Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public5 năm trước

[Du Lịch] Du Lịch Bụi Xuyên 2 Nước Thái Lan Và Malaysia chỉ với 2.500.000 VNĐ

 

22490137_1236168899863359_5590882567484665068_n

Du lịch bụi từ lâu đã trở lên rất phổ biến với tất cả mọi người. Phần nhiều mình thấy người phương Tây hay sử dụng loại hình du lịch này, họ đi một mình, đi với nhóm bạn, thậm chí là cả gia đình. Đây là lần đầu tôi ra nước ngòai, lần đầu tiên phải đối mặt với sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ,…cũng là lần đầu tiên bước chân khỏi vùng an toàn của bản thân đi một hơi 2 địa điểm nước Thailand và Malaysia. Như bài viết trước tôi chia sẻ những tâm tư, cảm nhận  của mình về chuyến đi thì bài viết này tôi tập trung đề cập đến cách đi 2 nước trong 7 ngày với chi phí tối thiểu 2.500.000 VND chưa tính tiền vé máy bay. Đây chỉ là chi phí tối thiểu, bạn hoàn toàn có thể ở dài ngày hơn, mang nhiều hơn bạn muốn.

Nếu bạn chọn đi “du lịch hưởng thụ”, không phải du lịch “bụi”, không sao, hãy tham khảo bài viết này nếu bạn muốn, bởi suy cho cùng mỗi chúng ta đều mong muốn mình có những cái nhìn đa chiều cho mọi vấn đề trong cuộc sống. Với tôi, tôi chỉ mang theo từng ấy tiền cho chuyến đi, tôi đi không phải vì để chứng minh điều gì, tôi thích đi kiểu du lịch bụi, tôi yêu người dân mỗi nơi tôi đến và tôi muốn ngắm nhìn thế giới bằng đôi mắt chân thật của mình. Sau này, tôi vẫn sẽ tiếp tục chọn đi theo hình thức du lịch bụi, tối giản chi phí, với tôi việc định nghĩa hai chữ “hưởng thụ” thực sự chỉ đơn giản là được đi và hòa được hòa nhịp trọn vẹn trái tim vào mỗi nơi tôi đến. 

Lưu ý: số tiền 2.500.000 đồng trên chưa bao gồm vé máy bay. Bởi vì, giá vé thời điểm lên xuống khác nhau, đắt rẻ đều có, tôi không đề cập đến vé máy bay mà sẽ chỉ khuyên các bạn nên tham khảo ở những đâu và như thế nào.

Đầu tiên, bạn cần chuẩn bị mọi thứ trước ở nhà cho chuyến đi 4 ngày 3 đêm tại Thái Lan và 3 ngày 3 đêm tại Malaysia. (Lưu ý: thời gian di chuyển mất kha khá thời gian, nên thực sự chỉ có 3 ngày 3 đêm tại Bangkok, 1 ngày 1 đêm trên tàu hỏa, 3 ngày 2 đêm tại Malaysia).

Phần 1.

Các vật dụng cần thiết

– Những thứ cực kì quan trọng và không thể thiếu (bạn nên để vào 1 túi nhỏ đeo chéo trước ngực để tiện lấy ra lấy vào)

  • Hộ chiếu
  • Tiền mặt (đã được đổi)
  • Thẻ tín dụng (Visa)
  • Vé máy bay chiều đi và về 
  • Giấy xác nhận đặt phòng khách sạn.

