Thiên Thanh@Authority
5 năm trước
[Quan điểm] Khác Biệt Để Trở Nên Tốt Hơn
Dạo gần đây tôi có nghe được một số nhận định về giới trẻ làm tôi khá buồn lòng. Người ta nói rằng: “Giới trẻ bây giờ không thích nghe sự thật, họ chỉ thích nghe những gì mà họ muốn nghe. Dù cho điều đó gàn dở, nguy hại.” Quả thật, người ta nói không sai. Khi chúng ta đang sống trong một xã hội mà người làm khác đi sẽ trở thành kẻ “dị hợm” thì quả là thật khó để cho những cái được gọi là chân lý được tồn tại.
1. Xu hướng chỉ trích những người tốt hơn mình
Một ngày bình thường nọ, tôi chợt lướt thấy một topic khá nổi bật. Lượt tương tác của bài viết đó cũng khá cao. Topic ấy có tên “Từ khi nào đức tính chính trực lại trở thành trò cười cho cả thiên hạ”.
Bản thân tôi không dám đánh đồng tất thảy mọi người nhưng tôi cho rằng cũng không ít bộ phận giới trẻ luôn có xu hướng chỉ trích những người tốt hơn mình. Lấy ví dụ như trong topic trên, cậu học sinh bị bạn bè cười nhạo, thậm chí là bắt nạt, chỉ vì cậu đã bày tỏ niềm tự hào và yêu nước sâu sắc. Rõ ràng việc cậu học sinh kia làm không sai nhưng trong mắt số đông, cậu ấy hiển nhiên trở thành một kẻ “lập dị” và bị cô lập bằng định kiến.
Chúng ta cũng có thể làm một bài toán so sánh đơn giản, một video clip chửi thề tục tĩu từ những hiện tượng mạng, so với những video truyền cảm hứng từ những vlogger đầy nhiệt huyết có một sự chênh lệch không nhỏ. Thật không khó để nhận ra về độ phủ sóng, lan tỏa (viral) của những video clip được cho là hot trend trong giới trẻ. Điều đó đáng buồn không? Tôi nghĩ là có nhưng nó vẫn hằng tồn tại trong suốt thời gian qua. Chúng ta không thể đứng ở một góc độ phiến diện để đánh giá về vấn đề này. Thử đặt câu hỏi rằng, giới trẻ cũng cần có nhu cầu được giả trí chứ? Giải trí thì rất cần sau những ngày chạy deadline đầy mệt mỏi nhưng thỏa hiệp với những hành động chê bai sản phẩm tinh thần của người khác thì tôi nghĩ các bạn sai rồi.
Tôi có một cô bạn, cô ấy bảo rằng không dám đăng lên facebook cá nhân những bài viết mang tính học thuật, triết lý. Tôi hỏi cô ấy rằng vì sao, thì cô bảo rằng cô ấy sợ bạn bè mắng. Vì cứ mỗi lần cô ấy đăng những status dài bàn về một vấn đề gì đó có vẻ nghiêm túc thì y như rằng những “cô bạn”, “cậu bạn” của cô ấy sẽ vào bảo rằng, “mày làm sao thế, suốt ngày xàm xí trên trang cá nhân của mình”, “còn xàm như vậy là t block mày luôn đấy”. Tôi thấy nực cười vì những trường hợp như trên, người ta luôn có xu hướng không thích người khác tốt hơn mình. Thay vì bỏ hàng giờ đồng hồ để đọc và tiếp thu những văn hóa phẩm vớ vẩn thì cô bạn này đã chăm chỉ cập nhật những tình hình thực tế của xã hội. Như một cách để cải thiện và làm giàu tâm hồn. Nhưng những người vốn đã không cố gắng để tốt hơn lại cho rằng những người đang làm việc tốt là khác biệt.
2. Số đông luôn luôn đúng
Trên đây là số liệu thống kê của Q&Me về Vietnamese sleeping behavior, trong mục “What time do you go to bed on weekdays” (tạm dịch: Bạn đi ngủ lúc mấy giờ vào những ngày trong tuần?) cho thấy:
Trong độ tuổi dưới 19, khung giờ đi ngủ sau 11:00 p.m (tức 23h00) là 66% (trong đó, khung giờ sau 3h sáng là 0%)
Độ tuổi từ 20 - 29, khung giờ đi ngủ sau 11:00 p.m (tức 23h00) là 58% (trong đó khung giờ sau 3h sáng là 4%)
Độ tuổi từ 30 - 39, khung giờ đi ngủ sau 11:00 p.m (tức 23h00) là 39% (trong đó khung giờ sau 3h sáng là 0%)
Từ những số liệu trên ta có thể tổng kết như sau:
- Tỉ lệ người trẻ (dưới 19 và 20 - 29 tuổi) có xu hướng thức khuya hơn những người có độ tuổi từ 30 - 39 tuổi.
- Độ tuổi dưới 19, 20 - 29 tuổi thường là những bạn học sinh, sinh viên và những người lao động trẻ.
