Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Tổng Quan Về Bài Kiểm Tra Tâm Lý Trong Quá Trình Tuyển Dụng

Một trong những công cụ đánh giá ứng viên phù hợp với vị trí ứng tuyển hay không chính là thực hiện kiểm tra tâm lý. Nếu chưa từng ứng tuyển vào bất kỳ công ty, tổ chức nào, chưa từng tiếp xúc với bài kiểm tra tâm lý, hãy theo dõi các thông tin dưới đây để trang bị kiến thức hữu ích cho lần xin việc tới.

Không giống với hầu hết các loại bài kiểm tra khác, có một dạng kiểm tra không đòi hỏi người làm phải trả lời đúng, mà phải trả lời thành thật. Cùng khám phá cách làm chủ bài kiểm tra tâm lý nhé.

1. Thế nào là một bài kiểm tra tâm lý?

Các bài kiểm tra tâm lý giúp nhà tuyển dụng xác định được kỹ năng, kiến thức và tính cách của ứng viên. Chúng thường được sử dụng trong giai đoạn sàng lọc hồ sơ, hoặc là một phần của vòng phỏng vấn nhóm (assessment centre). Đó là những chỉ số khách quan, thuận tiện, và đặc biệt “mạnh” trong việc đánh giá hiệu suất của mỗi người, chính vì vậy, chúng trở nên phổ biến đối với các nhà tuyển dụng hàng đầu.

Mặc dù vẫn có một số bảng câu hỏi yêu cầu làm trực tiếp trên giấy, nhưng phần lớn các bài kiểm tra tâm lý được thực hiện trực tuyến. Hầu hết dạng bài này đều tính thời gian cho một lần làm, nhưng một vài dạng cho phép hoàn thành trong những lần kiểm tra khác nhau.

2. Các dạng bài kiểm tra tâm lý

Có hai dạng kiểm tra tâm lý chủ yếu: kiểm tra tính cách và kiểm tra năng lực.

Kiểm tra tính cách giúp khám phá sở thích, giá trị cá nhân và động lực làm việc, phân tích xem bạn phù hợp như thế nào với vị trí cũng như tổ chức bạn ứng tuyển vào. Chúng sẽ thể hiện cảm xúc, hành động và các mối quan hệ ưu tiên của bạn trong các tình huống khác nhau.

Trong khi đó, bài kiểm tra năng lực làm việc đánh giá khả năng lập luận và vốn hiểu biết, xác định xem những kỹ năng bạn có đã đủ cho vị trí ứng tuyển hay chưa. Trong phòng thi, bạn sẽ có một phút để trả lời các câu hỏi trắc nghiệm. Độ “thông minh” của bạn sẽ được so sánh với một tiêu chuẩn, nghĩa là bạn phải đạt được một số điểm nhất định mới có thể vượt qua vòng này. Một bài kiểm tra năng lực thường bao gồm:

  • Phân tích biểu đồ

  • Tim lỗi sai

  • Kiểm tra tính toán

  • Tư duy không gian

  • Đọc hiểu

Kiểm tra tính cách

Có rất nhiều dạng kiểm tra tính cách, ví dụ như MBTI – xếp bạn vào một trong 16 loại tính cách; hoặc OPQ – đánh giá mức độ phù hợp của tính cách với công việc.

Bạn sẽ đọc qua các câu hỏi mô tả cảm xúc, cách ứng xử khác nhau trong từng tình huống cụ thể, xem nhận định đúng nhất với bạn, và đánh dấu chúng theo mức độ đồng tình trên thang 2, 5 hoặc 7 điểm. Không có câu trả lời nào được xem là đúng hay sai, cũng như không có bất kỳ sự ép buộc nào làm giảm đi tính chính xác và chân thực của các phương án bạn lựa chọn. Mặc dù nhìn chung bài kiểm tra không giới hạn thời gian, nhưng bạn nên dành từ 15 – 30 phút hoàn thành 50 – 200 câu hỏi online. Cách tốt nhất để chuẩn bị cho bài kiểm tra tâm lý dạng tính cách này là luyện tập làm bài để có thể quen với nhiều loại câu hỏi. Bên cạnh đó, hãy chắc chắn rằng bạn đã đọc kỹ phần mô tả công việc, để biết nhà tuyển dụng mong đợi điều gì từ bạn và bài kiểm tra này sẽ đánh giá chúng như thế nào.

Khi làm một bài kiểm tra tính cách, bạn cần:

  • Không gian thân thuộc, yên tĩnh

  • Xem kỹ hướng dẫn, tập trung tối đa vào câu hỏi

  • Hít thở chậm và sâu để giữ bình tĩnh

  • Làm nhanh và chính xác, bỏ qua những câu mà bạn không hiểu

  • Trung thực và nhất quán trong các câu trả lời

  • Tin vào phản ứng đầu tiên của mình khi đọc câu hỏi, và đừng thử đoán đâu là câu trả lời “đúng ý” nhà tuyển dụng nhất

Cách vượt qua bài kiểm tra năng lực:

  • Luyện tập thật nhiều: Bài kiểm tra có thể sẽ được thực hiện online, vì vậy hãy làm quen với chúng trên màn hình. Việc luyện thi thật nhiều sẽ giúp bạn nhận ra những lỗ hổng kiến thức của mình.

