Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

[HN] Tọa Đàm Văn Học Nhật Bản "Viết Không Đau Về Nỗi Đau"

Hết hạn

Không chỉ trong "Lời nguyện cầu chín năm trước", mà cả trong các tác phẩm khác của mình, trong đó có "Trôi trên vịnh" và "Tiếng hát người cá" đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam, Ono Masatsugu đều quan tâm và đề cập đến những thân phận dân thường không có gì đáng chú ý cùng những nỗi đau rất cá nhân nhưng lại rất người của họ. Mỗi câu chuyện là một bức tranh buồn buồn, nhưng êm ả và nên thơ, như thể nỗi đau là một phần của cuộc sống. Điều này khiến người đọc hẳn không khỏi băn khoăn tự hỏi, vậy nên nhìn nhận, nói và viết thế nào về nỗi đau? – Hà Nội, những ngày cuối tháng Mười 2017, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Hà Nội và Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam phối hợp tổ chức buổi gặp mặt và trò chuyện với nhà văn người Nhật Ono Masatsugu xoay quanh các tác phẩm của anh cùng chủ đề Viết không đau về nỗi đau.

Thông tin chi tiết:

Thời gian: 10h00 ngày 31 tháng Mười năm 2017

Địa điểm: Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật, 27 Quang Trung, Hà Nội 

Diễn giả: 
• Nhà văn Nhật Bản Ono Masatsugu
• Tiến sĩ Văn học Trần Ngọc Hiếu
Điều phối chương trình: Biên tập viên Đặng Thanh Giang 

VỀ NHÀ VĂN ONO MASATSUGU
Ono Masatsugu sinh năm 1970 tại tỉnh Oita, đảo Kyushu nằm ở phía Tây Nam Nhật Bản. Ông học ngành giáo dục tại Đại học Tokyo, học Ph.D tại Đại học Paris 8. Năm 2001, ông nhận giải thưởng tác giả trẻ lần thứ 12 của báo Asahi với tác phẩm Mizu ni uzumoreru haka (tạm dịch: Mộ chìm trong nước), năm 2002 nhận giải thưởng Mishima Yukio lần thứ 15 với tác phẩm Nigiyaka na wan ni seowareta fune (tạm dịch: Trôi trên vịnh), năm 2015, ở tuổi 45, Masatsugu Ono vinh dự nhận giải thưởng văn học danh giá Akutagawa lần thứ 152 với tác phẩm Lời nguyện cầu chín năm trước, giải thưởng được xem như "Nobel văn học" của Nhật Bản.
Ngoài ra, ông còn có một số tác phẩm tiêu biểu như Mori no hazure de (tạm dịch: Tại bìa rừng), Maikuro basu (tạm dịch: Chiếc xe buýt mini)… Hiện ông đang là phó giáo sư khoa Văn trường Đại học Rikkyo.

VỀ TÁC PHẨM LỜI NGUYỆN CẦU CHÍN NĂM TRƯỚC
Một làng chài ven biển trên đảo Kyushu, chỉ cách Tokyo chưa đầy hai tiếng máy bay, nhưng mảnh đất dường như muốn cự tuyệt mọi thứ từ thế giới bên ngoài. Cuộc sống nơi đây diễn ra đơn điệu với những mảnh đời tù túng, không lối thoát. Một bà mẹ trẻ đơn thân với đứa con lai “ngoại quốc” mắc chứng tự kỷ. Một gã nát rượu bị vợ bỏ. Một phó giám đốc nhu nhược, sắp lên chức ông ngoại nhưng vẫn sợ bị bố và các anh trai mắng. Một bà lão tám mươi, ly dị chồng từ hồi trẻ, sắp gần đất xa trời nhưng vẫn không thôi bị ám ảnh bởi bà mẹ chồng vốn là một pháp sư.
Với bút pháp vô cùng khơi gợi, Ono Masatsugu đã vẽ nên thật sinh động một Nhật Bản thôn quê và xưa cũ, nơi lưu giữ những đặc tính con người Nhật vừa cực đoan lại vừa đơn giản, cởi mở.
Năm 2015, Lời nguyện cầu chín năm trước, truyện ngắn đầu tiên của tập truyện đã được trao giải Akutagawa danh giá lần thứ 152.

