Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[ToMo] Vì Sao Ta Cần Thể Hiện Sự Bất Đồng Nhiều Hơn Khi Làm Việc?

Khi tôi còn làm nghề tư vấn quản trị, tôi đã có một khách hàng mà tôi cho rằng khá khó nhằn. Coi như tên cô ta là Marguerite đi. Tôi và cô ta không đồng quan điểm mấy. Tôi bất đồng với hướng phát triển dự án của cô ta, những người mà cô ta chọn hợp tác cùng, và cái tốc độ cô ta nghĩ chúng tôi nên làm việc (sao cô ta cần phải làm mọi thứ chậm như thế chứ?). Nhưng bởi vì cô ta là khách hàng, và tôi mới chỉ chập chững bước vào nghề, tôi không nghĩ tôi có quyền phản đối cô ta. Thay vào đó, tôi chuyển tiếp mọi email cô ta gửi tôi cho một đồng nghiệp của mình và phàn nàn về việc Marguerite luôn đưa ra những quyết định tồi tệ và chẳng thèm để ý đến sự lo lắng của tôi, rằng cô ta hơi bảo thủ, và gợi ý rằng ta nên thử cách tiếp cận khác.

Một ngày, thay vì chuyển tiếp cái email cô ta gửi thì tôi bấm trả lời. Tôi tưởng là tôi đang phàn nàn với đồng nghiệp của mình nhưng thực ra tôi đã gửi trực tiếp cho Marguerite cái email mà trong đó nói về sự khó chịu của mình với cô ta. Khoảng 15 giây sau khi ấn gửi, tôi nhận ra mình đã làm gì và nghĩ: “Ôi mình sắp bị sa thải mất thôi.” Tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu mình nhận lỗi luôn, nên tôi đã đi đến bàn của sếp và thú tội. Ngạc nhiên thay, ông ấy không hề nổi giận hay dọa sa thải tôi. Ông ấy chỉ nói rằng: “Đi xin lỗi đi.”

Văn phòng của Marguerite cách chúng tôi 30 tòa nhà về phía Bắc, ở Midtown Manhattan. Sếp tôi khuyên nên mua một ít hoa. Trong vài giây, tôi đã nghĩ là thà tôi bị đuổi việc còn hơn phải đối mặt với Marguerite sau những gì tôi đã làm, nhưng sếp tôi đã đúng. Và khi tôi xuất hiện ở văn phòng của Marguerite với một bó hoa khổng lồ, cô ta cười lớn. Cô ta còn nói với tôi rằng những chuyện như vậy vẫn xảy ra và nếu lần sau tôi có gì không đồng ý với cô ta thì cứ nói thẳng và chúng tôi có thể bàn bạc. Đó là một lời khuyên rộng lượng và bổ ích.

Tôi nghĩ cách hành xử của tôi trong vụ việc với Marguerite hoàn toàn do sự thiếu kinh nghiệm của mình - nhưng nhiều năm kể từ đó, tôi đã quan sát các cuộc nghiên cứu và phỏng vấn về xung đột nơi làm việc và phát hiện rằng hầu hết mọi người đều không muốn tỏ ra bất đồng hoặc không biết cách thể hiện điều đó. Trên thực tế, ta đã coi việc nói những câu như “Tôi có ý kiến khác” hay “Tôi không đồng ý” thể hiện sự tức giận, thô lỗ, hay gớm ghiếc, và sẽ gây khó chịu vô cùng cho những người khác.

Công bằng mà nói, đồng ý thường dễ hơn phản đối ai đó, ít nhất là trong thời gian ngắn. Và ta cảm thấy thật dễ chịu khi ai đó gật đầu với những gì mình nói, hay thừa nhận rằng “Tôi cũng thấy y hệt vậy đấy.” Đó là phản ứng mà tôi muốn nhận được từ Marguerite. Và thay vì chấp nhận rằng cô ấy có góc nhìn khác tôi, tôi gắn cho cô ta cái mác “khó nhằn”. Đây là một sai lầm - và không chỉ vì tôi đã tự làm bẽ mặt mình. Bằng cách nghĩ như thế, tôi đã đánh mất một mối quan hệ làm ăn có khả năng hiệu quả. Hãy tưởng tượng dự án đó đã có thể phát triển như thế nào nếu tôi thẳng thắn bất đồng với Marguerite một cách tôn trọng.

