Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Với Bảng Điểm Trung Bình, Liệu Có Chinh Phục Được Nhà Tuyển Dụng?

Để cải thiện bảng điểm, bạn có thể học thêm một văn bằng hai hoặc cao học. Bằng cách này, các nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao năng lực của bạn, đồng nghĩa với việc “tấm vé” đi tiếp vào vòng trong sẽ dễ dàng nắm lấy trong tầm tay.

Hồi còn đi học, trong một kì thi tiếng Đức, tôi chỉ đạt được điểm “C”. Trong khi giáo viên thông báo rằng bảng điểm trung bình chung của cả lớp là điểm “B”, tôi cảm thấy thật xấu hổ. “Bạn bè sẽ bàn tán gì về tôi? Ba mẹ sẽ nghĩ tôi như thế nào?” Những câu hỏi cứ liên tục xuất hiện trong đầu. Ít ra thì khi đó tôi không phải lo lắng về việc làm thế nào nộp hồ sơ xin việc với số điểm tệ hại đó, vì dù gì tôi vẫn còn là học sinh và phải vài năm nữa mới chính thức tốt nghiệp.

Trong suốt các năm học phổ thông, bảng điểm của tôi toàn “lẹt đẹt” các con “C+, B-“ đi đều, đại loại là như thế (thật ra, ngoại ngữ là một “chướng ngại vật” đối với tôi). Một sự thật phũ phàng là bảng điểm xấu xí đó chẳng giúp ích cho tôi trong chuyện gì cả, mà ngược lại, đó còn là một trở ngại lớn khi tôi chia sẻ những bí quyết dưới đây cho các bạn. Tôi viết bài này với mong muốn hỗ trợ các bạn trong việc phát triển các chiến thuật của bản thân để có được việc làm ngay từ lần phỏng vấn đầu tiên.

Tôi sẽ tiết lộ một bí mật dành cho bạn: “Bạn chỉ cần điểm số một lần duy nhất, còn những lần xin việc tiếp theo chúng chẳng cần thiết nữa rồi”

Người ta thường đánh giá năng lực của bạn qua điểm số khi bạn chưa có kinh nghiệm làm việc. Một khi bạn đã thật sự có trình độ, các nhà tuyển dụng sẽ đánh giá phần lớn ở cách mà bạn thể hiện. Dưới đây là 10 bí quyết giúp bạn nhận được cuộc gọi phỏng vấn (cũng như nhận được lời mời làm việc) thậm chí với kết quả học tập “đáng xấu hổ” như thế.

1. Hãy thành thật

Trước hết, chẳng có gì phải che giấu hay nói dối về điểm số của mình cả. Xung quanh bạn còn hàng nghìn người khác vẫn tốt nghiệp với điểm số trung bình và kém đấy thôi. Nếu bạn ứng tuyển cho một công việc yêu cầu bảng điểm đẹp, bạn cứ trung thực cung cấp điểm số chứ đừng bỏ lỡ một cơ hội nào chỉ vì nỗi sợ bị từ chối của chính mình.

Mỗi người đều có một điểm mạnh khác nhau, cho nên theo một lẽ tự nhiên nào đó, một số người sẽ vượt trội hơn hẳn so với những người còn lại. Thành thật cũng là một cách để chiếm được lòng tin từ các nhà tuyển dụng, cũng như giải tỏa nỗi lo âu trong bạn. Nếu bạn nói dối để có được công việc, thì sớm muộn gì sự thật cũng sẽ phơi bày. (Và, cũng đừng bao giờ đổ lỗi cho giáo viên/giáo sư về việc bạn bị điểm thấp.)

Mặt khác, điểm tốt chưa hẳn phản ánh chính xác năng lực làm việc của một con người. Do đó, một lần nữa, đừng xấu hổ gì cả, hãy thành thật với những gì bạn đang có.

