Ngoc Hau@Authority
7 năm trước
[TÂM LÝ HỌC] Đằng Sau Hình Xăm Dấu Chấm Phẩy...
Tôi vẫn nhớ những tin nhắn dài thiệt dài mà các độc giả gửi cho tôi trên trang cá nhân hay fanpage riêng của mình. Tôi không nhớ hết họ là ai nhưng có một điểm chung là tất cả họ đều đang bế tắc. Tôi nhớ nhiều lần mình đọc tin nhắn của họ và không dám trả lời ngay, bởi bản thân cũng chỉ là một người quá trẻ tuổi, kinh nghiệm lẫn trải nghiệm chưa thể gọi là lão làng để dành cho ai đó lời khuyên. Trong cơ thể chúng ta đều đang nuôi dưỡng một loại virut gây nên những căn bệnh tinh thần, nó không dễ chia sẻ ra như những đề tài mà ta thường tán gẫu với bạn bè hay những câu chuyện buồn đại loại khác mà ta cần một bờ vai để dựa dẫm. Chúng ta âm thầm cất giữ nó, và nó chẳng khác nào một quả bom nổ chậm. Chúng ta luôn sợ hãi những khoảnh khắc yếu đuối của bản thân mình, nhưng chúng ta không biết rằng mỗi ngày mình cũng đã bước qua biết bao nhiêu con người đang che dấu những bế tắc của họ đằng sau nụ cười và sự bận rộn.
Mentor (người hướng dẫn) của tôi hơn tôi 10 tuổi. Anh là một trong những người có sức ảnh hưởng đến những quyết định táo bạo và lớn lao trong cuộc đời tôi. Từng kiến thức về kinh doanh, tâm lý học, định hướng tương lai hay lối sống, tôi đều học được từ anh ấy. Sức mạnh của việc có một người hướng dẫn khi bạn còn trẻ là bạn có thể giải quyết những bế tắc của mình bằng cách nào đó nhờ việc đứng trên đôi vai người khổng lồ. Những bạn thời đại học của tôi vẫn thường nhắn tin than thở rằng giá như họ có một ai đó hướng dẫn để họ biết mình phải đi theo con đường như thế nào. Nhưng việc có một người thầy không phải khó khăn, nếu như bạn chịu ra ngoài, làm việc một cách chân thành thì kiểu gì cơ hội cũng sẽ đến. Gắn bó 2 năm với mentor của mình, tôi nhận ra có những thời điểm anh ấy không truyền kiến thức cho tôi một cách trực tiếp nhưng qua những gì anh ấy chia sẻ, tôi sử dụng tư duy để phân tích nghĩa bóng sâu xa. Cách đây không lâu, cụ thể là trong quãng thời gian tôi đang gap year, anh ấy có chia sẻ cho tôi một bài viết tiếng Anh và bảo tôi dịch nó sang tiếng Việt nhằm phục vụ nhu cầu cộng đồng. Đó là lúc tôi biết đến ý nghĩa của hình xăm dấu chấm phẩy...
Tôi chưa từng gặp bất cứ ai có hình xăm này ngoài đời. Nhưng tôi biết rõ có vô số những kẻ đang vật lộn với căn bệnh trầm cảm quái ác và hình xăm dấu chấm phẩy là biểu tượng của những người đã vượt qua cuộc đấu tranh tinh thần ghê gớm và nỗi ám ảnh của việc tự tử vẫn leo đeo bám họ hàng ngày... cho tới khi họ vượt qua được nó thì đó chính xác là một chiến thắng đáng tự hào. Có hàng loạt những cuộc đấu tranh tinh thần diễn ra từng giờ, từng phút trong mỗi chúng ta, có lúc chúng ta chỉ muốn quỳ rụp xuống để cầu xin sự an yên trong tâm trí. Căn bệnh trầm cảm ăn hết sức sống trẻ của chúng ta, nó khiến thân thể ta ngụp lặn dần trong bóng tối, trong đại dương bao la, để rồi khi nhìn xung quanh, ta chỉ thấy mình đơn chiếc. Điều kỳ lạ là chúng ta luôn cảm thấy tất cả mọi người trong cuộc sống này đang hạnh phúc, đang sung sướng, họ có chí hướng, họ có tình yêu viên mãn, họ có tất cả mọi thứ, chúng ta ích kỷ nghĩ rằng chỉ bản thân mình là bất hạnh, chỉ bản thân mình khổ sở, chúng ta cảm thấy bị bỏ rơi, không ai hiểu chúng ta và rồi cứ thế ta lấn sâu trong bùn đất, để mặc cơn trầm cảm hoành hành và cướp đi tuổi thanh xuân lẽ ra phải đâm chồi nảy lộc trên mặt đất.
