Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public5 năm trước

[Quan Điểm Sống] Sống Thời 4.0

Vài năm trở lại đây, cụm từ “Cách mạng công nghiệp 4.0” được nhắc đến thường xuyên tới mức trở nên nhàm tai. Rất nhiều khái niệm được đặt tên ăn theo cụm từ này. Nhan đề của bài viết cũng không là ngoại lệ. Điều đó cho thấy sức ảnh hưởng của nó là không thể phủ nhận, ít nhất trên phương diện câu từ. Tuy có nhàm, nhưng bản thân tôi tin rằng việc nhận thức về nó còn nhiều điều thú vị để bàn lắm.

Nói ngắn gọn, theo một số tài liệu, khái niệm này xuất phát từ một dự án công nghệ cao của chính phủ Đức nhằm thúc đẩy số hóa nền công nghiệp quốc gia này, mang tên “Công nghiệp 4.0 / Industry 4.0”. Sau đó vài năm, GS Klaus Schwab – người sáng lập kiêm chủ tịch Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới (WEF) sử dụng thuật ngữ này và kể từ đó, nó như một “cái tên” của thời đại vậy. Thời đại 4.0!


Dùng từ “cách mạng” (revolution) là hàm chỉ sự thay đổi bước ngoặt, có tính hệ thống và toàn diện, hứa hẹn nhiều cơ hội lẫn thách thức. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được điển hình với trí tuệ nhân tạo và những ứng dụng siêu thông minh sẽ lật thế giới qua một chương mới. Một trong những thách thức là con người đang dần bị robot thay thế trong gần như mọi sự, kéo theo nỗi bấn loạn trong tất cả khía cạnh đời sống, từ kinh tế đến khoa học, từ văn hóa đến giáo dục… Có lẽ không một cá nhân hay tổ chức nào có thể nằm ngoài cuộc của cuộc cách mạng này.

Gần đây, WEF công bố danh sách các kỹ năng được xem trọng để có thể thích nghi với thời cuộc. Phần nhiều trong đó là khả năng phân tích, xử lý dữ liệu, tư duy phản biện…; đồng thời thị trường lao động xuất hiện thêm nhiều công việc mà trước đây chưa hề tồn tại, cũng như loại bỏ một số công việc đã có mặt rất lâu (tưởng như không thể thay thế). Điều này một cách nào đó góp phần định hình nền giáo dục của tương lai.

Thật khó để dám nói dùng từ “dẫn dắt” thay vì “thích nghi” đối với tốc độ thay đổi chóng mặt và khôn lường như ngày nay. Nghiên cứu của đại học Oxford (vào năm 2013) chỉ ra rằng có đến 47% công việc sẽ biến mất trong 25 năm tới (do bị thay thế bởi robot hoặc không còn cần thiết nữa). Với một người trẻ, 20-25 năm không phải là một tương lai không nhìn thấy được, hay nói cách khác họ vẫn trong độ tuổi lao động. Hãy tưởng tượng khi ấy thế giới sẽ ra sao? Công việc của mình sẽ thế nào? Liệu năng lực lúc đó (và cả bây giờ) có đảm bảo để chúng ta tồn tại?

Để tìm hiểu thêm, tôi khuyến khích bạn tìm đọc bộ đôi tác phẩm của GS Klaus Schwab gồm “The Fourth Industrial Revolution” (đã được dịch ra tiếng Việt là “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”), và gần nhất là “Shaping the Future of the Fourth Industrial Revolution” (tạm dịch là “Định hình tương lai của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”).

Theo dõi đề tài này, tôi đặt cho mình một câu hỏi: “Vậy chúng ta nên làm như thế nào, sống ra sao trong thời đại này?”. Thú thật, tôi không dám đưa ra một lời khuyên hay tư vấn nào cho ai, bởi rất có thể nó sẽ trở nên hồ đồ khi mà chính tôi vẫn đang tự tìm lời đáp. Vài dòng tiếp theo chỉ là một góc nhìn cá nhân trong mạch suy tư của tôi về hành trình “cách mạng bản thân” để sống trong cuộc “cách mạng thời đại” này.

Chúng ta hãy bắt đầu bằng việc hình dung ra chân dung của một con người thời đại này. Con người ấy như thế nào?

