Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public5 năm trước

[Kỹ Năng] Lượm Lặt Vài Ý Tưởng Tự Cứu Mình Và Cứu Môi Trường

Con người chưa biết làm tổ để sống, con người giản đơn là một sơi tơ trong cái tổ sống đó mà thôi. Điều gì con người làm cho tổ sống đó, tức là làm cho chính mình. (“Bức thư của thủ lĩnh da đỏ”)

Những ngày tháng tư ở Việt Nam, Vũng Áng và hàng vạn con cá con tôm nóng hơn trời mùa hè. Đã có quá nhiều bài báo, phóng sự; đã quá nhiều bức xúc, giận dữ nên dù mình cũng giận đấy, cũng bức xúc đấy nhưng vẫn tự nhủ “thôi đừng nhân rộng cơn giận đó ra nữa mà hãy đăng gì đó mát lành một chút”. Tất nhiên, chuyện thời sự của đất nước thì vẫn nên quan tâm, chỉ là “bức xúc” xong rồi thì mình cũng nên làm gì đó, ít nhất là thay đổi cách mỗi người hành xử với môi trường và tự bảo vệ chúng ta.
Dưới đây là những ý tưởng mình góp nhặt từ nhiều Facebook-ers khác nhau và từ những trải nghiệm gần đây của mình.
1. Ăn chay (hoặc giảm lượng thịt cá trong các bữa ăn)
Đây có thể xem là cách thiết thực nhất, phổ biến nhất và tương đối dễ thực hiện. Thiệt ra nếu không thể ăn chay hoàn toàn, chúng ta có thể ăn chay 3-4 ngày/ tuần, từ từ ăn quen rồi biết đâu lại thích ăn chay luôn .Điều kiện: tìm hiểu thật kỹ các loại chất dinh dưỡng, các loại thực phẩm, học cách tra nguyên liệu- xuất xứ của thực phẩm, nắm vững kiến thức về một số tiêu chuẩn như non-GMO (thực phẩm không biến đổi gen), gluten free (không bột mì), soy free (không đậu nành), vv Thiệt ra không phải ăn chay mới phải đi tìm hiểu những thứ này, bình thường ăn mặn cũng phải tìm hiểu mà. Ăn uống là cách con người nạp năng lượng trực tiếp, ăn mà mình còn không kỹ với mình nữa thì…coi sao được.
Giới thiệu trang Facebook của cô Liên Hương chuyên chia sẻ các thông tin về ăn chay và thực phẩm: https://goo.gl/NWmHTd. Trang này cực kỳ bổ ích để chúng ta bắt đầu hiểu về những gì chúng ta ăn hàng ngày.
2. Dĩ nhiên là chuyển sang ăn rau củ sẽ có nguy cơ “bẩn” nhất định của rau củ; nhưng may quá chúng ta vẫn còn những nguồn cung thực phẩm sạch, ví dụ:
Nếu đã từng đọc qua “Cuộc cách mạng một cọng rơm” nói về nông nghiệp thuận theo tự nhiên với thực phẩm lành tính, không nên bỏ qua trang https://xanhshop.com/. Giá có thể hơi đắt nhưng vẫn rể hơn chi phí chữa ung thư ạ. Tín đồ gạo lứt có thể đặt mua cơm ở Bếp Lứt: https://goo.gl/s1T2x5
Chợ phiên mua thực phẩm sạch ở Sài Gòn vào mỗi thứ sáu: https://goo.gl/QO6gRo. Anh Tri Nguyen (người quen mình thôi) cũng bán rau sạch https://goo.gl/xNk6bX.
3. Nếu có điều kiện, hãy tự trồng rau sạch để sử dụng (Nói “có điều kiện” cũng chưa chính xác, khi người ta muốn làm, “mấy núi cũng trèo”). Mình chưa có kinh nghiệm trong việc trồng trọt này nhưng hiện nay lên Google tìm hiểu thông tin về việc trồng rau củ tại nhà không phải là khó khăn. Ông bà ngoại mình mỗi lần ăn cơm chỉ cần ra vườn hái rổ rau sống, bà nội ăn bánh hỏi chỉ cần ra vườn cắt mấy lá hẹ, dì mình nấu canh chỉ cần cắt trái bí ngoài giàn, ba mẹ con Cá muốn ăn trái cây chỉ cần ra vườn hái. (Tự do tự chủ đến thế là cùng!) Nhà mình chưa tự cung rau củ được phải mang cá sạch mua ở Quy Nhơn đổi lấy rau củ với nhà con Cá. Mình thấy vậy mà hay, nhà này trồng rau này, nhà kia trồng củ nọ; ăn không hết đem đổi cho nhau, vừa bổ vừa củng cố tình làng nghĩa xóm.
Facebook anh Tri Nguyen cũng đang chia sẻ về khóa học trồng cây do chuyên gia nước ngoài hướng dẫn.
4. Giảm tiêu thụ các sản phẩm plastic
Chất độc từ nhà máy độc thì độc thiệt nhưng lượng plastic do con người thải ra mỗi ngày và trong mấy chục năm nay cũng độc không kém. Cách đây một tuần ở Đức người ta đã vớt được xác cá voi chết bụng chứa đầy nhựa. Mỗi cái túi mình giảm được, mỗi cái dĩa cái ly tiện lợi mình bớt đi là mình đang giúp cho mẹ trái đất của mình, đang giúp cho chính mình nữa. Xin đừng xem thường hành động nhỏ bởi việc lớn cách mấy cũng từ những việc nhỏ tạo ra. Cũng đừng nản chỉ vì chỉ một mình mình làm, hãy nhìn vào sự kiết nối của mình với xã hội, thiên nhiên và con người; mình bé nhỏ thôi nhưng hành động của mình lớn lắm. Cá nhân mình cứ khờ dại tin rằng việc tốt sẽ được lan tỏa.

