Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

[THTT] 3 Sai Lầm Về Thói Quen Mà 95% Các Bạn Mắc Phải

3 sai lầm về thói quen mà 95% các bạn mắc phải!

Gieo hành động gặt thói quen- gieo thói quen gặt tính cách. Thói quen tốt giúp bạn phát triển bản thân, rèn luyện trí tuệ và cơ thể hàng ngày mà chỉ tốt rất ít năng lượng trong việc ra quyết định và thực hiện. Có thể nói thói quen tốt góp phần vô cùng lớn vào sự thành công của bất kì ai.

Mình may mắn được tiếp xúc với rất nhiều bạn trong thirty days challenge đang trên con đường hình thành những thói quen tốt cho bản thân và 99% các bạn đó đều mắc phải 3 sai lầm sau đây. Bạn không đọc nhầm đâu, tiêu đề bài viết chỉ là 95% nhưng trong nhóm của mình thì con số thực tế là 99% các bạn đều mắc phải 3 sai lầm sau đây.

Trước khi đọc tiếp bạn hãy trả lời câu hỏi:”Theo bạn việc hình thành 1 thói quen mới mất bao lâu?”

21 ngày? 30 ngày? Hay là một con số nào khác? Maxwell Maltz đã kết luận mất trung bình là 21 ngày để bệnh nhân của ông làm quen với những thay đổi trên cơ thể sau khi họ phẫu thuật. Thử nghiệm trên chính bản thân mình của Maxwell Maltz cũng cho cùng 1 kết quả. Ông mất trung bình 21 ngày để hình thành thói quen mới. Zig Ziglar và Brian Tracy cho rằng cần 30 ngày để 1 người thực sự hình thành thói quen mới.

Vậy tin tốt là bạn chỉ cần 1 tháng để hình thành thói quen dậy sớm lúc 5 giờ sáng mỗi ngày. Tưởng tượng xem bạn dậy sớm, ngồi đó đọc sách và nhâm nhi bữa sáng trước khi đi học hoặc đi làm. Bạn đã muốn làm điều này từ lâu nhưng dậy sớm rất khó. Giờ thì bạn biết rồi, chỉ cần duy trì được việc dậy lúc 5 giờ sáng trong 30 ngày thì nó sẽ trở thành thói quen của bạn. Mà khi đã thành thói quen rồi thì bạn sẽ cảm thấy rất dễ dàng và mất rất ít nỗ lực để tung chăn bật dậy sớm. Thậm chí khi đã thành thói quen rồi thì đôi khi bạn không đặt báo thức nhưng vẫn tự động bật dậy lúc 5 giờ sáng thôi. Tuyệt! Bắt tay vào thực hiện thôi. Xin lỗi nhưng tin xấu là đến ngày thứ 31 bạn vẫn sẽ phải vật lộn đấu tranh để lết ra khỏi giường thôi. Việc dậy sớm như vậy không thể trở thành thói quen chỉ trong 30 ngày đâu.

Hiều nhầm vĩ đại nhất trong lịch sử nghiên cứu về thói quen chính là đây. “Cần bao nhiêu ngày để hình thành thói quen mới?” Chính bản thân mình đúc rút khi quan sát các thành viên trong nhóm của mình thì con số đó chắc chắn không phải là 21 ngày hay 30 ngày như rất nhiều người nhầm tưởng bấy lâu nay.

Sự thật là thời gian cần thiết để hình thành 1 thói quen mới sẽ tỉ lệ thuận với độ phức tạp của thói quen đó. Ví dụ việc uống 1 cốc nước sau khi thức dậy sẽ thành thói quen khi bạn thực hiện liên tục trong 21 ngày. Nhưng việc dậy sớm lúc 5 giờ sáng có thể cần tới 60 ngày để thành thói quen. Tóm lại là thói quen càng phức tạp, khó thức hiện, dễ làm bạn nản thì càng cần nhiều thời gian để hình thành.

Sai lầm thứ 2 khi bạn muốn hình thành thói quen là áp lực bạn tự đặt lên bản thân.

Một bạn muốn dậy sớm lúc 5 giờ sẽ đặt mục tiêu như thế nào?

Đáp: “Mình sẽ dậy lúc 5 giờ sáng hàng ngày, bắt đầu từ ngày mai”

Một bạn khác muốn tập thói quen đọc sách 2 giờ mỗi ngày thì sẽ đặt mục tiêu như thế nào?

