Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[A Crazy Mind] Não Bộ Đánh Lừa Chúng Ta Khi Yêu?

Có lẽ nào thành kiến trong nhận thức là thứ ngăn cản bạn tìm được “người ấy”?


“Dùng đầu ấy, đừng dùng tim”. Nhiều người trong số chúng ta được khuyên rằng trí óc sẽ dẫn ta đi đúng lối. Nhưng liệu chúng có thực sự khôn ngoan như vậy trong vấn đề tình yêu? Hay kết quả sẽ là chúng ta đi lầm đường lạc lối?

Trong vài thập kỷ gần đây, các nhà nghiên cứu đã khám phá ra rằng chúng ta không thật sự lý trí như mình tưởng. Chúng ta có đủ những thể loại thành kiến: chúng có thể giúp ta mặt này nhưng lại làm hại ta ở mặt khác. Ví dụ như, có một thời ai cũng tin rằng con người đưa ra quyết định dựa trên các suy nghĩ thận trọng và có tính toán. Tuy nhiên, chúng ta lại thường xuyên hành động dựa theo cảm xúc và sử dụng các tài nguyên nhận thức để tự thuyết phục mình rằng đó là quyết định tốt nhất.

Quá trình này gần như luôn hiệu quả và giúp chúng ta hài lòng với bản thân mình. Nhung, cũng có những lúc mà các quyết định phải đưa ra trở nên phức tạp hơn, có khi kèm theo cả các kết quả lâu dài, và cách hợp lý hóa rối rắm của chúng ta không còn đủ để thỏa mãn chính mình.

Các vấn đề tình yêu có thể trở nên cực kỳ rắc rối. Nhiều người có thể thấy mình đang tự hỏi liệu có phải họ kém may mắn nhất trong tình yêu – hay sau tất cả chúng ta cũng chỉ có một mình. Đôi khi, những thành kiến của chính bản thân có thể lừa chúng ta đến chỗ mong muốn những thứ hoàn toàn không phù hợp. Dưới đây là 4 cách mà não bộ đã đánh lừa chúng ta khi yêu

1, Chúng ta nghĩ rằng mình biết mình muốn gì – nhưng thực ra là không

Có thể bạn biết ai đó cứ khăng khăng rằng người đó đang tìm kiếm điều gì đó ở “đối tác” – có thể là một dáng người nhất định, một chiều cao như thế nào đó, hoặc 1 nghề nghiệp đặc biệt – tuy nhiên người đấy sau đó lại phát cuồng lên vì phải lòng ai đó hoàn toàn trái ngược! Điều này không có gì là lạ. Sự thực ra nhiều người trong số chúng ta không hiểu mình muốn gì.

Trong 1 nghiên cứu về hẹn hò siêu tốc gần đây, các đối tượng người Mỹ lai Á phản hồi rằng họ muốn hẹn hò ai đó cùng sắc tốc. Nhưng, ở buổi hẹn, hành động của họ lại không dựa trên sở thích đã được ghi lại và cũng không có vẻ gì là muốn cho các thành viên trong nhóm lần hẹn thứ 2. Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng đàn ông nghĩ rằng mình sẽ bị thu hút bởi phụ nữ thông minh, nhưng trên thực tế lại không thấy họ hấp dẫn như đã tưởng

Các nhà tâm lý học đã giải thích được hiện tượng này thông qua “khoảng trống thấu cảm nóng-lạnh”. Theo lý thuyết này, ta đưa ra quyết định khi đang ở trạng thái lý trí “lạnh” mà không tính đến cả các cảm xúc có khả năng trải qua khi bước ra thực tế. Khi thực sự hành động, ta rơi vào trạng thái “nóng” và chịu sự chi phối bởi các ham muốn từ bên trong. Trong 2 nghiên cứu kể trên, có lẽ các tình nguyện viên đã suy nghĩ theo hướng có trách nhiệm với bố mẹ và kỳ vọng của họ khi nói về sở thích của mình, nhưng những suy nghĩ đó hoàn toàn tan biến khi đối diện với đối tác và cảm nhận được toàn bộ sức hấp dẫn.


2, Chúng ta thích có nhiều lựa chọn – càng nhiều càng tốt

Chúng ta nghĩ rằng các lựa chọn cho mình sự tự do và tối đa hóa hạnh phúc, và cho rằng bản thân sẽ thấy vui vẻ khi có thật nhiều lựa chọn tới khi thực sự gặp chúng (1 ví dụ khác cho “khoảng trống thấu cảm nóng-lạnh”). Sự thực là, các lựa chọn có thể rất có hại. Khi đối mặt với quá nhiều lựa chọn, chúng ta thường bị đơ ra và không biết nên chọn cái nào.

