Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

[A Crazy Mind] Những Nỗi Sợ Không Biến Mất Theo Thời Gian: 7 Nỗi Sợ Lớn Nhất Của Con Người

Bạn cứ ngỡ rằng mọi nỗi sợ đều biến mất khi bạn lớn lên. Nhưng không, kể cả khi bạn đã là người lớn thì những nỗi sợ vẫn còn đó. Và điều này chẳng xuất phát từ điều gì khác hơn là những ảo tưởng về thực tế và những tổn thương thời thơ ấu. Ý của tôi không phải là tất cả mọi người đều có một tuổi thơ tệ hại hay là xa rời với thực tế. Tất cả chúng ta đều có thể mang lại cho mình những cảm xúc giúp ta cảm thấy tốt hơn nếu chúng ta chịu buông bỏ. Nhưng nếu như chính bạn cũng không biết mình đang mắc kẹt hay đang giữ trong lòng điều gì thì thật khó để đưa ra quyết định  buông bỏ chúng. Vì vậy, chúng mình đã liệt kê dưới đây 7 điều phổ biến mà chúng ta thường có xu hướng sợ hãi và quan điểm của bản thân về việc làm thế nào để bắt đầu cuộc hành trình buông bỏ (buông bỏ những mầm mống của nỗi sợ).


1. Cảm giác một mình

Cảm giác một mình là nỗi sợ mà hầu như mỗi người đều trải qua tại một thời điểm trong cuộc đời. Tôi đã trở thành nạn nhân của nỗi sợ hãi khi ở một mình. Nhưng, sự thật là nỗi sợ của tôi chẳng hề thực tế chút nào. Tôi là một người chị, một cô con gái, một người cô, một đứa cháu gái, mẹ đỡ đầu và là người bạn thân. Nỗi sợ ở một mình của tôi là nỗi sợ không có căn cứ khi bên cạnh tôi luôn có những người yêu thương tôi. 

Theo như ông Robert Locke của trang lifehack.com, “có nhiều nhân tố khác nhau gây ra nỗi sợ ở một mình. Có lẽ bởi vì trước đây bạn từng cảm thấy mình như bị bỏ rơi trong cuộc sống. Ví dụ như bạn là một đứa trẻ bị bỏ rơi hay là hay người thương đã chia tay với bạn. Vì thế mà bạn liên tưởng đến việc ở một mình cũng đồng nghĩa với việc không được yêu thương. Nỗi sợ cô đơn cũng có thể do sự thiếu tự tin. Một người mà không tin tưởng vào chính mình sẽ nghĩ rằng họ không xứng đáng có được tình yêu cũng như họ không có khả năng làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn dù bằng cách nào đi nữa.”

Chúng ta đều là những cá thể độc nhất. Chúng ta đều có những suy nghĩ và cảm xúc riêng. Và chẳng phải lúc nào nỗi sợ cô đơn cũng có ảnh hưởng tiêu cực. Locke cũng đề cập đến 7 cách để vượt qua nỗi sợ ở một mình cực kỳ hữu ích. Lời khuyên của chúng tôi chính là hãy đón nhận việc trở thành một cá thể độc lập. Chẳng có cảm xúc nào tuyệt vời hơn khi được là chính mình, kể cả khi điều này có nghĩa là bạn phải ở một mình. 


2. Cảm giác bị lãng quên

Dù cho khi chúng ta đang tồn tại trên Trái Đất này hay là ở đâu đi nữa, tất cả chúng ta đều có nỗi sợ bị lãng quên. Chúng ta đều làm việc chăm chỉ, bỏ ra nhiều thời gian, công sức, thậm chí là cả máu, mồ hôi và nước mắt để trở thành người mà chúng ta mong muốn trong cuộc đời này.

Do đó, cần có những sự tán dương hay công nhận trong cuộc sống, dù điều này diễn ra ở nhà, nơi làm việc hay là giữa bạn bè với nhau. Nếu không có sự công nhận, có lẽ chúng ta sẽ có cảm giác bị lãng quên. Những công việc khó khăn mà chúng ta hoàn thành thường ngày cũng trở thành vô ích. Sự chú ý, quan tâm mà bạn dành cho mọi người trong cuộc sống này hãy nên như một “con đường 2 chiều” ở đó có cả sự nhận lại và cho đi. 

