Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[A Crazy Mind] Hội Chứng Sợ Phụ Nữ - Do Đâu Những Người Đàn Ông Đi Ngược Lại Xu Hướng Giới Tính Của Mình?

Theo trang Fear Of, Hội chứng sợ phụ nữ (Gynophobia), thường được biết đến ở dạng nỗi sợ hoặc cảm giác không thích phụ nữ, là một dạng ám ảnh xã hội. Trong hầu hết các trường hợp, đàn ông sẽ có xu hướng trải qua cảm giác sợ phụ nữ nhiều hơn là chính phụ nữ với nhau. Những người mắc hội chứng sợ phụ nữ (sau đây gọi tắt là gynophobia) thường có cảm giác căm ghét đối với những người phụ nữ trong gia đình của họ, bao gồm mẹ, chị, cô, dì hoặc chị em họ. Hơn nữa, những người sợ hoặc cảm thấy kinh tởm phụ nữ thường tránh xa các hành vi quan hệ tình dục hoặc kết hôn với phụ nữ. Gynophobia đôi khi còn được gọi là “xenophobia”(“hội chứng bài ngoại”, tức sự kỳ thị những gì khác hoặc không cùng hệ giá trị với mình - người dịch) hoặc gynephobia.

Cái nhìn cận cảnh về nỗi sợ phụ nữ

Các chuyên gia y tế thường gắn hội chứng gynophobia với những trải nghiệm đau thương mà một người đã trải qua với một số người phụ nữ nhất định. Các trường hợp có thể kể đến như: một người mẹ lạm dụng hoặc bỏ bê con cái, đã từng trải qua tình trạng bị lạm dụng về cảm xúc, thể chất hoặc tình dục bởi một người phụ nữ ở tuổi dậy thì hoặc thường xuyên bị từ chối bởi phụ nữ. Như đã nói trên đây, đàn ông có nhiều khả năng mắc hội chứng này hơn so với những phụ nữ khác và có thể sẽ xem phụ nữ là không đáng tin cậy hoặc là những kẻ hay thay lòng đổi dạ.


Cả người trưởng thành và trẻ em đều có khả năng mắc hội chứng gynophobia. Nếu nỗi sợ hãi và sự bất mãn với phụ nữ không được giải quyết sớm, nó hầu như sẽ luôn tồn tại cho đến tận khi trưởng thành. Trang Fear Of cũng nhấn mạnh thêm rằng, những người gặp phải hội chứng ám ảnh xã hội này luôn xem phụ nữ là mối đe dọa về thể chất và tinh thần.


Xu hướng sợ và không thích phụ nữ


Mặc dù những trải nghiệm tiêu cực có thể làm tăng khả năng mắc hội chứng gynophobia của một người, trang Healthline nhấn mạnh rằng các yếu tố khác cũng góp phần làm gia tăng khả năng khiến nỗi sợ phụ nữ trở nên nghiêm trọng hơn. Mức độ nhạy cảm cao và xu hướng tiêu cực khiến một người dễ trở nên ghét hoặc sợ hãi phụ nữ hơn.



Những người có người thân mắc các chứng rối loạn lo âu hoặc ám ảnh xã hội khác có nhiều khả năng mắc hội chứng gynophobia hơn. Cũng từ đó, việc quan sát, lắng nghe hoặc đọc các thông tin v những cuộc “hẹn hò” không mấy tốt đẹp với nữ giới có thể bắt nguồn cho sự e ngại này. Nhìn chung, những người trẻ trong độ khoảng 10 tuổi, dễ bị ám ảnh hơn so với những người lớn tuổi hơn trong hoàn cảnh tương tự.


Mặc dù các chuyên gia về sức khỏe tâm thần chưa thể chắc chắn về nguyên nhân chính xác của hội chứng gynophobia, nhưng những trải nghiệm tiêu cực và tổn thương với phụ nữ vẫn là những yếu tố có khả năng cao nhất, tiếp đến là các yếu tố về di truyền, môi trường và sự thay đổi của não bộ.


Gynophobia và Misogyny


Trong nhiều trường hợp, khái niệm gynophobia và misogyny được sử dụng thay thế cho nhau. Misogyny được định nghĩa là "sự căm ghét, khinh miệt hoặc có thành kiến đối với phụ nữ hoặc trẻ em gái". Trong khi một số người xem hai thuật ngữ này là tương đồng nhau, thì những người khác lại đưa ra lý giải rằng chính nỗi sợ hãi phụ nữ gây ra sự thù hận, khinh miệt và định kiến đối với phụ nữ. Nói cách khác, theo quan điểm của một số người, gynophobia là “mẹ” của misogyny.


Giá trị được công nhận của giả thuyết trên vẫn còn đang gây tranh cãi dữ dội. Tuy nhiên, trang Lovepanky khẳng định rằng, gynophobia là một rối loạn lo âu xã hội lâm sàng, không giống như misogyny. Mặc dù gynophobia và misogyny có chung đặc điểm, nhưng gynophobia là một căn bệnh tâm thần thực sự, trong khi misogyny bắt nguồn từ sự thù hận và định kiến.



