Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[A Crazy Mind] Bạn Có Phải Là Một Con Ma Cà Rồng Cảm Xúc?


Để biết kết quả, hãy thử trả lời bộ câu hỏi dưới đây, một cách thành thật nhất có thể.

1. Bạn có cảm thấy như người khác thường không hề (hoặc không thể) hiểu mình?

2. Bạn có cảm thấy trong cuộc sống của mình có nhiều rào cản mà bản thân không thể kiểm soát?

3.    Bạn có thường nhờ người khác giúp đỡ và/hoặc cảm thấy chỉ có một ít người sẵn lòng giúp?

4.    Bạn có thường cảm thấy mình không nhận được đủ sự chú ý và trân trọng mà mình xứng đáng?

5.    Bạn có hay bị người khác chê là không biết lắng nghe, trong khi bạn thấy họ mới là người không lắng nghe mình?

6.    Bạn có cảm thấy phần lớn mọi người có cuộc sống dễ dàng hơn mình?

7.    Bạn có thường cãi cọ với bạn bè và người thân thiết?

8.    Nếu có, thì người sai thường là đối phương?

9.    Người khác có thường đột nhiên cắt đứt liên lạc với bạn không rõ nguyên do và không muốn nói chuyện với bạn nữa?

10.  Bạn có thường cảm thấy bất lực, như là mình không có nhiều cơ hội để cải thiện cuộc sống?

Nếu hơn một nửa câu trả lời là “có/đúng”, thì hãy đọc bài viết này thật kỹ. Đây có thể là bước đầu tiên giúp bạn loại bỏ dần được những điều không mong muốn trên. Trong quá trình đọc, một vài phần có lẽ sẽ hơi khó chấp nhận, nhưng tôi mong bạn có thể nghĩ thoáng hơn và nghiền ngẫm thật nghiêm túc.

Nếu bạn đã trả lời “có/đúng” với hơn một nửa số câu trên, thì có khả năng bạn là một mà cà rồng cảm xúc (emotional vampire). Đừng quá thất vọng về bản thân, đây không phải lỗi của bạn. Điều này chỉ nói lên rằng bạn đã từng bị tổn thương trong quá khứ. Và kết quả là giờ đây bạn tổn thương những người xung quanh mình – một cách không có chủ ý. Để rồi họ phải đẩy bạn ra và bạn càng tổn thương nhiều hơn. Đó như một vòng luẩn quẩn. Nhưng bạn lại chẳng thể làm gì, vì bạn thậm chí còn không biết được chuyện gì đang xảy ra với mình.

Giờ có thể bạn đang nghĩ rằng “Cái gã này biết gì về mình mà nói như đúng rồi vậy chứ!”. Qua nhiều năm, tôi đã được tiếp xúc với hàng trăm người như bạn. Ma cà rồng cảm xúc không còn quá xa lạ với tôi, và tôi có thể nhận ra khá dễ dàng. Trong số những người thân thiết xung quanh tôi cũng có những người như vậy, và những tổn thương mà họ đã vô tình gây ra vẫn còn lưu lại sẹo trong lòng tôi. Vì vậy, nếu bạn (hoặc bạn bè, người thân) đang gặp khó khăn với những vấn đề như trên, thì sao không thử đọc hết bài viết này.



Ma cà rồng cảm xúc là ai ?

Họ là những người có xu hướng hút cạn năng lượng cảm xúc của người khác. Họ gây kiệt sức. Họ luôn cần được chú ý. Dường như cuộc sống của họ luôn có khủng hoảng hoặc sự kiện quan trọng. Những người này là chuyên gia trong việc khơi gợi phản ứng cảm xúc từ người khác để thỏa mãn nhu cầu của bản thân, bất kể đó là cảm xúc dương tính hay âm tính.

Mọi ma cà rồng cảm xúc đều có vấn đề với lòng tự trọng, nhưng không phải ai có lòng tự trọng thấp đều thuộc nhóm này. Lòng tự trọng thấp có nhiều dạng và ở mỗi người khác nhau thì biểu hiện cũng rất khác nhau, và ma cà rồng cảm xúc là một nhóm trong tập hợp những người có vấn đề với lòng tự tôn.