Alexandria Brown trên trang ThoughtCatalog.com đã đề cập đến vấn đề này như sau: “Chẳng ai muốn mình bị lãng quên. Chẳng một ai muốn nghĩ rằng thời gian họ dành cho một ai đó chẳng có ý nghĩa gì. Cũng chẳng ai muốn nghĩ họ không hề quan trọng. Nhưng có một vấn đề chính là bạn không thể kiểm soát được cách mà mọi người phản ứng. Đối với một số người, xa mặt thì cách lòng. Đôi khi, khi bạn rời đi, thật khó để người ta không nghĩ rằng bạn đang rời bỏ họ.” Tất cả chúng ta đều từng rơi vào trường hợp cắt đứt hoàn toàn mối quan hệ với một ai đó. Những sự kiện này xảy ra dẫn đến sự xa cách đủ ảnh hưởng tiêu cực để một người quyết định thay đổi. Có rất nhiều nguyên nhân là khởi nguồn của nỗi sợ bị lãng quên. Hãy tập trung vào những nơi không có nỗi sợ. Hãy gắn kết chính bạn với những người công nhận bạn hàng ngày.


3. Cảm giác không được lắng nghe.

Nếu bạn cho rằng mình là một người giao tiếp tuyệt vời thì nỗi sợ này chắc hẳn đã từng xuất hiện trong tâm trí bạn lúc này hay lúc khác. Nhưng nỗi sợ này cũng có thể giải quyết bằng giao tiếp, và tốt hơn hết là hãy chú ý vào những cuộc giao tiếp đang diễn ra xung quanh bạn. 

 Trang PathwaytoHappiness.com đã viết rằng: “Đôi khi chúng ta cảm thấy không được lắng nghe. Đôi khi, cảm giác này bắt nguồn từ sự đánh giá khách quan về hành vi của người khác hay đôi khi là từ chính chúng ta. Và có lẽ nguyên nhân chính là những trải nghiệm cảm xúc trước đây và chúng ta luôn mang theo những điều đó cho đến hiện tại. Chúng ta có lẽ cảm thấy không được lắng nghe bởi vì trong trải nghiệm trước đó đã hình thành nên một niềm tin rằng chúng ta không được lắng nghe và vẫn tiếp tục sống trong kiểu mẫu niềm tin đó. 

Hãy chú ý đến cách bạn giao tiếp cũng như cách bạn để cho người khác giao tiếp với mình. Nếu bạn thấy mình nói quá nhiều, có khả năng là người mà bạn đang giao tiếp sẽ tập trung vào góc nhìn, quan điểm cá nhân của họ hơn, thay vì là cuộc trò chuyện với bạn. Cách tốt nhất để biến nỗi sợ này thành điều tích cực chính là hãy có một cuộc trò chuyện chân thành với bất kỳ ai mà bạn giao tiếp. Hãy kể về cảm giác của bạn ra sao khi mà thiếu đi những cuộc trò chuyện lành mạnh. Hãy nhớ rằng giao tiếp là chìa khóa cho vấn đề này.

 

4. Cảm giác không được yêu thương.

Có cả hàng tá lý do tại sao mà một người cảm giác không được yêu thương. Không một con người nào vượt qua được cảm xúc của tình yêu. Chúng ta có tình yêu với các thành viên trong gia đình và bạn bè. Hay là thú cưng mà ta yêu thích, ta chăm sóc chúng vì những thú cưng này cũng là gia đình. Thậm chí khi bạn tưới cây hàng ngày thì những loài cây này cũng cảm nhận được tình yêu mà bạn dành cho chúng. Kết quả là, cây đơm hoa kết trái.

Mang theo tư tưởng rằng mình không được yêu thương có thể biến điều này thành sự thật. Nhưng mọi việc không nhất định phải theo chiều hướng như vậy. Thay đổi quan điểm sẽ thay đổi thực tế của chính bạn.