Những sự bất đồng là không thể tránh khỏi, hết sức bình thường, và là một phần cần thiết trong mối quan hệ với mọi người. Không có thứ gì gọi là một môi trường làm việc không xung đột. Bạn có thể mơ mộng về cảnh làm việc trong một chốn yên bình, nhưng nó sẽ không hề tốt cho công ty của bạn, cho công việc của bạn, và cho chính bạn. Thực tế cho thấy những bất đồng - khi được giải quyết thỏa đáng - có rất nhiều tác dụng tích cực. Dưới đây là một số điển hình.

1. Hiệu quả công việc cao hơn

Khi bạn và các đồng nghiệp thúc đẩy nhau liên tục tìm kiếm những cách tiếp cận tốt hơn, sự bất đồng một cách sáng tạo đó sẽ đưa đến những giải pháp mới. Liane Davey, người sáng lập ra tập đoàn 3COze và tác giả của cuốn “Bạn Trước: Hãy Truyền Cảm Hứng Cho Đồng Nghiệp Cùng Trưởng Thành, Hòa Thuận Và Giải Quyết Công Việc” đã nói rằng: “Những xung đột tạo cơ hội cho mọi người học cách chấp nhận các tình huống khó khăn, tổng hợp những quan điểm phong phú và đảm bảo những giải pháp thật thấu đáo. Xung đột không hề dễ chịu, nhưng nó là khởi đầu của sự sáng tạo thật sự, và cũng là một quá trình quan trọng trong việc nhận dạng và giảm bớt rủi ro.” Và thường không có một lượng giá trị nhất định ta có thể nhận được từ những bất đồng. Nếu bạn và đồng nghiệp đang tranh cãi về cách tốt nhất để triển khai một sáng kiến mới - anh ta muốn lao vào một thị trường đơn nhất trước còn bạn muốn tiến vào vài cái cùng một lúc - bạn bắt buộc phải tìm hiểu những mặt lợi và hại của mỗi cách tiếp cận và tìm ra những giải pháp tốt nhất một cách lý tưởng.

2. Cơ hội để học hỏi và trưởng thành

Mặc dù việc người khác nghi ngờ ý tưởng của bạn tạo cảm giác không thoải mái, nhưng đó là một cơ hội để học hỏi. Bằng cách lắng nghe và tiếp thu những lời nhận xét, bạn sẽ có thêm kinh nghiệm, được thử những thứ mới, và phát triển như một người lãnh đạo. Nếu một người bạn mắng bạn không ra gì vì bạn đã không nhắc tới công sức của họ trong một bài thuyết trình quan trọng, những lời ấy sẽ gây tổn thương, nhưng bạn sẽ nghĩ kĩ hơn về cảm giác của mọi người trước khi chuẩn bị bài nói lần sau.

3. Cải thiện các mối quan hệ

Bằng cách giải quyết xung đột cùng nhau, bạn sẽ cảm thấy gần gũi với mọi người xung quanh hơn và hiểu rõ hơn về những thứ quan trọng với họ và cách làm việc của họ. Bạn cũng sẽ đặt ra một tiền lệ quan trọng: có thể những bất đồng “tích cực” sẽ xảy đến và bạn sẽ vượt qua. Cô con gái 10 tuổi của tôi biết điều này qua trực giác. Có một lần con bé trở về nhà sau một bữa tiệc ngủ với mấy đứa bạn thân, và khi tôi hỏi tối qua như thế nào thì con bé trả lời là: “Tuyệt lắm. Bọn con cãi nhau suốt.” Tôi gặng hỏi nó tại sao có thể vui được khi mà mấy đứa cãi nhau. Con bé nói: “Vì bọn con đã giải quyết ổn thỏa và bây giờ là những người bạn cực thân.”

