Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Viết Thư Cảm Ơn Sau Phỏng Vấn Thế Nào Để Đạt Được Hiệu Quả Cao Nhất?

Lần cuối cùng bạn cảm ơn một nhà tuyển dụng hoặc giám đốc tuyển dụng sau một cuộc phỏng vấn là khi nào? Nếu bạn không nhớ nổi, thì bạn đang bỏ lỡ một cơ hội rất lớn trong quá trình xin việc.

Trong cuộc khảo sát của Accountemps đối với hơn 500 nhân viên quản lý nhân sự trong các công ty có từ 20 nhân viên trở lên, 91% người được hỏi cho thấy thư cảm ơn sau phỏng vấn sẽ rất “hữu ích” khi bạn đã hoàn thành tất cả và trở về nhà.

Gửi một  bức thư cảm ơn cho thấy rằng bạn biết ơn vì cơ hội mà bạn đã được nhận – đây là điều mà nhiều người nộp đơn thường quên. Theo một cuộc khảo sát của CareerBuilder, các nhà quản lý tuyển dụng sẽ nghĩ rằng bạn thiếu “sự tha thiết với cơ hội tuyển dụng” nếu bạn không gửi email phản hồi.

Một lời cảm ơn chân thành của bạn nhắc nhở người phỏng vấn về năng lực của bạn, và tăng cơ hội nhận được lời mời làm việc.

Dưới đây là cách viết thư cảm ơn sau cuộc phỏng vấn mà không tỏ ra tuyệt vọng.

Chuẩn bị: Khi cuộc phỏng vấn công việc kết thúc và ngay sau khi bạn về đến nhà

Khi cuộc phỏng vấn đi đến hồi kết, hãy đảm bảo là bạn không quên:

  • Cảm ơn người phỏng vấn;
  • Lấy danh thiếp của tất cả những người mà bạn nói chuyện, đặc biệt nếu bạn có một cuộc phỏng vấn bao gồm nhiều cuộc phỏng vấn nhỏ hoặc phỏng vấn nhóm;
  • Khởi động lại sự hăng hái của bạn đối với công ty và vị trí làm việc đó;
  • Hỏi về các bước tiếp theo của quy trình tuyển dụng;
  • Hỏi để biết khi nào bạn có thể nhận được phản hồi, và cách thức tốt nhất để bạn có thể cập nhật được tình hình.

Thông tin này sẽ cho bạn biết phải chờ đợi bao lâu, chức danh công việc chính xác của người phỏng vấn và thông tin liên lạc, cũng như phương tiện tốt nhất để gửi lời cảm ơn tới nhà tuyển dụng sau cuộc phỏng vấn

Liệt kê mọi thứ bạn nhớ được về cuộc phỏng vấn ngay khi bạn về nhà:

  • Câu trả lời hoặc nhận xét của bạn mà họ thích;
  • Câu trả lời của bạn khi người phỏng vấn bày tỏ sự quan tâm hoặc tỏ ra khó hiểu;
  • Các câu hỏi tiếp theo mà bạn quên hỏi;
  • Các vấn đề quan tâm chung, không nhất thiết phải liên quan đến công việc.

Đừng dựa vào trí nhớ của bạn. Hãy nhớ những gì mà người phỏng vấn bình luận hoặc nhấn mạnh vào để lá thư cảm ơn của bạn trở nên nổi bật.

Thời gian thích hợp để gửi lời cảm ơn

“Hãy suy nghĩ về một lần bạn đã cho ai đó một ân huệ, có thể bạn cho họ một món quà hoặc giúp đỡ họ giải quyết một vấn đề. Một vài ngày trôi qua, và bạn không nhận được lời cảm ơn nào. Họ đã bao giờ có ý định cảm ơn bạn? Bạn cảm thấy họ vô ơn biết bao? Vâng, các nhà quản lý tuyển dụng cũng cảm thấy không khác gì bạn”, Sharon Schweitzer, Chuyên gia về Ứng xử kinh doanh và Người sáng lập của tổ chức Nghi thức và Ứng xử kinh doanh Toàn cầu cho biết.

