Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Viết Luận Xin Học Bổng Của Xứ Tư Bản Như Thế Nào ?

Hôm nay tôi xin chia sẻ kinh nghiệm quá trình viết bài luận của mình. Hi vọng sẽ giúp ích cho những bạn đang ấp ủ ước mơ đi học.

Nếu ví bộ hồ sơ nộp học bổng của bạn như một ngôi nhà, thì bài luận (Statement of Purpose, Personal Statement) là phần móng của ngôi nhà. Ngôi nhà của bạn dù có đẹp đến đâu, lung linh đến đâu mà móng yếu thì nó khó có thể tồn tại lâu dài. Dù bộ hồ sơ của bạn có điểm GPA cao, điểm GRE hấp dẫn, CV đẹp, etc. nhưng một bài luận tồi, thì cơ hội đậu của bạn gần như rất thấp. Trong khi đó nếu điểm GRE của bạn không đẹp lắm, bạn có thể gỡ gạc bằng điểm GPA và ngược lại. (Trong post này tôi sẽ tập trung vào bài Statement of Purpose).

Thử thách lớn nhất của tôi khi bắt tay vào viết luận là tôi không biết bắt đầu từ đâu và như thế nào. Vì sao? Tôi nhận ra là vì tôi viết với tâm thế của một người đang CỐ HẾT SỨC ĐỂ GÂY ẤN TƯỢNG cho người khác đọc. Đúng là bài luận là nơi để bạn và tôi chia sẻ bản thân với ban tuyển sinh. Nhưng đặt mình vào vị trí như thế tôi lại bị rơi vào cái bẫy của chính mình: CỐ GẮNG VIẾT MỘT CÁI GÌ ĐÓ THẬT ĐẶC BIỆT. Càng cố viết ấn tượng, tôi lại thấy sao bản thân mình chả có gì ấn tượng để hấp dẫn người ta rót tiền cho mình :)). Sau những “nhọc nhằn” để gây ấn tượng, tôi tìm một cách tiếp cận khác cho bài luận của mình. Tôi coi bài luận là cơ hội để tôi lắng nghe tiếng nói thật sự của con tim mình. Tôi muốn thành thật trả lời 2 câu hỏi lớn mà tôi luôn loay hoay đi tìm: TÔI THẬT SỰ YÊU THÍCH CÁI GÌ? VÀ TÔI MUỐN TRỞ THÀNH NGƯỜI NHƯ THẾ NÀO. Tôi tin rằng nếu bạn có thể trả lời được 2 câu hỏi này, bài luận của bạn đã xong gần một nửa mặc dù nó có thể chưa thành hình thành khối.

Nhờ mối quan hệ bạn bè mà tôi biết rằng một số trường đang ưu tiên funding cho ngành chính sách liên quan đến môi trường, biến đổi khí hậu (BĐKH). Khi biết như vậy, tôi chợt cảm thấy mình có ít nhiều lợi thế cạnh tranh: đến từ một nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu này, đã có kinh nghiệm làm liên quan đến giải quyết BĐKH này, etc. Một lần, tôi tâm sự với bạn tôi:– Chắc em sẽ nộp vào ngành chính sách môi trường, BĐKH, người ta đang có nhiều fund.-Em có thật sự yêu thích nó không?-Em nghĩ là em sẽ thích thôi-Em nghĩ là em sẽ thích? Vậy là em không thật sự thích? Em đừng nghĩ là em sẽ thích, em đừng tự xây địa ngục cho mình.-Em vào được hệ thống của họ rồi em sẽ nhìn ngó xem xét-Em không bao giờ nên làm thế. Xin học bổng PhD cũng như …chuẩn bị cho một cuộc hôn nhân vậy, em không thể biết chắc là em sẽ mãi yêu và hạnh phúc đến cuối đời với người em lấy, nhưng ít nhất cái nền móng ban đầu em có thể kiểm soát được: đó là tình yêu.Tôi phì cười với cách so sánh này nhưng tôi tin rằng đấy là một lời khuyên chính xác. Thấy cũng khuyên tôi hãy lắng nghe tim mình và viết với tất cả sự chân thành.