TRÍCH ĐOẠN
“Giờ đây nỗi buồn không còn ở trong Sanae nữa. Nó đang đứng ngay phía sau lưng cô. Sanae hiểu rằng dù có quay đầu lại cũng không thể nhìn thấy nó dưới ánh nắng. Cô cảm thấy nỗi buồn đang cựa quậy. Nó khom người, đặt bàn tay lên trên tay của Sanae rồi khẽ xoa xoa như để an ủi cô. Nỗi bất an không biết mất. Tay con trai cô lạnh ngắt. Vì vậy Sanae dồn sức vào đôi tay mình. Cô nhắm mắt, gục đầu xuống. Nỗi buồn ghé vào tai Sanae, thì thào điều gì đó nghe như một lời ám. Cô không muốn nghe. Không được phép nghe. Cô áp mặt mình chặt hơn vào đầu, vào mái tóc mềm mại của con trai. Cô cảm nhận cái nóng. Cô ngửi thấy thoang thoảng mùi thủy triều. Mùi của con trai lan khắp khứu giác cô.”
- Lời nguyện cầu chín năm trước
“Những bông hoa khả ái màu trắng đang đung đưa dưới bóng bao gạo đặt bên cạnh tủ lạnh. Trên cái cuống mảnh mai có lẽ mọc ra từ miệng ống thoát nước của bồn rửa, năm cánh hoa lớn màu đỏ khép lại như thể đang trầm ngâm suy tưởng. Từ cánh cửa để mở của chạn bát, một đám các bông hoa màu vàng nhỏ li ti bung tràn ra mạnh mẽ. Chiyoko ước gì mình có thể với tay ra tận đó. Đủ rồi, đủ rồi, bà siết chặt tay để ngăn mình lại. Chiyoko không phải là pháp sư nên bà chỉ có thể gọi ra cái tên ấy. Taikoh, Taikoh. Cái tên gọi không hề bị suy suyển theo thời gian ấy biết đâu sẽ mang đến cho Chiyoko một Taikoh khác với Taikoh mà bà biết rõ. Có thể sẽ không phải là một người đàn ông chỉ biết ngạc nhiên với cái thế giới khó hiểu này mà sẽ là một người đàn ông giống một viên ngọc tuyệt đẹp không khiếm khuyết, không sứt mẻ hay xước xát. Không, ngược lại, biết đâu lại là người đàn ông bị tổn thương, bị xúc phạm nghiêm trọng đến tuyệt vọng. Là ai cũng được. Dưới hình dạng nào cũng được, chỉ cần Taikoh quay về thôi. Bà sẽ không nhờ cậu nhổ hoa ác nữa. Hãy tha thứ cho bà. Hãy tha thứ cho bà. Nếu được gặp lại Taikoh, bà sẽ lặp đi lặp lại câu nói đó cho đến khi lưỡi, môi rã rời đến rỉ máu vì thở dài, cho đến khi dòng máu đó hòa vào bầu không khí ấm nóng. Taikoh, Taikoh. Mặt nước tăm tối của con vịnh nhỏ khẽ rung lên trước lời thì thầm của Chiyoko lúc này vẫn đang ôm trong lòng bông hoa ác không có dấu hiệu ngừng sinh sôi nảy nở.”
- Hoa ác
----------------
Trong trường hợp cần thêm thông tin, vui lòng liên hệ:
Hà Nội: 
- Ms. Nhã (ext 115) hoặc Mr. Kawai (ext 109), Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, 27 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội, điện thoại: 024 - 39447419
- Nguyễn Kim Chi, phòng Truyền thông, Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam, 59 Đỗ Quang, Trung Hòa, Cầu Giấy, điện thoại: 0904719716
TP. Hồ Chí Minh: Nguyễn Khánh Hòa Bình, Phó phòng Truyền thông, Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam, Nhà 015 Lô B, Chung cư 43 Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh, điện thoại: 0933572048
Hoặc email: [email protected]

Link sự kiện: tại đây

Hết hạn

1,552 lượt xem