Rồi tôi nhận ra....
Trầm cảm như một trận đại dịch.
Phải mất rất nhiều năm, con người ta mới học được cách chấp nhận những mất mát trong quá khứ để sống vui với tất cả những gì mình có trong hiện tại. Phải qua nhiều lần trị liệu tâm lý, một ai đó mới có thể quên cú sốc tinh thần mà họ đã đối mặt thời còn thơ ấu. Và phải đến lúc chịu ngồi xuống chia sẻ chân thành về bế tắc của mình, họ mới từ bỏ ý định tự tử. Ở lứa tuổi của tôi, người ta cảm thấy trầm cảm nhiều hơn là mắc phải hội chứng trầm cảm. Hoặc họ mắc phải hội chứng trầm cảm nhưng họ không biết, họ không rõ triệu chứng của nó là gì, họ không nói ra và họ cứ thế bất đắc dĩ sống với nó cho tới khi nó lớn dần lên theo thời gian và theo sự chăm sóc đặc biệt mà bạn dành cho nó. Khi Facebook và Instagram bỗng trở thành kênh xã hội chính để con người chia sẻ những khoảnh khắc và suy nghĩ riêng tư, tôi nhận ra bạn bè của mình có nhiều vấn đề hơn tôi tưởng. Đằng sau một bức ảnh là những dòng cảm nghĩ chứa đựng nhiều âu lo và nỗi chán nản. Nếu nhìn theo chiều hướng tích cực, những cuộc khủng hoảng tinh thần lại là trải nghiệm cần thiết giúp người trẻ trưởng thành. Lớn thêm một chút, mọi lo toan bao chiếm lấy những ngăn còn sót lại trong trái tim ta. Chúng ta nhận ra cuộc đời có thể dội vào mình những gáo nước lạnh đột ngột khiến bản thân phải tỉnh ngộ ra những dại dột, ngây thơ. Những dại dột ngây thơ ấy không còn vô tội như thời còn trẻ con nữa, vì lớn lên ta phải chịu trách nhiệm với những gì mình đã làm.
Hàng ghế cuối cùng của lớp học 125 sinh viên, tôi nhìn thấy những bạn ngồi một mình với sự lạc lõng và lẻ loi. Tôi đã từng như vậy và tôi hiểu cảm giác ấy. Sự đơn độc có thể là dấu hiệu bắt đầu của một cơn trầm cảm kéo dài. Bước vào môi trường năng động như Ngoại thương, rồi một ai đó cũng sẽ cảm thấy đơn độc khi họ nhìn vào những cái tên sáng loáng trên các băng rôn treo trong trường. Bạn tôi nói nhiều về sự vô dụng của cô ấy. Đến công ty, bạn ấy ăn mặc nhà quê ra sao, ít nói như thế nào, gương mặt cũng chả xinh xắn dễ thương, bỗng dưng sự tự ti cũng là mồi lửa châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tinh thần, biến nó trở thành nỗi trầm cảm ám ảnh không nguôi. Tôi không hiểu trầm cảm, bạn không hiểu trầm cảm, vì nó quá khó để nắm bắt, vì nó có thể bắt đầu mà không báo trước và nó có thể lớn lên thật nhanh và biến chúng ta thành những gã khờ vô dụng.