Mang theo một chiếc muỗng inox
Mình không đùa đâu, trong ba lô mình lúc nào cũng có một cái muỗng inox để ai cho mình đồ ăn mình sẽ dùng. Qua đây đi học hay ăn trưa ở trường mình cũng mang theo muỗng để tránh sử dụng muỗng nhựa mà trường có để sẵn. Trung bình một kỳ mình học 4-5 tháng, mỗi tuần học 5 ngày, mỗi ngày ăn 1 bữa trưa ở trường; vị chi là mỗi kỳ mình tiết kiệm 90 cái muỗng nhựa. Yeah, mình là siêu nhân.
Mang theo túi vải hoặc túi nilon có sẵn để đi mua đồ, tránh lấy túi mới
Giá mà ở Việt Nam người tiêu dùng khi đi siêu thị phải trả tiền cho túi nilon như một số nước đã làm thì có lẽ số lượng túi nilon sử dụng mỗi ngày sẽ giảm đi đáng kể. Mình đi đâu hay mang ba lô, mua gì hay ai đưa gì đều tìm cách “tống” vào ba lô. Qua bên này lại có thói quen mang theo túi vải, cần đựng đồ gì chỉ việc lấy ra; tiết kiệm được một khoản tiền lại còn giúp bảo vệ môi trường .Ba mình vẫn hay tiếc mấy chiếc làn đi chợ đan bằng tre ngày xưa các bà các mẹ vẫn dùng đi chợ; biết đâu đấy khi xách làn đi chợ bạn sẽ khơi lại trào lưu ấy tại Việt Nam?
Nhà anh H. bạn mình dùng rổ rá đan bằng tre, hạn chế sử dụng rổ nhựa. Vợ chồng anh còn mua lu về đựng nước cho lắng xuống, múc nước từ trong lu khi đã lắng cặn để nấu ăn. Rổ rá tre 10 ngàn một chục bán đầy ngoài chợ, lu cũng không đắt hơn bình lọc nước. Đã vậy khi dùng xong rồi vứt đi, rổ bằng tre phân hủy, cây tre trở lại mặt đất, không hại gì môi trường hết. Tại sao không? Thế mối biết ông bà mình ngày trước “văn minh” hơn đám con cháu sau này nhiều.
Đi học đi làm mang theo bình nước, hết nước thì hứng uống tiếp; hạn chế sử dụng chai nhựa PET. Tháng rồi thầy giáo nói cho tụi mình biết thiệt ra mỗi ngày chỉ có 1% các chai nhựa được tiêu thụ mỗi ngày được tái chế (trên tổng số hàng triệu chai). Con số đó quá nhỏ, có bao giờ mình tự hỏi mấy chai nhựa đó đi về đâu không? (Nghe đồn cho ra biển, cá ăn, xong người ăn cá, thế lại vô bụng chúng ta sao?)
Ngoài ra mình thấy chị Gấu chia sẻ trang blog này: http://goo.gl/esbYZb hướng dẫn cách sống dùng ít plastic nhất. Bạn sẽ hoàn toàn ngạc nhiên vì chúng quá đơn giản, tiết kiệm mà lại giúp chúng ta trở thành những siêu nhân môi trường.
5. Hạn chế sử dụng hóa chất
Hóa chất từ dầu gội, sữa tắm, nước rửa chén,… khi dùng sẽ đi theo nước ra bồn xử lý mà ở nơi đó người ta cần cực kỳ nhiều nước để trung hòa. Chưa kể các loại sữa rửa mặt có hạt nhựa tí hon theo nước ra đại dương sẽ được cá “tiêu thụ”, ơ thế lại trở về bụng chúng ta à? 
