Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public5 năm trước

[Quan Điểm Sống] Sống Không Phải Để Chờ Chết

Mục đích của cuộc sống là gì? Mục đích của lao động sáng tạo là gì? Những câu hỏi đó đã cũ lắm, cũ tới mức mà đại đa số con người ta chẳng còn buồn để tâm đến nữa. Nhưng cuối cùng thì người ta có thường xuyên quan tâm tới mục đích của sống, của lao động sáng tạo hay không?

Sự sống đã đến với Trái Đất từ hơn 2 tỷ năm trước, điều mà ngày nay đã được khoa học làm sáng tỏ. Các loài động vật cao cấp (có bộ não và tư duy) đã bắt đầu xuất hiện hàng trăm triệu năm trước và rồi trải qua vô số cuộc bùng nổ mạnh mẽ cũng như những thảm họa khắc nghiệt đã tiến hóa thành loài người chúng ta - loài động vật có trí tuệ phát triển nhất, vượt lên trên bất cứ giống loài nào từng xuất hiện trên hành tinh. Đã có những giai đoạn khi băng giá bao phủ toàn bộ mặt đất, hay khi núi lửa phun trào, những lục địa di chuyển và va chạm, ... tưởng như chỉ có phép lạ mới có thể giải thoát, không để cho sự sống bị xóa sổ vĩnh viễn. Và quả thật có những "phép lạ" đã xảy ra, và một trong số đó không đâu khác chính là sức sống, bản năng sinh tồn mãnh liệt của sinh vật. Thậm chí cho tới tận khi con người đã tiến hóa tương đối hoàn chỉnh, đã bắt đầu xây dựng những tổ chức xã hội đầu tiên thì quá trình đấu tranh sinh tồn vẫn chưa chấm dứt. Tổ tiên của chúng ta từng phải chống lại cái đói và cái khát trên những hoang mạc khô cằn, cái rét của thời băng hà, những cơn bão lũ dữ dội, những vụ phun trào của núi lửa, và cả đe dọa từ những loài khác trong thiên nhiên. Hàng nghìn năm như vậy, vượt qua mọi thử thách của tự nhiên, chúng ta mới có được cuộc sống hiện đại và tiện nghi như ngày nay.


Dù như vậy, cuộc chiến sinh tồn của chúng ta vẫn chưa dừng lại, của cải vật chất không phải tự nhiên mà có, không phải là vô tận, thế nên chúng ta phải lao động, sản xuất, sáng tạo, ... Thiên nhiên cũng không vì cuộc sống của con người mà trở nên bình lặng, vẫn còn đó những thảm họa và thiên tai chúng ta vẫn thường xuyên phải đối mặt để bảo vệ sự sống và nền văn minh của mình. Thậm chí, khi lòng tham và sự đố kỵ nảy sinh, chính loài người chúng ta cũng vô tình đẩy mình vào cuộc đấu tranh sinh tồn giữa đồng loại với nhau - điều mà vô cùng hi hữu ở thế giới của các loài động vật thấp hơn... Vậy nên, đấu tranh sinh tồn có lẽ chẳng bao giờ chấm dứt. Đó là một qui luật tất yếu không gì có thể phủ nhận. Quyền lợi sinh tồn như vậy cũng chính là quyền lợi cơ bản nhất của mỗi con người.

