Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[ToMo] Thỏa Thuận Lương: Làm Sao Để Thỏa Thuận Tốt Hơn 99% Những Người Khác

Những kỹ năng thỏa thuận lương giúp bạn lọt vào top 1%. Với các video, câu trả lời mẫu, tình huống thực tế, và những công cụ thỏa thuận mới.

Bạn đã bao giờ thấy một người bạn hay người thân trong gia đình cố mặc cả giá xe hoặc thỏa thuận giá ở cửa hàng - và hoàn toàn thất bại chưa?

Câu chuyện thường theo hướng sau:

  • Người mua: “Xin lỗi,... anh có thể giảm giá món hàng này cho tôi một chút được không? Tôi đang nghĩ -”

  • Người bán: “Không, xin lỗi nhưng đây là giá cố định rồi.”

  • Người mua: “Tôi hiểu rồi.” (cúi đầu, tự hỏi bản thân, “Sao mình còn bận tâm làm gì chứ?”)

Và điều này không chỉ xảy ra khi mặc cả giá xe hay món đồ ở cửa hàng - mọi người thường rụt rè tiếp cận việc thỏa thuận lương với thái độ yếu mềm y như vậy… thật NỰC CƯỜI!

Tôi YÊU thỏa thuận lương. Chỉ với cuộc nói chuyện dài 5 phút, bạn vừa thắng đậm vừa kiếm được thêm hàng ngàn đô 1 năm - tổng số tiền này sẽ rất lớn trong suốt cuộc đời bạn đấy.

Hãy xem biểu đồ này để thấy rằng khi mức lương tăng thêm $5,000 thì sau một vài năm nó sẽ lớn như thế nào nhé:

Nếu như có cơ hội kiếm thêm HÀNG TRIỆU đô, thì tại sao bạn lại có thể vứt bỏ cơ hội với thái độ yếu đuối chứ?

Tuy nhiên, khi nhắc đến thỏa thuận thì lại có rất nhiều những quan niệm sai lầm.

Đó là lý do tại sao tôi muốn liệt kê chúng ra trước khi đi sâu vào việc LÀM THẾ NÀO để thỏa thuận lương. Sau đó, tôi sẽ nói chi tiết những bước để đạt được thỏa thuận.

  1. Những câu chuyện không tưởng về thỏa thuận lương

  2. 5 bước để ĐẠT được thỏa thuận lương

  3. Tìm ra mức lương chính xác mà bạn muốn

  4. Xác định vấn đề mà công ty đang gặp phải - và cách để giải quyết chúng

  5. Chuẩn bị Kỹ năng Chiếc cặp… một lần nữa

  6. Sẵn sàng ở vị trí rút lui

  7. Tập thỏa thuận một cách không nao núng

  8. Yêu cầu những lợi ích khác ngoài lương

  9. Danh sách công việc cần làm trong tuần này

Câu chuyện không tưởng về thỏa thuận #1: Thỏa thuận lương cần phải có tính chất đối đầu

Sau đây là một vài cụm từ phổ biến mà những người không muốn thỏa thuận lương đưa ra:

“Tôi không muốn trở nên hẹp hòi”.

“Anh ấy chỉ là chủ của một doanh nghiệp nhỏ - tôi sẽ chỉ trả theo những gì anh ấy muốn”.

“Tôi ghét tranh luận với người khác”.

Điều đầu tiên mà bạn cần phải nhận ra là bạn không cần phải trở nên hẹp hòi trong khi thỏa thuận - ngược lại thì đúng hơn. Bạn muốn thăm dò tình hình một cách cẩn thận và tế nhị. Sau cùng, cả người bán và bạn đều cùng muốn một thứ: để bạn mua được sản phẩm.

Nghĩ như vậy, khi gặp phải sự từ chối đối với một món hàng, thay vì nói, “TRỜI ƠI SAO ĐẮT THẾ. ANH MẤT TRÍ RỒI… có thể cho tôi giá hời hơn không?” bạn sẽ muốn nói gì đó kiểu như, “Chúng ta thân nhau đấy, nhưng chúng ta cần phải tìm ra một mức giá hợp lý hơn”.

