Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Review Sách] Chiến Binh Cầu Vồng

Chiến binh cầu vồng là quyển tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Indonesia, Andrea Hitara, được dựa trên câu chuyện có thật về thời thơ ấu của chính tác giả.

Truyện kể về quá trình nỗ lực vượt lên cái đói, cái nghèo để được đi học của 10 cậu học sinh là con của những vị phụ huynh nghèo nhất đảo Belitong.  Và nỗ lực để được dạy của 2 giáo viên duy nhất của trường, thầy hiệu trưởng Harfan và cô giáo Mus.

Đọc CBCV xong, đọng lại trong mình là hình ảnh cậu bé Lintang gầy gò, đen nhẻm, mỗi ngày phải dậy từ sớm, đạp xe 40 km để đến trường. Khi xe hư, cậu không có tiền thay vỏ xe và mua cọng dây xích mới, nên phải dậy sớm hơn và đi bộ, đồng thời phải đi đường tắt mới kịp đến lớp. Mà đường tắt này lại phải đi ngang 1 đầm lầy đầy cá sấu. Có thể nói, để có thể đến lớp, mỗi ngày cậu đã phải đặt cược với mạng sống của chính mình.

Truyện truyền tải Ý NGHĨA ĐÍCH THỰC của việc LÀM THẦY, LÀM TRÒ và VIỆC HỌC, xen lẫn trong đó là những khoảnh khắc thơ mộng của thời thơ ấu, về tình yêu trong sáng lẫn những trò đùa tinh quái của tuổi học trò.

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

Lấy bối cảnh xã hội những năm 1980, câu chuyện về Chiến Binh Cầu Vồng diễn ra ở Belitong. Đây là hòn đảo nhỏ giàu có nhất ở Indonesia, nhưng lại có sự khác biệt sâu sắc giữa đời sống của 2 tầng lớp giàu – nghèo trên đảo.

Một bên là nhân viên của công ty khai thác Thiếc nhà nước, sống giàu có và tách biệt. Ngôi trường của con em họ đông vui, nhộn nhịp với hàng hàng dãy xe hơi đắt tiền và các lớp học đầy đủ tiện nghi.


buildingsBên kia là những dãy nhà ổ chuột của các tầng lớp lao động nghèo khó. Đó là những cư dân Belitong Mã Lai, người Hoa, người thổ dân Swang làm culi, làm công nhân, làm thợ nào dừa, làm ngư dân đánh cá. Họ rất nghèo, tiền công một tháng lao động mệt mỏi chỉ được 12 đôla (240.000 vnd) cho một gia đình tối thiểu là 2 vợ chồng cùng 7 đứa con.

Đối nghịch với trường PN (dành cho con nhà giàu) là trường tiểu học Muhamadya, ngôi trường làng nghèo nhất ở Belitong, dành cho con em tầng lớp lao động. Mặc dù không bắt buộc đóng học phí, nhưng số lượng trẻ em được đi học tại trường cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Năm đó, thanh tra cấp trên ra một chỉ thị đặc biệt : “Trường sẽ phải đóng cửa nếu tuyển không đủ 10 học sinh mới”. Chính điều đó đã khiến cô giáo Mus và thầy Harfan, hai giáo viên duy nhất của trường lo lắng đến phát khóc, và niềm vui chỉ đến với họ khi cậu bé Harun (bị thiểu năng trí tuệ) đến để trở thành học sinh thứ 10 của lớp học.

Ngôi trường Muahammadiyah vừa thiếu thốn về đội ngũ giáo viên lẫn học sinh, vừa hết sức tồi tàn về cơ sở vật chất. Trường không có đồng phục, không có dụng cụ sơ cứu y tế, không có toilet, thậm chí đôi khi còn không có cả phấn để viết bảng. Nên đôi khi cô giáo Mus phải ra bãi đất trống ngoài sân để giảng bài cho học trò bằng cách dùng cành cây viết trên nền đất.

Ngôi trường này duy trì được bởi sự tận tâm của thầy hiệu trưởng Harfan, cô giáo Mus nhỏ bé mới chỉ có 15 tuổi, cùng khát khao đi học cháy bỏng của 10 học trò nhỏ.

Nhắc tới chiến binh cầu vồng, mình không thể nào quên hình ảnh cậu học trò nhỏ Lintang phải dậy từ 3-4 giờ sáng, đạp chiếc xe cà tàng vượt hành trình 40km để đi học mỗi ngày. Để đến được trường, cậu phải vượt qua những khu rừng cọ, qua đầm lầy đầy cá sấu. Những ngày mưa phải bơi qua dòng nước chảy xiết, nhưng cậu bé ấy đã không nghỉ một buổi học nào, và luôn là người đến lớp sớm nhất. Cậu bé ấy còn trở thành niềm tự hào của ngôi trường nhỏ bé, một thần đồng toán học, người đã thắp lên niềm tin và ước mơ cho các bạn cùng lớp ngay cả khi cô giáo Mus mất hy vọng.

hanging pendant lamps

10 cậu bé ấy, là 10 câu chuyện, là 10 số phận, là 10 tấm gương về sự nỗ lực để đến trường.

Một Lintang với tài năng về Toán Học và KHTN.

Một Madhar với xúc cảm nghệ thuật thiên bẩm.

Một Trapani đẹp trai với ước mơ trở thành thầy giáo.