– Những thứ vật dụng trong balo

  • Balo chỉ cần loại 50l thôi nhé
  • Quần áo: đi mùa hè, 1 tuần nên mang theo 5 bộ quần áo cộc, 2 quần dài (lưu ý, không mang quần bò để đỡ tốn diện tích balo), 1 – 2 áo khoác tay dài (đi chống nắng), 1 mũ
  • Đi 1 đôi giày, còn mang theo 1 đôi giày và 1 đôi dép khác để thay (mang giày loại vải thôi nhé, để dễ đựng vào balo)
  • Kính 
  • Điện thoại, máy tính, đồ sạc pin mang kèm, pin dự phòng
  • Bút + Sổ (chú ý mang bút để viết tờ khai hải quan)
  • 2 Chai đựng nước ( các bạn mang chai to không 1,5l đi nhé, uống hết chai nước ở nhà rồi mang đi)
  • 1 ổ khóa nho nhỏ
  • 1 túi đeo chéo trước ngực (đựng tiền và những đồ cần thiết, hay dùng để dễ lấy)
  • Đồ bịt tai, che mắt (cái này lúc đi tôi quên không mua nên lúc ở sân bay ồn quá không sao ngủ được :(( . Các bạn nhớ mang nhé, ngủ cho ngon )
  • Đồ bơi, khăn tắm, kem chống nắng (đi biển mà, hehe)
  • khăn mặt, kem đánh răng, dầu gội, xà bông tắm, lược chải đầu
  • Kem dưỡng da dưới 100ml (loại nhỏ thôi nhé, vì sợ lên máy bay họ bắt để lại)
  • Ô dù đi mưa, nắng
  • Khăn giấy (khăn khô nhé, :)) đặc biệt bên Thái người ta không hay dùng giấy ăn, huhu
  • Băng vệ sinh (nếu là con gái)
  • Thuốc các loại: thuốc say tàu xe, thuốc ngậm viêm họng, thuốc cảm cúm, giảm đau, thuốc trị tiêu chảy (berberin), thuốc chống côn trùng cắn, băng gạt, miếng dán chống sốt.

Trên đây là một số vật dụng cần đem theo. Ngoài ra, tránh mang quá nhiều đồ không cần thiết, mang vác nặng lắm sẽ khó di chuyển và mệt mỏi làm giảm tinh thần chuyến đi.

Phần 2.

Đổi tiền

Bạn có thể ra phố Hà Trung (33 Hà Trung) để đổi tiền nhé, tỷ giá ở đó cực tốt. Trước khi đi nên lên mạng tra tỷ giá của ngày hôm đó để đối chiếu với cửa hàng, có gì thì mặc cả (nhưng thường thi không phải mặc cả lắm vì tỷ giá ở đó khá khớp với trên mạng).

Các chặng cần di chuyển: bay + đi tàu 

  1. Bay từ Hà Nội/TP.HCM đến Bangkok – Thái Lan
  2. Từ Bangkok đi tàu lửa tới Malaysia
  3. Bay từ sân bay Kota Bharu đến sân bay Kuala Lumpur ( giá vé rẻ chỉ từ 300.000 – 600.000 VNĐ)
  4. Bay từ sân bay Kuala Lumpur về Hà Nội/TP.HCM

Bạn cần đặt vé trước khi lên đường. Riêng đi tàu lửa ở Bangkok thì không cần đặt trước, cứ thế đến đó mua. (xem tiếp review bên dưới).

End and Let’s Go! 

23405735_1250657441747838_7302974681189529103_o

Bạn có biết ý nghĩ của từ “Antevasin”?

BẮT ĐẦU CHI TIẾT CHUYẾN ĐI

Phần 3.

Đi máy bay khi lần đầu ra nước ngoài: Nên đến trước 2 tiếng trước khi bay để làm thủ tục. Tại sân bay tại Việt Nam (tôi đi từ sân bay nội bài Hà Nội) các bạn check vé online tại quầy, mua vé của hãng nào thì check tại quầy của hãng đó (nếu mua vé trực tuyến qua mạng qua quầy check thông tin và nhận vé), có vé rồi các bạn xếp hàng qua cảnh sát sẽ kiểm tra lại vé, hành lí, passport, nhận diện lại, xong, bạn đi tiếp vào bên trong phòng chờ, đến cổng check an ninh nhân viên hải quan sẽ nhận hộ chiếu và vé máy bay đóng dấu xuất cảnh cho bạn, tiếp theo bạn đi thẳng tiếp sẽ đến chỗ kiểm tra an ninh. Đặt hết đồ lên khay để kiểm tra, còn bạn sẽ đi qua cổng quét, tháo giày cho vào khay luôn nếu được yêu cầu (lưu ý: khi đi qua cổng quét trên người không được có bất kì kim loại gì, nếu không máy sẽ kêu và bạn sẽ bị hải quan kiểm tra lại) . Xong thủ tục, bạn đọc vé xem sẽ đi máy bay số hiệu bao nhiêu, bạn đi thẳng vào trong đến đúng số hiệu đó và ngồi chờ. Xong!