Người phỏng vấn đã cho bạn một cơ hội trong cuộc gặp đó – cơ hội mà có thể họ đã trao cho người khác. Cảm ơn họ trong vòng 24 đến 48 giờ, không nên muộn hơn. “Nếu không, có vẻ như bạn có nhiều việc tốt hơn để làm trong thời gian đó, điều này sẽ không tạo được một ấn tượng tốt khi bạn đi tìm việc”, Schweitzer nói.

Gửi thư cảm ơn viết tay theo cách truyền thống? Không vấn đề gì, miễn là người phỏng vấn nhận được nó từ ba đến bảy ngày sau cuộc phỏng vấn.

Đề cương chuẩn cho một bức thư cảm ơn bạn cần lưu ý

1. Tiêu đề (với trường hợp sử dụng Email)

  • Cần giữ cho lời lẽ được cụ thể và đơn giản.
  • Cảm ơn ông/bà, (Tên)
  • Cảm ơn vì cơ hội, (Tên)
  • Thật vui khi được biết thêm về (Tên công ty)
  • Đánh giá cao quá trình thảo luận về (Chức vụ) với tôi

2. Mở đầu

Bạn đang viết thư này để cảm ơn, vì vậy hãy đề cập đến điều đó ngay. Hãy cảm ơn họ vì đã dành thời gian cho bạn, và những thông tin rất sâu sắc mà họ cung cấp về công ty và vị trí tuyển dụng.

3. Các điểm chính về cuộc phỏng vấn

Nhấn mạnh rằng bạn là người phù hợp nhất cho vị trí đó, dựa trên một phần cụ thể nào đó trong cuộc phỏng vấn. Ví dụ, người phỏng vấn có thể đã phản hồi tốt khi bạn nói về kỹ năng phân tích của bạn, hoặc kiến ​​thức về PHP. Khi có thể, hãy trích dẫn một ví dụ khác về cách bạn đã chứng minh những kỹ năng này trong công việc trước đây của bạn.

4. Tùy chọn: Thành tích hoặc những kỹ năng không được đề cập đến trong cuộc phỏng vấn

Các cuộc phỏng vấn hiếm khi đề cập đến tất cả những gì người ứng viên muốn thảo luận. Sử dụng lời cảm ơn để điểm lại một cách ngắn gọn thành tựu quan trọng của bạn mà không được đề cập trong cuộc trò chuyện. Bạn cũng có thể đề cập đến một sự kết nối hoặc mối quan tâm chung giữa bạn với người phỏng vấn.

5. Kết thúc

Cảm ơn người phỏng vấn lần nữa vì đã cho bạn cơ hội tham gia phỏng vấn. Hãy viết là bạn mong muốn được nghe hồi đáp của họ, và nói rằng bạn hy vọng họ sẽ tìm thấy người phù hợp nhất cho vị trí đó. Về điểm này, bạn không nên nói rằng bạn là người phù hợp nhất – một cách trực tiếp hoặc gián tiếp – chỉ nên nói là bạn hy vọng công ty chọn một ứng viên tuyệt vời, ngay cả khi người đó không phải là bạn.

Các ví dụ về thư cảm ơn cho các trường hợp có cách thức phỏng vấn khác

Dưới đây là một số ví dụ với những gợi ý hữu ích cho bạn khi gửi email hoặc thư tay để cảm ơn.

1. Email cảm ơn sau khi phỏng vấn qua điện thoại

Khi phỏng vấn qua điện thoại và phỏng vấn trực tiếp bạn có thể gặp những người khác nhau. Những cuộc phỏng vấn qua điện thoại thường do các nhân viên phòng nhân sự thực hiện để sàng lọc ứng viên và thường bao gồm các câu hỏi chung chung như sự quan tâm của bạn đối với công việc, kỳ vọng về mức lương và khi nào bạn có thể đi làm được. Vì lý do này, bạn nên gửi một lá thư cảm ơn ngắn hơn qua email.