Một Sahara với ước mơ trở thành một nhà nữ quyền.

Và cậu bé Ikal người đã viết lên quyển sách này với mối tình đầu ngây thơ, trong sáng, với những kế hoạch A, kế hoạch B cho tương lai

Và còn Harun, A King,….

Sau mỗi cơn mưa, bọn trẻ lại leo lên cây để xem cầu vồng. Chính vì vậy, cô giáo Mus đã ưu ái đặt cho những học trò của mình cái tên đặc biệt “Chiến binh cầu vồng”.

Và không thể không nhớ thầy Harfan, cô giáo Mus những người đã gieo mầm  ước mơ trong những chiến binh.

Hình ảnh cô Mus đội lá chuối dạy học trong những ngày mưa.

Đặc biệt là hình ảnh thầy Harfan trút hơi thở cuối cùng trong chính ngôi trường của mình, ngôi trường thầy đã cống hiến suốt cuộc đời.

Dù điều kiện có khó khăn, dù dường như tất cả mọi thứ trong xã hội chống lại ước mơ nhỏ bé của họ nhưng họ vẫn vượt lên tất cả để được đến trường.

Vâng, tuổi thơ của những chiến binh ấy đã không ngừng chiến đấu, họ đã không bao giờ bỏ cuộc, ngay cả khi họ không thắng được sự nghiệt ngã của số phận họ vẫn không ngừng cố gắng.

Những đứa trẻ ấy học theo đúng nghĩa của nó, học vì thích học, vì muốn hiểu biết, muốn cuộc đời tươi sáng hơn. Không phải kiểu học cho có, cho xong.

VĂN CHƯƠNG ĐẸP ĐẼ, GIẢN DỊ, CHÂN THÀNH

CBCV là câu chuyện viết về giáo dục rất sâu sắc và vô cùng đẹp đẽ. Nó đẹp không phải bởi vì từ ngữ hoa mỹ, bay bổng mà bởi vì văn phong vô cùng giản dị và chân thành nhưng lại khiến người đọc vô cùng xúc động.

Xuyên suốt tác phẩm, song song với việc làm nổi bật sự nỗ lực vượt gian khó của học trò và giáo viên trường, tác giả còn đưa người đọc đi du hành về miền ký ức đẹp đẽ của tuổi thơ, với những trò chơi thuở nhỏ, những rung động đầu đời.

NHỮNG  CON SỐ ĐÁNG CHÚ Ý

CBCV đã được chuyển thể thành nhiều thể loại như phim truyền hình, phim điện ảnh và kịch. Bộ phim CBCV đạt doanh thu kỉ lục ở Indonesia, đồng thời dành được nhiều giải thưởng trong nước cũng như quốc tế.

Tác phẩm đã bán được trên năm triệu bản, được dịch ra 26 thứ tiếng, là một trong những đại diện xuất sắc nhất của văn học Indonesia hiện đại.

Nhờ thành công của bộ phim và cuốn sách, lượng du khách đến hòn đảo Belitong đã tăng đột biến.

BÀI HỌC RÚT RA

Gấp lại cuốn sách, mình thấy thật may mắn vì được đến trường, được học tập, được theo đuổi những đam mê của mình. Thấy hổ thẹn vì đôi lúc mệt mỏi muốn buông xuôi tất cả. Hổ thẹn vì những khó khăn mình gặp phải so với những cậu bé này có là gì đâu.

Chiến binh cầu vồng đã dạy mình phải không ngừng cố gắng, không ngừng nỗ lực để không phải hối tiếc.

Kết thúc cuốn sách là lời nhắc nhở của tác giả: Đừng bỏ cuộc.

Mình mong học trò của mình hiểu rằng được đi học, mặc ấm là hạnh phúc. Những tháng ngày học tập ở trường mặc dù cũng có những áp lực, nhưng đôi khi đó lại là ước mơ cháy bỏng của 1 ai đó.

Link mua sách, xem phim (Eng sub)

Mình hay mua sách tại tiki: Phí giao hàng hình như cộng thêm 13 ngàn nữa, giao tới tận nhà.

https://tiki.vn/chien-binh-cau-vong-tai-ban-p99644.html

Về phim, mình tìm mãi mà không thấy bản vietsub, chỉ có bản English sub này thôi. Mọi người đọc sách xong, có thể xem thêm phim để luyện Tiếng Anh luôn.

https://www.youtube.com/watch?v=U6dWqC42qic

------------

[Liên Kết Với Tác Giả Bài Viết - Cộng Đồng Tác Giả Chuyên Sâu AUTHORITY]

Tác giả: Thuyet Nguyen

Trên trang này bạn có thể tìm thấy: Thông tin về học bổng tập huấn tại Mỹ dành cho giáo viên (Cách thức nộp đơn, Kinh nghiện phỏng vấn xin VISA,...). Một số chia sẻ của cô giáo làng khi xách giỏ ra thế giới. Một vài chia sẻ về việc giảng dạy.

Xem thêm nhiều bài viết khác của tác giả tại trang http://nguyenthanhthuyet.wordpress.com/


Follow Facebook Authority - Cộng Đồng Tác Giả Chuyên Sâu để đọc thêm các bài viết mang tính chất chuyên sâu thuộc nhiều lĩnh vực/ chủ đề khác nhau từ các tác giả là Blogger/ Author đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,873 lượt xem