Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[A Crazy Mind] Nguyên Nhân Gây Nên Trầm Cảm ?

Mặc dù không nắm rõ nguyên nhân gây ra, nhưng xung quanh chúng ta, ngày càng nhiều vấn đề tiêu cực liên quan đến trầm cảm. Thậm chí ở một số người có cuộc sống ổn định, đầy đủ họ vẫn phải sống chung với căn bệnh này. Trầm cảm thường là sự tích tụ những sự kiện xảy ra trong một khoảng thời gian dài hơn là những sự kiện tức thời, mỗi ngày một trầm trọng thêm.


Trầm cảm bắt nguồn từ những vấn đề trong cuộc sống

Nghiên cứu chỉ ra, những khó khăn dài hạn như  thường xuyên chịu sự hành hạ về thể xác - bị đánh đập, lạm dụng tình dục hoặc về tâm hồn - bị la mắng, không được quan tâm, bị cô lập và chịu sự cô đơn được coi là nguyên nhân điển hình của trầm cảm. Nhưng trong xã hội hiện đại, thất nghiệp kéo dài và áp lực công việc gia tăng kéo theo tỷ lệ người bệnh ngày càng lớn. Tất cả những nguyên nhân dài hạn này đều diễn ra âm thầm, không rõ ràng nhưng khả năng gây ra trầm cảm cao hơn nhiều lần so với những áp lực đột ngột.

Tuy nhiên, các sự kiện cả trong quá khứ và hiện tại dễ dàng kết hợp với nhau, cùng với yếu tố cá nhân của từng người, đưa trầm cảm lên đến đỉnh điểm, gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc.




Một số lý do thuộc về cá nhân

Cá nhân chúng ta đều khác tất cả mọi người, nhưng có thể tóm gọn các đặc điểm gây ảnh hưởng đến trầm cảm thành 4 nhóm chính sau:

- Gia đình: Trầm cảm có thể xảy ra với nhiều thành viên trong gia đình và một số người sẽ có nguy cơ chịu ảnh hưởng về mặt di truyền. Nhưng nếu bạn có cha mẹ hoặc người thân bị trầm cảm thì không kết luận được bạn chắc chắn sẽ phải trải qua. Những bệnh về tâm lí thường chịu ảnh hưởng rất nhiều từ hoàn cảnh sống và bị chi phối bởi những yếu tố cá nhân khác.

- Tính cách: Một số người có nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn vì lối suy nghĩ và thái độ của họ, đặc biệt là những người thường lo âu, quá cầu toàn; những người thiếu sự tôn trọng cho bản thân mình, luôn nghĩ mình kém cỏi, vô dụng, nhạy cảm quá mức với những nhận xét từ mọi người, hay thích tự phê bình hoặc phê phán người khác, luôn bi quan cho rằng cuộc sống thật tồi tệ với họ...

- Bệnh nan y: Sự căng thẳng và lo lắng khi đối diện với một căn bệnh nghiêm trọng có thể dẫn đến trầm cảm, đặc biệt là ảnh hưởng từ khó khăn về tài chính, gia đình và những cơn đau thường nhật. Trong tác phẩm Khi lỗi thuộc về những vì sao, nhân vật Hazel có đưa ra một nhận xét: “Trầm cảm không phải tác dụng phụ của ung thư mà là tác dụng của việc chờ chết”. Có lẽ một lúc nào đó, tất cả chúng ta đều chỉ mong mình có kết thúc một cách nhẹ nhàng và bình yên, không phải chịu đựng bất cứ gì nữa.

- Chất kích thích và rượu: Sử dụng ma túy và rượu thường xuyên đều có thể gây ra trầm cảm. Hơn 500.000 người Úc có nguy cơ đối mặt đồng thời với trầm cảm và rối loạn tâm lí do chất kích thích vào một thời điểm nào đó trong đời họ.




Những thay đổi từ não bộ

Đã có nhiều nghiên cứu cho lĩnh vực này nhưng trầm cảm vẫn là một vấn đề nan giải mà chúng ta chưa thể hiểu được trọn vẹn. Trầm cảm không chỉ đơn thuần là “sự mất cân bằng hóa học” như cơ thể bạn tiết ra quá ít hoặc quá nhiều một chất cụ thể nào đó trong não. Nó phức tạp và ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh cảm xúc của não bộ bởi nhiều yếu tố mà tôi đã đề cập phía trên đây.

Hầu hết các loại thuốc điều trị trầm cảm hiện đại đều có ảnh hưởng đến các chất dẫn truyền thần kinh (như serotonin và noradrenaline) giúp truyền tín hiệu giữa các tế bào não - đây được cho là phương pháp điều trị với những người mắc trầm cảm nặng. Ngoài ra điều trị tâm lí cũng giúp bạn điều chỉnh tâm trạng, dần đẩy lùi trầm cảm.

Cách điều trị hiệu quả có thể kích thích sự phát triển của các tế bào thần kinh mới trong các mạch điều chỉnh tâm trạng của bạn, được cho là những nhân tố đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi sau giai đoạn trầm cảm nặng.


Hãy nhớ...

Rằng không có một nguyên nhân chung cho tất cả mọi người mà thông thường, sự kết hợp giữa nhiều yếu tố đã gây nên sự phát triển của trầm cảm. Điều quan trọng cần nhớ là bạn không thể luôn xác định được nguyên nhân của bệnh hay thay đổi môi trường xung quanh. Hãy tìm ra các dấu hiệu đáng ngờ của trầm cảm ở bản thân bạn và tìm kiếm sự hỗ trợ từ mọi người xung quanh.


[A Crazy Mind là một tổ chức cộng đồng hợp tác với YBOX - Kênh Thông Tin Chất Lượng Cao Của Giới Trẻ & Sinh Viên Việt Nam nhằm nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng. Với sứ mệnh này, chúng tôi cung cấp cho bạn đọc những đa dạng chủ đề về tâm lý học giúp cho việc nhận thức về sức khỏe tinh thần trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết]


Dịch: Ngân Vũ

Biên tập: Ngọc

Minh họa: Diệu Huyền

Nguồn: https://www.beyondblue.org.au


(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: A Crazy Mind - Ybox.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày!

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL



----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,010 lượt xem