Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[A Crazy Mind] Ảnh Hưởng Của Xâm Hại Tình Dục Đến Quá Trình Trưởng Thành?


Xâm hại tình dục và những sang chấn mà nó gây ra đang ngày càng được xã hội quan tâm và bàn luận nhiều hơn. Ngọn lửa đang được thổi bùng lên bởi những câu chuyện được chia sẻ bởi chính nạn nhân. Đã có những cuộc đối thoại thẳng thắn về việc xâm hại tình dục là gì và những nạn nhân của nó có cảm xúc như thế nào. Và cũng đã có những cụm từ như “kẻ săn mồi tình dục” (sexual predators) hay “văn hóa cưỡng hiếp” (rape culture) giúp những nạn nhân đứng lại gần nhau hơn. Họ biết rằng mình không chiến đấu một mình bởi vì những vụ xâm hại vẫn đang dần bị vạch trần trên mạng xã hội, vì những nạn nhân đã dũng cảm hạ tấm khiên xuống để tiết lộ sự thật. Những cuộc đối thoại thẳng thắn như thế này sẽ giúp thế hệ mai sau hiểu rõ vấn đề hơn và, cũng có thể, được chữa lành sớm hơn.

Còn đối với một vài người trong số chúng ta, liệu đã quá muộn để có thể quay lại như lúc đầu? Những người đã mang theo mình những vết thương đi qua bao năm tháng cuộc đời – những vết thương mà bản thân chúng ta còn chẳng dám nhìn lại dù ở một mình. Chúng ta không còn trẻ để tìm kiếm sự an ủi từ bạn bè, nhưng cũng chưa đủ trưởng thành để nhận thức được về nó, vì tâm trí của chúng ta chưa bao giờ phát triển qua cái độ tuổi xảy ra sự việc đó. Nhưng chúng ta vẫn phải vận hành trong xã hội, vẫn phải sống, tìm việc làm, lập gia đình và nuôi nấng con cái. Chúng ta ở ngoài xã hội, như những con búp bê sứ bị vỡ và dán tạm bợ bằng băng dính thay vì keo dán chất lượng. Chúng ta ở đây, cố gắng giữ thăng bằng trong nội tâm và nể phục cách mà mình quản lý được cuộc sống của bản thân. Và tôi biết rằng nếu có ai đó dừng lại và hỏi tôi về những chuyện khủng khiếp đã xảy ra với tôi, tôi sẽ tan vỡ ngay tại chỗ.

Nuôi dạy con cái khi bản thân là nạn nhân của xâm hại tình dục thời thơ ấu là một con đường đầy gian nan. Bên cạnh việc không biết nên làm gì cho đúng, bạn còn không biết việc là một đứa trẻ sẽ như thế nào. Xâm hại đã khiến bạn già trước tuổi. Bạn đã buộc phải trưởng thành trước cả sự mong đợi của người lớn và trước cả khi hình dung được nó là gì. Bề ngoài bạn là một đứa trẻ, nhưng bạn biết cơ thể bạn còn làm được những việc khác. Bạn bối rối. Và việc nuôi dạy con còn có thể khơi dậy một phần trong con người bạn mà bạn không biết có tồn tại. Nó có thể khiến bạn trở nên bảo vệ quá mức hoặc thận trọng thái quá. Bạn sẽ khó nhận ra mình đang áp đặt lối giáo dục đó lên con mình vì bạn đã sống theo cách đó cả cuộc đời.

Kiểm tra ổ khóa cửa mỗi tiếng đồng hồ, hoảng loạn khi để con một mình trong phòng thay đồ ngay bên cạnh mình, không ngừng lo lắng khi con ngủ qua đêm ở nhà của đứa bạn – dĩ nhiên có cả phụ huynh của đứa trẻ đó. Đây là những phản ứng bình thường mà, đúng không? Tuổi thơ của chúng ta là chuỗi ngày sống trong sợ hãi, đề phòng, và chúng ta cũng đang dạy con chúng ta cách sống như vậy. Tôi sẵn sàng thừa nhận mình là một trong những phụ huynh như thế. Tôi đã không dám đọc một số bài thơ vần dành cho trẻ em cho con tôi vì nó khiến tôi cảm thấy sợ. Tôi cũng đã để lại một bản lưu ý dài kín 4 mặt giấy cho người trông trẻ đầu tiên của con tôi trước khi rời nhà. Thường sẽ có một nỗi sợ mơ hồ dấy lên trong chúng ta mỗi khi nhìn vào mặt các con. Chúng ta thấy ở đó sự ngây thơ, và điều đó nhắc chúng ta nhớ về cách mà ta đã đánh mất nó.



Lăng kính mà chúng ta dùng để nhìn cuộc đời đã nứt vỡ và mờ đục, nhưng chúng ta còn biết gì khác hơn được. Tôi, cũng như những nạn nhân khác, không hề có một tuổi thơ để có thể nhìn lại vì tôi đã luôn là một đứa trẻ bị lạm dụng. Một vòng xoáy hỗn loạn của nỗi sợ hãi, sự ghê tởm bản thân và cơn giận dữ cuộn trào trong chúng ta đến khi ta không thể hoạt động bình thường nữa. Bạn bè và người bạn đời của chúng ta không hiểu được. Bố mẹ thì chẳng thể chịu nổi việc nghe chúng ta kể về nó nữa. Những mối lo của tôi về con tôi có chút phi thực tế. Tôi sợ con gái tôi sẽ trở nên dễ dãi và cho phép bọn con trai tự do chạm vào cơ thể mình. Tôi sợ rằng con trai tôi sẽ trở thành nạn nhân của bạo lực vì nó có giọng nói nhỏ nhẹ như bố nó mà tôi lại chẳng hay biết. Giờ khi chúng đã trở thành thiếu niên và có những mối quan hệ nghiêm túc đầu tiên của đời mình. Tôi lại luôn bị giằng xé giữa cảm giác hạnh phúc và lo sợ tột cùng. Tôi vừa phải dạy con gái mình cách tôn trọng bản thân và vừa phải dạy con trai mình cách tôn trọng phụ nữ, đồng thời còn phải kìm nén trước những yếu tố khơi gợi nỗi đau của mình và cố gắng quản lý bản thân thật tốt.