Sự phân loại gynophobia như một rối loạn lo âu xã hội giải thích tại sao nỗi sợ hãi được kích hoạt bằng việc tiếp xúc với phụ nữ. Không giống như những người mắc chứng misogyny, một người mắc chứng sợ phụ nữ lâm sàng có khả năng bị đổ mồ hôi lạnh, buồn nôn và tăng nhịp tim khi tiếp xúc với phụ nữ. Do đó, các cá nhân mắc chứng gynophobia thường làm mọi cách để tránh tiếp xúc với phụ nữ. Điều này bao gồm tránh các tiếp xúc về thể chất và cả giao tiếp bằng lời nói. Khi những người mắc triệu chứng gynophobia tiếp xúc với phụ nữ, họ thường có xu hướng tách mình ra ngay lập tức.


Misogyny


Không giống như gynophobia, misogyny hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của một người. Những cá nhân cảm thấy ghê tởm và mang định kiến chống lại phụ nữ thường che giấu dạng năng lượng tiêu cực này khi tương tác với họ. Hơn nữa, misogyny không phải là một căn bệnh lâm sàng. Những người rơi vào tình trạng này không cảm thấy khó chịu với các triệu chứng về thể chất nói trên kèm theo nỗi ám ảnh thực sự về phụ nữ.


Có nhiều giả thuyết liên quan đến misogyny, như việc gốc rễ của nó là gì và nguyên nhân nào gây ra nó. Trong khi misogyny được định nghĩa là một người ghét hoặc ẩn chứa sự khinh miệt và định kiến đối với phụ nữ, trang Psychology Today đưa ra một quan điểm có phần hơi khác biệt. Nói theo cách của họ, những người mắc chứng misogyny ghét và khinh miệt những người phụ nữ "không hành động, suy nghĩ và cư xử theo đúng như niềm tin và quan điểm” của họ.


Một phân tích chi tiết hơn từ trang Psychology Today có nội dung như sau: "một người mắc chứng misogyny không chỉ đơn giản là một người ghét phụ nữ, mà còn là một người đang, hoặc sẽ ghét những người phụ nữ không thuộc hạ cấp, những phụ nữ có quyền lực và địa vị, những phụ nữ có thể vùng lên cho chính họ và đưa ra quyết định của riêng họ".


Lý thuyết trên đây ủng hộ mạnh mẽ hơn cho quan điểm rằng, gynophobia và misogyny là những khái niệm hoàn toàn khác nhau. Trong khi gynophobia là nỗi ám ảnh lâm sàng về tất cả phụ nữ, thì misogyny lại hướng vào các loại phụ nữ cụ thể, ít nhất là theo sự lý giải của trang Psychology Today.


Phương pháp điều trị cho hội chứng Gynophobia


Nỗi sợ phụ nữ có thể không phải là vấn đề nghiêm trọng đối với hầu hết mọi người, nhưng trang Healthline khẳng định rằng nỗi ám ảnh này có thể ảnh hưởng xấu đến sự nghiệp, mối quan hệ cá nhân/nghề nghiệp và khả năng sinh hoạt hợp lý trong cuộc sống hàng ngày. Những người mắc chứng rối loạn này thường được khuyến khích tìm đến các điều trị y tế nếu hội chứng sợ phụ nữ bắt đầu ảnh hưởng đến công việc, học tập hoặc sự giao tiếp với người khác.


Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ khuyên những người mắc hội chứng gynophobia nên tham gia trị liệu hoặc dùng thuốc.


Liệu pháp tiếp xúc


Liệu pháp tiếp xúc là một quá trình từng bước một, dần dần cho những cá nhân mắc bệnh tiếp xúc với những thứ liên quan đến phụ nữ. Hình thức điều trị này được thiết kế để tạo ra một mức độ thoải mái từ từ với phụ nữ và dần loại bỏ chứng sợ phụ nữ của họ. Tuy nhiên, quá trình này rất mất thời gian và sẽ không biểu hiện ngay lập tức.


Thông thường, liệu pháp tiếp xúc được thiết kế để giúp những người mắc hội chứng gynophobia sẽ chỉ bắt đầu bằng cách nhìn vào hình ảnh của phụ nữ. Sau khi một mức độ thoải mái và tin tưởng nhất định được xây dựng, người đó có thể được tiếp xúc với âm thanh và video về phụ nữ. Sau một thời gian đủ hợp lý và bệnh nhân đã sẵn sàng, các nhà trị liệu có thể sẽ đưa bệnh nhân của họ vào một môi trường tiếp xúc với phụ nữ, chẳng hạn như trong một công viên ngoài trời hoặc trung tâm mua sắm.


Liệu pháp nhận thức - hành vi


Các cá nhân mắc hội chứng gynophobia cũng có thể được khuyến nghị trải nghiệm liệu pháp nhận thức - hành vi. Hình thức điều trị này áp dụng cách tiếp cận tâm lý để thấu hiểu, và cuối cùng, là chiến đấu với nỗi sợ hãi phụ nữ.