Theo tôi, điều lớn nhất mà thời đại này tác động đến chúng ta là khát khao tự do được trỗi dậy mạnh mẽ. Tôi đặt tên cho con người ấy là “con người tự do trỗi dậy”. Ý tôi là, chưa bao giờ sự tự do lại trở nên quan trọng và là đòi hỏi mặc định của bất kỳ ai. Điển hình là lối sống theo ý riêng của mình quan trọng hơn việc xã hội hay người khác nghĩ gì. Họ có thể không mang hàm ý xấu, nhưng việc người khác thế nào thì “tôi không quan tâm”, hoặc “tôi không muốn quan tâm”. “Xin lỗi, đó không phải chuyện của bạn” là phương châm sống ngầm bên trong mỗi người cho dù có được phát biểu ra hay không.


Song song ấy, cũng có một sự thật là năng lực của chúng ta chưa tương xứng với khát khao tự do được trỗi dậy. Năng lực có thể hiểu trước hết là ý thức về vai trò và trách nhiệm của chúng ta trong cuộc đời mình và cuộc đời này. Đây là một khoảng trống thật tai hại!! Khi tự do bên trong anh trỗi dậy, nhưng ý thức và trách nhiệm về sự tự do của anh còn thấp, thì hệ quả thường là họa hơn là lành, cho cả anh và những người xung quanh anh.

Như vậy, làm “cách mạng bản thân” trong thời đại này đòi hỏi năng lực quan trọng nhất, bao trùm các năng lực khác đó là năng lực “tự dẫn dắt mình”, “tự lãnh đạo mình”, sao cho các năng lực của mình phải tiệm cận với khát vọng và sự trỗi dậy của tự do.

Tham khảo từ Oxford Leadership dành cho lãnh đạo tổ chức: Các nhà lãnh đạo thành công trong cuộc cách mạng 4.0 là những người chấp nhận một bộ tư duy mới, theo đó, nhà lãnh đạo phải xem tổ chức như một “hệ sinh thái” chứ không phải là một “cỗ máy cơ khí”, và xem từng cá nhân trong doanh nghiệp dưới lăng kính của một-con-người-tổng-thể (the whole-person daradigm), chứ không phải chỉ là “công cụ lao động”, mượn đề xuất này, không bàn về lãnh đạo tổ chức mà chỉ đề cập đến “lãnh đạo bản thân”, tôi rút ra ba điểm chính như sau.

Thứ nhất, cần nhìn nhận con người mình dưới lăng kính tổng thể, không tách bạch. Bởi chỉ có sự cộng hưởng của cái toàn thể mới mang lại sức mạnh hơn từng phần. Theo gợi ý của TS Stephen R. Covey (tác giả quyển sách “7 Thói quen Hiệu quả”) thì con người nên được xét đến ở cả bốn chiều kích: Thể chất (Body), Trí tuệ (Mind), Tâm hồn (Heart), Tinh thần (Spirit). Trong đó thì Tinh thần là yếu tố trung tâm, chi phối mạnh mẽ ba yếu tố còn lại.

Với sự hỗ trợ tối tân của các phương tiện, sẽ không quá khó để chúng ta có một Thể chất khỏe mạnh, Trí tuệ minh mẫn, Tâm hồn yêu thương. Bằng chứng là với vài triệu (thậm chí vài trăm ngàn) bạn đã mua một “đồng hồ sức khỏe” để thúc đẩy việc rèn luyện thể dục thể thao. Hay vài chục ngàn là có thể sở hữu một quyển sách để trau dồi tri thức. Hay rất nhiều hoạt động nhằm hâm nóng tình yêu thương giữa các mối quan hệ người với người. Nhưng còn lại chiều kích Tinh thần, tôi tạm tách riêng ra bởi đây là điều khó nhất, hay nói chính xác hơn là thách thức nhất để có trong bối cảnh ngày nay.

Đời sống tinh thần thông thường được rèn luyện từ giáo dục, nghệ thuật, tôn giáo, triết học, văn chương… Kể ra cái tên nào thì bạn cũng thấy rằng với thực trạng Việt Nam hiện nay đều hỏng hết. Tôi cho rằng căn bệnh “thiểu năng tinh thần” của xã hội ta là rất trầm kha. Bằng chứng là tiếng Việt xuống cấp, nghệ thuật dễ dãi, hoang dã thay vì tự do, trơ trẽn thay vì chân thật, mê tín thay vì tâm linh lành mạnh… Đó là chưa kể nhịp sống hối hả khiến con người ngày càng rời xa đời sống nội tâm, không thể và không thèm kết nối với “Cái bên Trong” và “Đấng bên Trên”. Người ta sợ trạng thái cô đơn khi ở một mình, do đó ai cũng muốn né tránh để tìm đến những điều ồn ào ngoài kia. Thật khó tìm được sự tĩnh mịch cần thiết cho việc “tập thể dục” tinh thần. “Tiếng nói khẽ” thường bị bỏ qua bởi quá nhiều âm thanh ồn ào. Giữa một rừng thông tin, biết bao lời hay ý đẹp nhưng lại rất khó chọn lựa cho riêng mình một nhân sinh quan sống. Người ta đọc nhiều, học nhiều, nhưng liệu có giúp nâng cao đời sống tinh thần? Hay thậm chí, chính điều đó đang góp phần hủy hoại và làm mục rỗng nó? Câu hỏi “Mình là ai?”, “Thế nào là mình?” chưa bao giờ cũ. Làm sao để đến lúc chúng ta phải tự nhìn vào vào gương và thốt lên rằng “Mình đây sao?!”.

