Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public5 năm trước

[Kỹ Năng] Tự Mình Bật Lại Chính Mình: Kỹ Năng Học Đảo Ngược - Unlearn

Câu chuyện cũ về chén trà đầy: Có một chàng trai thông minh tài giỏi tìm đến một vị cao tăng nổi tiếng xin thọ giáo. Vị cao tăng từ tốn mời chàng ngồi xuống uống miếng nước ăn miếng bánh. Ông bình thản rót trà vào chiếc cốc mới coóng. Chàng trai tràn trề năng lượng nhìn theo chén trà đang đầy. Nhưng chàng hoảng hốt khi thấy cốc đã đầy mà vị cao tăng vẫn cứ mỉm mỉm cái miệng cười *một cách bí hiểm* và rót tiếp.

Chàng cất tiếng hỏi, thì vị cao tăng *vẫn rót tiếp* mới nói:

”Trong anh, cũng đã đầy như chén trà này. Ta có rót thêm thì nước cũng đâu có vào được trong chén?”.

———————————————

Unlearn:

discard (something learned, especially a bad habit or false or outdated information) from one’s memory.

———————————

Đây là định nghĩa trong từ điển. Mik tự gọi nó là học đảo ngược, thay vì cách dịch là Bỏ những cái đã học. Vì việc bỏ cái mình đã học chỉ là một phần trong quá trình ”unlearn”. Do đó, Mik tự định nghĩa nó như sau:

Học đảo ngược nghĩa là đảo ngược lại mọi thứ mình đã học được, loại bỏ nó và đưa vào cái mới hoàn toàn, thậm chí là cái đi ngược với cái mình đã học.

****Lưu ý là bài viết này Mik không lấy từ bất cứ sách vở nào, tất cả đều dựa trên suy nghĩ và trải nghiệm cá nhân của tôi, bạn đọc nên tự phân tích và lựa chọn mức độ tin cậy.

——————————————-

Học cái rất mới thì dễ chứ học đảo ngược mới khó!

Cách đổ trà đi – Học đảo cần gì?

Thứ nhất là tư duy đặt câu hỏi và phản biện. Chính mình phải tự lập luận phân tích để nhận ra cái hiện tại đang là sai.

Thứ hai là nền tảng tri thức. Nếu chỉ lập luận dựa trên cái mình đã biết thì đáp án chẳng khác gì cái cũ cả! Phải thu thập và mở rộng tri thức mới thì mới nhìn được vấn đề cũ ở lăng kính mới. Hầu hết người có tính bảo thủ sẽ không làm được điều này. Nhưng thật ra chính người vốn có tính cởi mở cũng khó có kỹ năng học đảo ngược, lí do vì họ thiếu yếu tố thứ 3 dưới đây.

Thứ ba là trí thông minh về cảm xúc, là yếu tố quyết định cho hai cái trên. Khi ai đó có thể điều khiển cảm xúc của mình để mở đường cho sự bật ngược lại với niềm tin của chính mình, là lúc đánh bại cái tôi của chính mình, thì họ có thể học đảo ngược được. Ví dụ khả năng chiến đấu với nỗi sợ hãi cái lạ Xenophobia, khả năng nhận diện cảm xúc… Nếu không, phân tích của chúng ta đa phần sẽ bị rơi vào cái bẫy của ”Confirmation bias” – chỉ đi tìm bằng chứng xác thực cho những niềm tin cũ của mình. Kể cả các nhà khoa học cũng hoàn toàn dễ mắc vào cái bẫy này. Vì vậy, phần lớn người ta sẽ thất bại ở điều kiện thứ ba này.

Học đảo ngược: tự mình bật lại chính mình

Học đảo ngược là loại bỏ cái mình đã học. Bởi vậy, bước đầu tiên là thừa nhận cái mình đã biết là sai. Nhưng bạn biết đấy, hầu hết mọi thứ, từ tôn giáo, đạo đức, kinh tế, chính trị, văn hoá … đều được xây dựng từ niềm tin. Mà việc đi ngược lại với niềm tin của chính mình là điều gần như không thể. Công nhận mình đã sai giống như công nhận một phần của mình không đáng tồn tại vậy. Nó chẳng khác nào tự mình phủ nhận ý nghĩa của quãng thời gian mình đã sống và tin vào cái đó. Đằng này, trong một số trường hợp, phải công nhận mình sai truyền đời truyền kiếp thì lại càng khó.

Và nếu có ai đó động vào cái niềm tin đó, khiến chúng ta bị buộc phải thừa nhận cái thực tại mình đang tin – không phải là chính nó, thì chúng ta sẽ tức giận. Niềm tin bị đi ngược lại cũng giống như bị tất cả mọi người không công nhận sự tồn tại của mình vậy.

Ví dụ chúng ta luôn tin rằng trong đạo Phật, sắc dục là thứ tuyệt đối cấm kị.

Bỗng dưng có ai đó đưa 2 bức tranh này ra (ảnh 18+):  ảnh 1 ,  ảnh 2

”Ôi…. kẻ nào dám phỉ báng Phật?”

