Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Với Những Chiến Lược Sau, Tạo Ấn Tượng Tốt Không Bao Giờ Là Quá Trễ

Cách đây nhiều năm, một người bạn của tôi, Gordon, đi phỏng vấn tìm việc tại một trường đại học nổi tiếng. Trong suốt một ngày dài tham quan khuôn viên trường, anh đã cùng dùng bữa trưa với một thành viên cấp cao của khoa (ta gọi ông là Bob), người ra quyết định cuối cùng trong lần tuyển dụng này. Sau khi thức ăn được mang đến, Bob nói về món của mình, “Anh biết không, món này rất ngon. Anh nên ăn thử.” Mặc dù Gordon biết mình sẽ không thích món đó, anh cảm thấy buộc phải cắn một miếng để không làm mất lòng người có thể trở thành cấp trên của anh trong tương lai. Bữa trưa tiếp tục diễn ra vui vẻ, Gordon liệt kê các thành tích của mình còn Bob thì phản ứng tích cực. Vì thế, Gordon vô cùng ngạc nhiên khi anh không nhận được việc.

Vài năm sau, sau khi được tuyển dụng vào một vị trí khác tại trường đại học trên, anh đã biết được lý do. Rõ ràng, khi Bob nói “Anh nên ăn thử,” thật ra ý của ông là “Anh nên thử món này vào một lúc nào đó” hoặc “Bữa trưa của tôi ngon tuyệt,” và ông cảm thấy vô cùng khó chịu khi một ứng viên lại cả gan ăn thức ăn ngay trong đĩa của mình. Ông không muốn làm việc với người bất lịch sự và vô lễ như thế.

Trải nghiệm của Gordon là ví dụ về một vấn đề rất phổ biến: hành động vô ý gây tổn hại ấn tượng ban đầu.

Việc không thể hiện ấn tượng như bạn dự tính – nhất là trong lần gặp gỡ đầu tiên giữa bạn và một người nào đó – có thể tạo ra những vấn đề nghiêm trọng trong đời sống cá nhân và trong công việc. Người ta có thể không tin tưởng bạn, không thích bạn, hoặc thậm chí không để ý đến bạn. Đôi khi, lỗi là do bạn: Bạn xử lý tình huống kém và bạn biết điều đó. Nhưng thông thường, ấn tượng xấu ban đầu bắt nguồn từ những thành kiến nhất định trong cách mọi người nhìn nhận nhau. Và điều này thường xảy ra: Nghiên cứu cho thấy những gì người khác nghĩ về ta và cách ta nhìn nhận bản thân mình gần như không tương quan nhau. Vì thế, nếu từng có cảm giác bị đánh giá thấp, thấy rằng mình vô ý động chạm ai đó, hoặc cho rằng đối phương có những giả định sai lầm và có hại về bạn, có thể bạn đã đúng. Cách chúng ta nhìn nhận nhau có thể rất cảm tính, thiếu sót, và cứng nhắc – và phần lớn (chứ không hoàn toàn) là vô thức.

Công bằng mà nói, thật khó nhìn nhận người khác một cách chính xác. Thật sự, không ai dễ hiểu cả. Các nghiên cứu cho thấy mặc dù những cảm xúc mạnh cơ bản – ngạc nhiên, sợ hãi, phẫn nộ và giận dữ – khá dễ nhận ra, nhưng những cảm xúc tinh tế hơn mà ta trải qua mỗi ngày thì không dễ thấy được. Vì thế, hình ảnh khi bạn hơi chán nản có thể không khác gì mấy so với hình ảnh khi bạn hơi lo lắng, bối rối, thất vọng hoặc hồi hộp. Vẻ mặt “Những gì anh/chị vừa nói làm tôi cảm thấy hơi tổn thương” của bạn có thể rất giống vẻ mặt “Những gì anh/chị vừa nói không hề làm tôi cảm thấy tổn thương”. Và hầu hết các lần bạn đều nghĩ, “Mình đã làm rõ ý của mình” hoặc “Họ hiểu ý mình”, thật ra là bạn chưa làm rõ ý của mình đâu và người khác cũng chẳng hiểu ý bạn. Các nhà tâm lý học gọi sự “trật nhịp” này là ảo tưởng minh bạch(transparency illusion).

