về một cuộc xung đột giữa Corinth và Corcyra, không đáng nhớ lắm, nhưng cuộc ẩu đả này đã châm ngòi cho chiến tranh giữa Athens và Sparta. Cái mà bạn cần rút ra là mặc dù hai phe đánh nhau vì lực lượng đồng minh từ Athens, một bên đánh theo tư tưởng ngạo nghễ “các người nợ tôi” còn bên kia bị cám dỗ bởi những lợi ích nhận được từ đồng minh. Đoán xem phe nào thắng? Địa điểm. Tên gọi. Thời gian. Những thứ này mới là quan trọng. Những bài học mới là quan trọng.

Seneca đã nói: “Ta không có thời gian để nghe xem anh ta đã chạy vào cơn bão giữa Italy và Sicily hay đâu đó bên ngoài thế giới con người - khi mà hàng ngày ta đều chạy vào những cơn bão của chính mình, những cơn bão tinh thần điều khiển bởi tất cả những rắc rối mà Ulysses đã từng biết.” Quên mọi thứ đi, trừ lời nhắn đó và cách áp dụng nó vào cuộc sống của bạn.

1.2. Đọc trước cái kết

Khi tôi bắt đầu đọc một cuốn sách, tôi gần như luôn luôn lên Wikipedia (hay Amazon hoặc một người bạn) và hỏi về cái kết. Ai quan tâm chứ? Mục đích của độc giả là để hiểu tại sao cái gì đó xảy ra, còn cái gì đã xảy ra chỉ là thứ yếu. Bạn phải biết trước phần kết của cuốn sách - hoặc tìm ra những khẳng định trong quyển sách ấy - bởi nó sẽ cho bạn tự do tập trung vào 2 nhiệm vụ quan trọng nhất:

  • Nó có nghĩa là gì?

  • Bạn có đồng ý với nó không?

50 trang đầu tiên của cuốn sách không nên mang tính khám phá đối với bạn; bạn không cần lãng phí thời gian tìm hiểu xem tác giả đang cố diễn tả điều gì trong cuốn sách. Thay vào đó, bạn cần dành năng lượng cho việc xem xét anh ta có đúng không và bạn có thể hưởng lợi từ nó như thế nào. Thêm nữa, nếu bạn đã xác định được rồi, bạn có thể nhận biết tất cả dấu hiệu và gợi ý sau lần đọc đầu tiên.

1.3. Đọc các bình luận

Tìm hiểu từ những người đã từng đọc nó, xem họ thấy cái gì quan trọng. Từ Amazon đến New York Times, hãy đọc các bình luận để bạn có thể suy ra giá trị văn hóa từ tác phẩm - và nó có ý nghĩa với người khác ra sao. Hơn nữa, khi bạn đã được báo trước về nội dung chính, bạn có thể biết trước là sẽ có những gì mà thực sự thưởng thức khi bức màn được hé lộ.

2. Bắt đầu đọc sách…

2.1. Đọc phần giới thiệu/đoạn mở đầu/ghi chú/dạo đầu

Tôi biết, tôi biết. Tôi cũng cảm thấy bực mình khi một cuốn sách 200 trang lại có tới 80 trang là lời giới thiệu của người dịch, nhưng phần đó quan trọng. Mỗi lần tôi bỏ qua phần ấy, tôi sẽ lại phải quay lại và đọc từ đầu. Hãy đọc phần giới thiệu, đọc tất cả những thứ trước khi vào phần chính - thậm chí đọc cả những ghi chú của người biên tập ở cuối các trang. Điều này sẽ chuẩn bị hành trang cho bạn và giúp cải thiện việc tiếp nhận kiến thức khi đọc sách.

2.2. Tra từ điển

Nếu bạn đang đọc để lãnh đạo, bạn sẽ gặp phải những khái niệm hay từ ngữ mà bạn thấy không hề quen thuộc. Đừng làm như bạn hiểu, hãy tra từ điển đi. Tôi thích sử dụng Definr hay dùng điện thoại tra trên Wikipedia. Với cuốn “Lịch Sử Quân Sự”, có được cảm giác nơi chiến trường là cần thiết. Wikipedia là nơi lý tưởng để tra những tấm bản đồ và giúp hiểu được các vùng địa hình.

