Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public5 năm trước

[Kỹ Năng] Cách Viết Blog Cá Nhân - Lí Do Tôi Đi Ngược Lại Quy Trình Viết Văn Đã Được Dạy

Bài hôm trước chúng ta đã học cách viết của nhiều trang blog khác nhau.

Hy vọng đó là bước khởi đầu nhỏ cho ai đó trong việc kể lại những câu chuyện của mình…

Hả? Gì cơ? Bạn không có câu chuyện gì để kể về cuộc đời mình ư? Thôi nào, tôi biết là bạn đùa! Có khi Mik phải nói quá lên một chút như thế này mới được:

Nếu cuộc đời mình chưa đủ những câu chuyện để thành 1 cái blog, thì có khi mình cần xem lại mình, nhỉ?

Đặc biệt, theo Mik, nếu bạn khoảng 18 đến trên dưới 20 tuổi thì là thời điểm vàng để viết blog. Lúc này là lúc bạn mới bước vào cuộc sống thực thụ, vừa đủ khôn lớn để nhìn nhận, nhưng cũng vừa đủ thảnh thơi để quan sát. Đó là lúc bạn cảm nhận và chiêm nghiệm cuộc đời ấy một cách sâu sắc nhất. Bởi vì chỉ vài năm sau đó thôi, khi bị cuốn vào thực tại phức tạp, bạn không còn có cơ hội trở thành người đứng quan sát này nữa, bạn là một trong số chúng tôi: người lớn. Bạn trở nên cố gắng đơn giản hóa các vấn đề, vì đang có quá nhiều vấn đề xảy ra. Tin tôi đi, khi ấy, nếu đọc những dòng bạn đã viết lại thì bạn sẽ giật mình đấy. Như tôi từng nghe nói rằng: viết lách như một trò chơi của một kẻ dám liều lĩnh và hay mơ mộng. Vậy tại sao lại bỏ lỡ thời điểm bạn mơ mộng và liều lĩnh nhất chứ?

Hoặc nếu bạn ở tuổi này, thậm chí nên có tới 2 cái blog, cụ thể là thêm một cái về chuyên ngành học. Vì khi đi xin việc, kinh nghiệm làm việc của bạn sẽ rất ít. Nhưng nếu bạn có 1 blog cá nhân thể hiện những góc nhìn và phân tích về chuyên môn công việc, chắc chắn nhà tuyển dụng cho bạn vào danh sách đen, à nhầm, danh sách vàng!

Vì thế chắc chắn ai cũng có thể viết blog. Vấn đề còn lại chỉ là viết thế nào mà thôi. Và bây giờ thì tôi đi giải quyết việc đó đây:

Mik cần gì để có blog cá nhân và Mik đã viết Flownes thế nào?

1. Tư tưởng khi viết blog

Bạn hoàn toàn nên viết dù không có độc giả. Nhưng có độc giả là một cách để người viết đi được lâu dài nhất. Độc giả như người giám sát và như người bạn đồng hành vậy, mà đi xa thì không thể không có sự đồng hành, đúng không?

Đồng thời, khi có người đọc rồi, bạn có thể chọn cách ”viết vì độc giả” (nội dung chiều theo ý thích người đọc) hoặc ”không có độc giả vẫn viết”. Nó giống như cuộc tranh luận: nghệ thuật nên vì công chúng? hay nghệ thuật nên vì nghệ thuật mà thôi?

Vậy Mik thuộc nhóm nào?

Có lời khuyên thông thường của các blogger là ”nên viết 2 bài một tuần để tăng số lượng độc giả ổn định”. Và tôi… không áp dụng lời khuyên này trong Flownes! Mik chọn tư tưởng: thà ít bài – nhiều người đọc bài đó, còn hơn là nhiều bài – ít người đọc. Tức là dù có tăng số lượng người đọc, nhưng chất lượng bài khiến bạn ngao ngán thì sẽ không được. Tôi nghĩ mình đã đạt mục tiêu ”chất lượng” này vì, số liệu thống kê cho biết: tỉ lệ số bài trung bình trên mỗi người đọc luôn khoảng từ trên dưới 3 bài, nghĩa là các bạn có hứng thú đọc thêm bài khác trên Flownes. Trước khi đăng bài, Mik thường hỏi câu: ”bài này có đáng để người ta bỏ thời gian ra đọc không?”. Chứng tỏ Mik là một người viết rất quan tâm đến độc giả, đúng không?