Cách làm thủ tục hải quan Thái Lan tại sân bay (các bạn cứ lên google gõ dòng chữ này là ra nhé, trên mạng có rất nhiều. Trong bài viết này nội dung chính tôi muốn nói tới sẽ là lịch trình và cách thức chuyến đi) . Người Thái dễ thương và là đất nước làm du lịch rất tốt nên bạn không cần quá lo lắng nhé, còn về việc cầm mang ít nhất 700USD thì mới được qua Thái, các bạn đọc thông tin trên mạng để biết thêm cách vượt qua cửa ải này nhé! Hoặc có thể comment, ib cho mình, mình sẽ trao đổi với các bạn nếu cần.

Chuẩn bị trước cho chuyến đi: vé máy bay và đặt phòng: 

Vé máy bay

Các bạn nên mua vé máy bay từ 1- 2 tháng  trước chuyến đi (Do đi gấp nên mình mua vé gấp trước 1 tuần nhưng giá vé cũng vừa tầm, không quá đắt). Nên tham khảo giá vé của nhiều hãng, xem trên nhiều app điện thoại tại thời điểm đó để so sánh giá vé, nếu giá ở đâu rẻ hơn thì đặt. Nhớ là phải tìm hiểu nhiều nhé và phải đặt luôn nếu thấy giá vé đó thấp. Lúc đi Thái Lan, Malaysia tôi đặt vé qua Traveloka (ứng dụng đặt vé qua mạng trực tuyến, nó sẽ so sánh giá vé các hãng và đưa ra giá thấp nhất, nhất tiện lợi) Traveloka có cái tiện nữa đó là có nhiều chương trình giảm giá và có thể thanh toán bằng nhiều cách khác nhau, có trả qua thẻ ngân hàng, visa, trả trực tiếp bằng tiền mặt qua các cửa hàng, siêu thị tiện lợi như VinMart, Circle K,… Tôi thích nhất khoản trả bằng tiền mặt, nhà tôi gần VinMart nên chạy ra một đoạn nhờ nhân viên cho thanh toán vé máy bay check tầm 3 phút là “xong”. :)) . Nhớ là phải tìm hiểu nhiều nhé và phải đặt luôn nếu thấy giá vé đó thấp. 

Đặt phòng

Tôi chọn đặt phòng qua Booking.com. Thực sự nó rất tiện ích và giá lại rất hợp lí, cái mà tôi thích ở đây là Booking không cần trả tiền trước bạn chỉ cần đặt phòng và đến nơi thanh toán, vậy là xong. Lúc đó tôi đặt phòng tại Bangkok mà 1 đêm tính ra tiền Việt chỉ hết tầm hơn 60.000 đồng mà có đầy đủ mọi tiện nghi, được uống trà,… xài máy tính tẹt ga, internet thả phanh. Quá rẻ phải không? 😀

App

Nên tải app bản đồ chỉ đường “Here we go” trên điện thoại để tìm những địa danh nổi tiếng xung quanh, tìm đường đi hay đơn giản chỉ là quan sát chặng đường mình đã đi trên bản đồ, rất dễ dàng và thú vị phải không nào!

23472829_1250675535079362_6134692427670351480_n

app Here we go trên điện thoại

Phần 4.

23120142_1245701582243424_582771497357619539_o

Lịch trình:

THÁI LAN

– Đầu tiên, tôi bay từ  sân bay nội bài – thành phố Hà Nội đến sân bay Dongmuang – của Thái Lan. Do bay đêm nên phải ngủ lại sân bay 1 tối. Ngày hôm sau, bắt xe vào thủ đô Bangkok. Tôi đi cùng 1 bạn nữa, 2 chúng tôi bắt grabcar hết 350 bath đến từ sân bay Dongmuang đến tận nơi chỗ nhà nghỉ. Lưu ý, chúng tôi đã nhầm khi bắt Grab ở đây, vì Grab tại Thái Lan đã bị cấm nhé và nó cũng giống với những taxi bình thường thôi tính tiền bằng đồng hồ cước, có khi còn bị đắt ý. 