Không cần thiết phải gửi thư tay trong trường hợp này vì đó chỉ là một khúc dạo đầu dẫn đến một thỏa thuận thực sự. Tốt hơn là chỉ gửi email cảm ơn sau cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Dưới đây là một ví dụ về một bức thư cảm ơn mà chuyên gia Nhân sự và Nhà chiến lược Tuyển dụng Rebecca Barnes-Hogg nhận được, sau một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

“Cảm ơn ông rất nhiều vì đã dành thời gian để nói chuyện với tôi về vị trí Chuyên viên Tiếp thị Truyền thông tại [Công ty]. Với nền tảng của tôi trong chiến lược nội dung số, và với mong muốn của tôi để cung cấp hỗ trợ truyền thông truyền thống tốt hơn khiến tôi cảm thấy mình là một ứng cử viên lý tưởng cho vai trò này. Vui lòng xem mẫu văn bản của tôi trong file đính kèm.

Ngoài ra, ông có thể kiểm tra trang web gây quỹ trực tuyến mà tôi đã viết nội dung và thiết kế bố cục.”

2. Phỏng vấn mặt đối mặt

Một cuộc phỏng vấn trực tiếp thường mất một giờ hoặc hơn bởi vì bạn có nhiều vấn đề hơn cần thảo luận. Khi viết thư cảm ơn bạn có thể đề cập đến một chi tiết hoặc phản ánh một hoặc hai điểm của cuộc phỏng vấn.

Dưới đây là một ví dụ email cảm ơn về cuộc phỏng vấn.

“Kính gửi (Ông/Bà),

Cảm ơn Ông/Bà đã có một cuộc trò chuyện tuyệt vời về (Chức vụ) vào (ngày). Tôi biết các cuộc phỏng vấn có thể rất căng thẳng, đặc biệt nếu Ông/Bà tiến hành nhiều cuộc phỏng vấn mỗi ngày, vì vậy tôi rất biết ơn vì Ông/Bà đã dành nhiều thời gian cho tôi như vậy.

Như chúng ta đã thảo luận, tôi có (kỹ năng, thành tích, hoặc các tiêu chuẩn khác mà người phỏng vấn tập trung vào trong cuộc phỏng vấn), sẽ phù hợp với bộ kỹ năng của nhóm hiện tại của Ông/Bà. Câu trả lời sâu sắc của Ông/Bà về những câu hỏi của tôi về công việc hàng ngày cũng đã thuyết phục tôi rằng đây là một vị trí tôi yêu thích. Một nơi mà tôi có thể phát triển cũng như góp phần làm tăng giá trị cho (tên phòng ban) của Ông/Bà.

Nếu Ông/Bà có bất kỳ câu hỏi nào thì vui lòng liên hệ ngay với tôi. Rất vui được gặp Ông/ Bà và nhóm của Ông/Bà trong suốt cuộc phỏng vấn. Cảm ơn Ông/Bà đã dành thời gian và cân nhắc trường hợp của tôi.

Trân trọng,

(Tên của bạn)”

Trong đoạn văn đầu tiên, lời cảm ơn sẽ gây ấn tượng hơn nếu bạn khen ngợi người phỏng vấn về một việc gì đó cụ thể. Điều đó cũng góp phần gợi lên sự phù hợp về văn hóa và mong muốn của ứng viên trong việc phát triển văn hóa đó, đây là hai điều mà những nhà tuyển dụng thường tìm kiếm trong bất kì kỳ tuyển dụng nào.

Bạn có thể áp dụng lời cảm ơn trong ví dụ này nếu bạn có sở thích chung hoặc điểm gì đó chung với người phỏng vấn.

“Kính gửi (Ông/Bà),

Cảm ơn ông/bà vì đã dành thời gian cho tôi để nói chuyện về (Chức vụ) tại (Tên công ty) vào (Ngày).