Câu chuyện không tưởng về thỏa thuận #2: Tôi cần phải đọc (và đọc, và đọc) rất nhiều về thỏa thuận trước khi tôi làm bất cứ điều gì.

Đây là một trong những chiếc bẫy lớn nhất mà người ta mắc phải khi họ thử một thứ gì đó mới - học hỏi thay vì hành động.

Đừng hiểu sai ý tôi, bạn cần phải học. NHƯNG bạn sẽ học hỏi được gấp 100 lần từ việc tập luyện 5 thỏa thuận so với việc đọc bài blog hoặc xem video trên Youtube về thỏa thuận - và đúng, bao gồm cả bài báo NÀY.

Câu chuyện không tưởng về thỏa thuận #3: Bạn có thể thỏa thuận mọi thứ

Đáng buồn thay, đôi khi bạn phải chấp nhận giá của thứ bạn muốn vì sự thật hiển nhiên là bạn không thể thỏa thuận mọi thứ.

Sau tất cả, bạn không có quyền mặc cả mọi thứ - nhưng bạn có thể CHỌN cuộc chiến của mình, vì những lựa chọn đúng có thể tiết kiệm/tạo ra hàng ngàn đô cho bạn.

Tuy vậy, vẫn có rất nhiều thứ bạn CÓ THỂ thỏa thuận. Bất kỳ ai có bố mẹ là người châu Á có thể nói với bạn điều đó.

Thực tế, đây là một danh sách MỘT VÀI thứ mà có lẽ bạn không biết rằng bạn có thể thỏa thuận được - tôi biết vì tôi đã từng làm thế trước đây VÀ cũng đã chỉ cho hàng nghìn người cách làm.

  • Bảo hiểm xe

  • Kế hoạch điện thoại di động

  • Thẻ thành viên tập gym

  • Cáp

  • Tiền thuê nhà

  • Thẻ tín dụng

Hãy xem video của tôi về việc thỏa thuận hóa đơn để biết thêm về chủ đề này.

Câu chuyện không tưởng về thỏa thuận #4: Một vài người sinh ra để thỏa thuận

Hãy rõ ràng về vấn đề này: thỏa thuận là 1 kỹ năng. Và giống như bất kỳ kỹ năng nào khác, chúng ta có thể hoàn thiện nó bằng cách học hỏi, mài giũa, và sử dụng thành thạo.

May mắn thay, tôi đã được học từ những người thỏa thuận giỏi nhất: bố mẹ tôi.

Ví dụ, mẹ sẽ chỉ cho tôi cách mặc cả ở cửa hàng tạp hóa khi tôi còn bé. Sau đó, khi sang Ấn Độ, tôi được chứng kiến việc mặc cả được đưa lên tầm cao mới khi người ta thỏa thuận với người bán ở cửa hàng và ở chợ.

Điểm đáng nói là, vấn đề nằm ở những người xung quanh bạn và việc luyện tập. Đương nhiên, không ai trong chúng ta có thể trở thành người thỏa thuận đứng đầu thế giới… nhưng chúng ta cũng không cần phải như thế. Nếu chúng ta chỉ tốt hơn chúng ta hiện giờ một chút thôi, chúng ta cũng có được phần thưởng lớn hơn thế nhiều.

Câu chuyện không tưởng về thỏa thuận #5: Tôi không biết về thỏa thuận nhiều như người khác

Ở đây, chúng ta cần xem lại câu chuyện #1: đừng coi việc thỏa thuận là việc hơn thua.

Mọi người thường nghĩ rằng ai đó phải cực kỳ cứng rắn trong cuộc thỏa thuận thì mới có thể giành được thứ họ muốn - nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại.

