Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[ToMo] Những Điều Cần Biết Về Mù Màu

Mù màu không phải một dạng mù, mà là khuyết tật trong cách bạn nhìn màu sắc. Với vấn đề về thị lực này, bạn gặp khó khăn trong việc phân biệt các màu nhất định, như xanh da trời và vàng hay đỏ và xanh lá cây.

Mù màu (hay chính xác hơn, khuyết tật thị lực về màu) là trạng thái di truyền và nó có ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Theo Tổ chức Phòng chống Mù lòa Mỹ, khoảng 8% nam giới và chưa đến 1% nữ giới có vấn đề về nhận biết màu sắc.

Khuyết tật màu đỏ-xanh lá cây là dạng phổ biến nhất của mù màu.

Hiếm hơn, một người có thể thừa hưởng một đặc điểm làm giảm khả năng nhìn màu xanh da trời và màu vàng. Khả năng khuyết tật màu xanh da trời - vàng này ở nam giới và nữ giới là như nhau.

Triệu chứng và biểu hiện của mù màu

Bạn có gặp khó khăn trong việc phân biệt màu xanh da trời và vàng, màu xanh lá cây và đỏ không? Thỉnh thoảng, những người khác có nói với bạn rằng những màu mà bạn nghĩ là bạn đang nhìn thấy là sai không?

Nếu có, đây là những dấu hiệu chính cho thấy bạn đang có khuyết tật thị lực về màu.

Trái với những gì người ta nghĩ, những người mù màu hiếm khi chỉ thấy những sắc xám khác nhau.

Hầu hết những người bị coi là “mù màu” có thể nhìn thấy màu sắc, nhưng những màu nhất định thường mờ hoặc bị lẫn sang màu khác, tùy theo loại khuyết tật thị lực về màu của họ.

Nếu bạn có vấn đề thị lực về màu khi mà bình thường bạn có thể nhìn thấy mọi màu, thì chắc chắn bạn nên đi gặp bác sĩ. Việc mất thị lực về màu đột ngột hoặc từ từ có thể là dấu hiệu của những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, như là đục nhân mắt.

Bài kiểm tra mù màu có thể giúp nhận biết loại khuyết tật về màu mà bạn mắc phải.

Nguyên nhân của mù màu là gì?

Mù màu xảy ra khi các tế bào nhạy sáng trong võng mạc không phản ứng một cách chính xác đối với sự thay đổi trong bước sóng của ánh sáng mà khiến cho con người có thể nhìn được một dãy màu.

Tế bào nhận kích thích ánh sáng trong võng mạc được gọi là tế bào gậy và tế bào nón. Tế bào gậy nhiều hơn (có khoảng 100 triệu tế bào gậy trong võng mạc người) và chúng nhạy cảm với ánh sáng hơn, nhưng tế bào gậy không thể nhận biết màu sắc.

6 đến 7 triệu tế bào nón trong võng mạc người có thể nhận biết màu sắc, và những tế bào nhận kích thích ánh sáng này tập trung ở vùng trung tâm của võng mạc được gọi là điểm vàng.

Vùng trung tâm của điểm vàng được gọi là hố thị giác, và khu vực nhỏ bé này (đường kính 0.3mm) tập trung nhiều tế bào nón nhất trong võng mạc và chịu trách nhiệm cho thị lực về màu nhạy bén nhất.

Những dạng mù màu di truyền thường liên quan đến những thiếu hụt các loại tế bào nón nhất định hoặc thiếu hụt hoàn toàn những tế bào này.

Bên cạnh sự khác biệt trong cấu tạo gen, các nguyên nhân khác cho việc mất thị lực về màu bao gồm:

  • Bệnh Parkinson: Vì bệnh Parkinson là sự rối loạn thần kinh, tế bào thần kinh nhạy sáng trong võng mạc nơi công đoạn xử lý thị lực diễn ra có thể đã bị phá hủy và không thể hoạt động đúng.

  • Đục nhân mắt: Làm đục thấu kính tự nhiên của mắt mà xảy ra với bệnh đục nhân mắt có thể “làm mờ” thị lực về màu, khiến nó bớt sáng hơn nhiều. May mắn thay, phẫu thuật đục nhân mắt có thể phục hồi thị lực về màu khi mà thấu kính tự nhiên bị mờ được cắt bỏ và thay bằng thấu kính nhân tạo trong mắt.

  • Thuốc Tiagabine chữa bệnh động kinh: Một loại thuốc chống động kinh tên là Tiagabine đã cho thấy tác dụng làm giảm thị lực về màu ở 41% tổng số những người uống thuốc này, mặc dù tác dụng không phải mãi mãi.

  • Bệnh thần kinh mắt di truyền: Đặc biệt phổ biến ở nam giới, loại bệnh thần kinh mắt di truyền này có thể ảnh hưởng đến cả những người không có triệu chứng nào khác ngoài một mức độ mù màu nào đó. Khuyết tật thị lực màu đỏ - xanh lá cây chủ yếu được chú thích cùng với tình trạng này.

  • Hội chứng Kallman: Tình trạng di truyền này liên quan đến việc tuyến yên không hoạt động, có thể liên quan đến sự phát triển liên quan đến giới không hoàn chỉnh hoặc bất thường như cơ quan sinh dục. Mù màu có thể là một triệu chứng của tình trạng này.

