Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Review Phim] Quý Cô Thừa Kế: Phim Tình Cảm Gia Đình, Phim Hài Hay Phim Ma

Từ trước tới nay, đề tài tình cảm gia đình là một đề tài chưa bao giờ hết “hót” và được nhiều bộ phim, hay văn chương thể hiện. Tình mẫu tử, tình cha con, tình bà cháu là thứ tình thương luôn làm mọi người rơi nước mắt. Những đứa con thiếu cha, thiếu mẹ, người cháu thiếu bà lần này được khai thác triệt để trong bộ phim “Quý cô thừa kế” với sự trở lại của người đẹp Ngân Khánh và thực hiện bởi đạo diễn Nguyễn Hoàng Duy. Tuy nhiên thay vì làm người xem cảm động ta lại thấy một bức tranh lộn xộn không đồng nhất khiến người xem lúc cười, lúc khóc, lúc kinh hoàng theo đúng nghĩa đen. Lỗi có thể ở cách Ngân Khánh diễn xuất không tự nhiên, nhưng phần lớn là do khâu nội dung và cách chỉ đạo của đạo diễn.

Nói về tình thân nhưng lại phi hợp lý, phi logic…

ngan-khanh-7

Một bộ phim đúng nghĩa là khi ghi dấu người xem vào mọi phân cảnh, hoặc chí ít là để người xem ấn tượng mãi một góc quay nào đó. Rõ ràng “Quý Cô Thừa  Kế” với nhân vật chính là Nhung đã không làm được điều này. Với những độc giả khó tính, Quý Cô Thừa Kế chưa toát lên được vẻ đẹp sâu sắc về gia đình mà đúng hơn là phim hài nhảm thậm chí là phim ma. Bỏ cả một buổi tối lẫn tiền bạc đi xem, ngỡ là một tác phẩm điện ảnh bên người yêu còn đỡ, nhưng nếu là bên gia đình, những người thân yêu của mình, thì bộ phim lại làm người xem thực sự “bối rối”.

Câu chuyện bắt đầu khi ta bắt gặp Nhung (Ngân Khánh), một cô nàng ăn chơi, điệu đà, lắm tiền nhiều của đang say sưa trong một quán bar. Ta có thể thấy được sự bê tha, quên đêm, quên ngày của giới trẻ hiện lên ở cô trong những bộ đồ lòe loẹt, uống những cốc rượu to chả vì nỗi buồn mà đơn giản chỉ là sự nổi loạn, tính cách bốc đồng khi tuổi đời còn chưa lớn. Ta tiếp tục quan sát được Nhung trong tiết mục chọn đồ của mình. “Bộ này, bộ này, lấy hết”. Cô nàng chọn và mua những bộ đồ mà không cần biết đến giá tiền hay số lượng. Thậm chí, bất ngờ hơn một tình huống hài đã xảy ra. “Khu này đồ nam mà em” tên bạn trai đào mỏ của cô (Liên Bỉnh Phát) nhắc nhở. Cô lạc sang cả đồ dành cho giới mày râu nhưng vẫn câu tuyên ngôn bất hủ trong cơn say “Lấy hết” và sau đó làm người xem ngã ngửa  “Thế anh là nam đúng không, mặc hết đi”. Cũng là một tình huống cười, mang tính giải trí cao, ta cũng chả đoán được đây là phim lấy đề tài gia đình. Ừ thì cứ cho là mới ở đầu phim thì đã đoán được cái gì đâu. Nhưng đó chỉ là một chuỗi của những thất vọng về phía sau, nếu người xem là những ông bố, bà mẹ hay người bà sâu sắc yêu thương con cháu.

