Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public5 năm trước

[Quan Điểm Sống] Họ Hàng Thời Hiện Đại

Khi nghĩ về tương lai, mọi người thường nghĩ về chính bản thân mình, bố mẹ, anh em, và vợ chồng, con cái. Là một người Việt Nam, cũng như nhiều nền văn hóa châu Á khác, bạn đã bao giờ nghĩ về họ hàng của mình chưa? Nghĩ về mối quan hệ giữa mình và con cái của một ông chú, bà cô nào đó? Nghĩ về những người mà hơn mình hai chục tuổi nhưng vẫn gọi mình là cô, là cậu?


Quan hệ với họ hàng có lẽ là chỉ cần nhắc đến thôi cũng gây đau đầu, mệt mỏi với người trẻ Việt Nam hiện đại. Tuy nhiên, mình tin có những thứ tốt trong nó. Là cháu đích tôn, sớm hay muộn mình cũng phải trả lời được câu hỏi rằng mình trân trọng giá trị văn hóa này như thế nào, từ đó có những hành động tương ứng ra sao. Cộng thêm suy nghĩ rằng những người học kinh tế nên nói nhiều hơn về giá trị của những thứ trong cuộc sống hằng ngày, trong bài này, mình xin được giới thiệu góc nhìn của mình, một góc nhìn mà mình hi vọng có thể thay đổi quan điểm của nhiều người. 


Đầu tiên,hãy tưởng tượng chúng ta có hai thanh niên thuộc tầng lớp trung lưu, Dave (Mỹ) và Minh (Việt Nam). Sau khủng hoảng tài chính thế giới 2008, cả Dave và Minh đều bị thất nghiệp. Cuộc sống trong mấy tháng tiếp theo của Dave và Minh như sau:

  • Tháng #1: Cả hai đều sốc vì biến cố và cố gắng tìm một công việc mới cho mình. Dave đi đăng ký nhận trợ cấp xã hội và bảo hiểm thất nghiệp. Minh đi uống bia.
  • Tháng #2: Nền kinh tế mang màu xám xịt. Cả hai vẫn không tìm được việc. Dave bắt đầu tìm cách cắt giảm các khoản chi tiêu của gia đình. Minh vẫn uống bia với bạn.
  • Tháng #3: Không ai nhận họ đi làm cả. Dave lo lắng vì bảo hiểm của mình sắp hết hạn, anh tính đến chuyện bán căn hộ đang trả góp hiện nay của mình, chuyển đến ở trọ tạm thời tại một khu căn hộ nhỏ hơn. Minh vẫn đi uống bia với bạn.
  • Tháng #4: Tình hình vẫn vậy. Trợ cấp của Dave đã hết, giờ số dư ngân hàng của anh đang bị trừ đi rất nhanh. Minh vẫn uống bia.
  • Tháng #5: Vợ và con bỏ Dave đi, anh chuẩn bị hết tiền để trả tiền thuê phòng. Minh vẫn đi uống bia.
  • Tháng #6: Dave chính thức trở thành người vô gia cư. Minh vẫn uống bia đều.
  • Tháng #7: Dave chết trong cô đơn, lạnh giá và bệnh tật. Minh tìm được việc làm mới.

Ok, rõ ràng đây là một câu chuyện giả thiết và không thực sự nghiêm túc, làm gì có chuyện trong hơn nửa năm trời, Minh chỉ có đi uống bia như thể không có chuyện gì được? Minh lấy đâu ra tiền mà uống bia? Dù đều bị phóng đại, câu chuyện xảy ra với Dave khá là dễ hiểu, và mình xin nói rằng, câu chuyện của Minh ở Việt Nam cũng có vài phần sự thật trong đó.

Tạm gác đi những yếu tố như thu nhập không chính thức và vấn đề sở hữu nhà (hai yếu tố cực kỳ quan trọng), Minh sống sót được sau nhiều tháng trời thất nghiệp còn dựa vào một đặc tính thú vị của xã hội Việt Nam: kinh tế tập thể. Nói một cách dễ hiểu, Minh có bạn bè, người thân, họ hàng, và họ sẵn hỗ trợ Minh khi Minh gặp khó khăn. Chuyện mời nhau một cốc bia ở Việt Nam là rất bình thường, mọi người có thể thay nhau trả để an ủi, chia buồn với Minh, nhưng chuyện đó khó mà xảy ra ở Mỹ, nơi mà thân ai người đó lo.