Grabcar: 450 bath (đi từ sân bay về hostel)

Phòng dorm: 100 bath/1 ngày/1 người

Đặt cọc key: 100 bath (bạn sẽ được phát chìa khóa tủ để cất đồ và phải đặt cọc tiền khi nào trả chìa khóa sẽ được trả lại tiền nhé)

Đến hostel, báo với nhân viên ở đó rằng bạn đã đặt phòng trước trên Booking rồi, cho họ xem mã đặt phòng của bạn. Lưu ý là giá phòng rất thất thường nên nên đặt trước luôn số ngày bạn định ở đó, nếu không ngày hôm sau muốn thuê tiếp có khi bạn phải trả tiền phòng gấp đôi đó. Nhận phòng xong thì cất đồ và phòng. Tôi ở phòng dorm, tuy là phòng dorm nhưng cực riêng tư và yên tĩnh, toàn bạn khách du lịch bụi như nhau nên rất biết ý. Cất đồ xong thì bắt đầu đi chơi thôi!

Bangkok thì thôi rồi, có cực nhiều điểm chơi và đặc biệt rất nhiều đền chùa, đi tẹt ga. Tôi chọn phương pháp đi bộ là chủ yếu, vừa thư thả ngắm cảnh, vừa có nhiều thời gian tự mò đường rồi nói chuyện với người dân địa phương rất thú vị. Bạn có thể chọn nhiều phương tiện khác nhau để khám phá nhé, có thể đi xe tuk tuk, đi xe buýt, đi tàu hỏa, đi thuyền,…Có rất nhiều bài review trên mạng, bạn lên đó tìm ra ra một loại, hướng dẫn tận răng cho bạn: đi đâu, làm gì, ăn gì, như thế nào?,… Đồ ăn ở Bangkok khá rẻ và dễ ăn. Ngoài ra, Bangkok có hệ thống siêu thị Eleven 7 (hiện tại đã có mặt trong TP.HCM) giá ổn định và nhiều đồ rẻ. 

Tôi thích nhất các đền chùa ở nơi đây, cảm giác đem đến cực kì dễ chịu và thanh bình. Phố Khaosan và China Town thì nhộn nhịp và sôi động, tất bật thú vị. Trên đường đi tôi gặp khá nhiều bạn trẻ Việt Nam, họ đi theo từng nhóm và nói chuyện khá to nên tôi biết là người mình. 

Cây đổi nước tự động

Một điểm cực thích là ở cả Thái Lan và Bangkok là có cây đổi nước tự động. Nên khi đến Thái Lan bạn không cần phải mua nước uống nhé, cứ mang chai không (mà từ đầu tôi đã đề cập nên mang từ nhà) ra cây đổi nước đổi nước tự động, chỉ với 1 bath/1 lít. Thích mê luôn, vừa bảo vệ môi trường (tái sử dụng chai đã hết nước), vừa rẻ. Lúc đầu tôi không biết nên đã mua nước tại siêu thị từ trước với giá 5 bath/1 chai 500ml. Thấy tiếc quá, về sau đổi nhiều nước quá thừa quá trời phải phân phát cho mấy bạn ở chung hostel. hehe. 

Cách dùng: cho đồng xu 1bath (là lấy được 1 lít) or 5bath (lấy được 5 lít) or 10bath (được 10 lít) vào khe đút tiền, cho chai (với lít tương đương) vào bên trong tủ kính, ấn nút bên cạnh (ấn từ từ không là tràn nước nhá :)) )

23456597_1250657141747868_6525685270327200370_o

tiền xu để đổi nước

Tiền ăn 3 ngày tại Bangkok: uống trà (30 bath/1), ăn trưa (40 bath/1), nước lọc (39 bath/2), bạch tuộc nướng (20 bath/1), chè thái (30 bath/1), nước siro hoa quả (20 bath – 30 bath/1), thịt lợn que (20 bath/1), Pai thai gà (50 bath/1), kem dừa (50 bath/1), kem xôi (20 bath/1), mua đồ tại Eleven 7 (300 bath), các loại gói hoa quả tươi (20 bath/1), bánh chuối (20 bath/1),… Tạm thế đã!, nhiều quá không nhớ hết. :(( 