Ma cà rồng cảm xúc có 3 đặc tính tồn tại đồng thời : nhu cầu được chú ý/được công nhận bởi người khác ở mức độ cao, tin rằng hầu như mọi việc xảy ra đều không phải do lỗi ở họ, và tự nhận thức thấp – ngăn trở họ nhìn ra được lối sống tự hủy hoại bản thân của mình. Những ai biết Six Pillars of Self-Esteem (tạm dịch: 6 thành tố của lòng tự trọng) của Nathaniel Branden sẽ nhận ra 3 đặc tính trên. Điều đó có nghĩa là những ma cà rồng cảm xúc thiếu mất 3 trong 6 yếu tố để xây dựng nên lòng tự tôn vững mạnh.

Đây là một tổ hợp đặc tính nguy hiểm bởi vì: 1) những đặc tính này củng cố lẫn nhau, khiến chúng trở nên bền vững hơn trong nhân cách con người, và 2) chúng có thể thu hút và làm tổn thương những người tốt xung quanh chủ thể.

Đừng lầm tưởng rằng những kẻ thèm khát cảm xúc này luôn là những kẻ trông có vẻ kém cỏi. Họ có thể là một trong những người cuốn hút và thành đạt và ta biết. Bất kể người đó là nam hay nữ, đẹp hay xấu, giàu hay nghèo thì họ vẫn có thể mà một ma cà rồng cảm xúc. Điểm chung của họ là luôn tạo ra những mối quan hệ độc hại, bao gồm quan hệ tình ái lẫn quan hệ thân hữu.



1.    Nhu cầu được chú ý, công nhận cao:

Những cuộc trò chuyện của ma cà rồng cảm xúc thường xuyên được làm chủ bởi một người: bản thân họ. Chủ đề thường chỉ xoay quanh họ, vấn đề của họ, về việc ai đó hay việc gì đó thật tệ với họ, cả việc họ tuyệt như thế nào, hay thảm hại ra sao, và việc người khác ngưỡng mộ hay căm ghét họ thế nào,… Sự tập trung vào bản thân thái quá của họ có thể biểu hiện theo hai xu hướng, một là ảo tưởng về sự tuyệt vời của mình (“Mọi người trong nhóm ở chỗ làm đều thích làm việc với tôi, nhưng tôi phải nói với quản lý rằng tôi không muốn làm việc với Dave chút nào”), hai là ảo tưởng về sự thảm hại và bất lực của bản thân (“Chẳng ai trong nhóm hợp xướng muốn chung phòng với tôi. Vì họ khá là tự kiêu trong khi tôi thì chẳng xinh đẹp được như họ”). Thường thì những ảo tưởng này có thể xuất hiện luân phiên trong cùng một cuộc nói chuyện. Nhưng dù là thế nào, thì chỉ cần một tiếng đồng hồ nói chuyện với họ cũng đủ khiến một người muốn điên lên và muốn đập đầu vào tường. “Làm ơn ngừng lại đi”, “Đừng nói chuyện này nữa” – họ nghĩ.

Ma cà rồng cảm xúc cũng thường bị thôi thúc làm những hành động gây chú ý. Như trên đã nói, đây có thể xuất phát từ việc muốn thỏa mãn cá nhân hay việc chán ghét bản thân. Bạn có thể nghĩ đến một anh chàng khá phiền hà ở chỗ làm, hay đứng dậy phát biểu những câu không hợp hoàn cảnh để có được những tràng cười từ người khác. Hay một cô gái ở buổi tiệc, khi bị châm chọc, liền hét toáng lên và chạy ra khỏi phòng, vừa chạy vừa khóc. Dù gây được hiệu ứng tốt hay xấu thì họ vẫn thành công trong việc thu hút sự chú ý. Và đối với những người cần sự chú ý nhiều như ma cà rồng cảm xúc, thì mọi phản ứng cảm xúc của những người xung quanh – cho dù đó là phẫn nộ, thương hại, tức giận hay ghét bỏ – đều có giá trị.

