Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[AUTHORITY] Phán Xét- Ai Cũng Thích Làm Quan Tòa Và Ghét Làm Nạn Nhân

Trường học không có quyền dạy học sinh chuyện đừng phán xét ai bởi vì bản chất của trường học là phán xét, định nghĩa người khác thông qua điểm số và thái độ của các em mà. Đây là một bài viết về chủ đề “phán xét” viết đã lâu mà chưa bao giờ hoàn thành, cứ treo trong máy tính mãi, nay đăng lên đây xem sao.
Tháng 12/2016 Lê Huy – một bạn độc giả inbox cho tôi khoe rằng em ấy vừa thi môn văn và phần tự luận là trích đoạn bài viết “Không có trải nghiệm, tuổi trẻ không đáng một xu” của tôi năm nào.
Tháng 3/2017 lại là Lê Huy, em ấy khoe vừa thi giữa kỳ và đề văn lần này là đoạn đọc hiểu với thông điệp đừng vội phán xét người khác qua vẻ bề ngoài. Em ấy rất vui và tự hào khi có những giáo viên dạy văn thật tâm lý và thức thời.

Một vài lần khác tôi nhận được những inbox từ các em học sinh trung học từ nam tới bắc về chuyện đề thi môn văn của các em là phân tích và phát biểu cảm nghĩ về những trích đoạn, những thông điệp tôi đăng tải trong các bài viết hoặc trên trang Triết Học Tâm Hồn. Cũng như các em ấy, tôi vui và tự hào lắm. Tự hào một chút vì thông điệp của mình được các giáo viên văn tin dùng để ra đề thi. Vui rất nhiều vì các em được trao cơ hội để bộc lộ những cảm nghĩ thực của mình, suy tư của mình về các vấn đề của cuộc sống, thay vì cứ phải phân tích ý nghĩa những tác phẩm văn học cũ kĩ khô khan. Tôi thật tâm cảm ơn những giáo viên môn văn ấy, họ chính là những người tiên phong trong việc thay đổi cách học cách dạy vốn dĩ rất thô cứng và bảo thủ của ngành giáo dục. Nếu như mọi giáo viên đều sáng tạo một chút, can đảm một chút để thay đổi vài điều nho nhỏ như vậy trong môn học của họ thì tôi tin nền giáo dục của chúng ta sẽ sớm được thay đổi thôi.

Tôi nghĩ, nếu mình là giáo viên văn, ngoài việc dạy học theo chương trình giáo khoa, tôi sẽ ưu tiên khuyến khích và gợi ý cho các em học sinh đọc thật nhiều sách. Sách truyện, sách văn học kinh điển nước ngoài, sách về những phát minh mới, về danh nhân, về văn hóa lịch sử. Tôi sẽ gieo hạt mầm đọc sách cho các em trước tiên. Sau đó sẽ đề nghị các em viết lại một bài cảm nghĩ sau khi đọc cuốn sách ấy, về thông điệp chính, về những bài học rút ra, về cách ứng dụng chúng trong cuộc sống. Vâng, tôi tin chỉ bằng việc khuyến khích các em đọc thật nhiều sách sau đó chia sẻ lại cảm nghĩ của mình qua các bài viết – là đủ cho môn Văn rồi. Vì với tư cách một người viết sách, tôi tự tin nói rằng không con đường nào dẫn bạn tới việc viết mà không thông qua việc đọc. Kết hợp hai điều đó vào môn văn, biến mỗi em học sinh thành một người viết thay vì chỉ học phân tích sâu vào các tác phẩm đã quá lỗi thời.


Tôi nói chuyện với một người bạn vốn là người Malaysia nhưng đang làm Giám đốc sáng tạo cho một công ty quảng cáo ở Singapore. Tôi khoe với anh về việc một vài trường trung học ở Việt Nam ra đề thi cho học sinh từ các post của mình. Anh ấy tò mò hỏi post ấy tôi viết về chủ đề gì. Tôi nói lần trước là về “tầm quan trọng của việc trải nghiệm đối với giới trẻ ngày nay” còn lần gần đây nhất là về việc “mọi người nên dọn dẹp cả tâm trí và cuộc sống của họ nữa chứ đừng chỉ dọn dẹp nhà cửa khi đón mừng năm mới”.