Có nhiều bạn hỏi tôi, hiện bạn đang băn khoăn không biết mình thực sự thích gì? Và đang loay hoay giữa 2-3 lĩnh vực khác nhau. Hãy thử đọc các bài báo, cuốn sách, xem phim tài liệu khác nhau về các chủ đề đó, hãy nghĩ lại các công việc bạn đã làm và THẬT LÒNG trả lời các câu hỏi sau: Bạn có cảm thấy hứng thú không? Bạn có muốn đào sâu tìm hiểu thêm không? Bạn có những giây phút “Aha, thì ra là thế” sau khi đọc/xem/làm việc xong không? Bạn có giữ được niềm say mê và nhiệt thành ngay khi đọc đến lúc hoàn thành không? Nghĩ đến việc 10-20 năm nữa vẫn tiếp tục “hiến” mình cho lĩnh vực ấy bạn có cảm thấy vui không? (Tất nhiên mọi thứ đều tương đối, nhưng tôi nghĩ chọn được lĩnh vực bạn yêu thích đã cho bạn một nền móng ban đầu rồi).

Câu hỏi bạn muốn trở thành ai trong tương lai cũng quan trọng như thế. Tôi nhận ra tầm quan trọng của câu này, khi tất cả các thầy mà tôi có cơ hội nói chuyện đều hỏi tôi câu này gần như ngay khi bắt đầu cuộc nói chuyện “Sau này em muốn làm gì?”. Vì sao việc chân thành lắng nghe trái tim mình trả lời 2 câu hỏi “bạn thích gì” và “bạn muốn làm gì” lại quan trọng đến như vậy? Vì nó không chỉ đảm bảo rằng việc đi học PhD của bạn có phải là lựa chọn sáng suốt không, mà còn là nền móng vững chắc để bạn có thể viết được một bài luận thuyết phục.

Nếu bạn đã tìm được câu trả lời rồi, xin chúc mừng bạn. Bây giờ hãy xem xét xem ta nên viết ra thế nào nhé.

1.Viết như một câu chuyện

Hãy viết bài luận của bạn như kể một câu chuyện. Tôi không có ý là bạn phải có lời thoại chằng chịt cho bài luận của bạn, mà ý tôi là bạn hãy đúc tạc bài luận của mình sao cho nó có một chỉnh thể hoàn chỉnh, logic và có liên kết từ đầu đến cuối. Và quan trọng nhất hãy tìm cho bài luận của mình một CHỦ ĐỀ, và mọi thứ bạn đưa vào bài luận (research interest, lý do chọn trường, kinh nghiệm học tập và làm việc, vv) đều liên quan đến chủ đề ấy. Hãy lấy truyện ngắn “Tên cớm và Bản thánh ca” của O.Henry làm ví dụ. Soapy là một người thanh niên vô gia cư, lấy ghế đá trong công viên Madison ở New York làm nhà, nhưng khi mùa đông đến anh không thể sống như vậy được vì quá lạnh. Câu chuyện xoay quanh một chủ đề nhất định : Nỗ lực của Soapy để “được” cảnh sát bắt vào tù ở Khám Đảo sống qua 3 tháng mùa đông khắc nghiệt bằng cách xù tiền sau khi ăn ở nhà hàng, đập phá cửa sổ cửa hàng, ” sàm sỡ” phụ nữ trên đường, vv. Nếu tác giả tham lam kể mọi thứ ông ấy muốn như tình trạng vô gia cư ở NY ra sao, mùa đông lạnh thế nào, abcxyz, thì truyện sẽ rất nhàm chán.

Áp dụng vào bài luận của mình thế nào nhỉ?

Nếu bạn tìm thấy lĩnh vực mình yêu thích rồi, giả sử là civil society (Xã hội dân sự). Nhưng bạn không thể chỉ nói “civil society always intrigues me” vì như thế qua rộng. Hãy chọn cho mình một chủ đề trong civil society, ví dụ: the role of civil society in making the state accountable to citizens. Và những thứ khác xung quanh bài luận là để bổ trợ cho chủ đề này. Sau đó bạn có thể triển khai rộng hơn: kinh nghiệm làm việc cho ABC, việc học ở XYZ, các cuốn sách của OPQ, etc. đã cho bạn nhìn ra được vấn đề này; việc học PHD sẽ giúp bạn giải quyết, nghiên cứu sâu hơn vẫn đề này thế nào? Sau khi tốt nghiệp bạn sẽ có định hướng như nào: giảng dạy, nghiên cứu tiếp về vấn đề này thế nào, etc. Tất nhiên là không ai bắt bạn chỉ được làm nghiên cứu như thế khi đi học, nhưng viết luận như vậy sẽ gây thiện cảm bới bạn tuyển sinh sẽ thấy bạn là một người có say mê, nhiệt thành và có định hướng rõ ràng.