Chúng ta có thể đọc những thứ khiến tâm trạng của mình tốt lên, xem những thứ khiến ta cười, và ta cứ luôn ngỡ rằng những người khiến tinh thần ta phấn chấn lên, khiến ta yêu đời hơn chắc chẳng bao giờ mắc phải hội chứng tâm lý nào cản trở sự nghiệp của họ. Nhưng không hẳn vậy. Nhà văn là những người thường bị trầm cảm hoặc họ tự lôi mình vào đời sống tinh thần khắc nghiệt ấy để thấu hiểu rõ con người. Robin Williams - nghệ sĩ hài huyền thoại của nước Mỹ cũng ra đi vì chứng trầm cảm và nhiều những người nổi tiếng đang ở đỉnh cao của sự nghiệp như Stevie Ryan, Chris Cornell, Lee Thompson Young, ... cũng đã từ giã cuộc đời ở độ tuổi đẹp nhất. Họ chỉ giỏi trong lĩnh vực đem đến cho con người niềm vui giải trí nhưng họ không phải là chuyên gia quản lý cảm xúc và đời sống tâm sinh lý của mình. Những người viết lên một áng văn hay, sáng tác một câu chuyện dài ý nghĩa, bạn đọc xong, bạn cảm thấy yêu đời, có thể cơn trầm cảm của bạn sẽ dần được cải thiện, nhưng điều đó không có nghĩa rằng người sáng tác tác phẩm ấy cũng ổn như bạn nghĩ, họ đơn giản là những người có thể khiến độc giả/ khán giả của mình ổn hơn. Cách đây rất nhiều năm, tôi có gửi một vài email cho một vài tác giả mà bằng cách nào đó họ khiến tôi mạnh mẽ và táo bạo hơn trong đời sống tinh thần của mình. Tôi gửi đi không mong có sự đáp trả, tôi gửi đi vì tôi muốn bày tỏ những suy nghĩ, những bế tắc mà bản thân đã phải chịu đựng trong thời gian qua và cám ơn họ đã chia sẻ những điều tốt đẹp có thể thay đổi cuộc đời tôi mãi mãi. Bởi vì... suy cho cùng, bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có nhu cầu chia sẻ và nhu cầu được người khác lắng nghe những câu chuyện của mình. Tôi nhận thấy có rất nhiều người đã dập tắt đi cơ hội được chia sẻ của người khác. Họ tham lam dành quyền được nói về phía mình. Lúc tôi còn tham gia câu lạc bộ truyền thông ở trường Đại học, cứ sau một tháng toàn bộ thành viên trong ban lại ngồi với nhau để tâm sự. Đơn giản, chúng tôi thành lập câu lạc bộ không phải để buộc mọi người làm việc như một con rô bốt, là người, chúng ta có cảm xúc, chúng ta có đời sống tâm sinh lý phức tạp, chúng ta có những vướng mắc như tơ vò cần được tháo gỡ và nói chuyện, chia sẻ chính là cách tuyệt vời nhất để khiến mỗi cá nhân bước ra khỏi cuộc chiến trầm cảm đầy gian nan.
Hãy cởi mở về câu chuyện của mình...
Trong văn chương, dấu chấm phẩy được sử dụng khi chưa hết ý của câu.
Và nếu tác giả là bạn, câu văn chính là cuộc đời bạn. Bạn có quyền kết thúc câu hay viết tiếp phần còn thiếu của mình.
Biểu tượng dấu chấm phẩy như một tuyên ngôn đặc biệt của những người đã vượt qua cuộc chiến trầm cảm dai dẳng để sống sót và tiếp tục truyền cảm hứng cho những người đang đánh mất dần hi vọng trong cuộc sống của mình. Và từ lúc nào tôi nhận ra trầm cảm có thể là một hạt mầm nằm sâu trong lòng đất kia, sự sống của hạt mầm sẽ bắt đầu khi nó đủ can đảm đối mặt với ánh sáng thay vì bóng tối ở phía dưới.
