Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public5 năm trước

[Kỹ Năng] Câu Chuyện Bắt Cóc Và Bài Học Bảo Vệ Con Trẻ Cho Các Bậc Phụ Huynh

Lập bàn thờ cho con trai 3 tuổi sau hơn 1 năm tìm kiếm mà không có kết quả. Người mẹ hóa điên khi biết con bị bắt cóc. Đó là một trong số vô vàn câu chuyện đau lòng về vấn nạn bắt cóc trẻ em. Những kẻ bắt cóc đang ngày càng trở nên táo tợn với những thủ đoạn tinh vi. Làm sao để bảo vệ con? làm gì khi con bị bắt cóc? đó là những câu hỏi luôn nhức nhối trong đầu của những người làm cha làm mẹ.

Những kẻ bắt cóc ngày một tinh vi và táo tợn.

Năm 2015, trên khắp các trang báo lớn nhỏ, những phương tiện truyền thông đều đăng tải câu chuyện của anh Lương Thế Huỳnh (42 tuổi, ngụ tại xã Tà Nung, Đà Lạt, Lâm Đồng) với hành trình đi tìm con trai bị bắt cóc suốt hơn 1 năm trời. Hình ảnh người đàn ông với gương mặt khắc khổ vì sương gió, vì nỗi đau mất con rong ruổi trên chiếc xe máy cà tàng cùng tấm biển lớn có in ảnh con với lời kêu cứu đã để lại trong lòng mọi người biết bao thương cảm, cũng là bài học cảnh giác cho các bậc phụ huynh. Vào một ngày hè năm 2015, con trai anh Huỳnh là Lương Thế Vinh (sinh năm 2012) chơi một mình trong nhà khi anh ra vườn cho cá ăn. Anh Huỳnh sơ ý không đóng cửa nhà. Tầm 5 phút sau, anh bỗng nghe tiếng con gọi: "Bố ơi, bố ơi". Nghĩ rằng con chờ lâu nên gọi anh trả lời con :"Bố đây, đợi bố một xíu". Chưa đầy một phút sau, anh lại nghe con gọi :"Bố ơi, cứu con với", lúc này anh mới vội vã chạy vào nhà thì đã không thấy con trai mình đâu. Sau một ngày tìm kiếm khắp nơi nhưng vô vọng, vợ chồng anh Huỳnh mới trình báo với công an Đà Lạt. Tuy nhiên, đến nay vụ án vẫn chưa có được manh mối. Còn anh Huỳnh sau hơn một năm rong ruổi tìm con đã phải quay trở về. Trong sự đau đớn, anh ngậm ngùi lập bàn thờ cho con trai nhưng vẫn mong chờ một ngày con sẽ quay về.

Nhiều phụ huynh nghĩ rằng, con mình khi đi học sẽ được đảm bảo an toàn bởi nhà trường và thầy cô. Mới nghe qua thì điều này có vẻ hợp lý. Vậy nhưng, thực tế cho thấy những vụ bắt cóc tại trường học đang ngày càng gia tăng. Trường học đã không còn là nơi tuyệt đối an toàn cho các bé nữa. Lợi dụng việc một lớp có đông học sinh, thầy cô không thể quản lý hết được. Những kẻ xấu đóng giả thành người thân, qua mặt giáo viên và dụ dỗ các bé. Để có thể đảm bảo an toàn cho các con, giáo viên phải nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không để người lạ đưa bé đi khi chưa có sự đồng ý của ông bà, cha mẹ.

Những địa điểm công cộng cũng là địa điểm lý tưởng cho những kẻ bắt cóc thực hiện hành vi độc ác của mình. Lợi dụng những nơi đông đúc, sự chủ quan thiếu cảnh giác của cha mẹ, kẻ xấu rất dễ dụ dỗ và đưa trẻ đi. Nhiều khi, cha mẹ do mải mê mua sắm mà để lạc mất con mình.

Bắt cóc là vấn nạn của xã hội và là nỗi lo không của riêng ai. Những người lớn, các bậc phụ huynh cần phải tìm hiểu, giáo dục con em mình biết cách bảo vệ bản thân, đồng thời cũng có những biện pháp để bảo đảm an toàn cho trẻ.

Kết quả hình ảnh cho parent teach child

(ảnh từ Internet)

Dạy con cách tự bảo vệ bản thân

Trẻ em là những cá thể non nớt, rất dễ bị uy hiếp và tổn thương. Để bảo vệ con mình, cha mẹ trước hết phải dạy con cách nhận biết nguy hiểm và cách tự bảo vệ mình trước những đe dọa.

Dạy trẻ nhận biết người lạ. Với những em bé, nhất là ở lứa tuổi từ 2 đến 3 tuổi, các em sẽ chưa thể phân biệt người lạ nào là vô hại, người lạ nào là nguy hiểm. Do đó, trước tiên, ba mẹ nên dạy con cách giữ khoảng cách với người lạ. Đưa ra những ví dụ để trẻ có thể lấy đấy làm bài học cho mình.

Nhận biết người lạ an toàn. Khi lớn hơn chút nữa, trẻ đã có nhận thức sâu sắc hơn. Lúc này, bố mẹ bắt đầu dạy con những người mà con có thể tin tưởng được (thầy cô giáo, chú công an, bác bảo vệ...), đồng thời giới thiệu cho con những người họ hàng thân thiết, bảo với con những người này an toàn và có thể  thể cầu cứu được trong những hoàn cảnh nguy hiểm.