Đi lại: tuk tuk 150 bath/1 xe từ hostel ra đến ga Hua Lamphong. (nhìn chung đi tuk tuk là phương tiện phổ biến, nhưng bạn nên mặc cả, bác lái xe được cái cực thân thiện và…đi cũng thật “cuồng phong” hehe).

Ngày cuối chúng tôi ra ga Hua Lamphong bắt tàu lửa chuyến Bangkok đi Sungai Kolok (giá vé giường nằm: 850 bath/1 người). Vì muốn ra đảo Perhentian Kecil ở Malay chơi nên chúng tôi bắt chuyến đó để đến biên giới Thái Lan – Malay rồi từ biên giới bắt xe buýt ra Central Bus station, Central Bus station từ  bắt tiếp xe buýt để ra Kota Brahu, rồi từ đó mua vé tàu ra đảo. Lịch trình là như vậy. 

Bình thường mọi người đi chuyến Bangkok – Kuala Lumpur để đến luôn thành phố Kuala Lumpur tại Malay. Trên chuyến tàu lửa chúng tôi đi hầu như không có người nước ngoài nào đi hết chuyến đó, cũng cực hiếm người nước ngoài đi qua biên giới ở đó. Vậy nên tôi mong những gì tôi viết sẽ giúp ích cho bạn nếu bạn muốn có một chuyến đi như tôi. 

MALAYSIA

Tại Thái Lan, bạn nên đến ga Hua Lamphong đặt vé trước 1 ngày, sắp xếp thời gian hợp lý để ngày hôm sau ra ga sớm. Nhà ga ở đây nhìn rất đẹp và thường có các hoạt động khác cho khách chờ rất vui nhộn, :)) . 

Thời gian đi chuyến Bangkok – Sungai Kolok là gần một ngày. Xem hình bên dưới:

23456414_1250675561746026_4928640856845592015_o

đoạn đường tàu hỏa đi từ Bangkok – Sungai Kolok

Trên tàu cũng có wifi luôn nhé, nhưng thỉnh thoảng mới vào được thôi và rất chậm. Ngồi trên tàu xong nhắn tin với người ở nhà tự nhiên cảm thấy lạc lõng lắm, lúc đó tôi nghĩ cũng nguy hiểm lắm chứ, tự dò đường, tự đi, chưa biết đến biên giới đó thế nào, lại nghĩ “tại sao mình lại làm vậy? tại sao mình lại mạo hiểm đi như thế này, tại sao không chọn giải pháp an toàn hơn, nếu giờ này ở nhà chắc đang ôm laptop ngồi một chỗ lên youtube ngắm cảnh qua màn hình rồi nhỉ, đâu có cần đi như thế này,  nhếch nhác, mang theo balo nặng gần chục kí, lạc lõng tại một đất nước xa lạ và không biết trước chuyện gì sẽ xảy ra, trời nắng chang chang lết thết cuốc bộ đi khắp nơi. Tự nhiên đâm đầu vào chỗ khổ?,..” Ý nghĩ đó cũng chỉ vụt qua, tôi mỉm cười tự cười chính mình, đó là điều tôi chọn, không có gì là khổ cả, nếu ngay cả việc thích nghi với điều đó mà tôi còn không làm được thì tôi sẽ chẳng bao giờ có thể đủ can đảm ngắm nhìn thế giới bằng đôi mắt thực được. Trên đời này không cái gì quý hơn niềm hạnh phúc khi đã trải qua đau khổ. Đây không phải chuyến đi cuối cùng, đây chỉ là khởi đầu. Hẳn là vậy. (Xem thêm dòng chia sẻ của tôi tại bài viết: https://huyennguyenn.wordpress.com/category/hanh-trinh-kham-pha/)

Tàu dừng lại tại điểm cuốn cùng Sungai Kolok, chúng tôi xuống ga, hỏi đường tìm chỗ chỗ check Passpost. Người dân ở đây không nói được tiếng anh nhiều mấy, phải khua chân tay loạn cả lên chúng tôi mới tìm được nơi cần đến. Ranh giới thật mong manh, bước chân qua một cánh cổng là đã sang một “thế giới mới” rồi. 

