Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Quan Điểm Sống] Chạy Đua Hình Ảnh Trên Mạng Xã Hội

Nếu tự dưng bạn nhận được request follow trên Instagram từ một ID trùng tên với bạn mình, đừng vội report tài khoản giả, vì có khả năng cao đó là finsta của họ.

Finsta á? Finsta là gì cơ?

Finsta = fake instagram, là một tài khoản insta như bình thường nhưng chỉ mở cho những người mà họ thấy thân thiết, thường tồn tại song song với tài khoản gốc (còn gọi là rinsta = real instagram) của họ. Trong khi rinsta là bộ mặt hướng ra “công chúng,” các bức ảnh và caption được cân nhắc kĩ lưỡng, thì finsta là không gian mang tính cá nhân hơn nơi họ có thể thoải mái nói thẳng nói thật, chia sẻ những điều thầm kín về mình mà không sợ bị đánh giá.

Trào lưu finsta bắt đầu từ nước ngoài khoảng hai năm trước, khi không gian mạng xã hội (MXH) ngày càng trở nên ngột ngạt, quá chú trọng vào hình ảnh cá nhân. Facebook giờ là nơi dành cho những tin quan trọng, như một dạng “thông cáo báo chí” — tốt nghiệp, có việc mới, đính hôn, cưới vợ cưới chồng; chưa kể tin tức trên Facebook cũng đã nhiều đến mức bão hoà. Instagram thì như một cuộc chạy đua hình ảnh, thậm chí cả caption, ai cũng muốn feed mình đẹp, “theo aesthetic,” “on brand.” (Mình chỉ đang mô tả chứ cũng không đánh giá gì, vì bản thân mình làm trong mảng Mar-Com lại càng nhiễm những thói quen này.)

Mình và mấy đứa bạn thân đều có finsta. Có một lần hè vừa rồi, mình post một story nắm tay một anh bạn lên rinsta của mình mà mấy đứa bạn đều hỏi: “Ơ post nhầm tài khoản à? Tưởng mấy chuyện cá nhân này chỉ hay post trên finsta?” Lúc đấy mình mới để ý hình ảnh của mình trên hai tài khoản, mặc dù cùng là một con người, lại khác nhau đến thế. Nhận ra nhu cầu này của người dùng, Instagram gần đây cũng mới tung ra chế độ “Close friends” trên Stories — một tuỳ chỉnh cho phép bạn chỉ cho một nhóm những followers thân thiết xem được stories của mình.


Mình nhớ hồi đại học, trong lớp Sociology of Popular Culture (Xã hội học trong văn hoá đại chúng), có một lần cả lớp tranh luận gay gắt về bản chất của MXH. Nhiều người bảo MXH là hình ảnh phản chiếu của mỗi người, nhưng nhiều người khác không đồng tình, bảo rằng chẳng có phiên bản trên mạng nào là chân thật và đầy đủ cả; ai cũng muốn “tốt khoe, xấu che,” chỉ là một lát cắt rất phiến diện và được chọn lọc cẩn thận của mỗi người thôi.

Nhiều người bảo, bây giờ ai cũng sống thế, tôi sống thế thì có sao đâu? Nhưng thật ra tác hại của cuộc chạy đua hình ảnh này là vô kể:

Gia tăng áp lực và các bệnh tâm lý

Vì MXH là nơi mọi người thường chỉ post những gì đẹp nhất về mình, người dùng như bị cuốn vào vòng xoáy đó, tự tạo cho mình áp lực phải có một cuộc sống hoàn hảo như người khác, hoặc ít nhất phải “trông” hoàn hảo. Áp lực phải bằng bạn bằng bè, làm ở bích pho bích phai. Áp lực phải đạt được cái A ở độ tuổi X.

Nghiên cứu chỉ ra unhealthy perfectionism (bệnh thích sự hoàn hảo một cách không lành mạnh) tăng mạnh trong gần 30 năm qua, đặc biệt ở thế hệ trẻ, dẫn đến việc ai cũng tự đặt ra những tiêu chuẩn quá cao, nếu không muốn nói là bất khả thi, cho mình và người khác. Chúng ta nhìn vào cuộc sống của nhiều người thành công trên MXH và thấy mình thật kém cỏi, nhưng thật ra lại đang bất công với chính mình, vì mình đang so sánh cả câu chuyện của mình với chỉ một phần mười câu chuyện của họ. Tất cả những thất bại, đau khổ của họ mình đều không biết đến, làm sao đem lên bàn cân được?

Nhiều nghiên cứu khác cũng cho thấy mối liên hệ giữa việc dùng MXH và các bệnh tâm lý như trầm cảm, lo âu — càng dùng MXH nhiều, sức khoẻ tâm lý của bạn sẽ càng tệ đi. Không phải ngẫu nhiên mà chính những người tạo ra các công nghệ tiên tiến này — CEO của các tập đoàn tech lớn nhất ở Thung lũng Silicon — không cho con cái dùng điện thoại trước năm lớp 8. Không phải tự nhiên mà bắt đầu từ tháng 9 năm ngoái, các trường cấp một và hai ở Pháp cấm học sinh mang hoặc bật điện thoại ở trường.