Có một lần tôi cố đọc vài quyển sách về nội chiến Hoa Kỳ và bị tắc. Sau 10 giờ nghiên cứu các tài liệu của Ken Burn, tôi đã có thể đọc mấy cuốn sách ấy dễ dàng hơn (đó, tra các thứ cũng đơn giản như xem TV thôi). Vậy mới nói, đừng mải mê tìm những tên thành phố hay cách đánh vần chúng, bạn cần nắm được bài học lớn: những kết luận.

2.3. Đánh dấu các đoạn văn

Tôi yêu những tờ Post-It. Tôi đánh dấu mọi đoạn văn tôi thấy thú vị, mọi đoạn khiến tôi suy nghĩ, mọi đoạn quan trọng với cuốn sách. Khi không có chúng, tôi chỉ gấp mép trang sách lại. (Tôi thực sự đã gấp mép tất cả các trang trong cuốn “Những Mẩu Chuyện Của Heraclitus”). Nếu có gì tôi cần tra, tôi sẽ gấp mép trang sách vào và quay trở lại phần đó sau.

Tôi luôn mang theo một cây bút bên mình và viết mọi thứ tôi suy nghĩ/cảm thấy/liên hệ mà tôi có với đoạn văn nào đó. Sẽ tốt hơn nhiều nếu bạn làm việc đó ngay tức khắc hơn là có để mất đi nguồn cảm hứng tạm thời đó. Đừng lo nếu bạn làm nhàu nát cuốn sách với những cái đánh dấu và ghi chú - chúng rẻ thôi mà. Hơn nữa, bạn sẽ nhận được nhiều giá trị từ quyển sách hơn nếu áp dụng cách này.

3. Sau khi đọc xong…

3.1. Xem lại

Tôi có lịch trình giống nhau với tất cả các cuốn sách mình đã đọc. Sau khi đọc xong 1-2 tuần, tôi xem lại quyển sách với những tờ giấy ghi chú cỡ 4x6. Trên những tờ giấy này, tôi chép lại mọi đoạn văn mình đã ghi chú lại là quan trọng. Chiến thuật này có vẻ lạ nhưng nó là một cách cổ xưa được sử dụng bởi mọi người từ Tobias Wolff đến Montaigne đến Raymond Chandler. (Người đã từng nói: “Khi bạn nỗ lực viết những từ ngữ ấy, bạn sẽ khiến chúng trở nên đáng giá hơn.”) Rồi tôi sẽ gắn chủ đề cho những tờ giấy đó và sắp xếp chúng vào hộp để thẻ của mình.

Sau 4-5 năm làm việc này tôi nhận được gì? Hàng ngàn tờ giấy nhớ với hàng tá chủ đề - từ tình yêu đến học thuật đến truyện cười đến những suy nghĩ về cái chết. Mỗi khi tôi viết, tôi lại xem lại những mẩu giấy thông thái này, hoặc khi tôi cần trợ giúp hay khi cố giải quyết một vấn đề trong kinh doanh. Nó là một nguồn kiến thức cực kì rộng lớn.

3.2. Đọc một cuốn sách từ mọi phần tham khảo

Đây là một nguyên tắc tôi cố gắn tuân thủ. Với mọi cuốn sách tôi đọc, tôi cố tìm một cuốn tiếp theo từ phần chú thích cuối trang hay phần tham khảo của nó. Đây là cách xây dựng nền tảng tri thức về một chủ đề - cách mà bạn tìm về cốt lõi của một đề tài. Cứ giữ một danh sách Muốn Đọc trên Amazon. Tháng trước tôi đã đọc một cuốn sách về Tâm lý học Tiến hóa và khám phá ra rằng tôi đã đọc gần hết 80% các nguồn về chủ đề đó nhờ làm theo cách trên.

