Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

[AUTHORITY] Làm Gì Với Sự Thất Vọng?

Tôi thường xuyên thất vọng về bản thân. Tôi muốn dậy lúc 7 giờ mỗi ngày, và không thể làm nổi. Sau đó tôi nguyền rủa mình là đồ lười. Tôi muốn thi đậu một chương trình, và lè phè suốt nửa năm không động đậy. Sau đó tôi nguyền rủa bản thân là quá lầy (dù rằng sau đó vẫn tiếp tục lầy), và cực kỳ thất vọng về bản thân.

VÌ SAO KẾ HOẠCH THẤT BẠI?

Tôi từng lên kế hoạch chơi boxing, đọc một chuyên đề nghiên cứu lịch sử, đi học đàn. Năm vừa rồi, khi dọn nhà, tôi phát hiện mình đã mua một cặp găng tay boxing, khoảng 20 quyển sách chuyên đề đó, và 1 cây đàn.

Điều tồi tệ là tôi chưa tập và học bất cứ gì trong số đó quá 2 ngày. Hôm trước một em học sinh hỏi tôi vì sao em muốn thi đại học vào ngành của em. Em ước mơ nhiều lắm. Nhưng cuối cùng cả năm đã qua và không làm được gì cả. Môn thi không ôn được. Sức khỏe thì sa sút. Còn lại chỉ toàn nỗi buồn. Coi bộ tình huống không khác gì tôi lắm.

Tôi dành hai tuần để ghi chép lại cách mình sinh hoạt hàng ngày, để rút ra vì sao tôi đã không thực hiện được các mục tiêu và kế hoạch ở trên. Và sau đó lý do xuất hiện:

a. Tôi thường viết khuya, dẫn đến việc đi ngủ lúc 4 giờ sáng. Hôm sau tôi dậy vào 12 giờ trưa. Người lờ đờ đến 6 giờ chiều mới tỉnh hẳn. Sau đó vòng lặp lặp lại sau khi ăn tối. Tôi không ngủ được vì dậy trễ. Tiếp tục thức khuya. Tôi thường trì hoãn việc đọc chuyên đề này sau khi xong các việc khác vì đã quá đờ dẫn vào ban đêm.

b. Tôi đã bỏ tiền đăng ký học boxing. Nhưng chỗ tập cách nhà 7km. Và tôi luôn có lý do để trì hoãn việc đi tập: Xe máy hỏng, bạn rủ ăn tối, mẹ muốn đi shopping cùng.

c. Tôi đã mua đàn, đóng tiền học, nhưng luôn thấy thời gian di chuyển đến lớp tập dài, trong khi thời gian tập là 1 giờ. Sự động viên sau giờ tập không có, nên tôi không tập bài thầy giao về nhà.

Các vấn đề xảy ra trong vụ lên kế hoạch này, tựu chung lại gồm có:

– Tôi không xác định khoảng thời gian nào trong ngày sẽ làm các việc trong kế hoạch. Chúng được tạo ra với các khái niệm mờ nhạt là “bộ sách”, “găng tay”, “đàn”. Đồ vật không đủ sức thuyết phục, và cơ thể tôi nhanh chóng chọn các thứ yêu thích hơn để nhảy vào, thỏa hiệp thời gian, trì hoãn và cuối cùng là từ bỏ.

– Từ chỗ TÔI MUỐN đến chỗ TÔI LÀM không có ranh giới nào. Mua đồ đạc, thiết bị chỉ là hành vi vô cùng ít nỗ lực (đồ thì không đắt, tiền thì chỉ chi 1 lần, quá dễ dàng). Tính ra, trong suốt từ lúc kế hoạch xuất hiện tới lúc từ bỏ, nỗ lực duy nhất tôi từng thực hiện là MUA SẮM. Thực ra sau nhiều năm nhìn lại, tôi đã mua rất nhiều thứ, và không chú tâm dành cho bất kỳ món đồ nào một nỗ lực thực sự.

– Nhiều yếu tố gây xao nhãng gồm có: hẹn hò bất tử, ăn tối, đi chơi, coi phim, mua sắm, các việc chen vào vô lý và không quan trọng nhưng vẫn được dùng để làm lý do trì hoãn. Những việc này xuất hiện thường chỉ 1 -2 giờ trước giờ học/tập.

– Tôi đòi hỏi quá nhiều ở bản thân, trong khi khả năng thấp hơn vậy rất nhiều => Gây thất vọng, chán nản, và bỏ cuộc.