Đáp: ”Mình sẽ đọc sách hàng ngày từ 10 giờ đến 12 giờ đêm”

Bạn nên nhớ cơ thể và trí não bạn cần thời gian để thích nghi. Việc hình thành 1 thói quen là cuộc chạy marathon chứ không phải là cuộc đua nước rút. Bạn dồn áp quá nhiều áp lực lên bản thân sẽ khiến cơ thể bạn chống đối lại. Ví dụ nhé, bạn A quyết tâm đi tập gym hàng ngày. Nghĩ đến việc các bạn gái sẽ trầm trồ trước cơ bụng 6 múi của mình nên bạn A quyết tâm đi tập gym 3 giờ mỗi ngày, kể cả cuối tuần và ngày lễ. Ngày đầu tiên và ngày tiếp theo A tập hăng hái, chăm chỉ dù cơ thể đau nhức vô cùng. Ngày tập thứ 3 bạn A nghĩ là hôm nay cơ thể khá đau nên bạn tự cho phép mình nghỉ 1 hôm coi như thưởng cho sự cố gắng của bản thân. Ngày tập thứ 4 trời mưa, cơ thể chưa hết đau, bạn A cảm thấy hơi lười và bạn trùm chăn nằm nhà. Và sau đó không ai thấy bạn A đi tập gym nữa, bạn đã bỏ cuộc chỉ sau chưa đầy 1 tuần. Nghe có hơi giống trường hợp của bạn không?

Sai lầm thứ 2 chính là việc đặt quá nhiều áp lực lên bản thân khiến cho cơ thể và lý trí không đủ sức gánh chịu. Khi đó cả cơ thể và lý trí sẽ quay sang chống lại làm cho bạn A sớm bỏ cuộc. Chúng ta cùng nhìn qua câu chuyện của bạn B xem sao. Bạn B cũng lập kế hoạch đi tập gym cùng ngày và cùng chỗ tập với bạn A. Nhưng khác với A, bạn B không mắc sai lầm khi lập kế hoạch. Trong khi ngày đầu tiên A đến tập hùng hục 3 tiếng thì B đến khởi động và chạy bộ chỉ trong 30 phút. Ngày thứ 2, A tiếp tục tập liền tù tì 3 tiếng còn B tập chạy 30 phút và tập thêm 1 bài tập về cơ bụng. Ngày thứ 3 A nghỉ tập ở nhà vì cơ thể bạn đã quá mệt còn B tiếp tục tập chạy 30 phút, tập thêm 2 bài tập nhỏ, tối về B lên mạng search về các bài tập gym. Ngày thứ 4 A nghỉ ở nhà vì A cảm thấy lười (do cảm xúc của cậu lên tiếng) còn B đến phòng gym tập 1 tiếng, tối về B search tiếp về thực đơn ăn cho người tập gym. Khoảng 1 tháng sau A có đến phòng tập thêm 1 hay 2 buổi gì đó còn B thì tập đều đặn hàng ngày. Vậy ai là người đạt được hiệu quả tốt hơn? Rõ ràng là B đã thực hiện tốt hơn vì cậu biết cách để đạt được mục tiêu và không mắc phải sai lầm của A. Mình cảm thấy cần phải nhắc lại việc hình thành 1 thói quen là cuộc đua marathon, không phải là cuộc thi chạy nước rút. Vì vậy người thắng cuộc là người đi được xa hơn, bền hơn chứ không phải là người chạy nhanh hơn. Công thức đúng dành cho bạn là:

Bước 1: xác định đích đến (ví dụ bạn C muốn tạo thói quen dậy lúc 5 giờ sáng trong khi hiện nay bạn C luôn dậy lúc 7 giờ).

Bước 2: Chia mục tiêu thành các chặng đường nhỏ hơn, dễ đạt được, làm bạn cảm thấy không áp lực khi thực hiện (bạn C quyết định từ mai bạn sẽ dậy lúc 6 giờ 50 bởi vì việc dậy sớm 10 phút so với bình thường không làm bạn áp lực).

Bước 3: Duy trì đến khi cơ thể và cảm xúc đã quen thì tiếp tục tăng dần mức độ (C chuyển sang dậy lúc 6 giờ 40 sau 2 ngày bạn rồi dậy lúc 6 giờ 30 sau 5 ngày)

Bước 4: Duy trì cho đến khi đạt được mục tiêu và tiếp tục duy trì cho đến khi việc đó trở thành thói quen của bạn. (sau 3 tuần bạn C đã chuyển sang dậy từ 5 giờ sáng và bạn tiếp tục duy trì việc này)

Sai lầm cuối cùng nhưng là sai lầm rất dễ khiến bạn thất bại trên con đường hình thành thói quen. Chỉ cần tránh được sai lầm này là bạn đã tăng cơ hội thành công của mình thêm 50% rồi đấy. Chính bản thân mình cũng hay mắc phải và những người cầu toàn thì lại càng hay mắc sai lầm này hơn. Trong thời đại này 1 số trường hợp việc cầu toàn lại là tác nhân chính làm ảnh hưởng xấu đến kết quả công việc. (Mình xin giải thích trong 1 bài viết khác nếu bài viết này được các bạn quan tâm). Đừng sốt ruột, mình sẽ giải thích ngay đây.

Nghiên cứu của đại học Ohio (Mỹ) trên 2 nhóm tình nguyện viên khỏe mạnh trong 4 tuần đã chỉ ra rằng nhóm thực hiện “tập thể dục trong trí tưởng tượng” có tiến bộ về thể chất so với nhóm không làm gì cả. Thực tế nghiên cứu này ứng dụng trong trường hợp những bệnh nhân không thể tập luyện hay tham gia vật lý trị liệu. Những bệnh nhân này áp dụng việc “tập thể dục trong trí tưởng tượng” thường xuyên sẽ giúp làm chậm quá trình suy yếu của cơ bắp, ngăn ngừa việc teo nhỏ cơ bắp do không hoạt động trong 1 thời gian dài. Còn nếu bạn không có vấn đề gì như những bệnh nhân trên, vui lòng đứng dậy và xông ra phòng gym nhé.