Câu chuyện kia, được kể bởi thầy giáo cấp 2 của mình, dù có nhiều điều để ngẫm về những đặc điểm kinh tế, xã hội của Việt Nam, liên hệ này lại khiến mình đặc biệt thu hút: vậy thì có lẽ những mối quan hệ họ hàng có thể đươc nhìn nhận như một hình thức bảo hiểm, một social safety net, hay thậm chí là một network of opportunity. Người tham gia món bảo hiểm này phải chi trả một khoản chi phí thường xuyên nhỏ dưới dạng nỗ lực, thời gian, và vật chất để đổi lại đời sống tinh thần, chỗ dựa khi hoạn nạn, và nhiều cơ hội khác trong cuộc sống. Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng có vài người anh em họ mà chúng ta rất yêu quý phải không? Đó có thể được coi là lợi ích của việc bố mẹ hai gia đình cởi mở, thân thiết với nhau.


Như vậy, từ góc độ cá nhân, quan hệ họ hàng, cũng như bất kỳ hình thức networking nào, có giá trị của riêng nó. Phần tiếp theo là xác định chi phí mà mình muốn trả cho giá trị đó, để làm sao net sum là một con số dương, cụ thể là mức độ ưu tiên, cách thức và mức độ đầu tư vào nó. Mình chưa có câu trả lời xác đáng cho bản thân mình, nhưng thực sự mình muốn bắt đầu đầu tư vào nó, với những việc đơn giản như nhớ tên, nhớ thứ bậc, nhớ về cuộc sống của họ hàng mình. Cho họ biết mình là ai, mình đang làm gì cũng là một điều hữu ích. Tham gia các hoạt động gia đình với sự hào hứng và nhiệt tình cũng là một cách xây dựng quan hệ họ hàng tốt lên. Xa hơn trong tương lai, mình có thể còn sẽ chủ động liên lạc hỏi han với danh nghĩa cá nhân. I’m still thinking about it, because I want it.

Đoạn cuối, xin được phép nói vĩ mô một chút. Trong vài thập kỷ qua, quá trình toàn cầu hóa, kéo theo nó là ảnh hưởng của văn hóa phương Tây lên các nước châu Á, có tác động rõ rệt đến lối sống của người Việt mình hiện nay. Tết nhất, thờ cúng, hội làng, hàng xóm, tổ dân phố… những khái niệm này dần trở nên lu mờ trong đầu người trẻ. Trong khi đó, chung cư cao tầng, du lịch “chạy” Tết, chủ nghĩa tiêu dùng lại dần trở thành những tiêu chuẩn mới. Cớ sao khi phương Tây họ tìm cách sang các nước châu Á để nghiên cứu kỹ lưỡng những mô hình kinh tế tập thể, gia đình, mà chúng ta lại tự ti, thờ ơ, không chịu hiểu giá trị của những thứ được ông cha xây dựng lâu đời, và thẳng tay vứt bỏ, bám lấy những giá trị “thời thượng” phương Tây hiện nay? Xã hội thiết kế dựa trên chủ nghĩa cá nhân đang gặp rất nhiều vấn đề, tiêu biểu như chuyện trầm cảm, cô đơn, hay sự phụ thuộc nặng nề vào phúc lợi xã hội chu cấp bởi chính phủ. Nhìn vào những xu thế ở phương Tây, liệu xã hội Việt Nam có tiến vào chủ nghĩa cá nhân trước, rồi lại theo bước họ quay lại lối sống cộng đồng, thay chúng ta có thể “quá độ” bằng cách hiện đại hóa những thứ chúng ta đang mất? Ôi, một khác biệt căn bản nhỏ, mà có thể dẫn đến bao nhiêu câu chuyện khác, tất cả đều được quyết định bởi người trẻ.

--------


[Liên Kết Với Tác Giả Bài Viết - Cộng Đồng Tác Gỉa Chuyên Sâu AUTHORITY]

Tác giả: Bùi Cảnh Thái

Anh Bùi Cảnh Thái, hiện đang sống và học tập tại Nhật Bản, là một blogger chuyên viết về các chủ đề kinh tế và những quan điểm, suy nghĩ về cuộc sống của anh. Với suy nghĩ sâu sắc và tư duy sắc bén, các bài viết của anh luôn thể hiện một góc nhìn chân thật của xã hội và cung cấp cho bạn đọc những kiến thức thú vị về kinh tế hay cuộc sống.

Xem thêm nhiều bài viết khác của tác giả tại   buicanhthai.wordpress.com

Follow Facebook Authority - Cộng Đồng Tác Giả Chuyên Sâu để đọc thêm các bài viết mang tính chất chuyên sâu thuộc nhiều lĩnh vực/ chủ đề khác nhau từ các tác giả là Blogger/ Author đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

136 lượt xem