Cô nàng Nhung trong men rượu say với khuôn mặt chếnh choáng, chuông điện thoại reo vang nhưng cô nào có biết, mải chìm đắm trong sự buông thả của tuổi trẻ, của những bữa tiệc thâu đêm cùng bạn bè cũng là những người xa lạ, đến với cô vì tiền không hơn không kém. Nếu là một bộ phim về gia đình, ta mong cô chí ít cũng phải sâu sắc hơn hoặc có một nỗi buồn nào đó đưa cô đến sự bê tha, nhưng hóa ra với cô đó là Ngày trước tao sướng lắm” mỗi khi nói về những bữa tiệc hoan hỉ của mình. Thật vậy, cô chả có nỗi buồn nào cả, chỉ đơn giản là một sự bồng bột, ham chơi, một đứa trẻ chưa lớn. Nếu đoán được vậy thì lý do nào còn khiến người xem ngồi ở rạp dõi theo một cô nàng đỏng đảnh thiếu hiểu đời chiếm gần như cả bộ phim và chỉ  trưởng thành một cách vội vàng, nhanh chóng đến phi lô gíc ở gần cuối phim, xem mà khán giả cực kỳ “bối rối”.

Sau phân cảnh đầu phim là ở bữa tiệc rượu, bộ phim dẫn dắt người xem đến một diễn biến buồn gần như trái ngược, đám tang của người bà, trời mưa, khung hình phủ kín bởi những chiếc ô đen và các bộ quần áo tối màu. Ngân Khánh lúc này thể hiện sự xúc động mạnh “Sao bà ra đi mà không nói với con một tiếng”. Tuy nhiên điều đáng chú ý ở đây là một bóng đen bất ngờ vụt mất khi đám tang qua đi, người xem cực kỳ ấn tượng mạnh, bộ phim có vẻ có yếu tố rùng rợn, đầy chất phim ma. Trong cả bộ phim, những tình huống quỷ dị đó vẫn chưa chấm dứt, ám ảnh người xem.

Tiếp theo, bộ phim dẫn dắt người xem về khó khăn của Nhung khi người bà để lại di chúc trao lại toàn bộ tài sản kếch xù cho cháu gái với duy nhất một điều kiện: “Tốt nghiệp khóa học tu viện Từ Tâm”. Ở đây một lần nữa ta lại thấy một điều vô lý, nếu như ở đám tang ta thấy một cô cháu gái đau xót khi bà mất thì lúc này, Nhung tỏ ra rất quan tâm vào vấn đề tiền bạc, mà thậm chí không đặt câu hỏi lớn tại sao và cho rằng đó không phải là ý nguyện của bà ngoại mình. Nếu là một người thực tế, giả tạo thì không sao, nhưng Nhung lại không phải vậy, rất bất hợp lý, rất phi logic, người ta có hàng chục năm để nghĩ đến tiền bạc nhưng giờ phút này, thậm chí là một người có ăn chơi, tiêu tiền như nước đi nữa, họ cũng để nỗi đau xót mất đi người thân bộc lộ ra trước.

Ý nghĩa dễ thấy nhưng không sâu sắc

img20181003181344873.jpg

Khi Nhung lúc này đang ở trong một miền quê (Đà Lạt ) nơi tu viện Từ Tâm tọa lạc, cô vô tình nảy sinh tình cảm với Việt Anh do Song Luân thủ vai, một chàng trai mồ côi cha mẹ, hay đúng hơn là người mẹ âm thầm bên anh từ nhỏ đến lớn với vai trò là sơ (Cô Lai – Hồng Đào thể hiện) trong tu viện mà anh không hề hay biết. Cách bộ phim gắn kết những mạch truyện có nhiều vấn đề, không phải là hạt sạn mà là cả một lỗ hổng lớn, cô Lai thú nhận trước đức Jesus mình là mẹ của Việt Anh, vô tình làm Nhung nghe thấy, Nhung tìm cách để kể cho Việt Anh mặc cho sự ngăn cản của bà mẹ thương con, đứa con là Việt Anh nhận ra sự thật trong một phân cảnh làm người xem hốt hoảng vì quá “rùng rợn” chứ không phải cảm động, bà mẹ đuổi theo đứa con, rồi bị tai nạn ô tô. Mô tuýp xử lý gượng gạo và  tất cả xong hết trong 5-7 phút. “Quá nhanh, quá nguy hiểm”. Ý tưởng chủ đạo của bộ phim có vẻ như sâu sắc mà người xem cũng lò mò đoán ra được nếu như tinh ý, là người bà không chết mà chỉ muốn giáo dục đứa cháu của mình. Ý tưởng này có vẻ như vô cùng chân thành và tình cảm nhưng thực sự lại rất sáo rỗng. Nó không thật, không chân thực. Và hơn hết, quan trọng nhất, tuy là ý tưởng chủ đạo, nó lại cực kỳ mờ nhạt, xây dựng tình cảm bà cháu mà người bà cũng chỉ có vài phân cảnh với những lời thoại đơn điệu giải thích sự thật ở cuối phim, nếu là một bộ phim hài, bộ phim đã thành công vì đã làm người xem cười thoải mái, nhưng trên tinh thần của một bộ phim tình cảm gia đình có xen lẫn tình yêu đôi lứa, bộ phim đã thất bại hoàn toàn khi không lấy được sự đồng cảm và nước mắt chân thành của người xem. À phải chăng“ Quý cô thừa kế” còn là một bộ phim ma thú vị khi khối lần khiến người xem hoảng hồn bởi những phân cảnh rùng rợn, không biết mục đích của đạo diễn là gì khi đưa vào những tình tiết kinh dị đó.

