Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public5 năm trước

[Triết Học Đường Phố] Lông Bông Tìm Nơi Chốn

Hồi nhỏ tôi ghét mưa, yêu mùa hạ và ghét mùa đông...

Ghét mưa vì mưa bẩn, mưa làm gián đoạn những ngày đi chơi hiếm hoi của một con bé thiếu hơi ấm gia đình. Yêu mùa hạ vì nắng đẹp, cỏ thơm, cây cối xanh lá, vì mẹ đi làm nhân viên buồng phòng, điều hòa bật cả ngày mát mẻ, đỡ vất vả, vì trời xanh thật là lâu nên đến tiết kiệm được bao nhiêu là điện. Ghét mùa đông, thực ra là không ghét, mùa đông ngủ thích ơi là thích, mùa đông được mặc những chiếc áo to như bông sướng ơi là sướng. Nhưng ghét mùa đông vì làm tay mẹ nứt nẻ, chỉ thế thôi!.


Hồi bé, tự thấy mình là một con bé suy nghĩ ra trò phết đấy. Lúc nào cũng biết để ý xem khi nào thì nên xin mẹ mua quà, khi nào thì nên im lặng ngồi chơi một mình.

Cơ mà lớn lên cái gì cũng thay đổi hết.

Cái tầm tuổi tôi, 18-19 là cái tuổi mà cái tôi mãnh liệt, gào thét đòi vị trí cao nhất! Không muốn nhân nhượng ai, không muốn thua kém ai, lúc nào cũng săm soi xem mình đang ở đâu trong cái xã hội này, lúc thì tự mãn, vênh mặt lên trời cười thầm, lúc thì ủ rũ, đầu cúi chạm đất nghĩ mình bé hơn con kiến chả là ai. Bấp bênh. Bấp bênh trên con đường xiên xéo tìm vị trí của mình. Nghĩ đến hồi còn ôn thi đại học, cái mục tiêu vào đại học như một cái nút, có thế xoáy chặt bao nỗi lo toan kì thi cử, bao nhiêu ấm ức mệt nhọc của những năm tháng lăng xăng vì điểm số, vì những điều khá...vô nghĩa. Có thể mở sang một trang mới hay cái gì đó mới mẻ và đầy triển vọng. Nhưng sau khi kết thúc kì thi đại học, cái nút chai như bật tung ra, để những con kiến từ trong chai chui ra ngoài mới thốt lên một câu Ôi cái thế giới này mới to lớn làm sao! Rồi chả biết đường nào mà đi. Khi còn ở trong cái chai thì đi mãi cũng thấy đường, đi mãi cũng chẳng lạc nhưng ra ngoài rồi thì càng đi càng lạc, càng đi càng như bước chân vào màn sương mù dày đặc. Có những người họ không biết mình đã ra ngoài  cái chai rồi, cứ nhởn nhơ, phởn phơ mà sống, không cố gây dựng, không cố tìm tòi, họ cứ để cho tạo hóa tạo ra số phận của họ một cách ngẫu hứng và bất cần. Theo năm tháng họ mất lái con thuyền cuộc đời của mình. Mưa xuống thì chịu mưa, nắng lên chịu nắng, hoàn toàn đi theo sự sắp đặt không cần suy nghĩ. Nhưng có những người lại luôn trăn trở, luôn miệt mài để tìm đường đi đến nơi mà họ phải đến. Ban đầu thì là sự hào hứng, tự tin nhưng càng về sau càng mệt nhoài mà đặt ra câu hỏi Rốt cuộc mình đang làm gì, mình đang đi đâu và dần dần họ mất trí nhớ đến mức tự hỏi mình là ai. Trong những kẻ miệt mài lại có 2 loại, loại thứ nhất thì nhanh chóng điên cuồng lao vào công việc, đặt mình vào hoàn cảnh hết sức bận rộn. Họ cho rằng như vậy sớm giải quyết được những câu hỏi trên kia. Tôi không biết đủ nhiều người thuộc loại thứ nhất để đưa ra nhận xét cá nhân là đó là việc làm sáng suốt hay không nhưng một điều luôn đúng là: Khi ta giành thời gian cho việc này tức là ta đang từ chối giành thời gian đó cho việc khác. Nếu quá bận rộn sẽ khó có thời gian để nghĩ đến ỹ nghĩa của những việc mình đang làm. Có lẽ vì thế nên đã có lúc vì quá bận rộn nên tôi cảm thấy như tôi đang không sống cuộc đời của chính mình nữa, và một giây phút nào đấy khi tôi ngừng làm việc, tôi lại chợt thấy mình vẫn đang mắc kẹt trong những câu hỏi mà đáng ra phải được trả lời. Chính vì thế nên giờ tôi đang thử trở thành kiểu người thứ 2, đó là những người luôn giành thời gian trau dồi cho bản thân, là kiểu người đặt việc hiểu bản thân, hiểu điều mình đang làm lên trên hết. Họ có thể làm nhiều công việc nhưng mục tiêu của họ thật rõ ràng: để hiểu bản thân, để đạt được điều mình muốn, để tìm ra vị trí phù hợp với mình trong cuộc sống này. Tôi mãi không quên được câu nói nổi tiếng của ông KimWooChung, CEO của tập đoàn DaeWoo rằng mọi vấn đề phức tạp của mỗi người đều là họ đang không ở đúng vị trí. Tuy nhiên quá trình hiểu bản thân chắc chắn là quá trình phức tạp và lâu la nhất của con người. Mỗi khi bạn hiểu bản thân hơn, chắc chắn bạn trưởng thành hơn. Mà theo tiến sĩ, giảng viên Rando Kim thì ý nghĩa cuộc đời của con người chính là sự trưởng thành.