2. Đăng kí ứng tuyển vào những doanh nghiệp vừa và nhỏ

Những công ty có quy mô lớn thường sẽ nhận được hàng nghìn các đơn ứng tuyển và hầu hết các công ty này sẽ sử dụng bộ lọc tìm kiếm tự động để phân loại và chọn ra những người có điểm số tốt nhất vào vòng phỏng vấn. Cho nên, trừ khi bạn quen biết hoặc bạn biết cách nộp CV trực tiếp đến bộ phận nhân sự, thì tôi khuyên bạn không nên đăng kí ứng tuyển vào những công ty với tầm cỡ như thế.

Những doanh nghiệp có tầm cỡ vừa hoặc nhỏ hơn luôn ráo riết “truy tìm” những “nhân tố” mới cho nhiều vị trí chuyên môn khác nhau và cung cấp một môi trường làm việc trẻ trung, năng động. Đừng bỏ qua những cơ hội tốt như thế, hãy “lục sùng” những công ty trẻ có tiềm năng ở nơi bạn sinh sống.

3. Đăng kí ứng tuyển với tư cách là thực tập sinh

Khi mọi hồ sơ xin việc của bạn đều bị từ chối lần này sang lần khác, hãy thử đăng kí ứng tuyển vào các vị trí bán thời gian, thực tập sinh có lương hay thậm chí là thực tập sinh không lương.

Sau một thời gian học hỏi, kinh nghiệm tích lũy sẽ là hành trang bước đầu cho bạn trước khi trở thành nhân viên chính thức. Kể cả khi bạn nhận được lời mời làm việc rồi, tốt hơn hết bạn nên chủ động đề xuất được làm việc với tư cách là thực tập sinh không lương (hoặc lương thấp). Bằng cách này, việc đòi hỏi công ty cho bạn tham gia vào các hoạt động và công việc khác nhau để học hỏi và tích lũy kinh nghiệm là điều chính đáng.

Về lâu dài, điều này sẽ giúp ích cho bạn khá nhiều so với việc nhận lương nhưng chỉ làm mỗi việc phân loại đống tài liệu cũ kỹ của công ty.

4. Tham gia một số hoạt động tình nguyện

Ngoài mục đích cao cả là giúp đỡ mọi người xung quanh, kinh nghiệm tham gia hoạt động tình nguyện cũng sẽ mở ra cho bạn nhiều cơ hội việc làm. Ban nhân sự luôn đánh giá cao những người biết quan tâm, san sẻ, vì họ tin rằng có thể mong đợi những người có tính cách như thế tham gia nhiệt tình vào công việc của công ty.

Bên cạnh đó, hoạt động tình nguyện còn giúp bạn mở rộng mối quan hệ, tăng cường các kĩ năng thực tiễn, và biết đâu được, một ngày nào đó bạn hoặc tôi sẽ làm việc cho một công ty phi lợi nhuận thì sao?

5. Giải thích cho điểm số tệ hại của bạn

Lưu ý rằng, ở đây tôi nói là “giải thích”, chứ không phải “biện hộ”.

Nếu bạn nộp CV với những con điểm “lẹt đẹt” mà vẫn nhận được cuộc gọi phỏng vấn, thì có khả năng là ban nhân sự của công ty đó không xem xét dựa vào điểm số, hoặc cũng có thể, nhà tuyển dụng muốn nghe lời giải thích trực tiếp từ bạn trong buổi phỏng vấn.

Tốt hơn hết bạn nên trả lời thành thật như những gì tôi đã đề cập ở nguyên tắc số một. Để ghi điểm ở câu trả lời này, hãy khéo léo thể hiện cách bạn cải thiện điểm yếu của bản thân như thế nào. Chẳng hạn: “Tôi luôn đạt điểm kém ở môn ngoại ngữ, chính vì thế tôi thường xuyên tham gia vào các khóa học và hội thảo để trau dồi kiến thức và kĩ năng cần thiết.”

