Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Bức Tranh Sáng Kinh Tế Toàn Cầu Năm 2018

Với một năm 2017 “an bình”, kinh tế thế giới năm 2018 được dự báo có nhiều triển vọng tốt đẹp với mức tăng trưởng lên tới 4%, cao nhất kể từ 2012.

Bất chấp những rủi ro của nền kinh tế thế giới như Brexit, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, và bất ổn ở Trung Đông, nền kinh tế toàn cầu vẫn diễn biến tích cực, khiến các tổ chức kinh tế toàn cầu liên tục phải điều chỉnh dự báo theo hướng nâng cao hơn mức dự báo trước đó.

Động lực mới cho tăng trưởng thương mại

Bản dự báo hồi tháng 5 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho biết tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2017 sẽ đạt 2,4% và năm 2018 là 2,1%. Tuy nhiên, những dự báo thời điểm đó là dựa vào dự báo GDP toàn cầu năm 2017 chỉ là 2,7% và năm 2018 là 2,8%.

GDP năm 2017 được dự báo mới nhất lên tới 3,7% cho năm 2017 và 4% cho năm 2018. Điều này chắc chắn sẽ kéo theo tăng trưởng thương mại toàn cầu tương ứng. Theo đó, Euler Hermes dự báo thương mại toàn cầu năm 2017 tăng trưởng ở mức 4,3% và năm 2018 sẽ là 3,9% về mặt khối lượng, còn về mặt giá trị tăng trưởng lên tới 7,5% trong năm 2017 và 6,3% trong năm 2018.

Theo CaixaBank Research, dòng vốn hướng vào các nền kinh tế mới nổi trong năm 2017 ước tính lên tới 1.100 tỷ USD và năm 2018 sẽ là 12.000 tỷ USD, cao hơn khá nhiều so với ước tính của IIF.

Có thể thấy, sự thay đổi đột ngột chính sách thương mại của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã gây ra một vài lo ngại rằng thương mại thế giới sẽ bị thu hẹp vì sẽ có xu hướng quay lại chủ nghĩa bảo hộ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy lo ngại này là thiếu căn cứ, và thương mại toàn cầu có thể có thay đổi nhưng không hề suy giảm.

Với triết lý “nước Mỹ là trên hết”, ông Trump từ bỏ lối chơi đa phương, theo đó từ bỏ TPP, xét lại NAFTA theo hướng có lợi cho Mỹ hơn trước. Thay vào đó, ông Trump chủ trương chính sách thương mại kiểu kinh doanh “làm ăn tay đôi”. Cách này sẽ giúp phát huy sức mạnh Mỹ theo nghĩa nước khác cần Mỹ hơn là Mỹ cần nước khác.

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là việc từ bỏ các hiệp ước đa phương của Trump không phải là chủ nghĩa bảo hộ như nhiều người quy kết, mà chỉ là bỏ lối chơi đa phương thay vào cách chơi song phương mà thôi. Nghĩa là, thương mại và kinh tế thế giới vẫn là toàn cầu hóa và sẽ không bị thu hẹp, nhưng dòng thương mại và dòng vốn sẽ có thay đổi trong hướng đi của chúng.

Tổng Thư ký của WTO Roberto Azevedo cho rằng: Khi dòng thương mại diễn ra thông suốt toàn cầu thì nó trở thành một yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng. “Các Chính phủ cần xem xét coi trọng điều này nhằm tránh gây bất ổn cho dòng thương mại toàn cầu. Bởi sự thay đổi trong chính sách thương mại của Trump, về thực chất, cũng không hề làm gián đoạn quá trình thương mại toàn cầu”, ông Azevedo nhấn mạnh.

Dấu mốc đáng nhớ của dòng vốn đầu tư

Theo Viện Nghiên cứu Tài chính Quốc tế (IIF), năm 2017 là năm đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của dòng đầu tư vào các nền kinh tế mới nổi và năm 2018 cũng sẽ là năm dấu mốc quan trọng của dòng vốn này. Tổng dòng vốn vào các thị trường mới nổi như thị trường nợ và chứng khoán dự báo tăng mạnh lên tới 35% so với năm 2016, chạm mức 970 tỷ USD trong năm nay 2017 và có thể sẽ vượt mốc 1.000 tỷ USA trong năm 2018, là năm tốt nhất kể từ năm 2014.

Triển vọng sáng sủa của tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu và sự ưa thích rủi ro của các nhà đầu tư đối với các thị trường này là những động lực cơ bản cho sự dịch chuyển dòng vốn này. Cụ thể hơn, sự ổn định của thị trường tài chính Trung Quốc và đặc biệt là sự ổn định của đồng NDT sau nhiều nỗ lực của chính phủ là lực hút quan trọng dòng vốn bên ngoài đối với trái phiếu chính phủ.

Đối với khu vực các nền kinh tế phát triển, thì Mỹ là thị trường nổi bật. Những cải cách thuế mới ở Mỹ theo hướng giảm mạnh là sự kích thích lớn thu hút dòng đầu tư đổ vào nền kinh tế này. Trong khi đó, Brexit tỏ ra không thuận lợi với thu hút dòng vốn vào Anh nhưng lại khuyến khích dòng vốn vào Pháp và Đức và các nền kinh tế EU khác.

Năm toả sáng của những “ngôi sao”

Hầu hết các nền kinh tế lớn, ngoại trừ nước Anh, đều được dự báo tiếp tục đà tăng trưởng GDP tốt trong năm 2018. Cụ thể, nền kinh tế Mỹ được dự báo GDP đạt 2,5% năm 2018, tăng 0,2% so với năm 2017. Với những thuận lợi và thắng lợi trong các chính sách kinh tế và đặc biệt là trong cải cách thuế của chính quyền Trump, sự tăng trưởng của Mỹ được dự báo thậm chí có thể còn mạnh hơn.

Nền kinh tế EU với nhiều khó khăn trong quá khứ và với sự kiện Brexit trong hiện tại cũng cho thấy có sự phục hồi và tăng trưởng chắc chắn trong năm 2018.

Báo cáo mới nhất ngày 6/11/2017 của IMF cho biết nền kinh tế EU đang thuận lợi với mức GDP cả năm 2017 là 2,4%, so với mức 1,7% trong năm 2016, và dự báo năm 2018 ở mức 2,1%.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng được dự báo có tăng trưởng GDP là 6,5% trong năm 2018 so với 6,8% cả năm 2017. Ấn Độ cũng đã lấy lại được đà tăng trưởng, IMF dự báo nền kinh tế này có tăng trưởng GDP cả năm 2017 là 6,7% và dự báo năm 2018 sẽ là 7,4%. Cả nhóm BRICS gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Nam Phi, Brazil, Indonesia được dự báo tăng trưởng 5% trong năm 2018 so với 4,7% của năm 2017.

Nhật Bản cũng có mức tăng trưởng cả năm 2017 là 1,5%, so với mức 1% trong năm 2016, và dự báo cho năm 2018 là 1%.

Với tình hình tốt trong cả năm 2017, kinh tế toàn cầu được dự báo đạt 4% năm 2018, cao nhất kể từ 2012. Đây là điều thuận lợi cho tăng trưởng thương mại toàn cầu và Việt Nam là nền kinh tế sẽ được hưởng lợi từ điều này. Có thể nói, Việt Nam là một nền kinh tế hướng vào xuất khẩu mạnh mẽ và có mức hội nhập cao sẽ là nước được hưởng lợi nhiều từ những thành công của kinh tế toàn cầu trong năm 2018.

Theo: enternews.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

349 lượt xem