Nói một cách khác, bạn có thể xây dựng cốt truyện bằng cách trả lời 5 câu hỏi sau:

-Bạn yêu thích lĩnh vực gì?-Vấn đề mà bạn muốn giải quyết trong lĩnh vực yêu thích của bạn là gì?-Vì sao bạn lại chọn vấn đề này-Việc đi học PHD sẽ giúp ích gì cho bạn trong việc giải quyết, tìm hiểu sâu vấn đề nào?    Bạn đã có kỹ năng, kiến thức gì liên quan đến vấn đề này (qua công việc, nghiên cứu, học tập, etc.)?-Tại sao bạn nghĩ học ở trường này sẽ giúp bạn có cơ hội hiểu hơn về vấn đề ấy-Khi tốt nghiệp bạn có định hướng gì?

VẤN ĐỀ = CHỦ ĐỂ xuyên suốt bài

2.Viết rõ ràng, rành mạch

Trước khi bắt tay vào viết, tôi thường lên một dàn ý, gồm nhiều đoạn văn mỗi đoạn trả lời 1 câu hỏi trong các câu hỏi trên. Tôi cũng gạch ra những ý chính tôi muốn cho vào mỗi đoạn và số lượng từ ước lượng cho mỗi đoạn (vd: câu hỏi 1:300 từ, câu 2: 400 từ, vv) dựa vào tổng số từ/trang yêu cầu của trường.

Để bài viết được rõ ràng, dễ đọc, tôi áp dụng những quy tắc sau đây:Quy tắc 1: Mỗi đoạn chỉ viết 1 ý. KHÔNG VIẾT VÀI BA Ý TRONG MỘT ĐOẠN. Thỉnh thoảng có bạn nhờ tôi đọc bài luận, tôi nhận thấy đây là một lỗi rất hay gặp. Viết quá nhiều ý trong một đoạn sẽ làm cho đoạn văn trở nên rối rắm, mất trong sáng và khó cho người đọc theo dõi.

Quy tắc 2: Đi thẳng vào vấn đề không vòng vo loanh quanh. Câu đầu tiên mỗi đoạn phải chỉ ra cho người đọc biết bạn đang viết về vấn đề gì. Khi viết về vấn đề nghiên cứu bạn quan tâm, bạn có thể bắt đầu như ví dụ sau: My primary research interests lie in civil society, particularly the role of CS in making the states accountable to citizens. Viết thẳng vào vấn đề không chỉ cho thấy bạn có khả năng viết mạch lạc, mà con giúp ban tuyển sinh tiết kiệm thời gian nữa đấy. Nếu bạn đang thấy mình viết về biển cả nhưng đã mất 5 dòng bắt đầu bằng việc tả núi non xung quanh thì phanh lại nhé.

Quy tắc 3: Các đoạn văn phải được liên kết với nhau. Bài luận là một chỉnh thể thống nhất với một chủ để xuyên suốt nên các đoạn văn phải có sự liên kết. Tôi thường cố gắng viết sao cho khi câu kết thúc đoạn văn này sẽ gợi mở ý cho đoạn tiếp theo.

Quy tắc 4: Không nhập nhèm dẫn chứng, chứng cứ. Ngày xưa đi học văn, ta hay viết “có ai đó đã nói…”, “người xưa cho hay…”. Khi viết luận, nếu bạn muốn dẫn chứng ý của một tác giả nào đó, thì nên viết rõ ràng tên người ta, và trích dẫn đúng chuẩn mực.