Chính nhu cầu quá cao về sự công nhận và chú ý là thứ đẩy những người xung quanh ra xa ngay từ đầu. Ở bên cạnh ma cà rồng cảm xúc, người khác cảm thấy như bị rút cạn năng lượng và sự kiên nhẫn. Cuộc đối thoại về những thăng trầm cảm xúc thay đổi liên tục, những sự kiện trầm trọng (thành công hay thất bại) khiến người khác dễ mệt mỏi, và hầu hết những người (có lòng tự tôn cao) thường không sẵn lòng chịu đựng chúng. Vì vậy, họ rất thẳng thừng từ chối cuộc gặp gỡ lần sau, điều này vô tình củng cố thêm niềm tin của ma cà rồng cảm xúc rằng người xung quanh thật xấu tính, rằng không ai ưa mình, rằng mình là nạn nhân và dĩ nhiên mình không phải là người phải chịu trách nhiệm về việc này.

2.    Tin rằng vấn đề của mình không phải do lỗi ở bản thân

Những hành động quá mức của ma cà rồng cảm xúc khơi lên ở người xung quanh những phản ứng tiêu cực và vì thế đẩy họ ra xa. Nhưng thay vì cân nhắc rằng việc người khác đối xử với mình như vậy có thể là do những gì mình nói, mình làm thường quá vị kỷ, thô lỗ, phiền hà, gây khó chịu, buồn bực hay xúc phạm đối với họ, thì họ thà nghĩ rằng những người xung quanh là người xấu, tồi tệ, phân biệt đối xử, mù quáng, kiêu căng, lạnh lùng,…

Cơ chế vận hành của 2 đặc tính này rất xảo quyệt. Chính nhu cầu được công nhận, quan tâm và chú ý ở ma cà rồng cảm xúc thúc đẩy họ thực hiện những hành vi chống đối xã hội, gây ra phản ứng tiêu cực ở người khác, và vì thế họ đỗ lỗi cho người xung quanh và cảm thấy tủi thân nhiều hơn, việc này càng làm sâu sắc hơn nhu cầu được chú ý ở họ, và vòng lặp lại tiếp diễn.

Khả năng hợp lý hóa những hành vi chống đối xã hội của ma cà rồng cảm xúc rất mạnh mẽ. Nó không chỉ đơn thuần là phóng chiếu những giá trị tiêu cực lên người khác (ví dụ như khi một nhân viên than vãn rằng “sếp sa thải tôi vì hắn là một tên khốn”, chứ không phải là “sếp sa thải tôi vì tôi hay nói xấu sau lưng người khác – bao gồm cả ông ta”).

Không, việc hợp lý hóa của họ còn hơn cả thế: họ có thể đánh đồng rằng tất thảy đàn ông đều là những con thú chỉ nghĩ đến tình dục; còn phụ nữ thì hống hách và kiêu căng; và chẳng ai có thể nhận ra họ thú vị/thông minh/dí dỏm/hấp dẫn/tốt bụng như thế nào vì tất cả mọi người dường như chỉ toàn tập trung vào bản thân. Trong khi đó, những người xung quanh ma cà rồng cảm xúc có thể thấy rất rõ rằng sở dĩ họ gặp khó khăn trong cuộc sống nhiều vậy là do thái độ tiêu cực và sự vị kỷ của họ.

Chỉ có một loại người sẽ muốn tiếp xúc với ma cà rồng cảm xúc: những cá nhân có lòng tự trọng thấp khác. Đó có thể là vì họ không nhận thức được những hiệu ứng tiêu cực mà ma cà rồng cảm xúc tác động lên mình hoặc bản thân họ cũng là những ma cà rồng cảm xúc, bị cuốn hút bởi những bi kịch không ngớt, sự chú ý và đối xử bất công. Có một câu châm ngôn rất đúng để diễn tả mối quan hệ kiểu này: nếu bạn thấy những người xung quanh bạn đều điên khùng/tệ hại, thì có thể chính bạn cũng vậy.



3.    Tự nhận thức kém:

Bạn có thể nghĩ rằng với những tác động tiêu cực rõ ràng đến với cuộc sống của bản thân như trên, ma cà rồng cảm xúc sẽ dần nhận ra được rằng một số hành vi nhất định của họ đã khơi dậy những phản ứng nhất định ở người khác, và những phản ứng này khá tiêu cực nên có lẽ cần phải xem xét lại hành vi ban đầu của bản thân và những niềm tin làm cơ sở cho chúng. Bởi vì điểm chung duy nhất ở tất cả những mối quan hệ tệ hại mà họ đang có chính là bản thân họ, nên có lẽ cần phải bắt đầu xem xét từ đây.