Vậy nhưng, với nhân loại chúng ta thì sinh tồn đã phải tất cả chưa? Trải qua hàng triệu năm tiến hóa và hàng nghìn năm xây dựng - phát triển, chúng ta không chỉ tìm ra cách bảo đảm sự sống cho mình tốt hơn bằng những phương pháp sản xuất an toàn và hiệu quả, bằng những công cụ phòng chống những cuộc "tấn công" của thiên nhiên. Chúng ta trở thành giống loài đặc biệt nhất không phải chỉ vì như vậy. Chúng ta đặc biệt hơn tất cả là vì ngoài quyền lợi sinh tồn, chúng ta còn hướng mình tới nhiều thứ khác nữa. Đó là khoa học, là nghệ thuật, là sự sáng tạo, là những đam mê, ... Có những giai đoạn trong lịch sử, người ta dành mọi đam mê của mình cho nghiên cứu khoa học, lại có những giai đoạn khác mối quan tâm dành cho văn hóa và nghệ thuật, và có những giai đoạn chính trị và kinh tế lại là mối quan tâm hàng đầu - chẳng hạn như ngày nay. Vẫn biết bất cứ hoạt động nào, bất cứ sáng tạo trên lĩnh vực nào cũng đều để phục vụ chính cuộc sống của con người, nhưng để đạt vô số thành tựu trong suốt quãng đường lịch sử của mình thì con người không chỉ lấy sự sinh tồn làm mục tiêu duy nhất. Bởi lẽ đơn giản, sinh tồn thì chưa phải động lực đủ lớn, thậm chí đôi khi sự sáng tạo còn trở thành mối đe dọa với chính sinh tồn của người mang nó (đã có nhiều nhà khoa học, nhà tư tưởng, nghệ sĩ ... từng trả giá bằng mạng sống hoặc sự nghiệp của chính mình khi đi ngược lại với những định kiến, những lối mòn của xã hội, mặc dù những công trình hay tác phẩm của họ thực sự có giá trị rất cao mà sau này nhân loại mới đánh giá được hết). Vậy điều gì nuôi dưỡng tất cả những hoạt động lao động sáng tạo không mệt mỏi bên cạnh ý chí sinh tồn? Đó chỉ có thể là những đam mê, những ước muốn, những tham vọng (ngay cả những tham vọng được coi là ích kỉ như quyền lực hay danh vọng), ... Không có những mục đích đó thì thế giới sao có thể như chúng ta đang thấy, sao có thể tiếp tục phát triển?


Nhưng đáng buồn làm sao trong chính xã hội tưởng như đã văn minh và đầy đủ ngày nay thì lại có quá nhiều con người dễ dàng gạt bỏ hết mọi mục đích đẹp đẽ, lớn lao mà họ hoàn toàn có thể có, chỉ để quay lại với mục đích sơ đẳng nhất: tồn tại.

- Tới đây có kế hoạch gì không?
- Chỗ nào có ăn thì vào.

- Thằng bé nhà anh thích theo nghề gì?
- Thích thì quan trọng gì, cái gì dễ xin việc thì theo, không thì chết đói.

Những mẩu đối thoại kiểu đó tràn lan ngoài xã hội ngày nay. Tôi biết nhiều người sẽ lên tiếng rằng "dân ta còn nghèo, nước ta còn khó khăn lắm, nên lo cái ăn là đúng rồi". Tôi xin hoàn toàn tán đồng rằng dân ta còn nghèo, nước ta còn khó khăn so với thế giới, tôi cũng tán đồng cả việc sinh tồn phải đặt lên cao nhất, vì nếu đến tồn tại còn không nổi thì chẳng thể làm được bất cứ thứ gì. Thế nhưng cao nhất thì có đồng nghĩa với duy nhất hay không? Mục đích sống của con người ta hóa ra chỉ là sống cho đến hết cuộc đời hay sao?

Chúng ta đã qua rồi thời kì mà cả xã hội thiếu thốn lương thực, con người ta có thể chết vì đói bất cứ lúc nào. Ngày nay chuyện tồn tại được theo đúng cái nghĩa thuần chất nhất không hề khó đối với chúng ta, nhất là những người có học vấn và trí tuệ. Vậy tại sao con người ta không vươn mình lên những mục tiêu cao hơn, theo đuổi những lý tưởng, những đam mê to lớn hơn? Tại sao không tuyên bố rằng tôi muốn làm thủ tướng, tôi muốn bay lên Sao Hỏa, tôi muốn trở thành người giàu nhất hành tinh ...? Hiển nhiên, không phải mong muốn nào cũng thành hiện thực, ngay cả với nghị lực và mọi hậu thuẫn lớn nhất chăng nữa. Thế nhưng mọi đích đến đều chỉ có thể đạt được, hay ít ra là tới gần khi người ta dám nghĩ tới nó, dám tin vào nó và dám tiến tới nó. Cũng giống như câu truyện ngụ ngôn "Rùa và thỏ" mà chúng ta thường dùng để dạy trẻ nhỏ. Rùa chẳng thể chiến thắng dù có cố tới đâu, nếu như thỏ biết sử dụng lợi thế của mình, tất nhiên rùa biết điều đó nhưng nó vẫn tiến lên, bởi vì nó có một mục đích và nó dám tiến tới cái đích của mình.