Lúc tôi thành lập một câu lạc bộ tiếng Việt ở Vũng Tàu, tôi có quen một chị kĩ sư 25 tuổi xinh xắn, hiền lành và năng động. Tôi thật sự ấn tượng với chị bởi sự chủ động đề nghị dạy 2 người nước ngoài có yêu cầu khá khó. Trong một buổi họp chung toàn câu lạc bộ, khi mọi người đều có quyền giới thiệu về bản thân, tôi mới bất ngờ biết được chị đã từng bị trầm cảm rất nặng trước đó, từng không giao thiệp và gần gũi với ai, gia đình là những người đầu tiên nghĩ rằng cách hành xử của chị liên quan đến chứng tự kỉ. Tôi rất bất ngờ. Tôi thật sự ngạc nhiên vì đứng trước một cô gái dễ thương và hiếu động như vậy, tôi chưa bao giờ tưởng tượng được chị đã từng bị trầm cảm đè nặng tuổi thanh xuân. Thì ra, mỗi người đều có một câu chuyện, mỗi người đều có cách lựa chọn cho mình sống lạc quan hay vùi mình trong đất như hạt mầm nhu nhược.
Tôi cảm thấy mình là người may mắn vì việc bén duyên với nghề viết lách khiến tôi có cơ hội được lắng nghe câu chuyện của nhiều người. Tôi không phải là một nhà tâm lý học, không phải bậc thầy hay chuyên gia, nhưng tôi biết rằng những người tìm đến tôi và để lại lời chia sẻ cũng không tìm kiếm lời khuyên từ những người chuyên nghiệp như vậy. Chỉ đơn giản họ đang muốn thỏa mãn nhu cầu được cởi mở về câu chuyện của mình, họ cần một người lắng nghe họ nói, và tôi phù hợp với họ. Những người trầm cảm đôi lúc bế tắc vì họ không biết phải chia sẻ với ai, nhưng trong thâm tâm họ luôn muốn có một người nào đó sẵn sàng lắng nghe và giữ bí mật với những gì họ sắp nói. Một vài người lạ đã từng hẹn tôi đi cà phê, họ kể rất nhiều thứ về quãng thời gian vất vả của mình. Trước khi ra về, họ cám ơn và thú nhận với tôi rằng họ thực sự cảm thấy nhẹ nhõm. Hãy tưởng tượng cuộc sống sẽ như thế nào nếu con người thiếu đi sự tương tác.
Mỗi một câu chuyện đằng sau hình xăm dấu chấm phẩy đều phần nào đó đánh thức sức sống tiềm tàng trong chúng ta. Họ đã vượt qua và họ để lại cho loài người một di sản về tinh thần dũng cảm, chiến đấu quật cường. Không có chiến thắng nào đáng tự hào hơn cuộc chiến thắng bản thân, không có căn bệnh nào tiến triển nếu không có sự nỗ lực cố gắng từ kẻ đang phải chịu đựng nó. Nếu một ai đó, bạn bè của bạn, người thân của bạn hay chính bản thân bạn đang phải chống chọi với căn bệnh trầm cảm quái ác, hãy đặt dấu chấm phẩy đằng sau câu văn của mình, kể cho họ nghe về những người đã không chọn kết thúc cuộc đời mình một cách dở dang như thế. Bởi sau dấu chấm phẩy là một trang mới bắt đầu; ...
Tác giả: Trang PS

- B

- B
logger truyền cảm hứng và chia sẻ kinh nghiệm tại http://www.trangps.com
- Xem thêm các bài viết khác của tác giả tại: http://www.trangps.com/
Link bài gốc:
Follow Facebook Authority - Cộng Đồng Tác Giả Chuyên Sâu để đọc thêm các bài viết mang tính chất chuyên sâu thuộc nhiều lĩnh vực/ chủ đề khác nhau từ các tác giả là Blogger/ Author đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
941 lượt xem
Có thể bạn thích