Trở lại với sai lầm số 3. Trước đây mình đặt mục tiêu đọc làm 1 test Reading  mỗi ngày(tốn khoảng 1 giờ để thực hiện). Thêm vào đó là đi ngủ trước 12 giờ đêm để sáng hôm sau dậy đi làm. Tình huống là có ngày mình có việc bận nên khi nhìn đồng hồ để chuẩn bị làm bài reading thì đã 23h40 mất rồi. Nếu mình cố thực hiện thì sẽ bị ngủ muộn dẫn đến hôm sau đi làm uể oải, không tập trung. Chưa kể là thường cảm xúc sẽ níu chân làm mình lười biếng khi nghĩ đến việc làm bài Reading. Thế là giữa 2 lựa chọn làm bài test và ngủ muộn hay không làm bài test để ngủ đúng giờ thì tất nhiên mình sẽ chọn không làm bài test.

Sai lầm số 3 chính là tự giới hạn bản thân vào 2 lựa chọn: Thực hiện hay Không thực hiện. Trong quá trình hình thành thói quen của bản thân, bạn phải lặp đi lặp lại liên tục 1 mục tiêu nào đó. Khi đứng trước 1 lý do làm bạn không đủ thời gian thực hiện, bạn dễ dàng viện cớ này nọ để bỏ qua việc thực hiện mục tiêu. Bạn tự an ủi lương tâm mình rằng mình không lười, chỉ là mình không có đủ thời gian thôi. Nghe có quen không?

Trở lại với ví dụ về việc làm bài Reading rồi ngủ muộn hay là không làm Reading để ngủ đúng giờ? Chúng ta áp dụng nghiên cứu về việc “tập thể dục trong trí tưởng tượng” để giải quyết vấn đề. Trí não bạn thậm chí còn không phân biệt được bạn “thực sự” tập thể dục hay chỉ là “tập trong tưởng tượng” nên chúng cũng không cầu kì trong chuyện phân biệt ngày hôm nay bạn làm Xong 1 bài Reading hay là bạn làm Chưa Xong đâu. Quan trọng là trí não bạn sẽ ghi nhớ là hôm nay bạn Có làm (không quan trọng là có làm xong hay không). Vậy giải pháp cho ví dụ của mình là mình sẽ dành 20 phút còn lại để làm bài Reading, phần còn lại chưa xong mình sẽ làm bù vào hôm sau. Thậm chí nếu mình chỉ có 5 phút, mình cũng sẽ ngồi vào bàn và làm bài Reading, vì việc để cho trí não mình ghi nhận là mình có làm rất quan trọng trong việc hình thành thói quen. Bạn nên nhớ quy tắc không bao giờ để bản thân bị ngắt quãng đến 2 ngày. Sau khi đọc bài viết này, bạn nên thực hiện thói quen của mình hằng ngày, bất kể bạn làm có xong hay không. Nếu không thể học 1 giờ, hãy học trong 30 phút. Nếu không thể đọc 30 trang sách, hãy đọc 1 trang sách thôi cũng được. Lý do mình nói người cầu toàn càng dễ mắc sai lầm này và vì họ cầu toàn trong việc thực hiện mục tiêu. Họ không thể chấp nhận việc thực hiện dở dang mục tiêu đã đề ra, đã làm là làm cho xong, còn không thì thôi không làm nữa. Trong chuyện này chúng ta không nên cứng nhắc đâu bạn ạ.

Tóm lại 3 sai lầm về thói quen mà rất rất nhiều người mắc phải là:

  1. Cho rằng có 1 số lượng ngày nhất định để hình thành thói quen cho tất cả mọi việc. Sự thật là thời gian cần thiết để hình thành 1 thói quen mới sẽ tỉ lệ thuận với độ phức tạp của thói quen đó.
  2. Tự đặt ra quá nhiều áp lực không cần thiết cho bản thân. Dẫn đến cơ thể và cảm xúc không chịu nổi và chúng sẽ chống lại bạn. Đây là lý do bạn luôn hăng hái đi tập gym trong 2 hay 3 ngày đầu rồi sau đó bỏ cuộc.
  3. Sự thật là trí não bạn sẽ ghi nhớ là hôm nay bạn Có thực hiện mà không để tâm rằng bạn có làm xong hay không. Hãy nhớ nếu bạn đặt mục tiêu đọc 30 trang sách mỗi ngày và vì lý do nào đó bạn không thể đọc hết 30 trang thì ít nhất bạn phải đọc 1 trang để duy trì thói quen.

Nguồn ảnh: Sưu tầm

Tác Giả: Kao Kat

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/ru.hika.1656

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

5,426 lượt xem