Việc hiểu rằng lời nói và hành vi của bạn luôn phụ thuộc vào cách diễn giải của người khác là rất quan trọng. Hãy tưởng tượng bạn đang trong một cuộc họp, và bạn bắt đầu nhìn lơ đãng khi một đồng nghiệp đang phát biểu. Phải chăng bạn cảm thấy buồn chán? Phải chăng bạn đang ngẫm nghĩ về những gì cô ấy đang nói? Phải chăng bạn đang tự hỏi không biết mình có nhớ tắt ấm pha cà phê hay chưa? Đồng nghiệp của bạn không biết lý do vì sao bạn lại có thái độ như thế, nhưng cô ấy sẽ chọn một cách lý giải nào đó – vì đó là cách bộ não hoạt động.

Tuy nhiên, tin vui là hiện nay chúng ta biết rằng những sai lầm trong việc đọc suy nghĩ của người khác rất dễ dự đoán, vì cảm nhận bị chi phối bởi các quy tắc và định kiến mà ta có thể nhận biết và lường trước. Vì thế, bạn hoàn toàn có thể tạo ấn tượng tốt thường xuyên hơn, và hóa giải mọi hiểu lầm của người khác về bạn.

Nhận Thức Cảm Thông

Bất kỳ người nào bạn mới gặp – người có thể trở thành cấp trên của bạn, người khách hàng tiềm năng, người đồng nghiệp mới – có thể đánh giá bạn trong 2 giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, người này nhanh chóng đưa ra đánh giá ban đầu về bạn mà không suy xét thấu đáo, chỉ dựa trên những phỏng đoán, khuôn mẫu, và những giả định khác – dựa vào những đặc điểm như ngoại hình, vị trí trong công ty, và ngôn ngữ cơ thể của bạn để đưa ra kết luận về con người bạn. Vì họ cần làm vậy chứ không hẳn vì họ lười (dù cũng có phần nào) tìm hiểu bạn. Trong buổi họp nhanh đầu tiên, người ở vị trí cảm nhận phải để ý, hiểu rõ, và phản hồi rất nhiều nên không thể chú ý đến bạn hoàn toàn và khách quan. Trong giai đoạn thứ hai – nếu – họ phải bỏ nhiều công sức hơn, chú ý đến bạn hơn, thu thập các thông tin khác nhau, và hiểu rõ các thông tin này để đưa ra những kết luận dựa trên những hiểu biết tường tận, thấu đáo về bạn. Việc cân nhắc tất cả các yếu tố có thể xảy ra ảnh hưởng đến hành vi của bạn và xem xét lại những đánh giá vội vàng đã đưa ra trong giai đoạn đầu đòi hỏi những nỗ lực hết sức nghiêm túc. Vì thế, người cảm nhận cần được tạo động lực để thực hiện việc này và không quá bị phân tâm. Trong cả hai giai đoạn, nhất là giai đoạn đầu, người hình thành ấn tượng về bạn không chỉ là người quan sát thụ động. Họ có những câu hỏi đặc thù cho bạn và đang cố tìm câu trả lời, nhưng chưa hẳn họ nhận ra điều đó. Cứ như thể họ đang nhìn qua một lăng kính (hoặc một loạt các lăng kính) riêng biệt định hình cách nhìn của họ về bạn. Trong số đó, lăng kính lòng tin, năng lực, và cái tôi là những lăng kính ảnh hưởng mạnh nhất. (Các lăng kính phụ, được dẫn dắt bởi tính cách, có thể cũng có, nhưng thường ít quan trọng hơn.)

Lăng kính lòng tin được sử dụng khi họ muốn tìm hiểu xem bạn là đồng đội hay kẻ thù. Người cảm nhận trả lời câu hỏi đó bằng cách chú ý đến 2 khía cạnh đặc biệt trong tính cách của bạn: vẻ nồng nhiệt (những biểu hiện thân thiện, tôn trọng và đồng cảm), cho thấy bạn có những ý định tốt đẹp, và năng lực (chứng tỏ bạn là người thông minh, có kỹ năng và làm việc hiệu quả), cho thấy bạn là người dám hành động.