Từ chối nhận quà của những người lạ. Trẻ em rất thích được tặng quà. Những kẻ bắt cóc thường sử dụng kẹo bánh hay đồ chơi để dụ dỗ trẻ. Ba mẹ phải dạy trẻ không được nhận qùa và cách từ chối người lạ.

Những thủ đoạn của kẻ gian đang ngày càng tinh vi hơn. Chúng đánh vào tâm lý "rủ lòng thường" cùng sự ngây thơ của con trẻ. Chúng dựng lên màn kịch: "Bố con bị tai nạn đang nằm trong bệnh viện, cô là bạn của bố, con lên xe để cô đưa con vào thăm" hay là :"cô thấy có người bị tai nạn giao thông đằng kia, con với cô đến giúp người ta nhé"....Để đối phó với trường hợp này, phụ huynh cần dạy con cách từ chối: "Để con hỏi ý kiến bà mẹ (ông bà) con đã" và sau đó lập tức tránh xa người lạ và liên lạc với người thân.

Một mẹo nhỏ mà các bậc phụ huynh nên sử dụng là đặt ra mật khẩu với con cái. Nếu có người lạ tiếp cận con và nói được ba mẹ nhờ đưa con về, con có thể hỏi người lạ đó mật khẩu là gì? nếu người đó không trả lời được thì bé ngay lập tức phải tránh xa và tìm sự trợ giúp của người lớn.

Một clip được phát tán trên mạng xã hội ghi lại cảnh bé gái bị kẻ gian giả dạng ông già Noel vào tận nhà bắt cóc trước sự ngỡ ngàng của anh trai là bài học sâu sắc cho các bậc phụ huynh. Dặn con khi ở nhà không được tự tiện mở cửa cho người lạ chính là để bảo vệ an toàn cho bé.

Kết quả hình ảnh cho children and parent

(ảnh từ Internet)

Phụ huynh đề cao cảnh giác, áp dụng những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ con.

Phụ huynh cần phối hợp chặt chẽ với giáo viên, không để cho người lạ đón con nếu chưa có sự đồng ý của cha mẹ.

Đề cao cánh giác và chú ý đến con khi tới những địa điêm công cộng.

Nhiều phụ huynh không có thời gian đưa đón con, hoặc nhà gần trường muốn con luyện được tính tự lập nên để con tự đi học. Trong trường hợp này, cha mẹ cần lưu ý những điều sau để con không rơi vào tay người xấu:

- Nắm rõ thời khóa biểu và quãng đường đi học của con.

- Không ghi tên hay thông tin liên lạc của trẻ lên balo. Điều này hết sức nguy hiểm vì kẻ xấu sẽ nắm rõ thông tin và có thể gọi to tên trẻ như người quen biết.

- Lưu số liên lạc của giáo viên, phụ huynh của những trẻ khác trong lớp để có thể kiểm tra khi thấy con về trễ.

- Không để con đeo đồ trang sức đắt tiền.

- Không để con đeo chìa khóa nhà khi đi học, đấy là dấu hiệu cho thấy trẻ sẽ phải ở nhà một mình.

Khi trẻ đến tuổi đi học thường rất ham chơi và hiếu động. Nhiều khi vì ham chơi mà lạc đường. Đây là một tình huống rất nguy hiểm vì ba mẹ sẽ không biết con ở đâu và trẻ cũng không có người thật sự tin tưởng để con tìm trợ giúp. Để giải quyết tình huống này, cha mẹ nên mua cho trẻ một chiếc điện thoại thông minh với tính năng định vị. Như vậy bạn sẽ biết được con mình đang ở đâu ngay cả trong những trường hợp xấu nhất. Chỉ cần lên Google và tìm kiếm "Tee Phone", "Điện thoại cho tuổi teen" hay "điện thoại định vị"..., rất nhiều dòng sản phẩm với mẫu mã đa dạng sẽ xuất hiện để bạn lựa chọn.

Trẻ em là mầm non của đất nước, là những cá thể nhỏ bé và mỏng manh. Bảo vệ các em là nghĩa vụ của các bậc phụ huynh, của nhà trường và xã hội. Hãy trở thành người cha, người mẹ thông minh để giúp con có được cuộc sống an toàn và ngập tràn hạnh phúc.

-------------

[Liên Kết Với Tác Giả Bài Viết - Cộng Đồng Tác Giả Chuyên Sâu AUTHORITY]

Tác giả: Bùi Hoàng Thái

Tên tôi là Bùi Hoàng Thái. Tôi đơn giản chỉ là một người thích viết. Viết về mọi thứ, viết về những câu truyện thường ngày tôi gặp trong cuộc sống, viết về những cảm xúc chợt đến rồi chợt đi, viết về những điều hay ho mà tôi chợt nghĩ đến, hay viết về những ý tưởng bỗng nhiên hiện hữu trong đầu. Thích thú với những điều mới mẻ, tôn trọng những giá trị truyền thống, luôn luôn khám phá cùng những phút giây thả lỏng mình để sáng tạo nên nét mới, bảo tồn những giá trị truyền thống, viết là đam mê của tôi.

Xem thêm nhiều bài viết khác tại: http://hoangthai.webflow.io/

Follow Facebook Authority - Cộng Đồng Tác Gỉa Chuyên Sâu để đọc thêm các bài viết mang tính chất chuyên sâu thuộc nhiều lĩnh vực/ chủ đề khác nhau từ các tác giả là Blogger/ Author đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,443 lượt xem