2. LÀM SAO ĐỂ KẾ HOẠCH KHÔNG THẤT BẠI?

Sau khi nhận ra điểm yếu của mình, tôi ghi chép lại và tìm cách xử lý. Năm vừa rồi, tôi thử làm vài việc mới. Không gọi là hoàn toàn thành công, nhưng lần đầu tiên trong đời, tôi có thể duy trì một việc đều đặn trong hơn sáu tháng – đây là thành tựu tôi chưa bao giờ làm được trước đó.

Tôi chọn chơi ba môn mới, và tự quy định sẽ viết 1 thứ đều đặn.

Những khó khăn của các việc này như sau ( tôi viết ra):

a. Tôi không chịu đau được lâu. Chơi thể thao mà bị quá đau sau vài buổi tập đầu tiên tôi chắc chắn sẽ bỏ cuộc. Chuyện này gần như diễn ra mỗi năm với tất cả các dự định thể thao trước đây.

b. Tôi không thấy vui sẽ liền bỏ cuộc, lười tập.

c. Nếu tôi đi tập cùng ai đó, người đó bỏ cuộc, tôi sẽ bỏ theo vì… không có bạn.

d. Tôi có nhiều việc linh tinh chen vào (hẹn hò, đi chơi, dự án đột ngột, thời sự, uống bia…) và tôi sẽ bỏ.

e. Tôi thường đợi deadline sát nút mới làm việc (do thói quen sống không có kế hoạch), nên viết 1 thứ đều đặn là vô cùng khó khăn.

Cách khắc phục như sau (tôi cũng viết ra):

** a và b: Tôi không tập nặng, mà tập rất chậm rãi, lười nhác. Tôi bỏ qua việc thấy buồn vì thành tích không tốt, thấy ngại vì mình chậm tiến bộ, thấy ức chế khi thầy than phiền sao mình chậm hiểu thế. Tôi chơi theo đúng nghĩa đen là “chơi” – cứ từ từ, ngã thì làm lại, đau thì làm sao cho bớt đau, đau quá là giảm tải lại. ĐỔI LẠI: Tôi chơi xen kẽ ba môn này trong tuần để không chán (vì tính tôi nhanh chán), thường xuyên cập nhật kết quả cho một người bạn qua tin nhắn.

Với tôi, người bạn này CỰC KỲ quan trọng. Họ sẽ nói tôi giỏi lắm, lưu lại ảnh tôi chụp, vài tháng sau gửi lại, nói: Em thấy không, em đã tiến bộ hơn nhiều. Một bạn khác không khen tặng, mà cứ 1 tuần lại gửi cho tôi 1 clip, nói em xem thử, làm thử coi nổi không. Có lần tôi làm không được, ức, cáu. Bạn gọi điện nói, em đang chơi mà, làm gì mà nghiêm trọng vậy. Thoải mái, không tập cái này tập cái khác. Chơi mà!

Thành thật mà nói, chính tâm lý “CHƠI MÀ!” cộng với thấy bản thân tiến bộ, đã khiến tôi dám chú tâm tiếp tục làm việc đều đặn với mấy môn tôi chơi. Không còn là thành tích. Không còn là được gì. Không còn là tiến bộ. Chỉ thấy rất vui. Hai người bạn kia cũng thường nhắn tin khoe tôi họ tập gì, làm gì. Họ chính là người khiến tôi thả sự ức chế ra, để hưởng thụ thời gian tập luyện như giải trí.

c. Tôi không đăng ký tập ở lớp nào, và cũng không mua thiết bị đắt tiền nữa. Các thứ đồ tôi chọn mua luôn là thứ rẻ nhất trong cửa hàng. Bạn tôi nói: “Nếu em mới tập, sự khác nhau giữa một đôi giày xịn và giày dỏm không quá khác nhau. Em hãy đi nó 3 tháng, khi nó mòn, em mua giày xịn. Vậy là em thấy mình tiến bộ, tự thưởng cho mình. Đừng tưởng vật chất có thể khiến em tập tốt hơn. Em tập tốt hơn là vì em chịu đi tập.”

Tôi sở hữu 2 đôi giày loại thường. 1 đôi giày đi bộ ok. Và 2 món đồ tôi chơi là rẻ nhất tiệm khi tôi ghé mua. Sau sáu tháng, tôi chỉ thay 1 đôi giày, và vẫn chơi bình thường. Tôi biết mình sẽ khó giỏi lên, nhưng tôi thỏa mãn vì mình không bỏ cuộc, không điên rồ đi mua một thiết bị 400 -500 USD chỉ vì TƯỞNG LÀ mình sẽ giỏi thể thao.