Mọi người ngày càng cô đơn

Nghịch lý trong xã hội hiện đại là mặc dù chúng ta được “kết nối” với nhau mọi lúc mọi nơi qua công nghệ thông tin, nhắn một câu là có thể chạm được tới một người cách ta nửa vòng trái đất, nhưng cảm giác cô đơn nói chung lại tăng lên. Mới năm ngoái, Thủ tướng Anh Theresa May còn bổ nhiệm một vị trí mới là Minister for Loneliness (dịch nôm na là Bộ trưởng phụ trách chống gia tăng sự cô đơn trong xã hội).

Trong một đám đông, giả vờ nhìn xuống điện thoại hay nhắn tin với người khác cảm giác dễ hơn nhiều so với việc phải trực tiếp nói chuyện với người lạ. Vì cảm giác thoải mái đó mà nhiều người trong chúng ta để những giao tiếp ảo qua MXH dần thay thế những cuộc nói chuyện thân mật, những buổi gặp mặt thực sự có ý nghĩa với người thân, bạn bè.

Chúng ta nghiện điện thoại đến nỗi cụm từ “nomophobia” (NO MObile PHOne phoBIA — nỗi sợ không có điện thoại) đã được tạo ra, nhưng càng dùng MXH, ta lại càng thấy cô đơn hơn vì FOMO (fear of missing out — sợ bỏ lỡ những điều thú vị mà người khác đang được trải nghiệm, vd, khi bạn đang nằm nhà mà tự dưng nhìn thấy Insta story bạn bè mình đang party với nhau chẳng hạn).

Nghiên cứu chỉ ra rằng với những thanh thiếu niên đã có sẵn nhiều bạn, việc dùng MXH ảnh hưởng tốt và giúp họ củng cố các mối quan hệ; nhưng với những thanh thiếu niên đang sẵn thiếu tự tin, gặp khó khăn trong việc giao du và kết bạn, dùng MXH chỉ làm sức khoẻ tinh thần của họ tệ hơn. Chẳng mấy chốc mà sự cô đơn kéo dài sẽ dẫn đến trầm cảm, hoặc các bệnh tâm lý nghiêm trọng hơn.


Làm thế nào để chống lại xu hướng này?

Không thể phủ nhận rằng MXH có những lợi ích nhất định. Nhờ MXH mà ta giữ liên lạc thường xuyên được với bạn bè, người thân ở xa; xây dựng và truyền thông được những dự án xã hội, văn hoá, nghệ thuật độc lập; nhận được thông tin đa chiều, phong phú từ nhiều nguồn — điều đặc biệt quan trọng trong những xã hội còn thiếu tự do báo chí, biểu đạt.

Tuy nhiên, mặt trái của MXH là điều dễ thấy, đặc biệt đối với thế hệ Gen Z — những người em đang tuổi đi học, vẫn đang hình thành nền móng tính cách và thế giới quan. Cách hiệu quả nhất để giảm thiểu những tác hại của MXH lên sức khoẻ tâm lý của chính mình và mọi người xung quanh là: dùng MXH ít đi. Nghiên cứu mới từ ĐH University of Pennsylvania kết luận rằng, giới hạn thời gian sử dụng MXH xuống khoảng 30 phút mỗi ngày có thể giúp sức khoẻ mỗi người tốt lên đáng kể.

Nhưng nhiều người trong chúng ta trót nghiện rồi, phải làm thế nào?Mình thì dùng cách unfollow hoặc mute bớt những người có tác động xấu tới tâm trạng mình (vd những người mẫu, người nổi tiếng với thân hình mình không-thể-đạt-tới-được trên Insta, làm mình bị body conscious lol). Bên cạnh đó, dành nhiều thời gian hơn với bạn bè, chủ động lên kế hoạch đi chơi, đi ăn, làm việc cùng nhau cũng giúp mình không có nhu cầu check MXH thường xuyên nữa, chưa kể những giao tiếp xã hội ngoài đời này luôn khiến tâm trạng mình tốt lên. iPhone cũng có thông báo hàng tuần về thời lượng sử dụng các app MXH của người dùng — dựa vào đây có thể điều chỉnh cho phù hợp hơn.

Còn về khía cạnh tâm lý — thương hiệu cá nhân (personal brand) trên MXH trong thời buổi này quan trọng thật, nhưng nếu chỉ để giữ gìn nó mà bạn phải xào nấu tính cách hoặc bắt mình phải sống theo một khuôn mẫu giả tạo, sẽ có ngày bạn chẳng còn nhận ra chính mình. Và trước khi so sánh bản thân mình với người khác, đừng quên, bạn chỉ đang nhìn thấy một phần sự thật mà họ muốn bạn nhìn thấy thôi.


---------

[ Liên Kết Với Tác Giả Bài Viết - Cộng Đồng Tác Giả Chuyên Sâu AUTHORITY ]

Tác giả:  Linh K.Tran

Khánh Linh là 1 blogger với nhiều bài viết chia sẻ về trải nghiệm sống và quan điểm cá nhân thú vị về văn hoá, cuộc sống trong và ngoài nước. Linh viết blog với mong muốn góp phần tạo ra thay đổi tích cực trong cộng đồng và đa dạng hoá góc nhìn phản biện về các vấn đề xã hội. 


Xem thêm nhiều bài viết khác của tác giả tại:  https://daylalinh.wordpress.com/

Follow Facebook Authority - Cộng Đồng Tác Giả Chuyên Sâu để đọc thêm các bài viết mang tính chất chuyên sâu thuộc nhiều lĩnh vực/ chủ đề khác nhau từ các tác giả là Blogger/ Author đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

186 lượt xem