Vào cuối cuộc trò chuyện của chúng ta, tôi đã nói rằng tôi rất hào hứng khi (tạo ra /hỗ trợ hoặc động từ khác) vào (dự án hiện tại, hoặc lý do họ đang thuê). Với nền tảng của tôi trong (ngành) và các kỹ năng (kỹ năng đặc biệt về công việc, kỹ năng mềm hoặc công cụ cho công việc), chắc chắn tôi sẽ nhanh chóng có những đóng góp đáng kể cho nhóm của ông/bà.

Tôi cũng rất vui khi được gặp (cựu nam sinh/ nữ sinh/ nhân viên cũ) thành công của (Tên trường hoặc Tên công ty).

Cảm ơn ông/bà một lần nữa vì đã cho tôi cơ hội được gặp gỡ, và tôi rất mong sớm được nghe hồi âm của ông/bà vào (ngày được cung cấp trong cuộc phỏng vấn). Xin vui lòng liên hệ với tôi nếu ông/bà cần tôi cung cấp thêm bất kỳ thông tin gì.

Trân trọng,

(Tên của bạn)

(Liên kết hoặc URL trang web)”.

3. Cám ơn nhà tuyển dụng bên ngoài

Tại sao phải cảm ơn nhà tuyển dụng bên ngoài? Bởi vì nếu công ty mà bạn lần đầu tiên phỏng vấn không thuê bạn, thì nhà tuyển dụng đó sẽ xác định xem có nên tiếp tục giới thiệu bạn cho một cuộc phỏng vấn ở công ty khác hay loại bỏ hoàn toàn bạn ra khỏi danh sách các ứng viên. Vì vậy tốt nhất là bạn nên giữ mối quan hệ tốt đẹp và sự hợp tác với họ.

Dưới đây là sự kết hợp của một email cảm ơn và lời mời tiếp tục hợp tác bạn có thể gửi tới một nhà tuyển dụng bên ngoài. Vì nhiều nhà tuyển dụng bên ngoài được trả tiền khi ứng viên được tuyển dụng, họ sẽ đánh giá cao sự cập nhật của bạn về tình trạng việc làm để họ có thể biết được có nên tiếp tục giới thiệu việc cho bạn hay không.

Đây là ví dụ về email cảm ơn gửi cho người tuyển dụng bên ngoài.

“Tiêu đề Email: Cảm ơn bạn đã giới thiệu cho tôi (Tên công ty) cho vị trí (Chức vụ).

Kính gửi (Ông/Bà – tên của Người tuyển dụng),

Cảm ơn bạn rất nhiều vì đã giới thiệu cho tôi một cuộc phỏng vấn tại (Tên công ty). Tôi đã được phỏng vấn vào (Ngày), và tôi nghĩ rằng cuộc phỏng vấn đó diễn ra tương đối tốt.

Tôi đã nói chuyện với (Tên người phỏng vấn), (Chức vụ) và (Tên người phỏng vấn thứ hai), (Chức vụ). Nhờ bạn góp ý, tôi đã vượt qua quá trình phỏng vấn diễn ra cả ngày trời; tôi không nghĩ rằng tôi có thể sống sót qua nhiều cuộc phỏng vấn như vậy mà không có sự chuẩn bị trước.

Tôi thấy (Vị trí công việc) tại (Tên công ty) hoàn toàn phù hợp với những kỹ năng hiện tại và kinh nghiệm làm việc của tôi. Tôi thích làm việc với nhà tuyển dụng như vậy bởi vì (trích dẫn lý do cụ thể bạn thích công ty, chẳng hạn văn hóa văn phòng hoặc thái độ của ông chủ). Tôi rất mong sẽ được phỏng vấn với các công ty tương tự đang tìm kiếm ứng viên có kỹ năng giống như tôi.

Khi nào tiện, rất mong ông có thể cập nhật cho tôi biết về tình trạng hồ sơ của tôi. Cảm ơn vì sự giúp đỡ của ông.

Trân trọng,

(Tên của bạn)”

Trong đoạn thứ hai, nhớ là cần ghi tất cả tên của những người bạn đã nói chuyện cùng và chức vụ của họ. Nếu bạn chỉ có một cuộc phỏng vấn, thì chỉ cần đưa danh sách đó vào. Nếu nhà tuyển dụng tiết lộ cho bạn bất kì điều gì về về quá trình phỏng vấn, hãy đề cập đến nó trong phần này.