Trước khi qua cửa sang Malay bạn sẽ phải qua nơi khám sức khỏe, chủ yếu là đo huyết áp, hỏi thăm vài câu xem bạn có bệnh gì không. Lưu ý đặc biệt với các bạn gái, 2 nữ y tá sẽ hỏi bạn có đang “đến tháng” không? đã “bị” chưa? Mấy từ tiếng anh về vấn đề này bọn mình không rõ mấy nên sau một thôi một hồi múa chân tay hai bên mới hiểu nhau. hehe. Nếu bạn “chưa có” thì bạn sẽ nhận được Ok, cho phép qua! (cái này mình cũng không hiểu lắm vì sao chưa bị lại được qua, :)) bạn nào trải qua rồi thì cho mình biết lý do nhé). Tiếng anh phần nhiều do bạn tôi nói, vì vậy tôi rất cảm ơn người bạn đồng hành này của tôi vì tất cả chứ không riêng điều gì. 

Mấy bác hải quan ở 2 bên cửa khẩu thân thiện và tận tình chỉ dẫn, hỏi một vài câu rồi đóng dấu cái “cụp!”. Không có bất kỳ trở ngại gì khi chúng tôi xuất và nhập cảnh cả. Sau khi check bên Malay xong, bạn ra ngoài bạn quay lại chỗ khu khám sức khỏe vừa rồi, đối diện có cổng qua, đưa passport cho nhân viên kiểm tra rồi “Qua” vậy là xong. Ra cổng, bạn đi 1 đoạn ở bên trái tầm 500m, thấy nhiều người cũng đứng đó đợi thì đợi cùng, Chờ xe buýt ghi 45 PENUMPANG thì nhảy lên. Xem hình bên dưới:

Bạn trả bằng Ringgit (Ringgit: đồng tiền chung Malaysia) nhé, bạn vẫn có thể trả bằng bath Thái nhé, giá vé 50 bath/1 người (tôi trả bằng tiền bath vì vẫn thừa một ít bath, mang về cũng không dùng được). Xe đi hết hơn 2 tiếng, điểm cuối cùng là Central Bus station thì xuống xe.

Quãng đường từ biên giới Thái Lan

bản đồ chỉ chỉ thẳng từ quãng đường từ Sungai Kolok đến Kuala besut 

Đến Central Bus station, xuống xe rồi hỏi người dân xe buýt bắt ra đảo, hoặc bạn ra quầy mua vé gần đó hỏi vé buýt tới Kuala Besut (đó là 1 cái thị trấn sát biển để từ đó đi ra đảo), có thể mua luôn vé tàu thuyền ra đảo luôn (nhưng nên mua tại trạm Kuala Besut nhé! vì hãng tàu ở đó nhanh hơn). Bus ra đảo đó mang số 639 giá 6RM có những giờ xuất phát sau : 8am, 9.30am, 10.30am, 2pm, 4pm, 5.30pm và 6.30pm đi mất tầm hơn 1 tiếng 30 phút. Lên bus tôi ngồi ngắm cảnh rồi liu diu ngủ luôn. 

 

Buýt dừng tại trạm Kuala Besut, bạn vào hỏi chỗ mua vé tàu gần đó. Tạm bến tàu, bạn mua vé khứ hồi để đi ra đảo Perhantian. Ở đây, bạn bắt buộc phải mua khứ hồi, vì trên đảo không có bán vé về. Vé không đề ngày về nên bạn thích ở trên đảo bao lâu cũng được. Khi về thì sẽ có những khung giờ sau sẽ có thuyền ra đón : 8am, 12 am, 4pm. Bạn nên chuẩn bị đồ đạc trước rồi ra đó đứng chờ. Người Malay cũng hay trễ giờ lắm, lúc tôi đi cả lúc đi và lúc về đều bị trễ mất 1 tiếng, do các hãng tàu phải giao trả khách về rồi mới quay lại đón lượt mới được. 