  • Trang bị đầy đủ công cụ làm bài: Bạn nên mang theo một vài chiếc bút, giấy nháp và máy tính cầm tay (trong đa số trường hợp không cho phép ứng viên sử dụng điện thoại), một cái đồng hồ và 1 cuốn từ điển. Nhà tuyển dụng có thể sẽ yêu cầu bạn dùng công cụ họ đã chuẩn bị, nhưng mang theo vật dụng cá nhân là không bao giờ thừa. Hãy chắc chắn rằng bạn đã từng sử dụng qua chúng, bởi càng quen thuộc với các thiết bị, bạn làm bài càng nhanh và số câu hỏi được hoàn thành càng nhiều.

  • Đọc kỹ hướng dẫn: Trước khi bắt đầu làm bài, hãy chắc chắn rằng bạn đã hiểu rõ yêu cầu của đề và thời gian làm bài là bao lâu. Kiểm tra lại 2 lần bất kỳ đồ thị, bảng biểu hoặc hình ảnh để đảm bảo không bỏ sót bất kỳ phần nào và biết bài thi gồm nội dung gì.

  • Chú ý đến thời gian: Hãy chắc chắn rằng bạn có bao nhiêu phút để làm cả bài kiểm tra tâm lý dạng đánh giá năng lực và cho từng câu hỏi. Nếu “bí” câu nào, hãy bỏ qua, làm câu khác và quay lại nếu còn thời gian.

Kiểm tra tính toán

Bài kiểm tra tâm lý loại này sẽ đánh giá kỹ năng phân tích biểu đồ, đồ thị, dữ liệu và số liệu thống kê, khám phá khả năng làm việc với những con số một cách nhanh gọn và chính xác của ứng viên. Bài kiểm tra tính toán cũng có thể thử thách mức độ hiểu biết của bạn về tỷ lệ, tỷ suất, xu hướng, tỷ lệ % và tỷ giá hối đoái.

Kiểm tra đọc hiểu

Bạn sẽ được kiểm tra kỹ năng đọc hiểu thông tin, xác định luận điểm, luận cứ và truyền đạt chủ đề, khái niệm. Bạn sẽ phải đọc một đoạn văn ngắn trước khi trả lời các câu hỏi. Bài kiểm tra đọc hiểu thách thức khả năng suy nghĩ có hệ thống và sử dụng thông tin sẵn có để đưa ra kết luận chính xác. Một số bài kiểm tra còn đánh giá chính tả và ngữ pháp của bạn.

Kiểm tra tư duy trừu tượng

Đây là cơ hội để bạn chứng tỏ khả năng tiếp thu nhanh khi học hỏi cái mới. Các bài kiểm tra tư duy trừu tượng đo lường khả năng nhận diện bộ quy tắc và áp dụng chúng vào một tình huống mới, đánh giá xem bạn theo dõi thông tin hoặc phát hiện quy luật mới tốt như thế nào. Các câu hỏi bao gồm một loạt hình ảnh, mỗi hình ảnh có một vài điểm khác biệt. Nhiệm vụ của bạn là tìm ra hình ảnh phù hợp với quy luật của chuỗi trong các phương án lựa chọn. Dạng kiểm tra tâm lý này khá phổ biến đối với các vị trí trong lĩnh vực công nghệ thông tin, hay khoa học – kỹ thuật.

Kiểm tra kỹ năng ứng xử

Bạn sẽ được cung cấp một tình huống giả định trong công việc và lựa chọn phương án trong danh sách đáp án đưa ra. Đê bài có thể yêu cầu bạn chọn phương án tối ưu và kém tối ưu nhất, đánh giá các phương án theo thứ tự ưu tiên, hoặc chỉ chọn duy nhất một phương án mang lại hiệu quả cao nhất, vì vậy hãy đọc thật kỹ hướng dẫn trước khi bắt tay vào làm đề thi.

Tìm lỗi sai

Các bài kiểm tra lỗi dữ liệu đánh giá mức độ phát hiện sai sót nhanh và chính xác của ứng viên. Chúng đặc biệt phổ biến đối với công việc liên quan đến ghi chép và nhập dữ liệu đầu vào. Trong khi đó, dạng bài chẩn đoán lỗi lại thách thức khả năng tiếp cận vấn đề một cách logic của ứng viên, thường được dùng trong tuyển dụng vị trí kỹ thuật viên, những người phải tìm và sửa chữa các sai sót trong hệ thống cơ điện tử.

3. Luyện tập làm các bài kiểm tra tâm lý

Bạn dễ dàng tìm thấy các khóa hướng dẫn làm kiểm tra tâm lý trong chương trình đại học hoặc chương trình hướng nghiệp. Một số nhà tuyển dụng lớn cũng cung cấp đề thi thực hành và tư vấn cách để có thể vượt qua bài kiểm tra này.

Bạn có thể tham khảo các trang dưới đây để tìm lời khuyên, thông tin cũng như kiểm tra thử miễn phí các bài kiểm tra tâm lý:

Theo interview.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,524 lượt xem