Lăng kính năng lực xuất hiện khi có sự chênh lệch về năng lực, nhất là khi người cảm nhận có năng lực cao hơn bạn. Họ nhìn chằm chằm qua lăng kính này để đánh giá khả năng của bạn: “Cho tôi thấy bạn có hữu ích, còn không thì hãy tránh ra.”

Lăng kính cái tôi cho người cảm nhận cảm giác dẫn đầu. Trong tiềm thức, mọi người thường muốn được công nhận rằng họ, hoặc nhóm của họ, giỏi hơn người khác khác hoặc nhóm khác.

Trở lại với Gordon, có nhiều cách mà các lăng kính của Bob chắc chắn đã ảnh hưởng đến kết quả phỏng vấn trong bữa trưa đó. Gordon sẵn sàng thể hiện năng lực bằng cách nhắc lại các thành tích của mình, nhưng anh không cho thấy sự nồng nhiệt – thật vậy, hiểu lầm này đã khiến anh thử thức ăn của Bob, rốt cuộc nó lại truyền tải sự thiếu tôn trọng. Có năng lực mà thiếu nồng nhiệt là một sự kết hợp tệ hại, vì nó cho thấy có thể một ngày nào đó bạn sẽ trở thành kẻ thù nguy hiểm. Hơn nữa, chỉ tập trung vào những thành tích của bản thân khi nói chuyện với người có quyền hơn, Gordon đã thất bại trong việc làm nổi bật giá trị của mình. Nếu anh giải thích tốt hơn về việc kinh nghiệm trước đây sẽ giúp anh đẩy mạnh các mục tiêu của Bob tại trường đại học này như thế nào, có lẽ tình thế đã khác. Như mọi việc đã diễn ra, khi nhìn qua các lăng kính lòng tin, năng lực và cái tôi, hẳn Bob đã nghĩ, “Tại sao ông phải thuê một người tài giỏi ở bên ngoài mà có thể sẽ chống lại ông và làm ông bẽ mặt?”

Tạo Ấn Tượng Một Cách Phù Hợp

Vậy làm thế nào bạn có thể áp dụng kiến thức về cảm nhận và các lăng kính này để tạo lợi thế cho mình và truyền đạt thông điệp theo ý bạn sao cho phù hợp và hiệu quả? Chiến lược đầu tiên và rõ ràng nhất là đưa ra các dạng bằng chứng phù hợp để giúp người khác hình thành ấn tượng chính xác, ghi nhớ các lăng kính cảm nhận này.

Để người khác nhìn nhận bạn một cách chính xác qua lăng kính lòng tin của họ, hãy thể hiện mình là một người nồng nhiệt và có năng lực. Hãy truyền các tín hiệu cơ thể một cách phù hợp: Giao tiếp bằng mắt, mỉm cười đúng lúc, gật đầu đồng ý, lắng nghe mà không ngắt lời, ngồi thẳng, và tỏ ra tự tin. Và đặc biệt khi đây sẽ là mối quan hệ dài lâu, là người mà bạn sẽ tin tưởng. Những người được nhận thấy có nguyên tắc và đáng tin cậy nhiều khả năng sẽ được xem là những đồng minh thân cận.

Để tạo ấn tượng tốt trong lăng kính năng lực của người cảm nhận, hãy chứng minh giá trị của bạn mỗi khi có cơ hội thích hợp. Hãy cho người đó thấy rõ bạn muốn giúp họ cải thiện hiệu suất làm việc để đạt được mục tiêu chung.

Để được nhìn nhận một cách tích cực qua lăng kính cái tôi của người này, hãy khiêm tốn và thể hiện tinh thần tập thể. Hãy nỗ lực công nhận điểm mạnh của người khác, và cố gắng tạo cảm giác “chúng ta”, để người cảm nhận có thể vui mừng trước những thành quả của bạn thay vì cảm thấy bị đe dọa.