Nhà tuyển dụng Điều hành Bruce Hurwitz có một cách tiếp cận khác về vấn đề này, ông nói:

“Tôi sẽ không khuyên bạn nên gửi thư cảm ơn. Bạn nên gọi cho nhà tuyển dụng ngay sau cuộc phỏng vấn để cập nhật tình hình. Các nhà tuyển dụng thường phàn nàn rằng các ứng cử viên không kịp thời cập nhật tình hình cho họ. Đừng mắc phải sai lầm đó”.

4. Phỏng vấn lần thứ hai

Các cuộc phỏng vấn lần thứ hai thường do một người có vị trí cao trong công ty bạn ứng tuyển thực hiện, đặc biệt nếu bạn đang phỏng vấn vào vị trí quản lý. Nếu không, cuộc phỏng vấn thứ hai thường do một thành viên khác trong nhóm thực hiện. Bạn chỉ nên gửi thư cảm ơn nếu lần thứ hai này bạn được gặp một người khác.

Ví dụ dưới đây giả định bạn đã thảo luận về trách nhiệm trong công việc, công việc hiện tại hoặc các dự án, và các mục tiêu trong tương lai của nhóm. Đây là một cuộc thảo luận có chiều sâu hơn so với yêu cầu “Bạn cần có những kỹ năng cần thiết” điển hình thường xảy ra trong cuộc phỏng vấn đầu tiên.

Một ví dụ về thư cảm ơn cho lần phỏng vấn thứ hai.

“Cảm ơn ông đã dành thời gian trong lịch trình bận rộn của mình để trò chuyện với tôi. Làm việc với nhóm của ông (dự án hoặc ý tưởng công việc mới) nghe khá thú vị. Nếu có cơ hội để có thể góp phần vào sự thành công của (Tên Công ty) và làm việc với một đội ngũ (vai trò công việc) hợp tác và tài năng như nhóm của ông thì đây sẽ là một bước ngoặt trong sự nghiệp của tôi.

Trên thực tế, tôi có thêm một số ý tưởng sau cuộc thảo luận với ông. Trong email đính kèm là một đề xuất ý tưởng dưới dạng bản thô của tôi. Cho dù đây là ý tưởng ông đã từng nghĩ đến, hoặc trùng khớp với ý tưởng của ông thì tôi đều mong muốn có cơ hội để thảo luận tiếp về nó khi tôi tham gia nhóm của ông.

Vui lòng cho tôi biết nếu có bất cứ điều gì ông cần biết thêm về đơn đăng ký của tôi. Cảm ơn đã dành thời gian và tôi rất mong sớm nhận được hồi âm của ông.

Trân trọng,

(Tên của bạn)”

Lời cảm ơn ở trên đề cập đến ‘một số ý tưởng’ và ‘đề xuất thô’, mà bạn sẽ chỉ có được nếu bạn thật sự chú ý trong cuộc phỏng vấn và nếu bạn hỏi về các sáng kiến hiện tại của nhóm. Vì vậy, đừng quên làm điều đó. Hãy cân nhắc xem bạn có thể làm gì trong vòng 90 ngày đầu tiên trong công việc để tạo ra tác động trực tiếp đến dự án của công ty.

Điều gì KHÔNG bao giờ nên bao gồm trong thư cảm ơn mà bạn cần phải lưu ý?

1. Các yêu cầu và trợ cấp

Yêu cầu một cuộc phỏng vấn thứ hai, hoặc chê bai bất kỳ điều gì trong thư cảm ơn sẽ khiến cho bạn trông tuyệt vọng và huênh hoang.

2. Những sai lầm và biện minh cho một cuộc phỏng vấn

Theo Scott Ledbury, đồng sáng lập của Slinky Productions, “Thư cảm ơn của bạn nên tích cực, và không sử dụng nó để biện minh cho bản thân sau một cuộc phỏng vấn nghèo nàn”.