Thiếu đi những mục đích lớn lao, xã hội chẳng thể phát triển vì không có sáng tạo, không có những biến chuyển lớn, những cuộc cách mạng. Thiếu đi những thứ đó, con người tầm thường biết bao khi sống cuộc đời không có đích đến. Trong cuộc sống của chúng ta, may mắn rằng ở bất cứ thời đại nào cũng có nhiều con người mang trong mình những mục đích sống lớn lao, và họ chính là những người làm thay đổi xã hội, mang tới cuộc sống ngày một văn minh và tiện nghi cho nhân loại. Họ là những người "sống có mục đích". Bên cạnh đó, lại có rất nhiều con người khác chỉ biết nghĩ tới mục đích duy trì sự sống, mặc dù thực ra nhiều người trong số họ vốn có đầy đủ điều kiện về nhiều mặt để hướng tới những mục tiêu lớn hơn. Đó là những người "sống chỉ để chờ chết". Họ cộng sinh với xã hội, họ mang lại những giá trị nhất định và cũng lấy đi những giá trị nhất định, vì thế hiển nhiên xã hội không tiến lên nhờ những người như họ. Thế nhưng những năm gần đây, cái đáng nói là những người sống chỉ để chờ chết như vậy ngày càng nhiều hơn. Họ không sáng tạo, không có mơ ước và mục tiêu, cho dù chỉ là những mục tiêu giản dị nhất như là làm được vài điều tốt đẹp cho con người và xã hội.

Tôi bỗng nhớ tới cảnh những đàn bò gặm cỏ trên thảo nguyên hoang dã. Chúng chẳng cần lao động sáng tạo vất vả, cũng chẳng cần đấu tranh, giành giật lẫn nhau mà ... vẫn có cái ăn. Còn chúng ta, trải qua hàng triệu năm tiến hóa và hàng nghìn năm xây dựng đó, chúng ta có thể chỉ cần "cái ăn" hay sao? Và nếu như con người ta chỉ nghĩ tới cái ăn, nghĩ tới sinh tồn thì có phải cũng như đàn bò kia, người ta sẽ sẵn sàng bỏ mặc nhau, dẫm đạp lên nhau mà chạy vì sinh tồn của bản thân khi xuất hiện cái gì đó đe dọa? Như vậy thì đâu phải một xã hội văn minh của loài người, dù cho xã hội đó được lấp đầy bởi của cải vật chất.

Tôi tin, mỗi con người đều có những mong muốn và kì vọng, vấn đề chỉ là chúng ta có dám đánh thức chúng, để chúng sống dậy và trở thành mục đích sống của chính mình hay không. Cuộc đời thật ý nghĩa, xã hội thật đẹp đẽ bao nhiêu khi mỗi con người đều tìm thấy mục đích sống cho mình.

Đừng sống chỉ để chờ chết!




-----------

[Liên Kết Với Tác Giả Bài Viết - Cộng Đồng Tác Giả Chuyên Sâu AUTHORITY]

Tác giả:  Dang Vu Tuan Son

Nhà nghiên cứu thiên văn. Chủ tịch Hội thiên văn học trẻ Việt Nam, Ủy viên thường vụ CLB Trí thức trẻ Hà Nội.

Xem thêm nhiều bài viết khác của tác giả tại: Đặng Vũ Tuấn Sơn

Follow Facebook Authority- Cộng Đồng Tác Gỉa Chuyên Sâu để đọc thêm các bài viết mang tính chất chuyên sâu thuộc nhiều lĩnh vực/ chủ đề khác nhau từ các tác giả là Blogger/ Author đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

693 lượt xem