Xưa các bà các chị dùng bồ kết, lá bưởi, lá chanh gội đầu mà duyên thầm bay khắp nơi; tóc óng ả mượt mà, Cũng ngày càng có nhiều thương hiệu mỹ phẩm hữu cơ ra đời. Ngoài ra Google cũng chưa đựng nhiều công thức tự chế các sản phẩm ấy. Mình có quyền được tự do lựa chọn và tự chủ cuộc đời mình mà 
6. “Có cần thiết không?”
Đây là thần chú của ba mình mỗi lần chuẩn bị sắm sửa gì đó, dù là quần áo, máy móc, sách vở hay đồ ăn. Đôi khi thói quen mua sắm của chúng ta là để thỏa mãn mong muốn nhất thời, chắc gì ta đã cần đến? Quần áo và giày dép là những thứ hoàn toàn có thể tiết kiệm được, ít đồ bao nhiêu đỡ phải suy nghĩ “hôm nay mặc gì” bấy nhiêu. Mà thiệt sự người khác cũng không quá để ý mình mặc gì đâu. Sự tự tin do chiếc áo đẹp mang lại không phải là không có nhưng nó không bền; sự tự tin từ bên trong là thứ bền vững và không bị “giăt” đi bởi Omo .Steve Jobs và Mark Zuckerberg luôn mặc một loại áo quần như nhau trong hầu hết các sự kiện vì họ muốn tiết kiệm thời gian. Thay vì phải chạy theo cái áo cái quần, ta cho mình chút tự chủ.
Clip này ghi lại thí nghiệm của cô Lucie khi 5 ngày mặc một bộ quần áo đi làm.
https://goo.gl/qL646G Mình chưa tới mức như cô nhưng cũng tập từ từ: 3 cái chân váy đen cùng với 6-7 cái áo – đủ đi học rồi.
7. Nếu bạn trót thích thời trang thì đừng vội giãy nãy, hãy tìm hiểu các thương hiệu thân thiện với môi trường (Vegan fashion). Nếu bạn nghĩ phải nhiều quần áo mới là thời trang hãy xem trang web 180 day style challenge http://goo.gl/hBQ35k . Hôm nay đã là ngày thứ 117/180 cô gái này mặc chiếc đầm màu đen. Mỗi ngày cô phối đầm đen với phụ kiện hoặc các loại quần áo khác nhưng hoàn toàn không tốn đồng nào để có (hàng quyên góp, đồ mượn, vv). Sử dụng ít lạichính là cách hay để thảm hiểu sự tàn phá của mình lên môi trường, thần chú là “có cần thiết không?”
8. Vẫn còn rất nhiều cách nữa mà mỗi người đều có thể làm được chỉ cần ta dành ra vài phút, vài phút thôi nghĩ về việc mình sẽ làm. Việc này cần thiết không? Có hại môi sinh không? Có ai phải đau khổ cho sự tiêu thụ của mình không? Mình có cách nào thay thế để tốt hơn không? Do ta chỉ thấy sản phẩm mà không thấy quá trình nên ta nghĩ “chỉ có mình thôi mà, không đáng là bao” nhưng nếu hàng tỉ người cũng nghĩ như ta thì lấy ai bảo vệ trái đất nữa?