Điều này có vẻ khá rõ ràng với chúng ta rồi, nhưng với họ thì không. Họ gặp nhiều khó khăn trong việc thành thật với bản thân và tự nhận lấy trách nhiệm về cuộc đời mình. Về mặt tâm lý, họ cần một vật thế thân để đổ lỗi – ngoại hình của họ, sự phân biệt đối xử của người khác, âm mưu chống lại họ của cơ quan, cách họ được nuôi dạy, và vô vàn những niềm tin tiêu cực khá. Họ luôn quá tập trung vào những tác động bên ngoài và dần đánh mất khả năng ngồi lại với chính mình, phân tích những suy nghĩ, cảm xúc và suy xét giá trị của bản thân.

Ma cà rồng cảm xúc thường ghét sự cô độc. Họ cũng có xu hướng tạo ra xung đột nếu xung quanh không có sẵn. Lý do là vì họ cần sao lãng bản thân ra khỏi chính mình. Và chính việc thiếu ý thức về bản thân khiến họ tiếp tục việc đổ lỗi. Việc đổ lỗi góp phần duy trì việc tìm kiếm sự chú ý và công nhận. Và việc luôn tìm kiếm những chú ý bên ngoài này tiếp tục ngăn trở họ nhận thức về bản thân tốt hơn. Lại một vòng lặp luẩn quẩn.

Làm sao để thoát khỏi vòng lặp đó

“Một người giàu lòng nhân ái sẽ thấy thế giới tràn ngập yêu thương, còn một người đầy thù địch sẽ thấy thế giới toàn là kẻ thù. Mọi người bạn gặp chính là tấm gương phản chiếu bản thân bạn” – Ken Keyes, Jr.

Vậy nên nếu bạn đã đọc đến đây và đang nghĩ rằng, “Ôi trời, đây là mình đây sao. Mình thật tệ hại…” thì hãy bình tĩnh. Bạn không phải một người tệ hại. Chỉ là bạn đã thiếu hiểu biết. Và điều này có thể thay đổi được. Bạn vẫn có thể thay đổi cuộc sống của mình. Bắt đầu từ bây giờ.

Bước 1: Bắt đầu tập trung vào những thứ mình có thể thay đổi được thay vì những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của mình.

Bạn không thể kiểm soát việc sếp của bạn có phải là một gã xấu tính hay không, hay việc mấy đứa con gái trong nhóm kiêu căng hay chảnh chọe thế nào, và cả việc đồng nghiệp không có cùng sở thích với bạn. Vì thế, chúng không nên có tầm quan trọng quá cao với bạn và bạn nên dừng ngay việc lo nghĩ và lấy chúng làm nguyên nhân cho những vấn đề của bản thân. Hãy tự hỏi mình: Bạn có thể kiểm soát điều gì? Bạn có thể kiểm soát hành vi của mình ở chỗ làm. Vậy hãy bắt đầu từ đó. Bạn có thể kiểm soát năng suất làm việc của bản thân. Bạn có thể quyết định mình sẽ xuất hiện như thế nào trong mắt người khác. Hãy bắt đầu từ đây. Và nếu bạn vẫn thất bại vì điều gì hay ai đó khác, mặc kệ đi. Chúng không quan trọng. Hãy tập trung vào những gì mình có thể kiểm soát.

Bước 2: Thực hành việc biết ơn và trân trọng những gì mình đang có.

Dù chuyện đã xảy ra với bạn tệ đến thế nào, thì nó vẫn có thể tệ hơn. Ví dụ như mất dung nhan, vô gia cư, không có cha mẹ, không được học hành,… Vậy nên ít nhất hãy biết ơn vì nó đã không thành ra như vậy. Vào mỗi buổi sáng, khi thức dậy, hãy nhìn vào gương và nói với bản thân một điều khiến mình biết ơn, và hãy cảm nhận kỹ cảm xúc đó. Đừng chỉ nói suông, hãy cảm nhận sự biết ơn thật sự. “Tôi biết ơn vì nền tảng giáo dục mà mình đã thụ hưởng, nó đã cho tôi những cơ hội mà nhiều người không có được”. Đấy. Không quá khó đúng không. Hãy nói một điều mới mỗi ngày. Ngay cả những điều nhỏ nhoi.