Tất nhiên, bạn không thể cứ yêu cầu và mong người khác sẽ đáp ứng - bạn phải chứng minh rằng mình đúng. Các công ty thẻ tín dụng, bảo hiểm và điện thoại sẵn lòng đưa ra chính sách giảm giá để giữ được khách hàng có giá trị cao. Và một người chủ cũng sẽ vui vẻ như thế khi tăng lương để giữ được một nhân viên làm việc cực kỳ tốt và tạo ra giá trị hàng ngày.

Bạn sẽ nghe ai đó nói “Không!” nhưng tôi hứa với các bạn rằng bạn sẽ bất ngờ với số người nói “Có!”.

Miễn là bạn chuẩn bị và sẵn sàng chứng minh mình đúng, thỏa thuận lương sẽ trở nên bớt đáng sợ hơn nhiều.

Đó là lý do đưa chúng ta đến…

5 bước để ĐẠT được thỏa thuận

5 quy luật sau sẽ giúp bạn chuẩn bị cho thỏa thuận, cho phép bạn nói chuyện với nhà quản lý một cách tự tin và sẵn sàng kiếm nhiều tiền hơn.

Tuy nhiên, nhớ rằng tất cả sự chuẩn bị trên thế giới này đều sẽ không có tác dụng nếu bạn không thật sự thỏa thuận lương.

Bước 1: Tìm ra mức lương chính xác mà bạn muốn

Nếu bạn bắt đầu cuộc thỏa thuận mà không có một con số cụ thể, bạn sẽ sớm bị yếu thế trước một quản lý có kinh nghiệm, người sẽ dễ dàng kiểm soát cuộc trò chuyện. Đó là những gì họ làm để kiếm sống.

Khi bạn biết được bạn muốn gì, bạn không những có thể nói chuyện một cách rõ ràng với người khác, mà bạn còn có thể giải thích tại sao bạn xứng đáng với mức lương đó.

Đó là lý do mà bạn không thể cứ thế bước vào và nói, “Tôi muốn kiếm $100,000 một năm!!!”

Thay vào đó, bạn phải cho họ thấy được giá trị của bạn - tôi sẽ nói về phần này kỹ hơn trong bài báo về Kỹ năng Chiếc cặp.

Nếu bạn không chắc về việc nên yêu cầu mức lương bao nhiêu, tôi sẽ đưa cho bạn chỉ 3 lời khuyên quan trọng:

  1. Nghiên cứu

  2. Nghiên cứu

  3. Đòi 1 triệu đô la… đùa đấy! NGHIÊN CỨU

Trước khi bạn nói chuyện với quản lý về thỏa thuận lương, bạn nên nghiên cứu càng nhiều càng tốt về mức lương trung bình cho công việc của bạn. Chỉ khi đó bạn mới có thể áp dụng những chiến lược trong bài báo này vào việc thỏa thuận lương.

Cho đến lúc đó, có một vài nguồn tuyệt vời để bạn bắt đầu:

  • Salary.com: đây là website tuyệt vời cho cả chủ và những người tìm việc để so sánh mức lương cho những công việc cụ thể của hàng loạt công ty.

  • Glassdoor.com: Mặc dù trang này chủ yếu dành cho những người đang quá sốt ruột trong quá trình tìm việc, nó cũng bao gồm công cụ tiền lương cực kỳ hữu ích mà cho phép bạn tìm hiểu về mức lương trung bình cả nước cho công việc của bạn cũng như mức lương trung bình ở thành phố bạn sống.

  • Payscale.com: Website này gửi bạn một bản báo cáo tiền lương riêng dựa trên bảng câu hỏi mà bạn điền về lịch sử nghề nghiệp của bạn. Nó cực kỳ hữu ích đối với những sinh viên mới ra trường.

  • Hỏi bạn bè: Bạn có biết ai đã từng làm trong lĩnh vực này trước đây không? Có thể một người bạn của bạn đã ở trong ngành này một vài năm rồi. Hỏi xem họ được trả bao nhiêu - cũng như xin họ lời khuyên về mức lương bạn nên yêu cầu.

