Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

[AUTHORITY] Làm Thế Nào Để Vượt Qua Tâm Trạng Tồi Tệ ( P1 & P2)

Ắt hẳn chúng ta ai cũng có lúc cảm thấy tâm trạng của mình rất tồi tệ: buồn, chán, u uất, khó chịu, vân vân mây mây. Đâu có ai lúc nào cũng thấy vui vẻ, hớn hở được nhỉ? Những chuyện ảnh hưởng đến tâm trạng chúng ta thì nhiều lắm, nào công việc, học hành, những mối quan hệ, tình cảm, rồi còn có sức khoẻ ảnh hưởng nữa chứ. Những lúc như vậy, mình nghĩ chúng ta có xu hướng không muốn làm gì cả, hoặc là không biết phải làm sao để cảm xúc tốt hơn. Mình cũng từng trải qua những giai đoạn như vậy đấy. Mỗi lúc ủ rũ lại nằm lăn, nhìn trần nhà cho thời gian qua, hoặc lướt mạng vô tội vạ. Nhưng rõ ràng, những điều ấy đâu có làm chúng ta cảm thấy tốt hơn đâu. Thế là mình cũng tự nghiên cứu, học thêm và thực hành nhiều phương pháp để cải thiện tâm trạng. Đồng thời, với kinh nghiệm làm việc trong BMVN, mình cũng biết thêm được nhiều cách để vượt qua tâm trạng tồi tệ. Và thật sự thì cũng có nhiều, nhiều cách lắm ấy. Vậy thì chúng ta thử tìm hiểu có những cách nào để vực dậy cảm xúc nhé.

1.  1. Nhận biết và chấp nhận cảm xúc của mình 

Mình tin là có nhiều người khi gặp phải chuyện buồn, stress, hoặc khó chịu thì thường tìm cách tránh né hoặc không chấp nhận cảm xúc tồi tệ ấy. Họ thường có xu hướng làm bản thân bận bịu hơn, xem nhẹ cảm xúc của mình, hoặc không muốn suy nghĩ tường tận về cảm xúc khó chịu ấy. Mình nghĩ điều này không tốt. Ai trong chúng ta cũng gặp phải nhiều vấn đề trong cuộc sống, và việc cảm thấy khó chịu, hoặc buồn rầu là một lẽ tự nhiên. Những cảm xúc ấy khiến chúng ta thật hơn, và trở nên sâu sắc hơn nhiều. Vì thế, nhận biết được mình đang cảm nhận gì, đang có phản ứng ra sao với cảm xúc ấy là điều rất quan trọng. Một trong những lời khuyên bọn mình hay tư vấn nhất đó là hãy thử viết ra cảm xúc của mình. Tìm một khoảng thời gian nào đó mà chúng ta có thể ở một mình, để suy nghĩ, để tự vấn bản thân. Viết ra những gì chúng ta đang cảm thấy, đặt câu hỏi vì sao, và làm sao để chúng ta vượt qua những xúc cảm đó.

Sau khi nhận biết được cảm xúc của mình rồi, thì điều kế tiếp mà chúng ta làm chỉ là… chấp nhận chúng thôi, một lẽ tự nhiên của cuộc đời mà : )

2. Làm điều gì đó mà mình yêu thích, nhưng phải mang lại giá trị nào đó cho mình

Một trong số lời khuyên chúng ta hay nhận được là hãy làm những gì mình thích làm. Nhưng mình nghĩ như vậy không đủ, vì lướt mạng vô tội vạ, xem phim vô tội vạ, ăn vô tội vạ… cũng là những điều mà chúng ta thích, nhưng nhiều khi chúng thật sự không tốt. Nên mình muốn bổ sung là, hãy làm những gì mình thích làm, nhưng nó có thể tạo ra giá trị gì đó. Ví dụ như mình thích xem phim, thì thay vì xem phim truyền hình dài tập thì mình sẽ chỉ xem phim tài liệu. Vừa giải trí vừa học được điều gì đó. Dạo này mình đang xem series Brain Games, vừa vui vừa bổ ích. ^^

Nếu bạn có sở thích, đam mê nào đó thì hãy làm. Vẽ, viết, chụp ảnh, tập thể thao… tất cả những điều đó sẽ cải thiện tâm trạng của bạn rất nhiều, lại vừa nâng cao khả năng của bạn ở một mức độ nào đó. Nhớ nhé, phải làm điều gì mình thích mà tạo dựng giá trị cho mình nhe.