Tiến sĩ Krystine I. Batcho đã chia sẻ trên trang PsychologyToday.com: “Nếu bạn ngần ngại để ai đó yêu bạn, hãy cân nhắc xem liệu nỗi sợ này có chính đáng hay không. Hãy luôn nhớ rằng được yêu thương là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Khép kín trước tình yêu sẽ tước đi một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất của một con người, đó chính là yêu bản thân. Chấp nhận tình yêu có thể liên quan đến những sự hi sinh nào đó, nhưng đây cũng có thể là một trong những thử thách vô tư, ý nghĩa và đáng có nhất mà bạn chấp nhận đương đầu.

Việc quan trọng đầu tiên cần phải làm là tìm ra nguồn gốc lý do tại sao bạn luôn  cảm thấy không được yêu thương. Nếu cảm giác của bạn có căn cứ rằng tại sao mà những cá nhân nhất định không bộc lộ tình yêu thì hãy tiếp tục tiến lên phía trước. Và việc bạn trải qua quá trình chữa lành để tìm ra nguyên nhân cốt lõi là điều cần thiết.


5. Cảm giác lạc lõng

Cái cảm giác bị tách biệt thật là khó khăn, đặc biệt là khi bạn cố gắng kết nối với mọi người. Nhiều người trong chúng ta có những nhóm nhỏ bạn bè, những người khác thì có cộng sự, bạn bè, và bạn của những người bạn đó. Cảm giác bị bỏ rơi bất cứ khi nào mà những lễ hội tưng bừng diễn ra sẽ là kẻ thầm lặng giết chết đi những cảm xúc. Vì trên thực tế, chúng ta đều muốn cảm thấy mình không hề bị tách khỏi các mối quan hệ xã hội.

 Bà Margarita Tartkovsky, Thạc sĩ Khoa học của trang PsychCentral.com, đã viết: “Bạn thân của bạn thì đang ở bữa tiệc còn bạn không ở đó vì bạn không được mời. Hay là khi bạn đi làm, mọi người thì bàn tán về sự kiện tuyệt vời nào đó mà họ đã tham dự đêm trước và chẳng ai hỏi liệu bạn có muốn tham gia hay không. Hoặc cũng có thể là những thứ khác nữa. Dù thế nào đi chăng nữa, một sự thật vẫn còn lại chính là bạn không nhận được lời mời và bạn thấy tệ hại về điều đó. Bạn cảm giác bị bỏ rơi.”

Cách dễ dàng nhất để không cảm thấy bị bỏ rơi chính là tạo bầu không khí. Hãy thực hiện bước đầu tiên là kết nối bạn bè lại với nhau. Mọi chuyện sẽ ổn thôi dù cho đôi lúc bạn không thích là người đầu tiên thực hiện điều này. Hãy ước chừng nhóm bạn của bạn phải nên thường xuyên qua lại với nhau, gặp gỡ nhau liên tục. Nhưng, hãy nhớ rằng mỗi người đều có cuộc sống riêng của mình và họ đang nỗ lực để đạt mục tiêu cá nhân đã đề ra và không phải ai cũng có một thời gian biểu  và lịch trình giống như bạn cả.


6. Mất đi người thương yêu.

Đây là một nỗi sợ hãi vô cùng đáng sợ. Chúng ta đều nhận thức được rằng thứ duy nhất để rời khỏi thế giới này chính là cái chết. Cho dù bạn có trải nghiệm cái chết cận kề, việc chứng kiến một người họ hàng hay bạn bè qua đời, hay là hiện tại bạn đang ở bên cạnh họ - những người mà đang trong giai đoạn cuối của cuộc đời thì trải nghiệm như vậy cũng là một điều khó khăn. 

Tôi đã chứng kiến khá nhiều cái chết trong quá trình mình lớn lên. Tôi hiểu rằng cái chết là như thế nào khi lên 7 tuổi. Chẳng khi nào mà việc mất đi người thương yêu trong gia đình là trải nghiệm dễ dàng cả. Nhưng tôi đã tìm ra những phương pháp đối phó một cách lành mạnh để vượt qua nỗi buồn đau.