3.3. Áp dụng và sử dụng

Bạn đánh dấu những đoạn văn có mục đích cả. Chép lại chúng ra làm gì nếu bạn không định ghi nhớ và sử dụng chúng?

Hãy dùng chúng trong các cuộc hội thoại. Dùng đến chúng trong những bài luận, những email, những lá thư và trong đời sống hàng ngày. Bạn còn muốn hấp thụ chúng bằng cách nào nữa? Bạn càng tìm được nhiều ứng dụng cho tư liệu của mình thì bạn càng có thêm động lực để lấp đầy nguồn tư liệu ấy. Hãy thử thêm vài dòng vào bản báo cáo bạn đang viết, tìm niềm an ủi từ chúng trong những thời gian khó khăn hay thêm chúng vào các trang Wikipedia. Hãy làm gì đó.

Lại là Seneca: “Lời khuyên của tôi thật sự là: những gì ta nghe các nhà triết học nói và những gì ta thấy họ viết nên được áp dụng để có được một cuộc sống hạnh phúc. Ta nên săn tìm những câu nói thông thái và độc đáo mà có thể đem vào sử dụng trong thực tiễn ngay tức khắc - chứ không phải những câu nói cổ xưa và xa vời và những phép ẩn dụ màu mè - và học thuộc chúng thật kĩ để lời nói biến thành hành động.” hãy nhớ rằng: ta đọc để lãnh đạo cho mục đích đạo đức và thực hành. Mục đích là đưa những câu chữ ta đã đọc trở thành hành động như Seneca đã nói.

4. Kết luận: Tất cả phụ thuộc vào chính bạn

Tất nhiên, chẳng có gì là dễ dàng. Mọi người thường hỏi tôi những cuốn sách tôi hay cầm theo có phải để đi học hay không vì chúng luôn đầy ắp những tờ giấy nhớ, ghi chú và các trang bị gấp mép - tại sao lại có ai chăm chỉ như thế chỉ để tự mình đọc lại? Bởi tôi thích làm thế, bởi đó là điều duy nhất tạo nên sự khác biệt giữa thông thái và ngu ngốc.

Trên đây là những kĩ năng đã giúp tôi trưởng thành sớm hơn nhiều so với các bạn cùng trang lứa. Đó là cách tôi trở nên nổi bật và xây dựng điểm mạnh của mình thay vì để một huấn luyện viên cá nhân dạy nên hay không nên nâng quả tạ nào. Nó cũng khá đắt đỏ, tôi đã mua hàng ngàn cuốn sách và dành nhiều giờ để đọc chúng. Nhưng sẽ đắt hơn bao nhiêu nếu tôi học MBA? Hay tham dự một buổi TED? Tôi nghĩ có nhiều chất xám trong những cuốn sách được đúc kết từ hơn 5,000 năm qua hơn là một hai buổi hội thảo - nếu bạn đọc đúng cách và biết thúc đẩy bản thân.

Vậy nên hãy thử đi: Hãy nghiên cứu, đọc một cách cần cù mà không quá chú ý vào tiểu tiết, rồi cố gắng tạo ra các mối liên hệ, áp dụng và sử dụng. Việc của bạn là một nhà lãnh đạo. Và tôi nghĩ bạn sẽ thấy mình có thể đọc những cuốn sách “trên tầm” mình và những người khác sẽ học theo bạn. Nếu bạn chịu nỗ lực, những cuốn sách sẽ trả lại bạn những gì xứng đáng.

Và hãy tận hưởng cuộc hành trình.

----------

Tác giả: Ryan Holiday

Link bài gốc: How To Digest Books Above Your “Level” And Increase Your Intelligence

Dịch giả: Bùi Hương Mai - ToMo: Learn Something New

(*) Bản quyền bài viết thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Bùi Hương Mai - Nguồn: ToMo: Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Fanpage ToMo: Learn Something New để cập nhật thông tin bổ ích hàng ngày!

(***) Trở thành CTV, Thực Tập Sinh Part-time để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: http://bit.ly/ToMo-hiring.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,404 lượt xem