3. Hít thở, hít thở, hít thở 

Mình rất muốn nói là khi tâm trạng tồi tệ thì chúng ta nên… ngồi thiền. Nhưng có lẽ ngồi thiền sẽ rất khó khi trong đầu chúng ta có hàng ngàn dòng suy nghĩ liên quan đến tâm trạng không tốt đó, nên mình chỉ gợi ý là hãy bắt đầu tập thở và quan sát hơi thở của mình. Những lúc thấy tâm trạng bản thân chùng xuống, bạn nên dừng lại, hít thật sâu và thở ra theo nhịp. Một, hai, ba, bốn. Lặp lại như vậy cho đến khi bạn thấy nhẹ nhàng hơn. Mình không nói rằng việc hít thở này sẽ cuốn bay nỗi buồn của bạn, nhưng chắc chắn, sau khi thở thật sâu, rồi nở một nụ cười, bạn sẽ cảm thấy mọi thứ nhẹ nhàng hơn. : )

4. Cùng dọn dẹp nào! 

Thú thật là, mỗi lần tâm trạng tồi tệ, mình sẽ đứng dậy đi dọn phòng. Mình dọn tất tần tật những gì mình có thể dọn, lau chùi mọi thứ, sắp xếp lại đồ đạc gọn gàng. Thời gian vừa qua tâm trạng của mình rất tệ, nên (may mắn) mình hình thành luôn được thói quen sắp xếp và dọn phòng thường xuyên. Mỗi lần dọn dẹp, mình không quá để tâm vào những chuyện buồn nữa. Bật nhạc mình thích, vừa dọn vừa hát hoặc vừa nhún nhảy, lúc dọn xong chỉ cần nhìn căn phòng gọn gàng thôi cũng đã thấy vui hơn rồi. Mình tin rằng việc dọn dẹp khi rầu rĩ này có thể giúp mình bớt buồn, lại giữ được nhà cửa ngăn nắp nữa chứ. Một công đôi việc mà.

5. Đến lúc phải suy nghĩ, và suy nghĩ khác hơn : ) 

Mình nói thật, tâm trạng chúng ta sẽ không thể nào tốt hơn nếu chúng ta giữ mãi những suy nghĩ buồn, hoặc tiêu cực trong đầu. Đánh lạc hướng kiểu nào thì những suy nghĩ ấy vẫn sẽ về lại thôi. Thế nên, mình tin rằng việc suy nghĩ tường tận mọi thứ, thay đổi một chút nhận thức và cách phản ứng của bản thân, thì cảm xúc bản thân sẽ khá hơn. Khi gặp phải chuyện gì không vừa ý, mình hay nghĩ đó là cơ hội để mình xem xét lại bản thân, hoặc xem xét lại mọi thứ xung quanh mình. Khi gặp phải thất bại, kết quả học tập không ưng ý, sau một lúc trách móc bản thân, mình lại bắt đầu suy nghĩ làm sao để bản thân tiến bộ hơn vào lần sau. Hoặc khi bị từ chối, khi không thể đạt được điều gì đó, mình lại tự nhủ là: “Just let it go” (Để điều ấy đi đi). Có nhiều thứ không thay đổi được, không ép buộc được, đành phải vượt qua và tiếp tục sống hạnh phúc mà thôi. : )

6. Tự động viên bản thân 

Việc này có lẽ cùng nằm trong việc thay đổi suy nghĩ, nhưng mình muốn nhấn mạnh là, việc tự động viên bản thân rất quan trọng. Những lời nói chúng ta nói với bản thân có ảnh hưởng trực tiếp đến tâm trạng, hành vi, lẫn xu hướng phản ứng của chúng ta đối với mọi điều xung quanh. Mình hay tự nhủ là “không sao, mọi chuyện sẽ tốt hơn, sẽ chóng qua mà thôi” và còn vô vàn câu nói tích cực nữa mà mình hay thầm thì với bản thân mình. Những câu nói này không chỉ làm mình phấn chấn hơn, mà còn có tác dụng động viên mình làm việc, học hành, và cố gắng trong nhiều khía cạnh khác của cuộc sống nữa. Mà có lẽ, ở một mình mà, mình không tự động viên mình thì còn ai làm nữa, nhỉ.

Đó là những cách đầu tiên mình áp dụng khi thấy tâm trạng không tốt. Còn mọi người thì sao, thường làm gì khi cảm thấy nặng nề?

7.   7. Thiền

Trong phần trước mình chỉ mới nhắc đến việc tập thở có kiểm soát, trong phần này mình thật sự muốn khuyến khích các bạn tìm đến với thiền như một hoạt động chúng ta có thể thực hiện hằng ngày. Thiền có rất nhiều tác dụng, ngoài việc thư giãn đầu óc, thiền có thể khiến tâm trí chúng ta trở nên rõ ràng, minh mẫn, và sáng tạo hơn. Thiền tác động đến hệ thần kinh đối giao cảm, giúp tăng cường các cơ chế tự chữa lành của cơ thể, đồng thời gia tăng một số chất dẫn truyền thần kinh mang đến cảm giác vui vẻ, hạnh phúc. Trong một vài câu ngắn ngủi mình không thể nào kể hết những lợi ích thần kỳ của thiền đối với con người. Nhưng mình muốn nhấn mạnh việc ngồi thiền mỗi ngày có thể không những cải thiện tâm trạng mà cón giúp cơ thể chúng ta trở nên khoẻ mạnh hơn, nhẹ nhàng hơn.