Bước 3: Thể hiện sự cảm kích đối với người khác:

Hãy thực hành những hành động tốt đối với bạn bè, gia đình và những người xung quanh bạn. Tôi biết bạn cảm thấy ngượng và khó khăn. Nhưng bạn sẽ nhận được những gì bạn cho đi. Những sự quan tâm, công nhận mà bạn khao khát có được từ người khác sẽ đến với bạn nếu bạn bắt đầu trao nó cho họ, một cách tự nhiên.

Hãy thử nghiệm việc này. Mỗi ngày, thử thách bản thân làm một việc trong số những việc sau: cho ai đó một lời khen ngợi, cảm ơn một ai đó thân thiết với mình, hoặc tặng ai đó một món quà.

Ví dụ:

“Bộ đồ hôm nay bạn mặc nhìn đẹp đấy”

“Mẹ ơi, con biết là hai mẹ con mình không phải lúc nào cũng hòa hợp với nhau được, những con muốn cảm ơn mẹ vì những điều mẹ đã làm cho con”

“Steve, căn tin có món đặc biệt, nên mình mua cho cậu này”

Tôi biết những việc này có vẻ khá ủy mị, nhưng đừng ngại thử. Và nhớ là đừng kỳ vọng nhận lại điều gì. Đây là phần quan trọng nhất. Đừng quay lại và hét vào mặt người bạn mà mình đã tặng đồ ăn 3 ngày trước rằng “Steve, thằng khốn này, sao mày chẳng mua gì cho tao cả! Khỉ thật, ai cũng ghét mình! Chẳng ai tốt với mình cả!”

Đừng làm thế. Có thể bạn sẽ khó chịu và muốn làm vậy. Nhưng hãy kiểm soát bản thân. Hãy kiểm soát thứ bạn có thể kiểm soát được.

Ba cách trên sẽ phá vỡ vòng lặp mà ba đặc tính đã trình bày trên kia tạo ra. Chỉ tập trung vào những thứ mà mình kiểm soát được sẽ giúp ma cà rồng cảm xúc học cách nhận lấy trách nhiệm về những chuyện diễn ra với mình. Thực hành biết ơn buộc bạn phải thoát ra khỏi tâm thế nạn nhân – thứ khiến bạn thường xuyên trách móc người khác và khao khát sự công nhận. Thể hiện sự cảm kích sẽ khơi gợi được sự công nhận, quan tâm đích thực từ người khác thay vì sự chú ý hời hợt.

Và dĩ nhiên, để chủ động thực hành ba bước trên đòi hỏi bạn phải nhận thức rõ hơn về những hành động và cảm xúc của bản thân. Từ đó nâng cao khả năng tự nhận thức. Và toàn bộ những việc này sẽ tạo nên một vòng lặp mới tích cực hơn cho bạn.

Tôi hình dung sẽ có vài người đã đọc đến đây và đang nghĩ rằng “Ôi trời ạ, có nhiều người thật thiếu hiểu biết. Bài viết hay đấy. Nhưng những vấn đề của tôi mới là thực tế. Tôi thực sự đang có những vấn đề mà mình chẳng cách nào kiểm soát được. Ông tác giả này làm sao mà hiểu được. Làm gì có ai hiểu đâu. Thôi đành vậy…”

Nếu bạn đang nghĩ như vậy, ở mức độ nào đó, thì tôi phải báo với bạn một tin buồn. Bạn là một trong số những ma cà rồng cảm xúc. Có lẽ bạn nên đọc lại bài viết này từ đầu, đến khi nó giúp được bạn.


[A Crazy Mind là một tổ chức cộng đồng hợp tác với YBOX - Kênh Thông Tin Chất Lượng Cao Của Giới Trẻ & Sinh Viên Việt Nam nhằm nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng. Với sứ mệnh này, chúng tôi cung cấp cho bạn đọc những đa dạng chủ đề về tâm lý học giúp cho việc nhận thức về sức khỏe tinh thần trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết]

Dịch: Lyo Kiu

Biên tập: Ngọc

Nguồn: https://markmanson.net

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: A Crazy Mind - Ybox.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày!

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,467 lượt xem