Quá nhiều  ý tưởng trong một bộ phim…

Quá nhiều ý tưởng trong một bộ phim dẫn đến một sự không thống nhất làm người xem nhầm lẫn giữa thể loại phim, hình như đạo diễn thấy phim hài nhiều người coi, phim ma cũng ăn khách, “ hay ta làm một tác phẩm đa zì năng luôn đi”. Cứ tưởng hay mà lại không hay đến nỗi khó tưởng tượng.

Khán giả Việt Nam cứ mặc định trong đầu là phim Việt thì khó thể đầu tư như phim quốc tế, tuy nhiên giờ đây phim có sự đầu tư, hình ảnh lung linh, góc quay tốt, kỹ xảo đẹp lại thiếu đi một thứ quan  trọng nhất: cái hồn.

Người xem có thể cảm nhận được vẻ đẹp của núi rừng, những ngôi nhà giản dị qua góc máy quay phim chuyên nghiệp, kỹ xảo ấn tượng. Bộ phim hẳn có sự đầu tư công phu về mảng hình ảnh nhưng vấn đề ở chỗ là cách nó truyền tải. Phim không chỉ có những góc quay tốt, óng ánh sắc màu, thậm chí những bộ đồ lòe loẹt của cô gái trẻ Nhung ( Khánh Ngân) giữa  chốn làng quê (Đà Lạt) lên hình cũng rất đẹp. Ta thấy một bức tranh đầy màu sắc dù bình dị của chốn thôn quê. Đó là một điểm cộng may ra đã có thể cứu vãn tinh thần của bộ phim nếu như không có hạt sạn to đùng là mẫu thời trang mà Nhung mặc lại khác xa với cuộc sống đời thường, hay đúng như bà sơ đã nói “Đây là lớp học hay là sàn thời trang.” Nhung là một cô gái ăn chơi, đồng ý vậy nhưng cách cô ăn mặc thì lại bất hợp lý.

ngan-khanh-dien-nguyen-cay-hang-hieu-tam-heo-trong-quy-co-thua-ke-bb-baaabyyzrc.jpg

Ngân Khánh trong gu thời trang lòe loẹt khi giặt đồ.

Yếu tố gây cười là một yếu tố nên có, nhưng với dòng phim về đề tài gia đình thì thiết nghĩ nó lên xuất phát từ sự giản dị chân thành. Bộ phim lại đi ngược với nguyên tắc đó, quá lạm dụng, mà thứ gì đã lạm dụng thì đều là tai hại. Một lần nữa đây là một tác phẩm mang tính giải trí đúng nghĩa chứ không phải tập trung vào yếu tố gia đình cảm động vốn là ý tưởng chủ đạo của bộ phim.