Những người nổi tiếng trong số chúng ta nhiều khi ngập trong cơn lũ của lựa chọn và quyết định rằng điều tốt nhất nên làm là không làm bất cứ điều gì, kể cả khi chúng ta thực sự muốn có tình yêu, vì làm sao có thể chọn ra 1 trong số đó? Những người kém nổi bật hơn thường bị nhấn chìm đến mức ảo tưởng về lựa chọn (cứ nhìn tất cả những “đối tác” tiềm năng mà chúng ta có thể lướt qua xem!). Khi trải qua chút vấp váp trong 1 mối quan hệ đang chớm nở, tất cả “những con cá khác trong biển lớn” khiến chúng ta cảm thấy bị cám dỗ và khiến ta nghĩ về những điều có thể xảy ra.

3, Chúng ta cố gắng giữ cho mình suy nghĩ có lý trí bằng cách “dành cho mình đường lùi”

Chúng ta luôn để cho mình nhiều lựa chọn vì không muốn bỏ lỡ bất cứ điều gì. Tuy nhiên, điều này lại có hại vì 2 lý do. Đầu tiên, khi đưa ra quyết định, não bộ thường nhảy vào để thuyết phục chúng ta rằng mình đã đưa ra lựa chọn tốt nhất. Những gì chúng ta tập trung vào là giá trị của lựa chọn đã đưa ra và những bất cập trong các phương án thay thế trong nỗ lực nhằm làm giảm sự bất đồng nhận thức, hay sự khó chịu khi niềm tin xung đột với hành vi của chúng ta. Bằng cách giữ cho lựa chọn của mình rộng mở, chúng ta luôn ở trong trạng thái không chắc chắn.

Chẳng hạn, giả sử bạn đang say mê “đối tác” mới của mình và sau đó phát hiện ra người đó có 1 thói quen thực sự không hấp dẫn lắm. Não bộ có thể sẽ lại xen vào và nói rằng điều đó không làm phiền đến bạn. Hoặc, nó cho rằng điều đó có nghĩa là bạn chỉ yêu người kia đến vậy mà thôi. Khi xung quanh mình là nhiều cơ hội khác, bạn sẽ phải quyết định xem liệu có nên chuyển sang một đối tượng mới.

Thứ hai là, tỏ ra thoáng trong việc lựa chọn sẽ khiến chúng ta không thể đầu tư hợp lý cho một mối quan hệ. Làm sao chúng ta có thể trông chờ tình yêu sẽ đơm hoa kết trái khi chỉ dành 1 phần nhỏ nỗ lực của mình cho nó?



4, Chúng ta ở lại với nhầm người vì không muốn những gì mình đã bỏ ra bị lãng phí

Cố gắng là một điều tốt – tới một mức độ nào đó. Cố gắng thường có xu hướng khiến chúng ta hạnh phúc hơn trong các mối quan hệ, do sự kết hợp giữa sự bất đồng nhận thức (càng bỏ thêm nhiều công sức vào thì ta càng thích thứ gì đó hơn) và sự phát triển của mối quan hệ. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta chọn ở bên nhầm người vì những gì mình đã bỏ ra. Bạn có thể nhận ra rằng mối quan hệ của mình sẽ không đi đến đâu cả nhưng cũng lại không hề muốn thời gian và công sức đã bỏ ra là vô ích. Cứ như thế, bạn cứ đứng yên ở đó mãi, và càng ngày bạn cảm thấy khó để thoát ra hơn. Hầu hết mọi người trong số chúng ta đều có một chút gì đó của sự lạc quan không tưởng, thứ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.

Rõ ràng là tâm lý của mỗi người, không ít thì nhiều, đều chơi khăm chính họ. Đôi khi đó là điều tốt, nhưng cũng có lúc thì lại không. Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta phải có một cái nhìn lạnh lùng về chính mình và hỏi xem liệu ta có thực sự đang phán đoán theo mối quan tâm lớn nhất của riêng mình.

Một khi đã xác định được mình là ai, chúng ta có thể bớt dè chừng hơn và hài lòng với việc mình là “kẻ ngốc trong tình yêu”.

[A Crazy Mind là một tổ chức cộng đồng hợp tác với YBOX - Kênh Thông Tin Chất Lượng Cao Của Giới Trẻ & Sinh Viên Việt Nam nhằm nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng. Với sứ mệnh này, chúng tôi cung cấp cho bạn đọc những đa dạng chủ đề về tâm lý học giúp cho việc nhận thức về sức khỏe tinh thần trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết]

Sưu tầm và dịch: Huy

(*) Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: A Crazy Mind”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày!

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,737 lượt xem