Mặt khác, nhấn mạnh vào ưu điểm của bản thân cũng là một cách giải thích hoàn hảo cho vấn đề nêu trên, ví dụ: “Tôi thường đạt điểm kém trong các bài kiểm tra tiếng Đức. Tuy nhiên, tôi đã đạt được nhiều thành tích học tập đáng khen ngợi ở môn vật lí. Có lẽ bởi vì tôi luôn nỗ lực tìm ra cách giải quyết vấn đề thiết thực ở mọi tình huống thực tiễn trong cuộc sống.”

6. Hãy là chính bạn và nói về những sở thích cá nhân

Khi nói đến những sở thích của bản thân, hãy đối chiếu với những tính chất đặc thù của công việc và biến chúng trở thành lợi thế của bạn.

Có hai ví dụ điển hình mà tôi thường sử dụng:

  • Kenpo Karate: “Thành thật mà nói, mười năm tham gia võ nghệ đã giúp tôi sống và làm việc có kỷ cương, nề nếp.”
  • Kids/Casual Magician: “Với mong muốn đem lại hạnh phúc cho mọi người, tôi luôn nỗ lực hết mình để trở thành một nhà ảo thuật gia. Công việc này đã giúp tôi phát triển kĩ năng giao tiếp và diễn thuyết tự tin trước đám đông.”

Một khi bạn nhận ra được sở thích và tài lẻ của mình, hãy kết nối chúng trở thành một lợi ích thiết thực cho công việc mà bạn đang ứng tuyển như một cách xây dựng “thương hiệu” cho bản thân. Với tuyệt chiêu này, bạn sẽ ghi điểm trong mắt các nhà tuyển dụng sớm thôi!

7. CV nổi bật và thu hút

Trong CV, việc cung cấp thông tin về điểm số là không cần thiết, nhất là khi bạn không mấy tự hào về chúng. Tất nhiên, tôi không khuyên bạn phải giấu nhẹm điều đó, chỉ là bạn nên nêu bật những điểm mạnh liên quan đến công việc khi viết CV.

Tại sao chúng ta nên “đánh nhanh, thắng nhanh” ở vòng tuyển chọn hồ sơ? Bởi lẽ “Bạn sẽ không bao giờ có thêm một cơ hội thứ hai nào khác để tạo nên ấn tượng đầu tiên.”

Vậy nên, hãy điều chỉnh mỗi CV của bạn phù hợp với từng nền văn hóa khác nhau của từng công ty mà bạn sẽ ứng tuyển vào. Tôi biết việc này có thể khiến bạn tốn không ít thời gian, thế nhưng, kiên trì và nhẫn nại luôn là yếu tố quyết định sự thành công của một con người.

Khi lần đầu đăng kí ứng tuyển cho vị trí thực tập sinh ở nhiều công ty khác nhau, một trong số đó vẫn gọi tôi đi phỏng vấn, “mặc kệ” cho kết quả học tập đáng hổ thẹn của tôi. Trong suốt buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng liên tục đặt ra những câu hỏi xung quanh vấn đề này. Lúc ấy, tôi hiểu được rằng bản CV nổi bật mới là chìa khóa mở ra cánh cửa của vòng phỏng vấn tiếp theo.

Ngay sau đó, tôi nhận được lời mời làm việc. Tất nhiên là tôi đồng ý. Khoảng thời gian đấy đã mang đến cho tôi những trải nghiệm thật tuyệt vời, cho dù đó chỉ là một doanh nghiệp nhỏ.

8. Luôn học hỏi

Để cải thiện bảng điểm, bạn có thể học thêm một văn bằng hai hoặc cao học. Bằng cách này, các nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao năng lực của bạn, đồng nghĩa với việc “tấm vé” đi tiếp vào vòng trong sẽ dễ dàng nắm lấy trong tầm tay.