Những câu nói ngô nghê, vô vị, không có chiều  sâu dù mang yếu tố hài hước hay triết lý.Vẻ đẹp ngoại hình không đẹp bằng vẻ đẹp tâm hồn đâu ! ( Cô Lai – Hồng Đào) Rất chung chung, mơ hồ, mông lung, gặp nhiều, phổ biến, ai cũng nói được, chả cần nghĩ ngợi. Nhưng thế nào là vẻ đẹp tâm hồn, và tại sao nó đẹp hơn ngoại hình của bạn, nếu đẹp hơn thì đẹp hơn ở chỗ nào? Rõ ràng bộ phim chỉ tập trung vào yếu tố cười nhảm mà không có những câu đàm thoại ý nghĩa xuyên suốt bộ phim. Nếu đã xem những tác phẩm để lại dấu ấn mạnh mẽ, ta sẽ nhớ mãi những câu nói rất đỗi bình thường, giản dị của một nhân vật nào đó nhưng sâu  sắc, khó quên thậm chí phải đau đầu suy nghĩ.

Ôi phim ma, tao sợ lắm!

Một lần nữa, như đã nói ở đầu bài, đó là yếu tố rùng rợn của bộ phim, phải chăng đạo diễn Nguyễn Hoàng Duy muốn làm người xem có một  cảm nghiệm gì đó mới lạ, cơ mà ông nên nhớ rằng, không phải mọi sự phá cách đều tốt, chưa có một bộ phim nào giống bộ phim ông làm, đơn giản vì có những gia vị  không bao giờ đi cùng với nhau trong một món ăn ngon. Ngỡ là một bát canh hấp dẫn, mê ly, ta thêm nào cay, nào ruốc, nào mắm, nào tỏi, sả, hành, tía tô… thì chỉ làm nó thành một đống hổ lốn. Không ít lần khán giả kháo nhau: Hình như phim ma chúng mày ạ”.

Ngân Khánh có một sự trở lại không tốt có thể là do cách diễn xuất nhưng quan trọng hơn, cô bị đóng khung trong một nhân vật Nhung với quá nhiều thứ phi hợp lý: lúc thì ngô nghê, lúc thì ăn chơi, lúc thì nói năng bất cần, lúc lại quá đỗi sâu sắc chỉ sau một đêm. Đó là một phần do tính đa ý tưởng mang lại. Một lần nữa, tính gì thì cũng phải tính cho hợp lý!

Kết luận

“Quý Cô Thừa Kế” là một bộ phim có sự đầu tư, mang tính giải trí cao, có thể giúp bạn thư giãn sau một ngày dài mệt mỏi hoặc vào dịp cuối tuần, đặc biệt bộ phim còn có sự tham gia diễn xuất của hiện tượng hài “Mặc Đăng Khoa” trong một  phân cảnh nhỏ, nhưng để được xem như là một bộ phim đúng nghĩa, cả đời cần phải coi một lần ở rạp cùng bạn bè cho biết thì còn phải đắn đo suy nghĩ, khi mà còn có các bộ phim khác chiếu vào cùng khung giờ.


[Liên Kết Với Tác Giả Bài Viết - Cộng Đồng Tác Gỉa Chuyên Sâu AUTHORITY]

Tác giả:  Phạm Mạnh Tài

Thú thực mình là một Otaku chính hiệu, có thời gian còn gần như là một Hikikomori trong 3 tháng hè, suốt ngày ngồi lì trong nhà, chơi game, đọc truyện, xem Anime... Thời gian đó có lẽ là lúc mình còn đi học đại học. Giờ đã tốt nghiệp và làm công việc Copywriter, ban đầu mình lập page này vì có một đàn anh khuyên nên lập một blog phục vụ cho việc viết lách vì như thế sẽ tốt hơn. Mình thấy rất hay và tưởng tượng những bài viết mình viết ra sẽ có người đọc nên rất hứng thú, sau trở thành nghiệm viết.

Xem thêm nhiều bài viết khác của tác giả tại Anh Chàng "Otaku"

Follow Facebook Authority - Cộng Đồng Tác Gỉa Chuyên Sâu để đọc thêm các bài viết mang tính chất chuyên sâu thuộc nhiều lĩnh vực/ chủ đề khác nhau từ các tác giả là Blogger/ Author đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,223 lượt xem