8. Viết ra tâm trạng của mình 

Viết về cảm xúc, tâm trạng của bản thân là một trong những cách rất hiệu quả để chúng ta có thể nhận biết bản thân, đồng thời thả lỏng tâm trí, khiến bản thân không phải vướng bận trong việc suy nghĩ quá nhiều. Khi tâm trạng không được tốt, mình hay viết ra những điều mình đang nghĩ, đang cảm thấy, sau đó mình luôn thêm một vài dòng động viên bản thân, nhằm mục đích cải thiện tâm trạng lúc đó của mình. Việc này thật sự rất hiệu quả vì mình đã cảm thấy phấn chấn hơn mỗi khi làm việc này đấy. 

9. Uống trà 

Một trong những điều mà mình cảm thấy may mắn đó là mình thích uống trà, đặc biệt là các loại trà hoa và trà thảo mộc. Một tách trà ấm, một ấm trà thơm luôn luôn làm mình cảm thấy dễ chịu. Uống trà, thưởng trà, và tìm hiểu về trà cũng là những việc làm rất thú vị. Mình luôn quan niệm, mỗi tách trà đều có tác dụng nuôi dưỡng cơ thể và cả tâm hồn. Khi uống, cũng để tâm vào tách ra, nhận và cảm được vị trà, trân trọng tách trà từ khi nó còn nóng cho đến lúc nguội đi. Những khoảnh khắc đó bỗng trở nên rất đỗi dịu dàng. 

10. Đọc sách 

Mọi người từng nghĩ đến việc thiền khi đọc sách chưa nhỉ? Nó không phải là việc chúng ta đọc sách thiền, sách về Phật giáo, vân vân, mà đó là việc chúng ta nghiêm túc với việc đọc của mình. Đặt cả đôi mắt, lẫn tâm hồn vào trong những câu chữ. Không bị xao nhãng, không nghĩ vu vơ. Bản thân mình nghĩ việc đọc sách một cách tỉnh tức không hề dễ dàng, nhưng nếu luyện tâm thường xuyên, khả năng đọc sách của chúng ta chắn chắn sẽ được cải thiện. Đọc sách không những nâng cao khả năng tập trung, mà còn có thể mở rộng hiểu biết lẫn tư duy. Và lúc đọc sách, tâm trạng của mình sẽ không bị giày vò bởi cảm xúc tiêu cực nữa đấy. 

11. Đi bộ loanh quanh

Hồi trước mình hay đi bộ và chạy bộ xung quanh nơi mình ở, tầm một hai tiếng mỗi chiều. Lúc đó mình cảm thấy tâm trạng mình rất phấn chấn, cũng có cơ hội ra ngoài hít thở, quan sát thiên nhiên. Nếu như xung quanh nơi bạn ở có cây xanh, thuận tiện để đi bộ, mình rất khuyến khích bạn dạo bộ một lát vào xế chiều, lúc trời đương mát mát. Lúc chúng ta dạo bộ ấy, cũng nên để ý bước chân đi, con đường xung quanh, cây cối, nhà cửa, con người thế nào. Cũng có lúc mình sẽ phát hiện ra những khung cảnh rất đẹp, có thể nhỏ bé nhưng xinh xẻo mà bình thường sẽ không thể nào nhận thấy được. Nhờ những lúc ấy, mà biết đâu tâm trạng chúng ta lại vui hơn lạ thường, nhỉ? : ) 

Mình nghĩ rằng những việc mình viết ở trên đều là những việc nhỏ bé, dễ dàng mà ai cũng có thể nghĩ đến được. Nhưng điều quan trọng, có lẽ là chúng ta thực hiện những điều ấy với sự tỉnh thức của mình. Thử đặt lòng mình, trải lòng mình vào trong những việc ấy, dẫu chúng ta có đang phải đối mặt với những cảm xúc tiêu cực thế nào. Và mình tin là mỗi một người trong chúng ta sẽ dễ dàng cảm thấy nhẹ nhàng hơn, yên bình hơn, cũng như sẵn sàng để đối mặt và giải quyết những điều đang làm chúng ta bận lòng. 

Ai có những cách gì khác để cải thiện tâm trạng nữa thì comment cho mình biết nhé.

Thân thương. 

Hoại Băng. 


---------

[ Liên Kết Với Tác Giả Bài Viết - Cộng Đồng Tác Giả Chuyên Sâu AUTHORITY]

Tác giả: Hoại Băng

- Cây bút viết chia sẻ về những khái niệm sống, những bài học về những suy nghĩ, tâm tư về thế giới xung quanh mình

- Có những bài viết được mọi người yêu thích tại blog cá nhân theminihygge.com

Link bài gốc: Làm Thế Nào Để Vượt Qua Tâm Trạng Tồi Tệ ( Phần 1)Làm Thế Nào Để Vượt Qua Tâm Trạng Tồi Tệ ( Phần 2)

Follow Facebook Authority - Cộng Đồng Tác Giả Chuyên Sâu để đọc thêm các bài viết mang tính chất chuyên sâu thuộc nhiều lĩnh vực/ chủ đề khác nhau từ các tác giả là Blogger/ Author đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

345 lượt xem