Hạnh phúc của con người là sự trưởng thành. Có nhiều người thấy rằng cuộc đời con người là quá ngắn ngủi, có quá nhiều thứ để làm. Nhiều người cứ sang tuổi 21 lại tiếc tuổi 20. Tôi cũng từng như thế, cứ tiếc, tiếc, sao hồi đấy mình không thế này, hồi đấy không thế kia. Không cần đâu! Chúng ta biết rằng mọi thứ sẽ không quay trở lại như cũ, rằng thời gian trôi đi rồi không trở lại. Nhưng chúng ta cũng phải hiểu thực sự mọi thứ không quay trở lại để ta làm lại một lần nữa vì dẫu có cho bạn quay về bạn cũng có thể vẫn chỉ là cô bé 15 tuổi với suy nghĩ của tuổi 15, chấm hết. Quá trình trưởng thành quý giá ở chỗ, suy nghĩ, kiến thức, kĩ năng, quan điểm của bạn cứ càng ngày càng được nới rộng và quá trình trưởng thành cũng đặc biệt ở chỗ với mỗi người, lại là những câu chuyện khác nhau, để rồi khi ngồi cùng nhau trên một bàn cafe nào đó, ta chia sẻ và lại được học hỏi. Cá nhân tôi cho rằng: Cuộc sống ngắn để mình hiểu rằng mình được trao cho cuộc đời này là để một ngày khi mình không còn gì cả, khi chỉ còn xác xơ trong cái thân già, mình nắm giữ được di sản lớn lao nhất của cả đời đó là Tôi được sống vì...và tôi không còn gì hối tiếc!.

 

A lesson will be repeated until learned



--------------

[Liên Kết Với Tác Giả Bài Viết - Cộng Đồng Tác Gỉa Chuyên Sâu AUTHORITY] 

Tác giả: Nguyễn Minh Anh

Một bông bồ công anh muốn bay đi khắp thế giới (sến quá nhưng mình rất thích được lan toả được bay nhảy)

Xem thêm nhiều bài viết của tác giả tại: viyork  

Follow Facebook Authority - Cộng Đồng Tác Giả Chuyên Sâu để đọc thêm các bài viết mang tính chất chuyên sâu thuộc nhiều lĩnh vực/ chủ đề khác nhau từ các tác giả là Blogger/ Author đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

109 lượt xem