  • Google: Một tìm kiếm đơn giản như “Mức lương trung bình cho nhân viên marketing kỹ thuật số” sẽ cho bạn cả 1 kho thông tin mà bạn có thể sử dụng.

Chỉ khi nào đã nghiên cứu đủ sâu thì bạn mới có thể mong mình sẽ thỏa thuận tốt.

Bước 2: Xác định vấn đề mà công ty đang gặp phải - và cách để giải quyết chúng

Tôi từng phỏng vấn một người này. Cậu ấy thỏa thuận với tôi - nhưng cậu ta cứ đưa ra những thứ mà tôi chẳng quan tâm.

Cậu ta nói những thứ kiểu như, “Tôi cũng có thể làm [kỹ năng X nào đấy không cần thiết] cho anh, và [công việc Y vốn đã được người khác làm], và [giá trị Z mà tôi đang tự làm tốt hơn].”

Nếu cậu ấy dành thời gian tìm ra được thứ tôi THẬT SỰ cần - sự đáng tin cậy - cậu ấy đã có thể đưa ra những ví dụ cụ thể, như là một bản tóm tắt hàng tuần về những gì cậu ấy đã đạt được và tuần tiếp theo cậu ấy định làm gì.

Nếu cậu ấy làm VẬY, tôi sẽ vui lòng trả thêm hàng nghìn đô để đổi lấy sự thoải mái về tinh thần.

Nhưng vì cậu ấy không dành thời gian để tìm xem là một người chủ, tôi muốn gì, nên tôi đã không thuê cậu ấy.

Đó là lý do vì sao việc xác định những vấn đề chính mà người chủ đang gặp phải là cực kỳ quan trọng để sau này bạn có thể tìm ra cách giải quyết chúng.

Trong buổi phỏng vấn, hỏi người mà bạn đang nói chuyện cùng thật nhiều câu hỏi trọng tâm về vấn đề của họ. Tôi CỰC THÍCH nếu được hỏi những câu như:

  • Anh muốn cải thiện công ty ở điểm nào - và tôi có thể giúp bằng cách nào?

  • Đặc điểm nào ở nhân viên mới mà anh trân trọng nhất?

  • Tôi có thể giúp anh với mục tiêu quan trọn nhất quý này như thế nào?

Nhớ rằng: bạn có thể làm tăng thêm trọng lượng cho thỏa thuận lương của bạn nếu bạn vượt qua được buổi phỏng vấn.

Một khi bạn nhận ra tất cả những chỗ mà bạn có thể thêm giá trị cho công ty, bạn sẽ sử dụng một trong những kỹ năng yêu thích nhất của tôi…

Bước 3: Chuẩn bị Kỹ năng Chiếc cặp… một lần nữa

Đây là một trong những kỹ năng mà tôi cực kỳ thích áp dụng trong các buổi phỏng vấn, thỏa thuận lương, đề xuất khách hàng - bất cứ thứ gì! Và cái hay của nó là ở chỗ bạn đã hoàn thành 90% công việc trước khi bạn bắt đầu nói chuyện với quản lý.

Đúng như lý tưởng, bạn đã sử dụng kỹ năng này trong buổi phỏng vấn đầu tiên để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng.

Nhưng giờ bạn sẽ LẠI sử dụng nó với thông tin mà bạn thu được ở bước 2.

Đây là cách nó hoạt động:

Đầu tiên, bạn sẽ làm bật lên những thông tin thu được ở bước 2, và tạo ra 1 tài liệu đề xuất dài 1 - 5 trang, chỉ ra những phần cụ thể ở công ty mà bạn có thể tăng thêm giá trị.

Sau đó, bạn sẽ mang tài liệu này theo khi bạn thỏa thuận lương. Khi câu hỏi về lương xuất hiện, bạn sẽ đưa tài liệu này ra và nói ngắn gọn chính xác về việc bạn sẽ giải quyết những thử thách cho công ty như thế nào.

        Quản lý: Mức lương bạn mong muốn là bao nhiêu?