Tôi phóng chiếu rất nhiều điều từ quá khứ của mình lên tương lai của các con tôi. Điều đó là bất công cho các con, và cả cho bản thân tôi. Tương lai của chúng sẽ khác bởi vì quá khứ của chúng khác quá khứ của tôi. Tôi không thể thay đổi cuộc đời của mình, nhưng tôi có thể cho các con tôi một cuộc đời khác – tốt hơn thứ mà tôi đã có ở độ tuổi chúng. Tôi đã mất nhiều năm để có thể tìm thấy sự dễ chịu và niềm hạnh phúc trong việc nuôi dạy con. Hiện giờ tôi vẫn chật vật, nhưng chuyện gì qua đã qua. Chúng ta thường nghe người khác nói rằng con người phải học cách yêu thương bản thân trước khi có thể cảm nhận tình yêu thương của người khác, nhưng nói điều đó với một nạn nhân bị xâm hại tình dục chẳng khác gì bảo họ dịch chuyển ngọn núi Vesuvius – vốn là một việc không tưởng. Chúng ta, những nạn nhân năm ấy, không ngừng ở trong chế độ phòng vệ, níu lấy những nỗi sợ hãi vô hình. Chúng ta có những mong muốn tốt đẹp dành cho con, nhưng chính những hành vi của chúng ta mới là thứ sẽ dạy con sống trong cuộc đời. Đó quả là một gánh nặng chồng chất trên vai một người mà việc đảm bảo cuộc sống vận hành tốt mỗi ngày đã là một điều khó khăn. Nhưng, chúng ta vẫn sẽ làm việc đó.



Đến cuối cùng tôi đã tìm được sự giúp đỡ mà mình cần ở tuổi 40. Bước sang tuổi 40, tôi bắt đầu dọn dẹp ngôi nhà tinh thần của mình: Tôi đổi việc, quay lại theo đuổi con đường học vấn và đi tham vấn tâm lý đàng hoàng. Nhà tham vấn về cưỡng hiếp của tôi đã cứu lấy cuộc đời tôi. Bên cạnh việc cho tôi một chẩn đoán chính thức với kết quả là Rối loạn stress sau sang chấn phức tạp (Complex Post-traumatic Stress Disorder – CPTSD), cô ấy đã giúp tôi hiểu được vì sao mình lại trở nên như bây giờ và rằng điều đó không khiến tôi trở thành một con người xấu hay một người mẹ tồi. Cô ấy đã cho tôi rất nhiều công cụ để sử dụng khi cần xử lý những thứ gây tổn thương và nỗi sợ của bản thân. Cô ấy cũng đã dạy tôi cách yêu thương bản thân. Công cụ này đã giúp tôi đưa ra nhiều quyết định sáng suốt hơn và nhờ đó tôi có thể chăm sóc bản thân tốt hơn. Nó cũng giúp tôi nhận ra khi nào mình cần sự giúp đỡ và dũng cảm cho phép bản thân nhận sự giúp đỡ từ người khác.

Tôi vẫn đang trong tiến trình chữa lành bản thân. Tôi đang tham gia trị liệu Giải mẫn cảm chuyển động nhãn cầu và tái nhận thức (EMDR) để tập trung xử lý những thứ khơi gợi nỗi đau và nỗi sợ của mình. Tôi cũng đã hoàn thành 2 chương trình đào tạo đại học/cao học và hiện đang là một nhân viên công tác xã hội. Bên cạnh đó, tôi cũng thường xuyên trò chuyện với những nạn nhân khác như mình trong các nhóm hỗ trợ thông qua phương tiện truyền thông và trang cá nhân. Tôi cảm thấy hạnh phúc trong việc chia sẻ với họ những công cụ và lời khuyên đã giúp ích cho bản thân. Tôi đã trở thành một người mẹ mạnh khỏe và ổn định về tinh thần như tôi đã luôn mong muốn. Tôi không còn cảm thấy xấu hổ khi ở bên các con của mình. Dù không thể cho các con một người mẹ như vậy sớm hơn, nhưng tôi nghĩ rằng muộn còn hơn không. Và các con tôi hẳn cũng nghĩ vậy.


[A Crazy Mind là một tổ chức cộng đồng hợp tác với YBOX - Kênh Thông Tin Chất Lượng Cao Của Giới Trẻ & Sinh Viên Việt Nam nhằm nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng. Với sứ mệnh này, chúng tôi cung cấp cho bạn đọc những đa dạng chủ đề về tâm lý học giúp cho việc nhận thức về sức khỏe tinh thần trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết]

Dịch: Lyo

Nguồn:  https://themighty.com/2018/12/parenting-trauma-abuse-survivor/

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: A Crazy Mind”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày!

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

450 lượt xem