Giá vé: Fast Boat : 70RM/ 1 người vé khứ hồi đi và về, thuyền an toàn, có phao bơi bảo hộ. 

23405739_1250656955081220_6333705562302059017_o

vé ra đảo

Lưu ý: Từ cuối năm 2016, khách nước ngoài ra đảo phải đóng 30 RM/ 1 người phí bảo tồn biển. Thông tin các bài viết cũ trên mạng chưa cập nhập nên bạn lưu ý nhé. Lúc tôi đi cũng ngơ ngác không biết gì, hỏi ra mới biết luật này mới có và khách du lịch nước ngoài nào cũng phải đóng. 

Phí bảo tồn biển: 30RM/1 người

Nếu khi đến trạm Kuala Besut, bạn bị nhỡ mất chuyến cuối (4pm) ra đảo thì hãy ngủ tạm tại nhà nghỉ gần đó nhé. Giá phòng cũng chênh nhau, bạn hỏi người dân ở đó hoặc có thể trả tiền cho nhân viên trong cái siêu thị nhỏ nhỏ tại bến xe đó để được chở đến tận nhà nghỉ gần sát biển sáng mai đi ra chỗ đợi tàu cho gần. Giá phòng cũng khá Ok. Nếu bạn chỉ có ý định ngủ một tối, hôm sau ra đảo thì nên chọn phòng 25RM, chấp lượng phòng kém nhưng tôi không quan tâm lắm, vì chỉ có ý định ngủ tối tại đó.

Phí trả cho người giới thiệu và chở tới nhà nghỉ: 5RM

Giá phòng: 25RM/1 phòng ( giao động từ 25RM – 100RM tùy từng giá tiền mà chất lượng phòng như thế nhé! không phàn nàn). 

Lưu ý: Một điểm cực, cực, cực thích hơn cả là ở Malay cũng có cây đổi nước tự động nhé, bạn chỉ việc mang chai không ra và đút 1 sen/1 lít, or 2 sen/2 lít vào nhé. (sen là đồng tiền mang mệnh giá nhỏ nhất của đồng tiền Malay). Nhớ mang nước từ đất liền trước khi nên đảo nhé, bởi nước trên đảo sẽ khá đắt.

23456349_1250657205081195_1270054030410505357_o

đồng Sen để đổi nước

Bạn ra sớm, qua cổng check rồi đứng đợi lên tàu, của hãng nào sẽ có người của hãng đó hướng dẫn cho bạn lên tàu. Lên tàu thì mặc áo bơi, ngắm cảnh biển và trò chuyện với mọi người thôi! :)) . Tàu đi đến đảo Perhentian Kecil đầu tiên, xuống tàu và lên đảo vậy là xong. Lần đầu tiên tôi được đi tàu ra đảo luôn, thích cực! 

Chỗ ở tại đảo: 50RM/1 đêm phòng ngủ. Nhà gỗ, có giường và phòng vệ sinh riêng. 

 

Hoặc bạn có thể dựng lều ngủ trên sườn núi, có hẳn một khu riêng để các bạn cắm trại đó, ở đó rất tuyệt, trên núi và gần biển, nghe tiếng sóng vỗ mỗi ngày luôn, cực thích. Lần sau có thời gian quay lại tôi sẽ thử ngủ trên đó!

Trên đảo không có wifi và điện thì có từ 9h tối đến 7h sáng hôm sau, nên sạc pin thì tận dụng thời gian này nhé :)) . Nên mua đồ ăn từ đất liền mang ra vì đồ ăn trên đảo khá đắt. Mua đồ tại Eleven 7, cái siêu thị này có mặt ở khắp mọi nơi nhé, :)) quá tiện luôn!

Làm gì khi ở trên đảo?