        Bạn: Thực ra, trước khi bàn về lương, tôi muốn cho anh xem một số thứ tôi đã tổng hợp được.

Và sau đó bạn đưa ra tài liệu chi tiết về điểm yếu của công ty và bạn sẽ giúp họ CHÍNH XÁC bằng cách nào. Nếu dùng cặp tài liệu thì đó sẽ lại là 1 điểm cộng nữa cho bạn.

Bằng cách xác định những khó khăn mà công ty đang gặp phải, bạn có thể cho quản lý thấy chính xác bạn sẽ tạo ra giá trị ở đâu - khiến cho bạn trở thành một nhân viên cực giá trị.

Tiếp cận tài liệu này như một tài liệu mang tính thuyết phục nhất mà họ từng nhận được - hoàn thiện với những vấn đề mà họ biết và cách mà BẠN giải quyết vấn đề.

Tôi đi vào cụ thể hơn về Kỹ năng Chiếc cặp trong video dài 2 phút này. Hãy xem nó dưới đây:

Bước 4: Sẵn sàng ở vị trí rút lui

Có một kỹ năng tâm lý kinh điển mà tôi muốn giới thiệu cho các bạn, có tên là kỹ năng “Cửa ngay trước mặt”.

Giả sử có một nhân viên phi lợi nhuận đang xin tài trợ từ một chủ nhà.

         Nhân viên phi lợi nhuận: “Xin chào, bạn có muốn quyên góp $50 vào Quỹ Cứu trợ Cá Voi không?”

         Chủ nhà: “Không bao giờ”.

         Nhân viên phi lợi nhuận: “Thôi được rồi, $5 thì sao?”

        Chủ nhà: “Hmmm được rồi”.

Thấy nhân viên phi lợi nhuận làm gì không? Anh ấy biết anh ấy sẽ không bao giờ có được $50 - nhưng anh ấy cũng biết rằng nếu anh ấy giảm mức tiền xuống nhiều hơn so với lần hỏi đầu, chủ nhà sẽ có xu hướng đồng ý quyên góp hơn.

Bạn có thể làm việc này bằng cách đòi mức lương cao hơn so với mức mà bạn sẽ chấp nhận sau thỏa thuận. Tệ nhất, bạn sẽ phải thỏa thuận mức thấp hơn dự định với quản lý. Còn nếu tốt nhất, bạn sẽ có lương cao hơn.

Nhớ rằng: nếu bạn đang thỏa thuận, bạn có thể thất bại - nhưng điều đó hoàn toàn bình thường. Bạn nên ĐOÁN TRƯỚC được thất bại. Nắm lấy nó. Và theo đó mà lên kế hoạch để biến “thất bại đã đoán trước” thành ưu thế.

Video 6 phút này cho bạn thấy được chiến lược - bao gồm kịch bản trả lời - sẽ giúp bạn lấy được sự tôn trọng của họ và khiến họ sẵn sàng trả cho bạn những gì bạn xứng đáng.

Bước 5: Tập thỏa thuận một cách không nao núng

Những nhạc sĩ đến được Sảnh Carnegie như thế nào? Bạn cũng kiếm thêm hàng nghìn đô bằng cách đó. Luyện tập.

Đa số mọi người sẽ đánh mất hàng chục đô trong số hàng ngàn đô họ kiếm được trong cuộc đời vì không tập thỏa thuận. Thực tế, hầu hết mọi người không thỏa thuận gì hết. Kể cả khi họ thỏa thuận, họ cũng không luyện tập.

Họ sẽ nói những thứ như:

  • “Cảm giác hơi kỳ.”

  • “Tôi sẽ luyện tập với ai?”

  • “Tôi nói gì nữa đây?”

KHÔNG QUAN TRỌNG!!!!! Đấy là lý do bạn sẽ luyện tập.

Như tôi vẫn luôn nói: Đừng ném vào rổ đầu tiên ở NBA. Sau cùng, nếu bạn không luyện tập, bạn sẽ có cuộc thỏa thuận lạnh nhạt với quản lý, người mà công việc của họ là thỏa thuận cả ngày.