Mù màu cũng có thể xảy ra khi quá trình lão hóa phá hủy tế bào võng mạc. Chấn thương đến vùng não nơi mà quá trình xử lý thị lực diễn ra cũng có thể gây ra khuyết tật thị lực về màu.

Cách chữa trị mù màu

Phương pháp về gen đã chữa mù màu ở khỉ, theo như kết quả nghiên cứu vào tháng 9 năm 2009 bởi các nhà nghiên cứu ở Đại học Washington và Đại học Florida.

Mặc dù những phát hiện ban đầu có vẻ khả quan, nhưng phương pháp về gen không được cân nhắc áp dụng cho người cho đến khi phương pháp chữa trị này được chứng minh là an toàn.

Trong khi đó, không có phương pháp chữa trị nào cho bệnh mù màu. Nhưng một vài phương pháp phòng chống có thể giúp bạn hoạt động tốt hơn trong một thế giới đầy màu sắc.

Hầu hết mọi người có thể thích nghi với khuyết tật thị lực về màu mà không gặp quá nhiều khó khăn. Nhưng một vài ngành nghề, như thiết kế đồ họa và những nghề đòi hỏi làm việc với các màu của dây điện, thì phụ thuộc vào việc nhận biết màu sắc.

Nếu bạn phát hiện khuyết tật về màu đủ sớm, bạn có thể bù đắp bằng cách học một trong số những nghề mà không phụ thuộc vào khả năng nhìn được toàn bộ màu sắc.

Chẩn đoán khuyết tật thị lực về màu sớm cũng có thể đẩy lùi những vấn đề học tập trong những năm tháng ở trường, đặc biệt bởi vì nhiều tài liệu học phụ thuộc nhiều vào nhận biết màu sắc. Nếu con bạn bị mù màu, hãy nói chuyện với giáo viên về nó, để họ có thể thiết kế bài giảng và bài thuyết trình theo đó.

Kính cho bệnh mù màu

Một số người sử dụng kính đặc biệt để nâng cao nhận thức màu, đó là những bộ lọc có trong dạng kính áp tròng hoặc kính mắt. Những loại kính này được bán bởi một số ít những bác sĩ ở Mỹ và các nước khác.

Nếu bác sĩ mắt của bạn không có những loại kính này, hãy thử hỏi cách liên lạc để tìm đến người có thể giúp bạn.

Bạn cũng có thể học cách để sống cùng với khả năng không chọn được những màu nhất định. Ví dụ, bạn có thể sắp xếp và dán nhãn vào quần áo để đề phòng bị trùng màu. (Hãy nhờ bạn hoặc người thân trong gia đình giúp đỡ)

Và bạn có thể ghi nhớ các đồ vật theo thứ tự thay vì màu sắc. Một ví dụ cụ thể đó là khả năng nhận biết đèn đỏ nằm trên cùng của cột đèn tín hiệu, còn đèn xanh thì ở dưới cùng.

Các ứng dụng mới cho các thiết bị Android và Apple cũng có thể giúp đỡ trong việc phát hiện màu sắc.

Hãy chắc chắn là bạn đến các bác sĩ chăm sóc mắt để có thêm lời khuyên nếu bạn gặp khó khăn trong việc phân biệt màu hoặc nếu bạn thấy khó khăn này ở con bạn.

Dạng mù màu di truyền phổ biến nhất (đỏ - xanh lá cây) được gây ra bởi gen lặn X.

Những bà mẹ có cặp nhiễm sắc thể X-X mang chất liệu gen, và những ông bố có cặp nhiễm sắc thể X-Y. Bố và mẹ đóng góp nhiễm sắc thể để quyết định giới tính của đứa trẻ. Khi nhiễm sắc thể X ghép với một nhiễm sắc thể X khác thì bạn là nữ. Và khi X ghép với Y, bạn là nam.

Nếu bạn có dạng mù màu phổ biến gây ra bởi gen lặn X, mẹ bạn có thể chính là người mang gen hoặc chính bà ấy bị khuyết tật thị lực về màu.

Những ông bố với dạng mù màu đỏ - xanh lá cây di truyền phổ biến này truyền gen lặn X cho con gái nhưng không cho con trai, vì con trai không thể nhận chất liệu gen X từ cha.

Con gái thừa hưởng gen khuyết tật về màu từ cha sẽ trở thành người mang gen chỉ khi mẹ của cô ấy cũng mang gen khuyết tật về màu. Nếu con gái thừa hưởng gen X từ cả bố và mẹ, thì cô ấy cũng sẽ bị mù màu và trở thành người mang gen.

Bất cứ lúc nào người mẹ truyền gen X này cho con trai, cậu ấy sẽ thừa hưởng khuyết tật về màu và gặp khó khăn trong việc phân biệt màu đỏ và xanh lá cây. Một lần nữa, con gái có thể là người mang gen nhưng sẽ chỉ mắc dạng mù màu này chỉ khi cả bố và mẹ đều truyền lại gen X. Đây là lý do vì sao nam giới bị mù màu nhiều hơn nữ giới.

----------

Tác giả: Gretchyn Bailey

Link bài gốc: Color Blindness

Dịch giả: Phạm Hà Thủy Linh - ToMo: Learn Something New

(*) Bản quyền bài viết thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Phạm Hà Thủy Linh - Nguồn: ToMo: Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Fanpage ToMo: Learn Something New để cập nhật thông tin bổ ích hàng ngày!

(***) Trở thành CTV, Thực Tập Sinh Part-time để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: http://bit.ly/ToMo-hiring.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

706 lượt xem