Các khóa học, hội nghị chuyên đề, chứng chỉ sẽ giúp bạn có được công việc nếu những thứ này liên quan đến công việc ở công ty hoặc ở vị trí mà bạn đăng kí ứng tuyển.

Miễn là bạn còn sức học, hãy nắm bắt cơ hội tham gia càng nhiều càng tốt. Yên tâm đi, các lớp học đã được sắp xếp thời gian ổn định rồi, và mức phí của nó thật sự chẳng đáng là bao so với những giá trị mà bạn có thể nhận được sau này. Cũng đừng ngần ngại tham gia các khóa học, hội thảo về cả những chủ đề mà bạn không yêu thích. Hãy tự bứt phá giới hạn bản thân để mở rộng “đường chân trời” kiến thức của chính mình!

Trước khi bắt đầu theo học chương trình cử nhân, tôi đã lên toàn bộ kế hoạch và mục tiêu rõ ràng cho con đường học vấn của mình. Sau khi nhận được bằng thạc sĩ, không những tôi đã cải thiện điểm số và trở thành sinh viên hạng A, mà tôi còn tích lũy được nhiều kiến thức và kinh nghiệm ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

9. Chinh phục buổi phỏng vấn

Nếu bạn nhận được lời mời phỏng vấn, bạn mới đạt được một phần hai chặng đường mà thôi. Sẽ có một điểm nào đấy thú vị ở con người bạn có sức hút đối với các nhà tuyển dụng, do đó, tôi khuyên bạn nên tìm ra điểm nổi bật của mình và khai thác chúng một cách triệt để.

Hiện nay, có hàng trăm, hàng nghìn bài viết và bí quyết phỏng vấn bổ ích được đăng tải trên các trang mạng xã hội. Vì thế, tôi chỉ có một số lưu ý nhỏ sau: hãy đúng giờ, ăn mặc chỉnh chu, sạch sẽ (màu xanh da trời là sự lựa chọn hoàn hảo), và điều quan trọng nhất là phải cư xử lịch thiệp và thành thật.

Bất cứ một cuộc phỏng vấn nào, không cần biết kết quả như thế nào, bạn phải luôn để lại ấn tượng đặc biệt cho các nhà tuyển dụng để mỗi buổi phỏng vấn đều diễn ra và kết thúc tốt đẹp.

10. Đừng hoảng sợ

Tôi biết rằng hành trình tìm kiếm việc làm có lắm gian nan và vất vả, nhưng quan trọng hơn hết, hãy giữ cho đầu óc luôn tỉnh táo và bình thản. Khi lần đầu nộp hồ sơ ứng tuyển cho vị trí thực tập sinh, tôi đã gửi 10 đơn ứng tuyển và chỉ trong vòng một tuần, tôi nhận được 7 lá đơn từ chối. Ba tuần tiếp theo, tưởng chừng chẳng còn tia hi vọng nào, đúng lúc ấy tôi nhận được 2 cuộc gọi mời tham gia phỏng vấn. Và cả hai công ty đó đều đồng ý tuyển dụng tôi cho vị trí thực tập sinh. Đến tuần thứ tư, tôi phải từ chối cuộc phỏng vấn từ công ty thứ ba khác bởi lúc này tôi đã hoàn thành việc kí kết hợp đồng với công ty trước đó rồi.

Bài học sau câu chuyện nhỏ này là: “Tin xấu bao giờ cũng đến nhanh hơn”.

Các nhà tuyển dụng thường chọn gửi thư từ chối trước khi gửi thông báo phỏng vấn, vì việc đó không tốn quá nhiều thời gian và công sức của họ. Khi bạn đã có kinh nghiệm cho vị trí đó, việc chuyển đổi công ty chẳng còn là vấn đề quan trọng đối với bạn nữa. Kinh nghiệm và thành công đang chờ đón bạn trước mắt, nhiệm vụ của bạn ngay lúc này là hãy tập trung và kiên nhẫn chờ đợi.

Theo interview.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

4,806 lượt xem