Nhưng, những bài của Mik cũng theo một suy nghĩ: ”số lượng người đọc không quyết định những gì tôi viết”. Tức là có những bài Mik biết có thể làm phật ý người đọc, hoặc sẽ không phải là mối quan tâm của số đông, nhưng Mik vẫn đăng. Bạn có thể phát hiện những bài Mik không đưa lên Facebook thuộc nhóm này – nên chúng có lượng chia sẻ và lượng view khá thấp. Nhưng điều đó không có nghĩa là các bài đó nhạt nhẽo hơn các bài khác.

2. Về nội dung và cách viết

Thay vì Theo thứ tự: xác định chủ đề – lên dàn bài – viết bổ sung các ý và ví dụ minh họa như hồi đi học được dạy, Mik làm ngược lại hoàn toàn.

Các bước Mik viết nội dung một bài Blog:

Bước 1: Viết lung tung tất cả các ý tưởng mà mình nghĩ ra một cách sung sướng

Bước 2: Xây dựng cấu trúc bài dựa trên mớ bòng bong này. Cũng là trả giá cho sự sung sướng đó bằng sự mệt nhoài chỉnh sửa. Sau khi thoải mái viết về mọi vấn đề mình thích thì tôi mất thời gian nhiều gấp chục lần để  lựa chọn phần phù hợp đưa lên blog. Đây cũng là lúc hình thành thứ tự các phần của bài viết.

Bước 3: Xóa bỏ! Thay vì viết thêm càng nhiều ý càng tốt thì tôi tập trung vào việc bỏ những phần nhàm chán hoặc không liên quan. Bước này là khó nhất vì rất nhiều đoạn mất nhiều công viết ra, hoặc nhiều đoạn mình nghĩ nó hoàn hảo lắm, mà giờ phải xóa thẳng tay. Nói chung đây là lí do mà một bài viết mất thời gian: tác giả ngồi phân vân quá lâu ”Có nên xóa không nhỉ”. Thực tế là khi có 50 bài trên Flownes là lúc Mik đã viết hơn 300 bài được chọn ra. Trong 50 bài đó, không phải bài nào Mik cũng đưa lên facebook khoe. Mỗi bài khi viết đều ngắn hơn bài gốc ít nhất gấp 3 lần.

Tại sao tôi chọn quy trình viết văn ngược như vậy?

Mik nhận thấy hai vấn đề phổ biến nhất của người viết là thiếu sáng tạo và dài dòng, bởi vậy, viết ngược lại với những gì đã được dạy để giải quyết các vấn đề này:

Đảm bảo sự sáng tạo: Theo Mik, nếu đặt ra một khung có sẵn ngay từ đầu thì sẽ dẫn tới việc các bài viết của chúng ta y hệt nhau. Vì cách chúng ta có những lô gic đều tương đối giống nhau. Ví dụ nói đến chủ đề Làm sao để học giỏi? thì ai cũng nghĩ tới chăm chỉ, đọc sách, đi học đều… Đó là dòng tư duy mà khó thoát ra, và việc có khung bài sẵn khiến tất cả chúng ta đều sản xuất ra một bài viết tương tự nhau. Ngược lại, nếu ta cứ viết cho nó ”sung sướng vào”, và để mình thả trôi thoải mái, thì sẽ có những ý được nảy ra ngoài phạm vi khung mẫu sẵn, và trở thành nội dung sáng tạo. Đây còn được gọi với cái tên là ”brainstorming”.