Nếu có một khởi đầu không suôn sẻ và cần khắc phục ấn tượng xấu, bạn sẽ cần đưa ra rất nhiều bằng chứng thu hút được sự chú ý của người cảm nhận nhằm kích hoạt cách nghĩ trong giai đoạn thứ hai. Hãy tiếp tục tích lũy bằng chứng cho đến khi người đó không còn chú ý đến ấn tượng xấu về bạn nữa, và đảm bảo thông tin mà bạn đưa ra phải hoàn toàn trái ngược với những quan niệm hiện có về bạn. Ví dụ, hãy tưởng tượng bạn đã trễ hạn nộp dự án đầu tiên của mình cho quản lý mới. Việc thực hiện đúng thời hạn hoàn thành công việc tiếp theo có thể hoặc không thể khắc phục được ấn tượng của người này về bạn. Nhưng nếu trong 5 công việc được giao tiếp theo, công việc nào bạn cũng hoàn thành thời hạn trước một tuần thì sao? Điều đó chắc chắn sẽ được ghi nhận. Một cách tự nhiên, cấp trên sẽ chú ý đến bạn nhiều hơn để xem sự thay đổi này có kéo dài không, và bạn sẽ thành công trong việc thúc đẩy cấp trên bước vào giai đoạn thứ hai.

Ngoài ra, một phương pháp nữa là khiến những người quan sát bạn muốn thay đổi quan niệm của họ về bạn, qua đó việc cải thiện hình ảnh của bạn sẽ diễn ra nhanh hơn và đỡ tốn công sức hơn. Sau đây là vài chiến lược bạn có thể thử áp dụng:

1. Kích Hoạt Khao Khát Công Bằng

Hầu hết mọi người sẽ nói với bạn rằng họ mong muốn trở thành một người có tư duy cởi mở và công bằng trong cách đánh giá và đối xử người khác. Các nhà tâm lý học gọi đây là mục tiêu bình đẳng. Nghiên cứu cho thấy khi người quan sát thật sự quyết tâm trở nên công bằng, và khi sự công bằng gần đây được nhấn mạnh trong tâm trí họ, họ sẽ tự động kiềm chế những thành kiến có thể ảnh hưởng không tốt đến cảm nhận của mình hơn. Điều này gần giống như việc bỏ qua giai đoạn đầu và tiến thẳng đến giai đoạn thứ hai, khi ấn tượng mà bạn tạo ra sẽ chính xác hơn và phù hợp hơn với ý bạn.

Để kích hoạt mục tiêu bình đẳng, bạn có thể khen ngợi người cảm nhận về “sự thẳng thắn”, “công tâm”, “sắc sảo”, hoặc “độ chính xác đáng kinh ngạc” của họ trong việc đánh giá người khác. Nếu không biết rõ về người này và không có cơ sở để đưa ra một nhận xét như thế, bạn có thể gợi ý rằng trong công việc hoặc vị trí của họ ở công ty, khả năng đánh giá chính xác người khác chắc hẳn là một kỹ năng quan trọng. Bạn không nói dối; hầu hết mọi người cần phải hiểu đồng nghiệp và khách hàng một cách chính xác để thành công trong công việc. Bạn cũng có thể thử chia sẻ những khó khăn của bản thân trong việc hành xử công bằng. Hãy miêu tả thời điểm bạn đánh giá sai một người nào đó bởi thành kiến của mình.

2. Khiến Mình Trở Nên Cần Thiết

Trong nhiều cách, cách dễ nhất và trực tiếp nhất khiến người khác muốn nhìn nhận bạn một cách chính xác – làm giai đoạn thứ hai phát huy tác dụng – tức là đảm bảo bạn có một vai trò trong thành công của họ. Các nhà tâm lý học gọi đây là sự lệ thuộc kết quả. Nói tóm lại, điều này có nghĩa là người khác không thể có được điều họ muốn mà không có sự hợp tác của bạn. Đây là lý do vì sao những người không có quyền lực lại chú ý đến những người có quyền lực đến thế. Và đây là lý do vì sao những người phải nhờ người khác truyền đạt ý mình sẽ khó hiểu rõ hơn cá tính, mục đích và những thói quen của đối phương. Nếu người quan sát bạn cần biết dự đoán thái độ của bạn, đoán trước những mong muốn và nhu cầu của bạn, và phản ứng sao cho phù hợp, họ không còn cách nào khác ngoài việc bước vào giai đoạn thứ hai.