Nhưng rõ là không ít lần chúng ta đã được cảnh báo rằng việc thức khuya, bỏ bữa sáng ảnh hưởng và hủy hoại như thế nào đến sức khỏe của chính chúng ta. Nhưng dường như tình trạng thức khuya trong giới trẻ vẫn còn nhan nhản khắp mọi nơi, thậm chí trở thành một trào lưu. Tôi không lên án những trường hợp vì công việc bận rộn mà phải thức đến tận tối mịt để giải quyết, vì dẫu sao đó là lựa chọn của họ. Nhưng trên cương vị là một người ngoài, tôi vẫn khuyên nhủ các bạn rằng phải bảo vệ sức khỏe của chính mình. Giống như ông Đặng Lê Nguyên Vũ - chủ cà phê Trung Nguyên cũng đã từng nói: “Tiền nhiều để làm gì?” Việc bạn lao động để cải thiện cuộc sống là hoàn toàn phù hợp nhưng vì tiền để đánh đổi mạng sống và sức khỏe, thì vẫn nên cân nhắc liệu đây có phải là một sự đánh đổi xứng đáng hay không?
Tôi thấy mừng cho những bạn nhìn nhận rõ được vấn đề và quyết tâm thay đổi. Từ một con cú đêm chỉ chuyên dùng màn hình điện thoại và vi tính vào lúc nửa đêm, họ đã tập ngủ sớm. Họ bắt đầu sắp xếp và phân chia công việc lại sao cho dàn trải, phù hợp. Tránh tình trạng bị quá tải đến mức không thể đảm bảo cho bản thân đủ sức khỏe về thân thể lẫn tinh thần.
Nhưng thật tệ khi những người xung quanh thường cợt nhả họ vì họ sống lành mạnh quá chăng? Bạn bè thay vì đều thức đến tận 4,5 giờ sáng còn họ thì mới 9, 10 giờ đã đắp chăn đi ngủ. Khi được khuyên rằng là hãy đi ngủ sớm và bảo vệ sức khỏe đi thì họ sẽ bảo rằng “tôi thích thế, có bệnh hay có chết gì cũng tự chịu”. Tôi nghĩ, thay vì ép họ sống lành mạnh để bảo vệ bản thân thì hãy cứ để họ tự trải nghiệm với những cơn bạo bệnh, họ sẽ tự khắc biết họ nên làm gì. Thật ra, có lẽ các bạn trẻ không phải là không biết điều gì đúng, điều gì sai. Chỉ là cái niềm ham thích của họ đối với một việc gì đó quá to lớn khiến cho họ buộc phải dùng những cái cớ để bao biện cho sở thích cá nhân của mình.
3. Khác biệt để trở nên tốt hơn
Ở phần này tôi xin kể cho các bạn nghe một câu chuyện. Cùng là một sinh viên năm 3 như nhau nhưng A chọn đi làm thêm tại các địa điểm, quán ăn nhà hàng. Còn B thì thường tham gia các công việc tình nguyện. Chuyện chả có gì đáng nói khi anh A ngày ngày chỉ trích anh B tại sao từng tuổi này rồi không lo đi kiếm tiền để sống đỡ vất vả hơn mà cứ lo đi làm mấy cái công việc không lương đó vậy. Trong khi bạn bè của anh B, đang ngày ngày suy nghĩ kiếm được công việc nào lương cao để làm thì anh hoàn toàn không lựa chọn con đường đó. Anh thấy bản thân vẫn cần bổ sung những kiến thức nền tảng, nên anh đã chuyên tâm học hành hơn, tham gia những công việc tình nguyện để học thêm những kỹ năng đội nhóm mà anh chưa có. Trong mắt số đông, có lẽ anh B khác biệt nhưng tôi khâm phục anh B. Anh B hiểu rõ bản thân mình cần gì. Người trẻ thường so đo với nhau vài ba đồng lương lúc mới bước chân vào đời nhưng đâu biết rằng khoảng thời gian sinh viên là vô cùng quý báu cho những người biết tận dụng. Kiếm tiền là công việc của một cuộc đời nhưng vì kiếm tiền mà quên xây dựng cho bản thân một cái nền vững chắc thì có lẽ các nhà tuyển dụng cũng chẳng cần những người ham mê làm việc với một cái đầu trống không.
Nếu như các bạn may mắn trở thành những người “khác biệt” như tôi nói trên. Điều có lẽ các bạn nên cần làm nhất là tập bỏ qua những định kiến. Khi bạn hiểu rõ bản thân mình, giỏi chỗ nào để phát huy, kém chỗ nào để cải thiện. Thì việc sống trong một môi trường có quá nhiều người khác mình không phải là một điều quá tồi tệ, nếu như bạn biết cách phớt lờ nó. Phớt lờ ở đây không giống với thỏa hiệp, hãy sống như kiểu: đường bạn, bạn cứ đi; đường tôi, tôi cứ đi. Không phán xét, không thuyết phục, không thỏa hiệp với những điều độc hại.
Nếu như những điều bạn làm là tốt thì hãy vững tin với những việc mình đang làm, đâu phải ai cũng có cái may mắn để trở nên khác biệt. Có một điều rất đúng như thế này, cuộc đời vô cùng công bằng đối với tất cả mọi người. Người bình thường sẽ xứng đáng sống với một cuộc đời bình thường, còn người phi thường sẽ phải đối diện với những vấn đề vĩ đại hơn. Vậy bạn sẽ chọn trở thành một người như thế nào? Khác biệt để trở nên tốt hơn tại sao không?
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
906 lượt xem