Luôn luôn có DẪN CHỨNG cho mỗi một câu statement. Nếu bạn nói bạn passionate, enthusiastic, etc. thì sau đó phải chứng minh điều đó thông qua phân tích nhưng việc/dự án bạn đã làm. Tuy nhiên, tôi nghĩ không nên viết thẳng như vậy, mà viết thông qua các bằng chứng để họ tự nhìn thấy điều đó. Ví dụ, thay vì viết “I am open-minded” rồi để đấy. Bạn nghĩ sao nếu ta viết thế này: “My postgraduate days in the UK afforded me the chance to live in a small world where I had an opportunity to work and study with people from diverse backgrounds, continents and nationalities. This opportunity taught me how to keep my mind wide open and embrace the differences”

Quy tắc 5: Không viết câu quá dài hoặc quá ngắn. Câu quá dài sẽ khiến cho câu trở nên rối rắm, tối nghĩa nhưng dùng quá nhiều câu đơn sẽ gây nhàm chán. Nếu bạn viết thế này: My primary research interests lie in civil society, particularly the role of CS in making the states accountable to citizens because after working for many different organizations, I have realised that their roles are bla bla..Nhưng nếu bạn viết thế này cũng không ổn: My primary research intererests lie in civil society. I like to do reserach on the role of CS in making the states accountable to citizens. I have worked for many organizations. I’ve realised that there are many problems. CS are not bla bla (ví dụ thôi, thực tế sẽ không có ai viết thế này hihi)

3.Sử dụng từ ngữ đơn giản

Viết đoạn này làm tôi nhớ đến một câu chuyện được bạn tôi kể cho nghe cách đây mấy năm. Có một em sinh viên đi thi IELTS về, rất tự tin về bài viết của mình vì em sử dụng được nhiều từ khó, thành ngữ đặc biệt. Kết quả bài viết chỉ được 4,5 điểm. Nhiều người nghĩ rằng phải viết những từ nghe đao to búa lớn mới thể hiện được là mình đỉnh, chất và mới có thể gây ấn tượng. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là bài luận của bạn phải thể hiện được ý tứ của bạn một cách RÕ RÀNG, ĐÚNG Ý TƯỞNG CỦA BẠN, không phải là nơi để bạn thể hiện là ta biết nhiều từ hay lắm. Nếu bạn đang phấn khởi vì vừa hấp thụ được cả đống từ mới GRE hoành tráng, hãy để dành những từ ấy cho …các cuộc thi. Hãy sử dụng từ ngữ đơn giản, dễ hiểu.

Cẩn thận với các trạng từ, tính từ mạnh vì chúng rất nhạy cảm và chủ quan. Tôi đã từng đọc nhiều bài luận mà có nhiều bạn tự kể về mình ví dụ như “I am extremely hard-working”, “I have a wonderful problem solving skill”, etc. Vấn đề của những từ như “extremely”, “wonderful” là làm sao để bạn có chứng cứ thuyết phục được là bạn CỰC KỲ chăm chỉ, và bạn giải quyết vấn đề MỘT CÁCH TUYỆT VỜI. Nếu bạn nói bạn rất chăm, nhưng evidence là bạn làm 8 tiếng một ngày, thỉnh thoảng làm cuối tuần thì nó chả hợp lý tý nào. Cũng giống như bạn nói với 1 ai đó “Anh yêu em hơn bất cứ thừ gì trên đời’, nhưng chỉ thỉnh thoảng bạn mới đến gặp người ta, vài ba ngày mới nhắn tin một lần thì có phải dở không? Thôi thì thà cứ nói “Anh yêu em vừa vừa” thì bạn đỡ phải gồng mình chứng minh. Hehe. Nguyên tắc ở đây là: TỪ NGỮ CÀNG MẠNH, BẰNG CHỨNG CÀNG PHẢI MẠNH!

4.Lượng hóa khi cần thiết

Nếu có thể hãy đưa các con số vào bài viết của bạn. Hãy xem ví dụ nào đó như sau:Together with 7 other members, I was able to undertake a detailed analysis of documents of more than 500 projects funded by ABCDDùng các con số bạn đã khéo léo thể hiện được phạm vi dự án mình đã từng làm mà không phải nói thẳng ra là “Tôi đây á, đã từng phân tích một đống tài liệu rồi nhé”