Để tạo ra sự lệ thuộc kết quả, hãy cố gắng xác định các cơ hội hợp tác. Ví dụ, nếu cấp trên đánh giá bạn thấp, hãy cân nhắc đề nghị được làm công việc nào đó cho phép bạn làm việc với họ chặt chẽ hơn. Dè dặt trước những người không đánh giá cao về bạn là điều tự nhiên, nhưng bạn cần chống lại bản năng và thay vào đó “đeo dính” họ nếu muốn khắc phục những hiểu lầm của họ về bạn. Mọi việc sẽ trở nên thoải mái hơn nhiều khi cuối cùng họ bắt đầu nhận ra bạn không tệ như thế.

3. Nắm Bắt Những Khoảnh Khắc Phù Hợp

Con người có khao khát thầm kín và căn bản là được kiểm soát. Không có nó – vì những yếu tố gây căng thẳng như sự bất an, không có lựa chọn, bị áp đặt, hay bị quản lý quá gắt gao – chắc chắn họ sẽ thấy bất lực, thờ ơ, và trầm cảm. Khi bị mất quyền kiểm soát, đương nhiên mọi người sẽ cố gắng lấy lại nó. Và nếu họ không thể làm điều đó bằng cách giải quyết vấn đề trực tiếp (ví dụ, nói với người sếp kiểm soát họ từng li từng tí rằng “Tôi nghỉ việc”), nghiên cứu cho thấy họ có thể trở nên thận trọng và chấp nhặt những vấn đề khác, kể cả quá trình quan sát người khác.

Bạn có thể tận dụng những lúc người quan sát bị dao động bởi những yếu tố bên ngoài: khi cấp trên của bạn cảm thấy căng thẳng về việc hoàn thành các mục tiêu cuối năm, hoặc khi một đồng nghiệp đang gặp khó khăn trong việc hoàn thành đúng hạn dự án hay mất đi một khách hàng quan trọng. Việc tập trung tìm hiểu về bạn nhiều hơn là cách để mọi người cảm thấy như thể họ đang lấy lại quyền kiểm soát. Vì thế, chỉ bằng việc có mặt và, nếu có thể, xung phong giúp đỡ, bạn có thể làm nổi bật những điểm mạnh của mình khi nhiều khả năng người quan sát bạn sẽ chú ý.

Bạn có thắc mắc liệu Gordon có thể khắc phục ấn tượng xấu ban đầu mà anh đã tạo ra với Bob không? Vâng, anh ấy có thể, bằng phương pháp kết hợp nhiều chiến lược này. Trước tiên, anh xem xét cẩn thận công việc mà Bob (hiện là trưởng khoa) đang làm, và nắm bắt từng cơ hội tiếp cận và hỗ trợ các công việc trong danh sách việc cần làm của Bob. Gordon cũng đảm bảo thể hiện sự nồng nhiệt trong những lần anh tiếp xúc với Bob và thể hiện bản thân một cách khiêm tốn hơn. Sau khoảng một năm, Bob mời Gordon tham gia vào một số hội đồng chủ chốt, và Gordon cảm thấy hai người đã thiết lập được lòng tin với nhau. Giờ đây, thậm chí thỉnh thoảng họ còn dùng những bữa trưa thân mật – mà không thử thức ăn của nhau.

Tất cả chúng ta đều muốn tạo những ấn tượng tốt tương ứng với những hình ảnh mà ta định thể hiện. Các nghiên cứu thường cho thấy con người hạnh phúc hơn, thỏa mãn hơn, có các mối quan hệ tốt đẹp hơn và sống có mục đích hơn khi họ tin rằng họ thể hiện hình ảnh thật của mình. Cuộc sống thường sẽ trở nên dễ dàng hơn và thỏa mãn hơn khi người khác “hiểu” và trao cho bạn những cơ hội và sự hỗ trợ phù hợp.

Nhưng bạn không thể cứ ngồi chờ những người xung quanh đánh giá mình một cách chính xác. Bạn cần suy nghĩ có chiến lược về việc khuyến khích và thúc đẩy họ nhìn nhận bạn trong hình ảnh tốt nhất có thể. Nếu làm vậy thì thật sự việc tạo ấn tượng tốt không bao giờ là quá trễ.

Tác giả: Heidi Grant Halvorson

Nguồn dịch: UBrand.cool

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,365 lượt xem