Liệu pháp nhận thức - hành vi khuyến khích những người bị ảnh hưởng nhìn nhận nỗi ám ảnh của họ ở một khía cạnh khác, học cách làm chủ và kiểm soát các triệu chứng liên quan của sự rối loạn và xử lý các hậu quả về mặt cảm xúc. Sau khi hình thức điều trị này diễn ra, những cá nhân trị liệu sẽ trải nghiệm sự tự tin, khả năng kiểm soát suy nghĩ và cảm giác nhẹ nhõm.


Thuốc


Trong một số trường hợp, bác sĩ quyết định việc dùng thuốc sẽ là phù hợp hơn để chống lại nỗi ám ảnh phụ nữ so với các hình thức trị liệu nêu trên. Thông thường, thuốc được sử dụng để giảm bớt các triệu chứng phụ bởi các cơn hoảng loạn và lo lắng. Tuy nhiên, trang Healthline khuyến cáo rằng chỉ nên dùng thuốc trong giai đoạn đầu điều trị hội chứng gynophobia.


Nếu cá nhân mắc bệnh được kê đơn thuốc, họ có thể sẽ nhận được các liều thuốc ức chế beta hoặc thuốc an thần. Nói cho cùng, cả hai loại thuốc đều được thiết kế để giải quyết bệnh gynophobia. Tuy nhiên, chúng có những cách thức tương phản nhau.


Thuốc ức chế beta tập trung vào việc xoa dịu chất adrenaline mà cơ thể tiết ra khi lo lắng. Điều này có thể có tác dụng đáng kể, giống như việc lo lắng không được kiểm soát có thể dẫn đến huyết áp cao, tay chân bủn rủn, giọng nói run rẩy, hồi hộp và nhịp tim tăng nhanh.


Trong khi các thuốc ức chế beta tập trung vào việc chống lại các tác động tiêu cực của sự lo lắng đi kèm với hội chứng gynophobia, thì thuốc an thần làm giảm bớt hoàn toàn sự lo lắng đó. Tuy nhiên, thuốc an thần cực kỳ gây nghiện và chỉ nên được áp dụng trong sự cảnh giác tối đa. Hơn nữa, những người có vấn đề trước đó với ma túy hoặc rượu nên kiêng hoàn toàn thuốc an thần.


Mặc dù tất cả các liệu pháp điều trị đều được áp dụng để chống lại chứng sợ phụ nữ, nhưng liệu pháp tiếp xúcliệu pháp nhận thức - hành vi tác động từ trong gốc rễ của bệnh gynophobia, trong khi việc dùng thuốc chủ yếu tập trung vào việc giải quyết các triệu chứng của sự ám ảnh, chứ không phải nguyên nhân sâu xa của nó.


Lời cuối cùng


Mỗi người đều phải đối mặt với những thách thức hoặc khó khăn khác nhau mà họ phải vượt qua. Những cá nhân mắc hội chứng gynophobia hoặc các bệnh khác không nên bị làm cho có cảm giác như thể họ thấp kém hơn những người khác vì điều này. Đôi khi, đắm mình trong sự tự thương hại có thể rất dễ dàng và đầy cám dỗ, tuy nhiên, việc dành các năng lượng đó để vượt qua nỗi ám ảnh sẽ hiệu quả hơn và sẽ có lợi cho mỗi người về lâu dài.


Như đã đề cập, việc chinh phục chứng gynophobia là cả một quá trình. Nó không thể thay đổi sau một đêm, cho dù việc có một hệ thống hỗ trợ mạnh mẽ có thể giúp việc phục hồi trở nên dễ dàng và êm đẹp hơn rất nhiều. Bất kể một người đang trải qua điều gì trong cuộc sống, những lợi ích của một hệ thống hỗ trợ tích cực, thân thiện và đầy yêu thương cũng đáng được ghi nhận. Khả năng yêu cầu được giúp đỡ và hỗ trợ không phải là một dấu hiệu của sự yếu đuối, mà chính là sức mạnh. Một cá nhân biết khi nào cần tìm kiếm sự trợ giúp là một ý thức tự giác cực kỳ to lớn, và là một đặc điểm vô giá mà họ sẽ được minh chứng trên suốt đường đời.


[A Crazy Mind là một tổ chức cộng đồng hợp tác với YBOX - Kênh Thông Tin Chất Lượng Cao Của Giới Trẻ & Sinh Viên Việt Nam nhằm nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng. Với sứ mệnh này, chúng tôi cung cấp cho bạn đọc những đa dạng chủ đề về tâm lý học giúp cho việc nhận thức về sức khỏe tinh thần trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết]

Dịch: Theresa Nguyễn
Biên tập: Hương
Ảnh: Hương
Nguồn: https://www.betterhelp.com/advice/phobias/what-to-know-about-the-fear-of-women/


(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: A Crazy Mind - Ybox.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày!
(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,702 lượt xem