Vì thế hãy tìm một người bạn hoặc thành viên trong gia đình để tập luyện những chiến lược này. Bạn có thể ra chợ và mặc cả giá những món hàng nhỏ hoặc thử thỏa thuận trên Craiglist. Tích tiểu thành đại.

Sau đây là một số câu hỏi bạn nên chuẩn bị để trả lời - và hãy luyện tập cùng bạn mình nhé:

  • “Bạn mong muốn mức lương bao nhiêu?”

        Trả lời câu hỏi này bằng thông tin bạn thu được từ bước 1. Lúc mà bạn bước vào thỏa thuận, bạn nên có sẵn một con số hoặc một khoảng cụ thể trong đầu.

  • “Kinh phí của chúng tôi không còn. Chúng tôi không thể trả cho bạn thêm nữa.”

        NÓI DỐI!!! Nếu họ nói với bạn kiểu như thế này, hãy đảm bảo bạn KHÔNG MẮC BẪY. Đây là chiêu hù dọa mà các công ty hay dùng để khiến chúng ta đồng ý với mức lương thấp hơn chúng ta xứng đáng… và bỏ túi số tiền mà đáng nhẽ ra là của chúng ta.

  • “Hiện giờ bạn đang kiếm được bao nhiêu?

        Những người chủ sẽ hỏi câu này để xem xem bạn có đang kiếm được mức trung bình của ngành này không. Sau cùng, nếu bạn KHÔNG kiếm được mức trung bình, họ sẽ thắc mắc tại sao? Và điều này ảnh hưởng lớn đến việc họ sẽ cho bạn cái gì.

Đó là lý do việc thể hiện bạn sẽ tăng thêm giá trị gì cho công ty bằng Kỹ thuật Chiếc cặp trước khi câu hỏi về lương xuất hiện là cực kỳ quan trọng - như thế bạn sẽ trông thật đỉnh khi làm vậy.

Hãy làm theo những bước đó và bạn sẽ thành công khi thỏa thuận lương.

Yêu cầu những lợi ích khác ngoài lương

Lương chỉ là bước đầu tiên mà bạn có thể thỏa thuận được trong tiến trình. Thực tế, có một số lượng lớn những lợi ích mà bạn có thể thỏa thuận nếu bạn làm việc tốt.

Chúng bao gồm:

  • Làm việc từ xa: Đúng vậy - bạn có thể thỏa thuận với sếp để thuyết phục họ cho bạn làm việc ở nhà.

  • Quyền mua cổ phiếu: Một vài công ty đề xuất cổ phiếu cho nhân viên để thúc đẩy công việc của họ. Mặc dù nhiều lúc chỉ có một lượng nhất định cho tất cả nhân viên, bạn có thể thỏa thuận để có được nhiều quyền mua cổ phiếu hơn với điều kiện bạn là ứng viên top đầu.

  • Ngày nghỉ: Nghỉ có lương và nghỉ lễ là những lợi ích mà hầu hết các công ty đều đưa ra - nhưng không nhiều người nhận ra rằng mình cũng có thể thỏa thuận về ngày nghỉ.

Với mỗi phần này, hãy nhớ kỹ năng ARMS. Một ví dụ cho việc thỏa thuận làm việc từ xa:

  • Đồng ý. Đây là một thủ thuật tâm lý hay bằng cách đề xuất thứ gì đó mà chủ của bạn sẽ chấp thuận trước -  như thế họ sẽ dễ đi theo những yêu cầu về sau của bạn.

  • Định nghĩa lại. Thay vì cho người chủ thấy làm việc từ xa sẽ có ích cho bạn như thế nào, bạn sẽ cho họ thấy việc đó có ích cho công ty như thế nào.

  • Chứng minh. Ở đây bạn sẽ thuyết phục người ta: Khiến họ thích thú với ý tưởng làm việc ở nhà của bạn - nhưng biện minh rằng bạn sẽ làm việc tại văn phòng nếu điều đó ảnh hưởng đến công việc.