Tránh dài dòng: Với cách viết cũ, thì chúng ta đi theo chiều tăng dần: Ban đầu là 1 dòng chủ đề, sau đó là 10 dòng khung bài, và cuối cùng là 100 dòng bài viết. Với chiều đi thế này, người viết theo đà chạy ”cần có nhiều hơn”, còn người đọc có thể phải hứng chịu việc đi mải miết của những nội dung mở rộng ấy. Mik chọn cách viết theo chiều ngược lại, là nhiều nội dung trôi nổi tự do được gom vào thành các nhóm thông điệp, sau đó các thông điệp bị cắt bỏ sao cho chỉ còn cái tinh hoa nhất. Như vậy người đọc chỉ đọc cái hay nhất và cần thiết nhất mà thôi.

Tuy nhiên Mik không khuyên bạn nên áp dụng cách này trong trường học,  nơi mà điểm số phụ thuộc vào việc đủ ý. Còn ở Blog cá nhân, sự thú vị, có ích và sáng tạo mới quan trọng.

Vẽ hình minh họa: Đây cũng là cách thức tôi vẽ minh họa. Sau khi có nội dung, Mik lựa chọn những đoạn văn mà có thể dùng hình vẽ thay chữ. Tức là bài viết tiếp tuc được làm ngắn. Đầu tiên các bản vẽ đều rất phức tạp, có thể vài ba trang.

Sau đó, Mik xóa hết đi.

 

Lúc này thì những chi tiết quan trọng nhất là những cái mình sẽ nhớ nhất, và mình chỉ cần vẽ lại những chi tiết đó là xong. Cách làm này Mik dựa trên câu chuyện của nhà văn Hemingway khi bị mất toàn bộ bản thảo, ông đã viết lại những phần quan trọng nhất. Với Mik cũng vậy, hầu hết bản đầu của các hình minh họa này rất tệ. Bức vẽ nào càng đơn giản, thì chứng tỏ nó càng được xóa đi vẽ lại nhiều lần.

4. Những gì mà Flownes.com chưa làm được

Không đầy đủ về nước Đức: Có thể bạn sẽ yêu nước Đức hơn qua một vài bài viết từ Flownes. Nhưng đây không phải là trang cung cấp thông tin về nước Đức hay nhằm mô tả cuộc sống ở đây. Việc tập trung vào điều tích cực ở Đức nhằm để Mik truyền tải ý nghĩa học hỏi. Điều đó không có nghĩa là ở Đức không có người tệ hại, không có các vấn đề. Vậy nên bạn hãy cân nhắc và tìm hiểu kỹ nếu muốn tới đây học tập và sinh sống.

Không phải là khoa học: Chắn chắn rồi, các bài viết có những kiến thức khoa học nhưng chúng đều được mô tả đơn giản hóa, ngắn gọn và kết hợp với các yếu tố bình dân. Bởi vậy chúng không phản ánh đầy đủ mọi mặt của vấn đề, không bảo toàn sự chính xác tuyệt đối.

Không nghệ thuật: Hì, chắc bạn không mong đợi gì hơn từ trình độ vẽ từ thời tiểu học của Mik đâu.

——————-

Cuối cùng, nếu bạn đã có giây phút nào đó trong đời từng nghĩ tới việc có một trang blog riêng, thì sao không phải chính là lúc này nhỉ?

Hãy bắt đầu bằng việc viết từ những cái bạn thích và không thích về một điều gì đó. Đây không chỉ là cách rèn luyện cho não phải nhìn vấn đề từ hai chiều, mà còn là bước đầu luyện bày tỏ cảm xúc và quan điểm cá nhân – hai yếu tố quyết định ”cái chất” của blog.

À, tiện đây bạn có thể ứng dụng luyện tập ngay với blog Flownes. Bạn thích và không thích gì ở đây?

------------

[Liên Kết Với Tác Giả Bài Viết - Cộng Đồng Tác Giả Chuyên Sâu AUTHORITY]

Tác giả: Mik Flow

Blogger tại Mik Flow

Xem thêm nhiều bài viết khác của tác giả tại trang Flownes

Follow Facebook Authority - Cộng Đồng Tác Giả Chuyên Sâu để đọc thêm các bài viết mang tính chất chuyên sâu thuộc nhiều lĩnh vực/ chủ đề khác nhau từ các tác giả là Blogger/ Author đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

 

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

227 lượt xem