Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

8 Bài Học Ý Nghĩa Từ "The Book Thief" − "Kẻ Trộm Sách"

Là dự án điện ảnh được chuyển thể từ quyển tiểu thuyết cùng tên, The Book Thief − Kẻ trộm sách được xem là một trong những bộ phim nghệ thuật mang đến cho người xem những cảm xúc chân thực nhất về chiến tranh. Không chỉ thu hút vì nhạc hay, cảnh đẹp, kịch bản tốt, Kẻ trộm sách còn được nhiều khán giả lẫn các nhà phê bình phim yêu thích vì những bài học ý nghĩa mà nó mang lại.

Kẻ trộm sách- tác phẩm của nhà văn Úc Markus Zusak xuất bản năm 2005 đã làm mưa làm gió trên bảng xếp hạng những cuốn sách bán chạy nhất của The New York Times hơn 100 tuần liên tiếp, trở thành một tác phẩm kinh điển, một sự lựa chọn của hệ thống các thư viện trường học của Anh và Mỹ. Kẻ trộm sách khi mới ra đời đã lập tức gây ngạc nhiên cho những cây bút phê bình văn học trên thế giới và làm hàng triệu cặp mắt phải nhào lệ. Sau đây là những bài học ý nghĩa được rút ra từ Kẻ trộm sách.

Bài học đầu tiên: 

Sách vở là quý giá nhất. Không cần phải nói dông dài, tự thân cái tên bộ phim cũng đủ để nói lên điều này. Cô bé Liesel đã có quyển sách đầu tiên của đời mình nhờ nhặt được của một người đào mộ, quyển Cẩm nang dành cho người phu tang lễ. Dù chưa biết đọc, Liesel vẫn rất yêu quý quyển sách này. Lòng trân quý dành cho sách vở của cô bé được hun đúc trong từng ngày sống giữa thời chiến thật mãnh liệt.

Có rất nhiều cảnh quay, chi tiết, nhiều cột mốc xoay quanh những quyển sách và việc học đọc chữ của cô bé Liesel trong phim. Càng xem, khán giả sẽ càng có cảm giác mến mộ Liesel vì giữa một thời đại mà Hitler kiên quyết cho đốt sách, cô vẫn tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời mình qua những con chữ.


Bài học thứ hai: 

Tình thương sẽ tạo nên mái ấm. Dù không phải bố mẹ ruột của Liesel, Hans và Rosa vẫn từng ngày từng ngày yêu thương cô bé như chính con đẻ của mình. Hans là một người đàn ông có tâm hồn trẻ con, thánh thiện và tốt bụng. Còn Rosa dù luôn tỏ ra dữ dằn với những ngôn từ nanh nọc nhưng lại rất nhân từ và nghĩa khí. Cả hai đã dùng chính tình yêu của mình để khiến Liesel cảm nhận được tình thương của mái ấm. Điều đó không gì quý bằng.

Bài học thứ ba: 

Nhân quả vẹn toàn. Sở dĩ nói nhân quả vẹn toàn vì khi Max tìm đến nhà Hans và Rosa, hai ông bà đã ngay lập tức cho cậu tá túc trong nhà mà không kêu ca gì nhiều (ngoài một vài nỗi lo và sự bực bội nhẹ của Rosa). Trong quá khứ, bố của Max từng hy sinh trong trận mạc để bảo vệ Hans và đây là lúc để ông trả ơn. Bộ phim lại một lần nữa nhắc nhớ người xem về tình nghĩa ở đời, rằng nếu giúp người, sớm muộn gì ta cũng sẽ được đền đáp.

Bài học thứ tư:

 Có một người bạn thân thật tốt. Xem Kẻ trộm sách, rất nhiều người sẽ thấy thích thú và yêu mến tình cảm đặc biệt giữa Liesel và cậu bé Rudy. Dù chỉ mới 12 tuổi nhưng Rudy đã vững chãi và có đam mê rất rõ ràng. Cậu là một mẫu “bạn trai trẻ con” nên có trong mỗi cuộc đời của một cô gái. Dù không chia sẻ với Rudy nhiều thứ nhưng từ sâu trong tâm hồn của mình, Liesel chắc hẳn sẽ biết bản thân mình cảm thấy hạnh phúc bên cậu bạn ấy đến thế nào.