Thay vì lặp lại những câu trả lời vụng về của bạn, Ledbury gợi ý, “Sử dụng cơ hội này để lấp đầy khoảng trống trong cuộc phỏng vấn của bạn, chẳng hạn như tìm ra câu trả lời sau đó và bạn đã nhận ra câu trả lời đó tốt hơn cho câu hỏi của họ”.

3. Những lời khen ngợi chung

Người phỏng vấn có tốt không? Bạn có nên nói về điều đó? Những lời khen ngợi đó thực sự rất mơ hồ và sẽ không giúp bạn ghi thêm điểm nào với họ. Bạn chỉ nên khen ngợi một điều gì đó cụ thể – như một lời khuyên mà họ đưa cho bạn hoặc một khía cạnh nào đó của cuộc trò chuyện mà bạn thích.

4. Lương và những mong muốn liên quan đến tiền

Bạn vừa có một cuộc phỏng vấn, bạn chưa chắc chắn công việc đó đã là của bạn hay chưa, do đó không nên sử dụng thư cảm ơn để đưa ra bất kỳ đề xuất tiền lương nào cả. Đừng đề cập đến các yêu cầu nghỉ việc sắp tới hoặc các câu hỏi về gói chăm sóc sức khỏe.

5. Lời xin lỗi vì thiếu kỹ năng hoặc giấy chứng nhận

Công việc đó đề cập đến một kỹ năng hoặc chứng chỉ mà bạn không có? Người phỏng vấn có chấp nhận bạn khi bạn chưa có chúng không? Được rồi, bạn đã được lọt vào vòng phỏng vấn. Thế nên cho dù họ đánh dấu điều đó là bất lợi cho bạn không thì việc này hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát của bạn. Vì thế tốt nhất bạn không nên nhắc nhở họ về vấn đề này.

Quyền lực để bạn giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh “Kẻ tám lạng người nửa cân”

Làm thế nào để nhà tuyển dụng, giám đốc tuyển dụng, các chủ doanh nghiệp, người sáng lập khởi nghiệp, và hầu như tất cả mọi người trong ngành tuyển dụng lựa chọn người phù hợp nhất giữa các ứng cử viên sáng giá như nhau?

Đôi khi, tiêu chí lựa chọn là người nào đó thích hợp với văn hóa công ty, có khi tính cách cá nhân lại trở thành một yếu tố quyết định. Nhưng nếu các ứng viên đều hoàn toàn phù hợp với nhóm làm việc mới thì sao?

Đó là khi một lá thư cảm ơn có thể làm nên điều khác biệt. Leslie Saul, Chủ của công ty kiến ​​trúc và thiết kế Leslie Saul và Associates chia sẻ câu chuyện này:

“Một lần, nhóm của tôi cảm thấy vô cùng khó khăn khi quyết định lựa chọn giữa ba ứng cử viên giỏi. Tôi đã gặp tất cả các ứng viên, và cũng nghĩ rằng bất cứ ai trong số họ đều sẽ là mảnh ghép tuyệt vời cho đội của mình.

Hai ngày sau, tôi nhận được một lá thư cảm ơn từ một trong những ứng viên. Anh ta cũng đã viết thư cảm ơn gửi cho các nhân viên khác tham gia phỏng vấn anh ta. Ứng cử viên thứ hai đã gửi thư cảm ơn qua email, trong khi người thứ ba không liên lạc với bất kỳ ai trong chúng tôi. Cuối cùng, tôi đã thuê người gửi thư cảm ơn viết tay. Ông ấy hóa ra là người tốt nhất chúng tôi đã tuyển được!”.

Bây giờ bạn đã biết cách viết email cảm ơn sau cuộc phỏng vấn, đây là lúc để làm ví dụ và đưa ra các luận điểm ở trên để áp dụng thật tốt – điều đó sẽ giúp bảo đảm bạn nhận được vị trí mới.

Theo interview.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

6,952 lượt xem