Merely Me của trang HealthCentral.com đã viết rằng: “Chết và cái chết là một phần không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Chúng ta chắc chắn rằng sẽ đối mặt với nhiều mất mát trong suốt cuộc đời. Song điều này không có nghĩa là chúng ta phải đầu hàng trước cái khoảng thời gian đầy sợ hãi ấy.”

Nắm trọn khoảnh khắc bạn ở cùng với gia đình và bạn bè. Và nếu bạn đang sử dụng hết tất cả thời gian sẵn có của mình để tìm kiếm cơ chế đối mặt hay giải tỏa sợ hãi một cách lành mạnh sau khi mất đi người mà bạn yêu quý, hãy làm những gì mà bạn cảm thấy đúng.

Khi bạn làm việc chăm chỉ hay là dồn hết sức mình để làm việc gì đó, bạn hi vọng mọi thứ đều được đền đáp xứng đáng. Song nếu như có bất kỳ sự trì hoãn nào thì nỗi sợ mọi việc không có tiến triển cũng là một điều phổ biến thường thấy. Tất cả chúng ta đều trải qua cảm giác này. Nhưng trái lại bạn biết những thứ mà bạn muốn làm sẽ giúp bạn tìm ra ý chí. 

Theo Britt Bolnick trên trang TinyBuhdda.com, “Trước khi chúng ta có thể phát triển những điều mới, hãy xem xét kỹ điều gì không có hiệu quả với chúng ta, điều gì không phục vụ cho mục đích của ta, và những điều gì cần loại bỏ để nhường chỗ cho những điều mới, tốt đẹp hơn, thỏa mãn chúng ta một cách sâu sắc hơn. Những thứ này có thể bao gồm công việc, các mối quan hệ, cách sử dụng thời gian hay là những niềm tin nào đó. Sau đó, chúng ta cần làm cho mảnh đất tâm hồn của chính mình sạch sẽ và màu mỡ  để chúng ta có thể trồng lên đó những cái cây mà chúng ta muốn nuôi dưỡng.”

Một mẹo mà cá nhân tôi thường sử dụng để tránh xa khỏi nỗi sợ việc mọi thứ không có tiến triển gì chính là tập trung vào những gì tôi có thể kiểm soát được. Khi tôi dành sự quan tâm của mình cho gia đình, bạn bè, và công việc, tôi có thể tối đa hóa những mối quan hệ này. Tôi phát hiện ra nhiều thứ mà tôi nhận lại được trong cuộc sống hàng ngày của mình và cuối cùng tôi quên đi nỗi sợ về những điều không có thực. Tôi luôn nghĩ rằng mọi thứ đều sẽ như vậy. 

Lời kêu gọi hành động tôi dành cho bạn chính là hãy đắm mình vào những gì mà bạn hình dung về cuộc sống của mình mà không hề sợ hãi. Làm điều đó mỗi ngày để vượt qua nỗi sợ. Không ngừng chú tâm vào việc sống một cuộc đời mà bạn muốn sống. Một cuộc sống mà không có sợ hãi. Và rồi chẳng mấy chốc, bạn sẽ nhận ra những gì đang kìm bước đi của bạn sẽ không còn gì liên quan nữa cả. Những gì gây cản trở cho cuộc đời bạn chỉ còn là quá khứ.

-----------------------------

[A Crazy Mind là một tổ chức cộng đồng hợp tác với YBOX - Kênh Thông Tin Chất Lượng Cao Của Giới Trẻ & Sinh Viên Việt Nam nhằm nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng. Với sứ mệnh này, chúng tôi cung cấp cho bạn đọc những đa dạng chủ đề về tâm lý học giúp cho việc nhận thức về sức khỏe tinh thần trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết]


Dịch: Hannah

Biên tập: Linh Vũ

Minh họa: Gia Khánh

Nguồn: https://psych2go.net/7-common-things-we-tend-to-fear/


(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: A Crazy Mind - Ybox.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày!

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL




----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,896 lượt xem

lh-fulllh-x