Bài học thứ năm: 

Ở đâu đó luôn có điều kỳ diệu. Kẻ trộm sách là bộ phim có rất nhiều điều kỳ diệu. Đạo diễn Brian Percival đã rất khéo léo trong việc chuyển tải gần như trọn vẹn tinh thần của quyển tiểu thuyết đến người xem. Mỗi một quyển sách đến với tay Liesel đều diễn ra khá bất ngờ và như một phép màu. Kỳ diệu nhất là cô đã gặp được vợ ngài thị trưởng và nhận ra tâm hồn cao đẹp, đáng khâm phục của bà.

Bài học thứ sáu: 

Hãy kiên định với mục tiêu của mình. Đó là điều mà Hans tâm huyết nên mặc dù được kêu gọi rất nhiều lần, ông vẫn kiên quyết không vào đảng của Hitler để phục vụ Đức quốc xã. Một người đàn ông dù nghèo và khốn khó đến vậy nhưng vẫn kiên trì sống với tôn chỉ của mình thật đáng khâm phục.

Bài học thứ bảy: 

Yêu thương đôi khi không cần nói thành lời. Xuyên suốt bộ phim, khán giả hiếm khi thấy Hans và Rosa nói một lời yêu mến nào cho nhau. Với bản chất thẳng thắn, nóng tính, Rosa đôi khi còn khiến khán giả ghét vì cái tính hay bực bội của bà. Nhưng nếu chịu khó theo dõi, bạn sẽ nhận ra Rosa thực tế không mạnh mẽ như mọi người thường nghĩ. Rosa rất yêu chồng, thương con, chỉ có điều bà không nói ra mà thôi. Phân đoạn lúc Rosa ngồi ôm chiếc đàn phong cầm mà Hans để lại nơi căn nhà quả thực rất xúc động, khiến nhiều khán giả phải rưng rưng nước mắt.



Bài học cuối cùng: 

Cuộc đời vốn dĩ không công bằng. Đây là một bài học khá đau lòng nhưng luôn đáng để chúng ta ghi nhớ. Cuộc sống này đầy rẫy những áp bức, bất công và đôi khi chúng ta, thay vì tìm cách chống lại, hãy cố gắng tìm lấy những giá trị cao đẹp của cuộc đời ẩn sâu trong nó. Tìm thấy niềm vui trong giông bão, đó mới là điều mà cô bé Liesel thực sự đeo đuổi.

Suy cho cùng, Kẻ trộm sách là một bộ phim đáng để xem về đề tài chiến tranh. Ở đó không có quá nhiều súng đạn, hay chủ nghĩa anh hùng, hay lý tưởng. Ở đó chỉ có những thân phận con người.

Xin trích dẫn một câu nói của Thần chết: "Vẫn luôn như thế, sự phấn khích và mong ngóng chiến tranh. Tôi đã gặp nhiều thanh niên trẻ trong những năm qua. Chúng nghĩ rằng mình đang chạy đến với kẻ thù, nhưng sự thật là chúng đang chạy đến với Tôi"

Nỗi đau trong Kẻ trộm sách, có chăng, là nỗi đau của những con người không-được-phép-sống. Một ông bố từ chối vinh hoa phú quý, từ chối kết nạp "Đảng" để gìn giữ lương tri. Một bà mẹ từ bỏ vẻ ngoài hiền từ nhân hậu vốn có, để bảo vệ những người yêu thương. Một cô bé xinh đẹp, mê sách, phải lén lút gìn giữ và ngấu nghiến đọc những cuốn sách ở dưới tầng hầm bí mật. Một phụ nữ mất con phải kìm nén bản năng yêu thương và sự chở che đối với một cô bé không quen biết.

Nguồn:  vnwriter.net

---------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

Tham gia Bookademy Team để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,488 lượt xem