Có rất nhiều hoạt động cho bạn: bơi lội, tắm biển, nghịch cát, chơi thể thao, ngắm hoàng hôn và bình minh, tắm nắng, lặn biển ngắm san hô, xuyên rừng hoang sơ, ngồi thả chân để cá mát xa ( :)) cái này miễn phí nè, tìm một chỗ ngon lành cứ thả chân xuống nước biển là y như rằng một đàn cá ùa đến và bạn sẽ được mát xa! haha), lặn bình dưỡng khí đùa chơi với cá mập, …Yên bình và xinh đẹp. Nước biển thì xanh đến nỗi nhìn thấy thấy cả đáy, bao nhiêu cá, san hô, vỏ sò. Hay đơn giản chỉ là ngồi nhâm nhi tách cà phê và trò chuyện với những con người đến từ khắp các đất nước khác nhau. 

Ăn uống: trên đảo có các món ăn, tôi thấy khá hợp khẩu vị (nếu không cho cay), hãy nói với người phục vụ không cho cay, không cho ớt (or cho cực ít thôi) vì thức ăn của người Malay cực cay và mùi nồng. Tất nhiên cũng có những món không như vậy, nhưng đa phần( 90%) là thế.  

Thực sự có hàng tá việc để làm, (3 ngày trên đảo thật không đủ, nên đi một tuần nếu bạn có thể). Những bạn review trên mạng có kha khá, bạn có thể nên đó tra xem chi tiết những việc sẽ làm khi trên đảo. Bài viết này tôi xin tập trung vào những cái chưa có và những gợi ý cũng như tạo động lực cho những ai chưa dám tự mình bước chân khỏi “lãnh thổ” với ngân sách eo hẹp. Cá nhân tôi nghĩ, nhiều lúc bạn không nên theo quá một lịch trình mà người khác vạch sẵn cho bạn, hãy tự mình khám phá và chính sự bất ngờ sẽ làm bạn thích thú hơn rất nhiều. 

Kết thúc 3 ngày trên đảo. Bạn đợi tàu tại bến đỗ rồi lên tàu về đất liền, rồi lại đi bộ ra chạm xe buýt ngày đầu đến( Kuala Besut) , ra đó bạn đợi xe 639 về trạm cuối Central Bus station. Từ đó, bạn bắt taxi ra sân bay Kota Bharu. Từ Kota Bharu bay chuyến bay đến Kuala Lumpur (đã đặt vé trước đó).

Ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur bạn có thể đi thăm quan đó đây, cái sân bay này to cực to, sang chảng và rất nhộn nhịp. Bạn hết sức cẩn thận nếu không có thể bị lạc :)) , mới đầu tôi còn tưởng nhầm nó là một trung tâm thương mại mà không phải sân bay cơ vì ở đó bán nhiều đồ, nhiều tầng mà chỗ để bay thì khá khiêm tốn và khó tìm (phải hồi mỏi miệng tôi mới tìm ra chỗ lối vào check in lên máy bay).

23511297_1250656775081238_939089848494544577_o

Sau khi check passport thì bạn lên máy bay và bay về nhà thôi! Chuyến đi kết thúc. 

Tôi viết bài viết với mục đích chia sẻ miễn phí tới mọi người. Tóm lại, với ngân sách từng đó tiền, bạn vẫn có thể đến một vùng đất, vùng trời xa lạ,tìm hiểu về thiên nhiên, văn hóa con người tại nơi đó trong ngắn hạn. Thứ bạn được nhiều hơn là mất (tỷ lệ được 99% với mất 1%). Hãy đi, nếu có thể! 

_Huyền Nguyễn_

-------------

[Liên Kết Với Tác Giả Bài Viết - Cộng Đồng Tác Giả Chuyên Sâu AUTHORITY]

Tác giả: Huyen Nguyen

Bạn đang nhìn thấy một kẻ mộng mơ, điên rồ luôn không ngừng tìm kiếm những lối đi độc nhất cho riêng mình.

Xem thêm nhiều bài viết khác tại: huyennguyenn.wordpress.com

Follow Facebook Authority - Cộng Đồng Tác Gỉa Chuyên Sâu để đọc thêm các bài viết mang tính chất chuyên sâu thuộc nhiều lĩnh vực/ chủ đề khác nhau từ các tác giả là Blogger/ Author đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,984 lượt xem