Việc không đăng ký tập theo lớp nào giúp tôi 2 thứ: Khi cần người huấn luyện, tôi thuê 1 buổi, hoặc rủ bạn tôi đi tập, tôi trả phí. Tôi thấy thoải mái với khung giờ của mình, không thấy hối lỗi vì bỏ giảng viên chờ như trước kia rồi ngại quá mà… trốn học luôn. Ngoài ra, cảm xúc thích tập của tôi cũng tùy tuần, khi nào thấy hứng khởi nhất, tôi sẽ nhờ người chỉ mình kỹ thuật mới, không thì cứ tập bài cũ. Chẳng có chút áp lực nào về sĩ diện, danh dự hay cảm xúc.

d. Tôi luôn từ chối các cuộc hẹn bất thần cách thời điểm hẹn 2 giờ. Vì tôi đã ghi vào lịch thứ mình cần làm vào thời điểm đó trong ngày. Đây là điều tôi nghĩ cực kỳ khó khăn với bản thân, vì tôi rất thích chơi, và rất hạnh phúc khi gặp bạn bè. Nhưng tôi muốn làm các việc mình yêu hơn.

e. Tôi chọn một người mình kính trọng, và người đó giám sát việc viết của tôi. Sự kính trọng khiến tôi không dám “làm lừng” và bỏ ngang điều mình đã cam kết. Lời hứa với người mình kính trọng thường khó có thể đùa giỡn và nó dễ đi kèm với hậu quả tôi mất người thầy đó nếu không hoàn thành nhiệm vụ, hoặc như một đứa trẻ con đã không giữ lời với điều muốn làm. Người đó cũng nhẹ nhàng nhắc nhở, hoặc đôi lúc động viên, nhưng về cơ bản là nghiêm khắc với thái độ làm việc và theo dõi tiến độ tôi thực hiện.

f. Tôi chia nhỏ việc cần làm ra thành những slot rất bé, kéo dài 30 phút, 1 giờ, 50 phút…. và mỗi lần hoàn thành một đơn vị công việc đều cảm thấy như mình đã vượt qua cả thế gian để thực hiện được điều vĩ đại.

g. Tôi TỰ THƯỞNG cho tất cả những slot đã hoàn thành của mình, tự ca ngợi mình, và kể điều đó cho bạn hữu nghe. May mắn sao, tôi có mấy người bạn rất hay động viên, thỉnh thoảng hỏi thăm, và sẵn sàng khen tặng tôi (như trẻ con) là hôm nay giỏi quá, viết xong mới đi chơi nha. Có thể bạn thấy điều này hơi ngớ ngẩn, nhưng nó đã giúp tôi thấy từng việc làm mỗi ngày là có ý nghĩa, có nội dung và tôi hoàn thành được gì đó.

h. Cuối ngày, tôi liệt kê những gì mình làm được. Thường lúc đó cảm thấy rất vui .

NẾU KẾ HOẠCH THẤT BẠI THÌ SAO?

Trong số những thứ tôi định làm một năm qua, có vài thứ thất bại, nhưng tôi thật mừng vì mình thành công vài điều nhỏ.

Vậy tôi làm sao với thất bại?

a. Tôi nhìn nhận lại, tôi thất bại vì đã không dành thời gian đủ nhiều cho việc đó. Không chú tâm. Không dành sự hi sinh công sức để đạt được. Thất bại là đáng đời tôi.

b. Một lý do khác là thực ra tôi không hề thích việc đó như tôi tưởng. Nên bỏ cuộc là điều dở, nhưng nên làm.

c. Tôi xem lại toàn bộ quy trình trên, và nhìn xem cái gì đã xen vào và phá hỏng thứ tôi quyết tâm ban đầu. Tôi đã ghi lý do vì sao mình muốn làm một việc. Và giờ là lúc giở nó ra xem, để phát hiện ra cái quyết tâm đó vì đâu mà chưa đủ lớn.

Coi bộ đó là thứ bự nhất tôi suy nghĩ được suốt năm vừa qua.

Khải Đơn


--------

[ Liên Kết Với Tác Giả Bài Viết - Cộng Đồng Tác Gỉa Chuyên Sâu AUTHORITY ]

Tác giả: Khải Đơn

Khải Đơn là phóng viên và nhà văn tại Sài Gòn Chị là tác giả của một số sách viết cho giới trẻ như "Gập ghềnh tuổi 20", "Đường tháo nụ cười xuống", "Sài Gòn- Thị thành hoang dại",... Hiện chị viết văn và giảng dạy cho một số chương trình báo chí.

Link bài gốc: Làm Gì Với Sự Thất Vọng?

Follow Facebook Authority - Cộng Đồng Tác Giả Chuyên Sâu để đọc thêm các bài viết mang tính chất chuyên sâu thuộc nhiều lĩnh vực/ chủ đề khác nhau từ các tác giả là Blogger/ Author đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

169 lượt xem