Chai nhựa làm từ dầu hỏa, chiến tranh đó, nơi người ta giết nhau vì giọt dầu đó.
Sắt thép mình dùng xây cái nhà to, coi chừng của công ty nào đó đang thải chất độc đó.
Dầu gội mình dùng kìa, hóa chất kìa, con cá mình ăn đang uống chất đó.
9. Giáo dục, mình để cuối cùng vì “save the best for last”. Xin mạn phép chia sẻ lại status của chị Catherine Yen Pham xem như lời kết của bài:
Có ai trong chúng ta dạy trẻ về môi trường? Ta còn không thèm quan tâm cơ. Vào siêu thị ta thấy choáng vì đâu đâu cũng thấy NHỰA , mà ta không thấy đau khi thấy sao mà nhiều nhựa quá! Đi vào siêu thị mà không tìm được mấy món đồ thân thiện với môi trường! Nhìn đống hàng trong siêu thị mà nghĩ tới đống rác khi nó thải ra sẽ kinh khủng đến dường nào!
Ta dạy con được điều này chưa? Cho con thấy nỗi đau này chưa? Đằng sau đống nhựa đó là dầu hỏa, là chiến tranh đó con yêu à! Cái đẹp, cái tiện lợi mà con đang dùng đổi bằng tính mạng những đứa trẻ nơi vùng dầu hỏa đó!
Mỗi ngày ta hại mình bằng các loại hóa chất thải vào môi trường, nên nhớ 60% rác thải và nước bẩn là từ các hộ dân chứ không chỉ từ nhà máy.
Ta tắm bằng xà phòng, giặt bằng bột giặt, thêm cái nước xả, lau chùi bằng các loại hóa chất, ăn sốt mayo, đổ bỏ bánh kem….Những thứ này cực kỳ khó tan trong nước và tiêu hao một lượng nước để trung hòa gấp mấy ngàn lần đến mấy chục ngàn lượng nước để rửa sạch rau củ quả.
Có bao nhiêu bài học trong trường lớp và gia đình dạy trẻ về môi trường?
Thậm chí chưa được một tuần một lần, thậm chí trong gia đình là số 0. Vậy làm ơn dạy con yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường ngay từ lúc này, tiêt kiệm nước, phân loại rác thải, trồng rau, nuôi cá, sử dụng sản phẩm thiên nhiên thay cho sản phẩm hóa chất công nghiệp, nói không với đồ nhựa, bao nylon, hạn chế rác thải, ăn cơm lấy bao nhiêu ăn bấy nhiêu… Làm tất cả trở thành văn hóa trong gia đình bạn, bây giờ và mãi mãi

--------


[Liên Kết Với Tác Giả Bài Viết - Cộng Đồng Tác Gỉa Chuyên Sâu AUTHORITY]

Tác giả: Lục Phạm Quỳnh Nhi

Lục Nhi, người thực hành và kể chuyện văn hoá - lịch sử

Xem thêm nhiều bài viết khác của tác giả tại   lucnhi


Follow Facebook Authority - Cộng Đồng Tác Giả Chuyên Sâu để đọc thêm các bài viết mang tính chất chuyên sâu thuộc nhiều lĩnh vực/ chủ đề khác nhau từ các tác giả là Blogger/ Author đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

170 lượt xem