Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Vấn Đề Muôn Thuở Của Người Học Tiếng Anh: Ngữ Pháp Trước Hay Giao Tiếp Trước?

Nhiều người phân vân không biết nên học ngữ pháp trước hay giao tiếp trước khi bắt đầu học tiếng Anh. Thật khó để đưa ra kết luận cụ thể vì mỗi ngôn ngữ đều có đặc điểm riêng và bản thân mỗi người học ngôn ngữ cũng có điểm mạnh, điểm yếu và phương pháp học của riêng mình.

Để trả lời câu hỏi này, bạn hãy tưởng tượng những người bắt đầu học tiếng Anh như đứa trẻ lên 2 tập nói. Bạn có bao giờ chỉ chúng “Em ơi, đây là ngữ pháp còn kia là vị ngữ, và trạng ngữ thì thường ở đầu câu. Chủ ngữ là bộ phận thứ nhất, nếu người hay sự vật làm chủ sự việc trong câu. Danh từ thường được dùng làm chủ ngữ nhưng đôi khi dùng tính từ và động từ cũng không sao. Còn vị ngữ là bộ phận thứ hai nêu đặc điểm, trạng thái, tính chất,... của người, vật, việc ở chủ ngữ. Dựa vào đây em hãy bắt đầu luyện nói đi nhé”. Nếu bạn là đứa trẻ 2 tuổi, bạn có thể học nói nhờ vào hướng dẫn kia không?

Những đứa trẻ bình thường đều nói được tiếng mẹ đẻ từ năm 3 tuổi và hiểu hầu hết những gì người lớn nói vào năm 5 tuổi, dĩ nhiên lúc ấy chúng chưa được học một dòng ngữ pháp nào cả! Nhìn dưới góc độ của một đứa trẻ học tiếng mẹ đẻ thì trẻ con thành thạo ngôn ngữ là nhờ luyện nói, chúng tiếp thu từ môi trường xung quanh và phản xạ lại. Kết quả là khi con trẻ nói được, chúng nói đúng theo ngữ pháp hoặc sai rất ít. Vậy cũng giống như đứa trẻ 2 tuổi chưa biết gì, bạn nên luyện nghe - nói trước còn ngữ pháp đã tồn tại sẵn trong câu nói chúng ta học. Luyện giao tiếp là để cải thiện khả năng phản xạ của bạn, tạo tâm lý không sợ nói không sợ sai. Lúc này bạn đang tiếp thu ngôn ngữ một cách tự nhiên và dần dần trau dồi vốn từ vựng của mình tức là trau dồi về lượng, và khi có một lượng nhất định thì bạn mới có thể quan tâm về chất - chính là ngữ pháp để nói chuyện chuyên nghiệp hơn và “trang trọng” hơn.

Một yếu tố nữa, ngôn ngữ nói xuất hiện trước ngôn ngữ viết, chữ cái ra đời sau và lần lượt xuất hiện các nhà nghiên cứu ngôn ngữ. Họ mới nghiên cứu và tổng hợp lại các quy tắc hình thành câu tiếng Anh và trình bày lại qua sách vở. Vậy nếu chúng ta học ngữ pháp trước thì lại đi ngược với quy tắc học tập và truyền dạy ngôn ngữ. Nếu không tin bạn có thể nhìn vào thực trạng nhiều học sinh Việt Nam vốn rất giỏi mặt ngữ pháp nhưng lại giao tiếp không xuôi, mà mục đích của học tiếng Anh chẳng lẽ để giải bài tập ngữ pháp?

Nếu đi sâu vào phương diện ngôn ngữ, bạn sẽ biết ngữ pháp chỉ là thói quen của âm thanh, nghe thế nào nói lại thế ấy. Đứa trẻ sinh ra và học ngôn ngữ cũng chỉ là việc nghe nhiều thành quen, khi chúng nói tức là chúng đang lặp lại những gì người lớn nói với chúng ngày qua ngày, tháng này đến tháng khác, năm này sang năm nọ.

Học ngôn ngữ là quá trình dài đòi hỏi sự kiên trì và phương pháp đúng đắn chứ không phải chỉ là vấn đề học cái này trước học thứ kia sau. Hi vọng qua bài viết này, bạn có thể xác định được phương pháp học tập phù hợp và có “mindset” đúng đắn để thành công trong việc học ngôn ngữ của mình.

Theo Antoree.com

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,327 lượt xem