5.Bài luận không phải là CV

Một điểm quan trọng nữa đó là đừng biến bài luận thành anh chị em của CV, nghĩa là đừng liệt kê lại những gì đã có ở CV. Bạn hãy chọn một vài dự án/công việc bạn đã liệt kê ở CV và phân tích kỹ hơn trong bài luận để bổ trợ cho CHỦ ĐỀ bạn chọn. Điều quan trọng là luôn luôn nhấn mạnh vào BÀI HỌC RÚT RA TỪ dự án/công việc ấy-những thứ mà bạn không thể thể hiện trong CV. Ví dụ nếu bạn đang viết về một dự án nào đó, thay vì chỉ liệt kê tên dự án, bạn hãy viết rõ dự án đem lại cho bạn bài học gì. Ví dụ như: This research made me realize the role of NGOs and non-profit community networks in providing assistance to marginalized populations such as rice farmers, and urban poor people when formal support from the government failed to reach them

6.Review, review, review

Cảm giác sung sướng nhất là khi làm xong bản draft đầu tiên. Khi xong draft, tôi bỏ đấy 1, 2 ngày không nghĩ gì, động gì đến nó. Sau đó tôi quay lại chỉnh sửa và hoàn chỉnh thành bản final. Tôi gửi bài essay của tôi cho 5 người đọc (cả người Việt Nam và nước ngoài, cả người cùng ngành và khác ngành, cả giáo sư và bạn bè tôi). Mỗi người sẽ có một ý kiến khác nhau, nhưng việc CÓ THAY ĐỔI hay không là tuỳ thuộc vào bản thân bạn. Vậy nên, hãy gửi cho mọi người đọc bạn nhé!

7.Một số tips khác không biết đặt tên là gì 

-Cẩn thận khi bắt đầu bài luận bằng 1 câu nói nổi tiếng, 1 câu trích dẫn, 1 câu thơ, 1 câu văn trừ khi bạn sử dụng nó một cách cực kỳ “thông minh” và liên quan.

-Mặc dù tôi luôn tin rằng “sự chân thành” là thứ gia vị đậm đà nhất trong bài luận của bạn, hãy luôn nếm để nó đừng đậm quá nhé. Ví dụ, tôi từng đọc bài của bạn viết là bạn muốn đi học 1 ngành nào đó vì bố/mẹ/anh/chị muốn như thế. Có thể đúng là như thế, nhưng bạn không cần phải trình bày như thế vì có thể làm người ta nghĩ là “ồ, sao con bé này chẳng có chính kiến gì thế” 

-Khi viết lý do bạn chọn trường này, đừng viết một cách chung chung và kiểu tâng bốc người ta “vì đây là một nơi tuyệt vời, là ngôi trường tốt nhất thế này thế kia”. Hãy viết sao cho họ thấy rằng bạn thật sự đã tìm hiểu về họ. Hãy đọc chương trình học của họ, cho họ biết bạn đang mong được học những môn gì. Hãy nêu tên 2-3 thầy có research interest gần như bạn, viết 1-2 dòng về họ và nghiên cứu của họ đã khiến bạn suy nghĩ gì. Tìm hiểu xem trường đấy có điều gì đặc biệt hơn các trường khác không. Khi tôi đọc về trường ở Colorado, có một điều tôi thấy rất thích thú, đó là họ có một câu lạc bộ dành cho sv PhD- nơi sv thường xuyên gặp gỡ và trao đổi. Tôi cũng chia sẻ điều này trong bài luận.

-Viết luận cho học bổng master hay PhD bạn đều có thể viết theo cách trên, tuy nhiên mức độ phức tạp (sophisticated) của PhD sẽ ở mức độ cao hơn. Vì vậy, khi kể về các “Aha moment” (khoảnh khắc bạn phát hiện ra điều gì đó làm bạn suy nghĩ, thay đổi), bạn hãy khéo léo lựa chọn thời điểm nhé. Theo tôi, nên chọn những khoảnh khắc từ khi bạn học ĐH trở lên. Bạn có tin không nếu bạn đọc được một bài viết như này “Khi tôi…8 tuổi, bố mang về một tờ báo về các vấn đề quốc tế, tôi đã say mê ngay lập tức trước các sự kiện quan hệ quốc tế, các vấn đề chính trị xã hội, bla bla. Từ đó tôi biết rằng đó là thứ mà tôi yêu thích và muốn theo đuổi suốt cả cuộc đời” (hehe). Bạn sẽ hoài nghĩ phải không? HÃY LỰA CÁC AHA MOMENT CẨN THẬN nhé!!

Chân thành cảm ơn bạn Trương Thanh Mai với 1 bài viết thực tế và nhiều tâm huyết.

Theo: nguonhocbong.com

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,355 lượt xem