Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

[HCM] Triển Lãm "Chứng Tích" Của Lê Thế Lãm 2017

Hết hạn

Khai mạc: 18:00, thứ bảy 09/12/2017Triển lãm: 09/12/2017 – 11/02/2018Trung Tâm Nghệ Thuật Đương Đại The Factory

Thông tin từ nhà tổ chức:

Lớn lên trong bối cảnh đất nước đã được thống nhất và thanh bình, nhưng Lê Thế Lãm chưa bao giờ ngưng trăn trở về những tàn tích còn sót lại của cuộc chiến, về hệ quả của những thăng trầm lịch sử đã tác động lên xã hội và con người nơi anh lớn lên. Anh luôn cảm thấy lạc lõng trong sự bùng nổ công nghệ, sự phát triển kinh tế, mà kéo theo đó là những hệ lụy về môi trường và khủng hoảng tâm lý của con người.

Triển lãm ‘Chứng tích’ đưa chúng ta vào một thế giới riêng của Lê Thế Lãm, nơi chất chứa nhiều mối lo âu và nỗi buồn của xã hội Việt Nam sau khi đã trải qua thời hậu chiến. Loạt tranh trong triển lãm lần này thể hiện các trạng thái của ‘cái chết lặng lẽ’ qua sự hiện diện thường xuyên của hình ảnh con người lay lắt như những cái bóng và những chiếc hộp gỗ đã đóng, đôi khi đan xen với chữ viết. Chúng là những khung cảnh diễn ra trong tâm trí nghệ sĩ, được đặt trong các không gian tưởng tượng gợi nhớ đến nỗi chán chường của anh đối với môi trường xung quanh. Bên cạnh những gam màu u uất, sự kết hợp cách dựng khối và hiệu ứng ánh sáng trong tranh khiến những không gian này dường như kín bưng và ngột ngạt. Lãm tò mò về tác động tâm lý của cái chết, hơn là tập trung nó dưới dạng sự một phân rã sinh học (tức là sự phân hủy của cơ thể bởi những tác động xã hội như nạn đói, bệnh tật hoặc sự hủy hoại của chiến tranh). Trong nghệ thuật của Lãm, anh xem sự tồn tại nghĩa là đã hết sống. Họ dường như chỉ loay hoay và lụi tàn đi trong đời sống tưởng chừng như mênh mông mà hóa ra chật hẹp, trong gánh nặng vật chất, bởi những tàn hủy âm thầm khi xã hội đang biến đổi lên quá nhanh mà tâm hồn còn người thì ngày càng băng hoại.

Bên cạnh không gian tranh vẽ, loạt điêu khắc ‘Hình ảnh của cái chết còn lại nguyên vẹn mãi trong một tâm trí trống rỗng’ Lãm khai thác sự hoang mang và những âu lo trong hành trình đi về cái chết lặng lẽ. Xác của từng con vật được lưu giữ trong khối nhựa đông đặc như hóa thạch, lưu giữ lại hình ảnh của quá khứ. Tại đây, cái chết ngưng đọng và trơ trọi ra đó như một chứng tích. Chúng được đặt bên cạnh những tờ nhật báo, tượng trưng cho những làn sóng truyền thông đối lập đang tồn tại song song, tác động không nhỏ lên tư duy và ý thức của con người trong xã hội ngày nay. “Định mệnh của con người là vươn tới tiến bộ; nhưng mọi sự tìm tòi sẽ là vô nghĩa và kết quả sẽ là tai họa nếu vận động đó lại dẫn đến sự suy thoái về nhân cách. Có nghĩa gì một sự tiến bộ kỹ thuật nếu nó giết chết tinh thần?” [1]

Lê Thế Lãm là nghệ sĩ thứ ba trong năm 2017 tham gia vào ‘Materialize’, một chương trình đề xuất bởi The Factory và đồng bảo trợ bởi Indochina Arts Partnership. Chương trình mong muốn tạo cơ hội triển lãm cho các nghệ sĩ Việt Nam đang sống trên đất nước và chưa có nhiều cơ hội để trưng bày các tác phẩm của mình. Chương trình mở cửa cho các nghệ sĩ trên 25 tuổi, sinh ra và hiện đang sống tại Việt Nam. Vòng xét tuyển tiếp theo sẽ bắt đầu vào tháng Mười Hai năm 2017.

Lê Thế Lãm (sn. 1989, TP. Hồ Chí Minh) sinh tại Hà Tĩnh. Anh tốt nghiệp khoa Mỹ thuật Cơ bản, trường đại học Mỹ Thuật TP. Hồ Chí Minh năm 2015. Đối với Lãm, nghệ thuật vừa là nhu cầu, vừa là một hành vi đưa anh đến gần hơn với cái đẹp phổ quát và tìm kiếm những khả năng biểu đạt nội tâm. Thực hành nghệ thuật nhằm giúp anh bày tỏ các mối quan tâm của anh đối với xã hội ngày nay, tập trung xoay quanh mối quan hệ của con người với thế giới xung quanh, cách họ biến đổi và đối diện với các vấn đề xã hội như: chủ nghĩa tiêu thụ, sự xâm lăng văn hóa, các chấn thương tâm lý hiện đại. Lãm chủ yếu thực hành sơn dầu trên vải. Gần đây, anh bắt đầu tìm đến thể nghiệm với hình thức sắp đặt điêu khắc bằng chất liệu nhựa resin, các đồ vật tìm thấy (found objects) và tiêu bản động vật. Triển lãm tiêu biểu: Người và Thú (2016), triển lãm nhóm tại Hội Mỹ Thuật TP. Hồ Chí Minh.

[1] Trích lời linh mục Jacques Dournes trong cuốn ‘Các dân tộc miền núi nam Đông Dương’ (1950)

Giá vé

Người lớn: 35,000VND

Học sinh/Sinh viên: 25,000VND (vui lòng xuất trình thẻ)Trẻ em dưới 16 tuổi: miễn phí (vui lòng xuất trình CMND hoặc thẻ học sinh)

Đêm khai mạc không tính phí vào cổng.

 

 

Hết hạn

512 lượt xem