Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public5 năm trước

[Du Học] Học Bổng Darmasiswa: Những Câu Hỏi Thường Gặp

Chào các bạn! Hạn apply học bổng Darmasiswa 2019/2020 đang tới gần, vì vậy mình nhận được khá nhiều câu hỏi của các bạn muốn ứng tuyển. Mình sẽ tổng hợp câu trả lời ở dưới đây nhé!

Về mặt tâm lý

Tất cả những rào cản về mặt tâm lý mà bạn đang hiện có bây giờ: bạn băn khoăn/mông lung/lưỡng lự, mình đều từng trải qua và hiểu rõ, vậy nên bạn không cần lo là chỉ riêng bạn có những cảm xúc như vậy và không biết chia sẻ với ai nhé!

  1. Tại sao phải chọn Indonesia làm gì, đã mất công đi nước ngoài, chọn hẳn American Dream, mấy nước châu Âu xịn xò, châu Á thì cũng phải Nhật Hàn Đài Trung, Đông Nam Á phải là Sing mới xứng!
    => Như mình đã nói nhiều lần, Darma là học bổng 100% mang ý nghĩa văn hóa và ngoại giao, không phải học thuật. Nếu bạn muốn đi để trải nghiệm một cuộc sống hoàn toàn mới và sẵn lòng tìm hiểu văn hóa bản địa, hãy đi. Còn nếu đi mà thấy khổ quá, sao nói tiếng Anh chẳng ai hiểu, sao chẳng được ăn thịt lợn, sao thánh đường Hồi giáo toàn làm mất ngủ, thì đừng đi, mình nói thật đó!
  2. Em đang rối giữa việc học/làm/định hướng phát triển cá nhân. Darmasiswa có phải là cơ hội tốt để gap year không?
    => Trước lúc mình sang Indo, mình đang có công việc đúng nghĩa đam mê ở một agency ở Hà Nội. Chị mentor mình lúc đó bảo mình, cứ đi đi, vì em còn trẻ mà. Mình vẫn còn có cơ hội phát triển bản thân nhiều hơn ở công ty đó, nên mình băn khoăn giữa việc đi hay ở rất nhiều. Thậm chí, trước ngày mình đi khoảng hơn tuần, mình còn bị sốt xuất huyết, hôm đi lấy visa ở Đại sứ quán vẫn còn đứ đừ đư. NHƯNG, mình hoàn toàn thấy quyết định gap year của mình là đúng. Thời điểm đó, mình đã hoàn tất việc học Đại học ở trường, và gap year để “ngắm thế giới với trái tim cởi mở” luôn là điều mình khao khát. Thực tế, nếu bạn sống sót được ở Indo sau 1 năm: không bỏ cuộc, không (quá) bất mãn, bạn có thể tự tin là bạn có thể sống tốt, dù ở bất cứ đâu. Cũng nhờ 1 năm đó, mà hiện tại mình đã chuyển vào Sài Gòn sống đến tháng thứ 5, cảm thấy không quá khó khăn trong việc hòa nhập nữa. Những cảnh đẹp bạn đi qua, những loại phương tiện đặc trưng, những con người tứ xứ bạn gặp, đều chỉ có thể đến một lần trong đời. Có một câu châm ngôn tiếng Nhật mình rất thích, đó là “Ichigo Ichie” – “Nhất kỳ nhất hội”, nghĩa là: “Mọi việc chỉ xảy ra duy nhất một lần trong đời mà thôi”.
  3. Indo có thật sự an toàn không?
    Mẹ mình đã từng lo lắng trước ngày mình đi vì 2 lý do: động đất và IS. Đợt núi lửa kiêm sóng thần vừa rồi, lúc đấy mình đã về, mẹ mình có nói là thôi, từ nay không bao giờ đi Indo nữa nhé. Mình tin là tâm lý của các bậc phụ huynh đều giống nhau.

    => Về động đất, sự thực là Indonesia nằm trên vành đai núi lửa Thái Bình Dương và nằm giữa các mảng kiến tạo địa chất, nên núi lửa có thể bắt gặp ở mọi nơi, kể cả dạng đã ngừng hoạt động hay vẫn ầm ì sục sôi. Mình sống ở Depok, cạnh Jakarta, đã trải qua động đất rất nhẹ 2 lần, chỉ thoáng qua như một cơn chóng mặt vậy thôi. Tuy nhiên, sân bay Bali đã phải đóng cửa vài lần vì núi lửa phun. Trận động đất kiêm sóng thần do núi lửa vừa hoạt động mới đây cũng không phải là chuyện bịa. Vì thế, bạn cũng phải xác định một điều là nếu chọn sống ở Indo, bạn đang ở đất nước của những ngọn núi lửa. Hãy tải app dự báo. Hãy luôn cảnh giác về những tin cảnh báo và du lịch một cách thông minh. Hãy đọc về những cách xử lý khi xảy ra động đất. Hãy nhớ, ở một đất nước xa lạ, phải biết tự lo cho bản thân mình.