 

Bạn cảm thấy sao khi mới nhìn tranh? Có cảm thấy phẫn nộ, bị xúc phạm không?

Thật ra đây là tư thế Yab Yum trong đạo Phật, thuộc một cách tu hành mà chúng ta ít biết tới nếu không tìm hiểu kỹ về Phật giáo.

Sự phẫn nộ của bạn không chỉ vì bạn nghĩ nó là một cái sai xảy ra với nhà Phật, mà phần rất lớn là vì nó đang phạm vào những niềm tin vốn có của bạn.

Sự tức giận này dẫn tới một thái độ không thừa nhận. Ví dụ bạn đọc một bài viết mà cái nhan đề quá là đi ngược lại với cái mình đã biết, ngay lập tức bạn nói ”không cần đọc nội dung đã biết là thứ nhảm nhí sai lệch”, đừng hòng mà bạn bị mất mấy phút cuộc đời cho nó. Chắc nhiều bạn đọc bài viết của Mik với ý kiến loại bỏ tư tưởng hy sinh và đảm đang của phụ nữ sẽ cảm nhận được.

Trong thực tế, chính cái mà hiện giờ bạn coi là hiển nhiên như Trái Đất hình cầu, Trái Đất không phải trung tâm của vũ trụ, hay con người do tiến hoá mà thành cũng từng là ”những thông tin nhảm nhí sai lệch” trong quá khứ! Gallileo, Copernicus và Darwin khi đưa ra ba ”sự thật” này, đã tạo ra làn sóng đau đớn cho những người tin rằng chúa trời tạo ra con người, chúa trời thiết lập một địa cầu không lay chuyển…

Tại sao cần học đảo ngược?

Có bạn nào từng tin rằng nuốt phải hạt thì nó sẽ mọc cây trong bụng không?

Lúc này, bạn thấy dễ chấp nhận nó sai, vì niềm tin này xảy ra ở thời thơ ấu. Nhưng càng lớn thì những thói quen hoặc niềm tin càng bám rễ sâu và chúng ta không thể bật gốc nó lên được. Ví dụ những qui tắc sống thời Nho giáo mà ông bà, bố mẹ truyền lại cho bạn chẳng hạn, bỗng dưng bạn đặt nó ra để suy nghĩ thì sẽ cảm thấy ”bị xúc phạm bởi chính mình”. Bởi vậy, ngay lúc trẻ nếu không học kỹ năng này, thì gần như sẽ không học được.

Hơn lúc nào hết, chính giai đoạn 2019 này, bạn đang ở thời kì mà thông tin và tri thức dễ dàng tiếp cận gấp hàng trăm nghìn lần trong quá khứ. Nhờ thế, những niềm tin phiến diện cũ bỗng dưng bị phanh phui. Nếu bạn không có kĩ năng học đảo ngược, bạn sẽ tự chôn mình trong cái cũ, trong khi người khác lại dễ dàng sử dụng nó để sống tốt đẹp hơn.

Thập kỉ này chúng ta cũng chứng kiến những thứ tồn tại đã lâu mà nhanh chóng biến mất như chữ ”xe ôm”. Để ta chỉ cần chớp mắt là có ”grab”. Điều đó chứng minh những cái bạn đã biết, thì giờ, nhanh chóng trở thành lỗi thời. Ví dụ một anh bạn người Đức của tôi kể rằng: bố anh ấy luôn thắc mắc là vì sao anh ta chỉ ngồi bấm linh tinh trước máy tính, mà cũng có người trả lương cho? Thời của ông, phải làm việc đổ mồ hôi thì mới có tiền, làm gì có chuyện ngồi nhàn mà cũng có cái ăn như vậy? Có lẽ ông cũng sẽ rất ngạc nhiên khi biết ngày nay nhiều người chỉ cần đi ăn, đi chơi, mặc đẹp cả ngày – như các blogger du lịch và làm đẹp – là cũng sẽ tạo ra nguồn thu nhập lớn, trái ngược hoàn toàn với niềm tin của ông.

Học đảo ngược lại là cơ hội để sáng tạo. Không thể tạo ra cái hoàn toàn mới – cùng lúc với – quyết tâm giữ nguyên hoàn toàn cái cũ được. Viết xong câu này tôi cũng tự thấy mình ngớ ngẩn, nhưng tôi chắc chắn nhiều người đang có tư tưởng ấy. Nếu bạn dám bước lùi lại và đổi hướng khác đi, cuộc sống cũng sẽ hoàn toàn thay đổi.

------------

[Liên Kết Với Tác Giả Bài Viết - Cộng Đồng Tác Giả Chuyên Sâu AUTHORITY]

Tác giả: Mik Flow

Blogger tại Mik Flow

Xem thêm nhiều bài viết khác của tác giả tại trang Flownes

Follow Facebook Authority - Cộng Đồng Tác Giả Chuyên Sâu để đọc thêm các bài viết mang tính chất chuyên sâu thuộc nhiều lĩnh vực/ chủ đề khác nhau từ các tác giả là Blogger/ Author đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

 

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

271 lượt xem