4. Tăng sự hài lòng trong công việc

Khi bạn không hề sợ hãi bày tỏ sự bất đồng có tính xây dựng của mình về những vấn đề chốn công sở, bạn sẽ thấy việc đi làm vui vẻ hơn, hài lòng với những gì mình đạt được, và thích tương tác với các đồng nghiệp hơn. Thay vì cảm thấy gò bó, bạn có thể tập trung hoàn thành công việc. Một nghiên cứu có tên là ‘Một Nghiên Cứu Về Nhân Viên Tại Hoa Kỳ Và Trung Quốc” thực hiện tại Trung Quốc đã cho thấy mối liên quan giữa những cách quản lý mâu thuẫn - những cách mà nhân viên theo đuổi phương án hai bên cùng có lợi, quan tâm lẫn nhau và tập trung vào những mối quan tâm chung - và mức độ vui vẻ của nhân viên nơi làm việc.

5. Một môi trường làm việc hòa đồng hơn

Nếu bạn vừa muốn có sự đa dạng vừa có sự hòa hợp trong tổ chức của mình, bạn phải chuẩn bị đối mặt với xung đột. Anesa Parker, Carmen Medina và Elizabeth Schill đã viết trong bài báo mang tên “Mặt Trận Mới Của Sự Đa Dạng: Sự Khác Nhau Trong Suy Nghĩ” trên tờ Rotman Management như sau: “Mặc dù những nhóm người giống nhau thường tự tin hơn trong phần thể hiện của họ, những nhóm người có sự đa dạng thường thành công hơn trong xử lý công việc.” Họ tiếp tục giải thích rằng các nhà quản lý và nhân viên cần gạt đi “khát khao bản năng về né tránh mâu thuẫn” và bỏ đi “ý nghĩ rằng sự đồng nhất là điểm kết thúc. Trong một nhóm người đa dạng nhưng hợp tác tốt với nhau, những sự bất đồng không nhất thiết mang tính cá nhân: Những ý tưởng hoặc có mặt tốt và sự kết nối hoặc không.”

Tôi hoàn toàn đồng ý, nhất là với một điểm nữa mà họ đưa ra: rằng những người quản lý có trách nhiệm tạo ra xung đột để nhân viên của họ có thể trở nên sáng tạo và năng suất. Nói một cách đơn giản là ta phải học cách bất đồng nhiều hơn, và những người lãnh đạo cần có trách nhiệm làm cho những bất đồng ấy trở nên dễ chịu và khiến mọi người cảm thấy bình thường khi phản đối, tranh luận và bày tỏ quan điểm thực sự của mình.

Nếu bạn là một người hay né tránh xung đột, tôi cảm giác khi đọc bài viết này bạn sẽ đứng ngồi không yên. Tin tốt là bạn hoàn toàn có thể làm quen với bất đồng. Dưới đây là vài cách để bắt đầu làm điều đó.

5.1. Hãy gạt đi tư tưởng cần được yêu mến

Hầu hết mọi người đều muốn được ưa thích. Rất bình thường. Joel Garfinkle, một huấn luyện viên trưởng và tác giả của cuốn “Những Cuộc Hội Thoại Khó Khăn” gần đây đã viết: “Muốn được yêu mến là hết sức bình thường, đó không phải là điều quan trọng nhất.” Anh ta nói rằng thay vì cố khiến mọi người thích mình, hãy tập trung vào sự tôn trọng - cả việc cho đi và nhận được. “Kể cả khi vấn đề được bàn đến khá khó nhằn, những cuộc đối thoại vẫn có thể mang tính tích cực từ hai phía. Hãy tôn trọng quan điểm của người khác, và hy vọng họ tôn trọng quan điểm của mình.” Nếu bạn làm gương rằng bạn hoàn toàn thoải mái và sự tôn trọng cần thiết hơn là sự yêu mến, bạn sẽ dẫn dắt cả đội theo hướng tự do nêu ra những bất đồng, khiến mọi người cảm thấy an toàn hơn khi đưa lên các ý kiến. (Tôi thừa nhận lời khuyên này khá khó để áp dụng, nhất là đối với phụ nữ, theo các nghiên cứu).