Chăm lo cho đời sống tinh thần tức là đi tìm đến con người đích thực của mình, nuôi dưỡng, rèn giũa, nâng cao nó để chạm đến những nấc thang của sự trưởng thành.

Thứ hai, con người cần học cách sống trong một “hệ sinh thái” không của riêng ai, nhưng ai cũng chung hưởng từ đó. Khái niệm “công dân toàn cầu” đã phổ biến ở Việt Nam. Theo tôi, thuật ngữ này không hàm ý nói về một người biết nhiều ngoại ngữ, đi đến nhiều quốc gia. Nó có thể đúng nhưng chưa đủ. Quan trọng hơn cả, để trở thành công dân toàn cầu, chúng ta cần học cách sống và làm việc dựa trên những giá trị phổ quát – thứ mà tính đúng của nó không bị che lấp bởi không gian địa lý và thời gian lịch sử; đồng thời chia sẻ với nhau những điều căn bản của con người. Không chỉ vậy, để tạo nên một hệ sinh thái hài hòa, bền vững, mỗi cá nhân không chỉ quan tâm đến chuyện của riêng mình, mà còn cần chung tay lên tiếng hoặc giải quyết những vấn đề có tính thách thức cao hơn, ví dụ như vấn đề môi trường, an ninh, giáo dục… Tùy vị trí, tùy sức lực, tùy khả năng tới đâu thì đóng góp tới đó; nhưng không thể không đóng góp, không thể thờ ơ! Ai thiếu tinh thần “chung sống” này chắc chắn sẽ bị đào thải không sớm thì muộn.

Cuối cùng, để sống tốt trong thời 4.0, chúng ta phải tạo ra được những giá trị mà robot hay máy móc không thể (hoặc rất khó) mang lại. Đó phải là những công việc thiên về tư duy, sáng tạo, và quan trọng nhất là làm điều đó với một lòng hăng say và tình yêu thương cao nhất. Tôi vẫn đang học theo lời Mẹ Teresa dạy: “Không phải ai cũng có thể làm điều vĩ đại. Nhưng ai cũng có thể làm điều bình thường với một tình yêu vĩ đại”. Hi vọng lời của Mẹ cũng có ích với bạn.

Làn sóng 4.0 đã vào Việt Nam. Tôi mong rằng người ta không chỉ dừng lại ở việc bàn về nó, mà nhân cơ hội này tái tạo lại mọi thứ trong phạm vi cuộc đời mình, để “4.0” không chỉ là một từ hot, mà còn là một lời cảnh tỉnh có sức nặng.

Và cách riêng với các bạn trẻ, rằng bạn có biết là mình may mắn thế nào khi có vô vàn thách thức của thời đại đang đợi bạn giải quyết không? Còn nếu không nhìn thấy điều đó, xem như bạn đang ngủ quá say rồi!!

 

------------

[Liên Kết Với Tác Giả Bài Viết - Cộng Đồng Tác Gỉa Chuyên Sâu AUTHORITY]

Tác giả: Vũ Đức Trí Thể

Tôi thuộc thế hệ Y, chọn giáo dục khai phóng làm sự nghiệp theo đuổi. Sản phẩm tôi mang lại là các bài viết giáo dục, giải pháp đào tạo, chuyên sâu giúp người học phát triển tư duy, hình thành năng lực tự học & làm việc; nhằm "cài đặt" những tư tưởng tiến bộ và nâng cao tính hiệu quả.

Xem thêm nhiều bài viết khác của tác giả tại Vũ Đức Trí Thể

Follow Facebook Authority - Cộng Đồng Tác Gỉa Chuyên Sâu để đọc thêm các bài viết mang tính chất chuyên sâu thuộc nhiều lĩnh vực/ chủ đề khác nhau từ các tác giả là Blogger/ Author đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

473 lượt xem