    => Về IS, thì hiện tại ở Indo chưa có/chưa phát hiện lực lượng Hồi giáo cực đoan mặc dù đây là đất nước Hồi giáo đông dân nhất thế giới. Người Hồi ở Indo cũng hiền lành thôi, miễn là bạn đừng phạm vào những điều cấm kỵ của họ, cũng đừng nhăn mặt khó chịu vì phải tự ép mình vào khuôn khổ. Bạn là người Việt, bạn là người vô thần, ok, nhưng đây là Indo và chúng tôi là người Hồi giáo.

IMG_8260

Về quy trình apply học bổng Darmasiswa

  1. Không có giấy chứng nhận khả năng tiếng Anh/tiếng Indo có sao không?
    => Không sao cả. Thể lệ của Darma cũng ghi rõ, bằng cấp không bắt buộc. Mình lúc apply Darma thì khả năng tiếng Indo = 0, có mỗi cái bằng TOEIC hết hạn tháng 1/2017 mà nộp hồ sơ vào tháng 2/2017.
  2. Bài luận viết sao?
    => Thường mình không muốn góp ý quá nhiều về những thứ liên quan đến chất xám của từng người như bài luận chẳng hạn. Mình hy vọng bạn nhớ nguyên tắc chủ yếu của Darma là tính chất ngoại giao và văn hóa, hãy bám vào ý liên quan tới cầu nối giữa Việt Nam và Indo để mà chém gió.
  3. LoR lấy của giảng viên không phải trưởng/phó khoa được không?
    => Kinh nghiệm bản thân mình, nhấn mạnh 2 chữ “bản thân” thôi nhé, mình chọn cô trưởng khoa mình, vì cô có học hàm, học vị cao, nhìn có-uy-tín hơn. Thực chất, mình còn chưa từng gặp cô trước đó, tất cả những gì mình làm là tự lên nội dung LoR, vào thư viện mua letter head của trường giá 2k, ra hiệu in ở trường ốp nội dung lên letter head đó, “rình gặp” cô ký và đóng dấu. Bạn biết đấy, việc này chính là việc làm mình mệt mỏi nhất, vì phải chạy đi chạy lại gặp người này người kia vô cùng nhiêu khê. Nếu các bạn hỏi mình là lấy LoR của người không phải trưởng phó khoa được không, thì mình không thể đưa cho các bạn câu trả lời chính xác Yes/No được, vì mình chưa từng thử, mong bạn hiểu.
  4. Khám sức khỏe loại nào?
    => Mình tới bệnh viện Tràng An ngõ Thông Phong, nói người ta khám sức khỏe đi du học Indo là người ta tự biết.
  5. Chọn trường thì sao, tỷ lệ chọi có cao không?
    => Nhấn mạnh thêm lần nữa, Darma thuần ngoại giao và “vui chơi giải trí thôi”, thế nên chẳng phải ai cũng nhăm nhăm chọn trường đỉnh top đầu như tâm lý người Việt cả đâu. Đa phần các bạn Âu Mỹ chọn trường ở Bali học nhảy múa đó chứ! Bạn được chọn 2 trường, option 1 và option 2.
  6. CV chuẩn bị ra làm sao?
    => Cái này thì cũng tùy thuộc vào cá nhân mỗi người. Làm CV sao cho hay ho và thuyết phục cũng là một kỹ năng, không những tốt để apply Darmasiswa mà còn cần để bạn xin việc nữa. Vậy nên, hãy chăm chút cho nó!

img_8732

Trên đây là một số câu hỏi thường gặp khi các bạn chuẩn bị cho học bổng Darmasiswa và đọc được blog của mình. Nếu có thắc mắc gì, bạn cứ nhắn cho mình, mình sẽ bổ sung thêm vào bài nhé! Chúc may mắn!

-------------

[Liên Kết Với Tác Giả Bài Viết - Cộng Đồng Tác Giả Chuyên Sâu AUTHORITY]

Tác giả: Dung Thùy Phạm

    Tớ là Phạm Thùy Dung, hay còn gọi là June. AC và Sun của tớ đều là Xử Nữ, Moon là Sư Tử. Tớ đang học văn hóa và ngôn ngữ Indonesia tại Universitas Indonesia theo học bổng Darmasiswa của chính phủ Indonesia. Rất vui được đón bạn ghé chơi blog của tớ.

Xem thêm nhiều bài viết khác tại: whenjuneinindonesia.wordpress.com

Follow Facebook Authority - Cộng Đồng Tác Gỉa Chuyên Sâu để đọc thêm các bài viết mang tính chất chuyên sâu thuộc nhiều lĩnh vực/ chủ đề khác nhau từ các tác giả là Blogger/ Author đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

209 lượt xem