5.2. Tập trung vào mục tiêu chung

Những mâu thuẫn sẽ trở nên khó khăn nếu bạn coi chúng là cú chọc ngoáy mang tính cá nhân, nhưng xung đột nơi làm việc thường bắt đầu từ các sự khác biệt trong mục tiêu cũng như quá trình. Amy Jen Su, đối tác quản lý của Paravis Partners và đồng tác giả của cuốn “Làm Chủ Căn Phòng” gợi ý tập trung vào thứ gì đó thay vì tập trung vào nguy cơ mà sự bất đồng này có thể phá hoại mối quan hệ của bạn. Cô ấy cho rằng ta phải nghĩ về những gì công việc cần: Tại sao sự khác biệt về ý kiến của bạn lại trở thành một chủ đề tranh luận quan trọng? Nó sẽ giúp ích cho công ty như thế nào, cho đồng nghiệp của bạn như thế nào, hay cho dự án bạn đang than gia như thế nào? Muốn được yêu mến là chỉ quan tâm đến bản thân, muốn có được điều tốt nhất cho doanh nghiệp hay đồng nghiệp sẽ bớt ích kỷ hơn nhiều.

5.3. Đừng đánh đồng tranh luận với khó ưa

Khi tôi nói chuyện với những người sợ xung đột, và tôi hỏi tại sao họ không dám bất đồng, tôi thường nghe những câu trả lời như “Tôi không muốn làm cô ta tổn thương” hay “Tôi không muốn làm một thằng đểu.” Đúng, có những người ta thực sự không muốn xảy ra xung đột (ví dụ như giám đốc của mình), nhưng hầu hết mọi người đều mở lòng để nghe một quan điểm trái chiều nếu bạn bày tỏ một cách có suy nghĩ và tôn trọng. Hãy tự hỏi bản thân: Có thật sự là mình sẽ làm tổn thương đồng nghiệp của mình hay người ta sẽ nghĩ mình là đồ đểu hay không? Hay mình chỉ đang tự tạo ra chính sự khó chịu cho bản thân?

5.4. Tìm một hình mẫu và học tập theo họ

Trong cuộc đời của bạn sẽ luôn có một người - đồng nghiệp, họ hàng, hay bạn bè - vô cùng thẳng thắn và thật thà về những suy nghĩ và ý kiến của họ không chút ngại ngần. Hãy học tập người đó. Xem họ làm những gì. Và rồi cố gắng bắt chước họ. Một người đồng nghiệp của tôi đã nói với tôi là khi cô ấy ở trong một tình huống căng thẳng, cô ấy sẽ giả vờ mình là một diễn viên chuyên xử lý với sự thiếu thoải mái. Cô ấy cho rằng việc đó giúp cô ấy quan sát được những việc mình làm từ một góc độ khách quan hơn là bị đè bẹp trong những cảm xúc thật sự tại thời điểm đó. Đây là phương châm “hãy làm giả đến khi bạn thành công” mà Trường Kinh doanh London Herminia Ibarra khuyên sử dụng. Nếu bạn không quen xử lý với những tình huống căng thẳng, hãy thử với góc độ của một người làm được việc này.

Dù bạn quyết định sử dụng chiến thuật nào thì cũng luyện tập theo từng bước nhỏ thôi. Trở nên thẳng thắn trong một cuộc hội thoại nhỏ và xem điều gì sẽ xảy ra. Mọi thứ sẽ tốt hơn bạn tưởng. Và nếu không tốt hơn thì bạn có thể học hỏi từ kinh nghiệm đó và thử lại lần sau.

Như tôi đã học được từ chuyện gửi nhầm email cho Marguerite trong quá khứ, đôi khi bất đồng chính là điều người kia muốn bạn làm - chỉ cần thể hiện với sự tôn trọng và đồng cảm.

----------

Tác giả: Amy Gallo

Link bài gốc: Why We Should Be Disagreeing More at Work

Dịch giả: Bùi Hương Mai - ToMo: Learn Something New

(*) Bản quyền bài viết thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Bùi Hương Mai - Nguồn: ToMo: Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Fanpage ToMo: Learn Something New để cập nhật thông tin bổ ích hàng ngày!

(***) Trở thành CTV, Thực Tập Sinh Part-time để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: http://bit.ly/ToMo-hiring.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,075 lượt xem