  • Im lặng. Khi đã xong việc, tức là bạn đã xong. Nhường sân và để người chủ nói.

Đây là một kịch bản hay mà bạn có thể dùng để thỏa thuận việc làm từ xa.

     Bạn: Quả là một tin tốt. Tôi rất nóng lòng được tham gia cùng công ty và rất mong chờ sẽ tạo ra giá trị cho tổ chức.

             Tuy vậy, tôi e rằng thời gian đi lại sẽ ảnh hưởng mạch làm việc cũng như sự tập trung của tôi. Sẽ rất khác biệt nếu tôi được làm ở nhà 1 hay 2 ngày 1 tuần.

     Quản lý: Xin lỗi. Ở đây chúng tôi không làm thế.

     Bạn: [Đồng ý] Tôi hiểu là công ty chưa từng làm thế bao giờ - nhưng đây có thể là một cơ hội tốt. Chúng ta có công nghệ để biến mọi thứ thành có thể.

             [Định nghĩa lại] Nếu được, chúng ta có thể tìm ra ứng viên ở các bang khác cho vị trí XYZ.

             [Chứng minh] Và dựa vào sự ủy nhiệm cũng như kinh nghiệm của tôi, thử nghiệm điều đó với tôi trên phạm vi hẹp cũng không đem lại rủi ro lớn. Nếu như không được, chúng ta luôn có thể quay trở lại cách cũ.

             [Im lặng] Vậy anh nghĩ sao?

Và nếu họ đồng ý, bạn làm tốt lắm! Nếu không, thì cũng không sao cả. Bạn luôn có thể quay trở lại và thuyết phục lại sau khi bạn đã thực sự chứng tỏ giá trị với công ty.

Trong video này, tôi phỏng vấn bạn tôi Justin Wilson, cựu cố vấn quản trị và hoàn toàn THÀNH THỤC kỹ năng thỏa thuận. Chúng tôi cùng nhau trải qua một buổi thỏa thuận giả và cậu ấy hoàn toàn đạt được thỏa thuận về lợi ích ngoài tiền lương.

Hãy xem video tại 2:52.

Những việc cần làm tuần này

Sau đây là cách để bắt đầu:

  1. Dành 30 phút - và CHỈ 30 phút - đọc các tình huống thực tế, kịch bản, và ví dụ về cách thỏa thuận.

  2. Chọn MỘT trong các lĩnh vực sau đây để thỏa thuận:

  • Tài chính cá nhân (công ty thẻ tín dụng, hóa đơn điện thoại,...)

  • Craiglist (không quan trọng bạn đang mua hay bán)

  • Chợ nông sản/Chợ trời (Xem xem bạn có được giá hời đến đâu)

  • Khách hàng của bạn ( tăng giá hoặc sắp xếp hợp đồng dài hạn hơn)

    3. Tìm cách thỏa thuận sáng tạo trong vòng 3 NGÀY.

    4. Để lại kết quả thỏa thuận, thứ bạn học được từ trải nghiệm, VÀ KỊCH BẢN MÀ BẠN DÙNG trong phần bình luận bên dưới.

Nhớ rằng: hãy tỏ ra tôn trọng người khác trong khi thỏa thuận. Đừng bao giờ lợi dụng người khác và đừng bao giờ bất lịch sự.

Khi bạn đã luyện tập, bạn sẽ sẵn sàng cho một cuộc thỏa thuận lương.

----------

Tác giả: Ramit Sethi

Link bài gốc: Salary negotiation: How to negotiate better than 99% of people

Dịch giả: Phạm Hà Thủy Linh - ToMo: Learn Something New

(*) Bản quyền bài viết thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Phạm Hà Thủy Linh - Nguồn: ToMo: Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Fanpage ToMo: Learn Something New để cập nhật thông tin bổ ích hàng ngày!

(***) Trở thành CTV, Thực Tập Sinh Part-time để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: http://bit.ly/ToMo-hiring.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,246 lượt xem