Anh bạn đã rất ngạc nhiên. Anh ấy hỏi lại tôi một lần nữa ‘đề này cho học sinh trung học hay đại học’ và khi tôi khẳng định là đề văn của học sinh trung học thì khỏi nói anh ấy đã ấn tượng thế nào: “Thật tuyệt vời, giáo dục ở Malaysia người ta không đề cập mấy chủ đề như thế. Giáo dục ở Malaysia rất là lỗi thời rồi, không được như Việt Nam của em.”
“Ồ không” – tôi vội vàng giải thích – “Không phải tất cả các trường đều chọn những chủ đề này để ra đề thi đâu, chỉ một vài trường thôi. Và vài trường này, bằng cách nào đó, họ có những giáo viên rất tiến bộ. Những giáo viên này thực sự có tâm và thức thời nữa nên mới có thể đưa những đề tài này đến cho học sinh của họ”
“Nhưng ít nhất Việt Nam cũng có những giáo viên tuyệt vời như thế, những người sẵn sàng tạo ra những thay đổi như vậy” Anh ấy nói thêm “Trường học là nơi rất tốt để chúng ta lan truyền những tư tưởng và niềm tin đúng đắn. Người ta cần phải thay đổi để phát triển, không nên cứ dính vào những luật lệ và niềm tin cũ nát trong quá khứ mãi”.
Tôi hoàn toàn đồng ý.

Nhìn vào nền giáo dục, tôi nhận ra những điều thật phi lý: Giáo dục rõ ràng quan trọng thế. Nó không chỉ định hình tư duy, suy nghĩ, lối sống cho mọi người mà nó còn tạo ra hiện tại và tương lai cho nhân loại nữa. Trong hàng tỉ người được đến trường, được giáo dục, bao nhiêu người sống hạnh phúc? Vâng, có thể rất nhiều người thành công và giàu có, nhưng câu hỏi của tôi là “Bao nhiêu người hạnh phúc?” Chẳng bao nhiêu cả. Những người hạnh phúc dường như chỉ là những người ít học nhất: Trẻ con hạnh phúc nhất là thời gian chúng chưa phải đến trường. Học sinh hạnh phúc nhất vào ngày nghỉ khi không phải đi học. Giáo viên cũng hạnh phúc nhất vào ngày nghỉ, chứ không phải đi dạy nữa. Mọi học sinh đều phấn đấu để được rời trường trung học. Mọi sinh viên đều khao khát ngày được rời khỏi giảng đường để vào đời. Ai cũng mặc định rằng ra khỏi nhà trường mới là lúc cuộc sống thực sự bắt đầu. Trường học dần dà trở thành một cái xưởng, một cái nhà tù nhiều hơn là nơi mang lại niềm vui và động lực sống.


Trường học dần trở nên quan trọng đến mức người ta không thể hình dung cuộc sống mà thiếu nó. Nhưng rõ ràng thực tế chúng ta có rất nhiều nhân tài là những người không hề đi đến trường đấy thôi. Rõ ràng trường học là một tổ chức thất bại. Nó thành công trong việc biến con người thành robot tuân theo luật lệ và học thuộc lòng. Nhưng nó thất bại trong việc biến người ta trở nên sáng tạo, hạnh phúc và sống ý nghĩa. Nhà trường nhồi ý nghĩa sống vào đầu học sinh thay vì khuyến khích chúng tự tạo ra ý nghĩa cuộc sống cho mình.

Ồ khi tôi phản đối mô hình nhà trường, xin đừng nghĩ tôi phản đối việc giáo dục nhé. Nó là hai chủ đề hoàn toàn khác nhau. Trường học là nơi dạy luật lệ, nhồi lý thuyết nhưng cuộc sống thực mới là nơi dạy cho người ta những bài học thật sự về cuộc sống. Giáo viên không nên chỉ là những người đứng trên bục giảng. Giáo viên nên là tất cả mọi người đang sống trong môi trường xung quanh người học, từ người lạ tới người quen mà đặc biệt nhất là người thân trong gia đình. Sách là một trong những giáo viên tuyệt vời nhất mà học sinh nên bắt đầu theo học. Trách nhiệm giáo dục con người nên thuộc về toàn xã hội, từ truyền thông, tôn giáo, văn hóa cho tới xóm làng, gia đình chứ không chỉ mỗi trường học.

Cha mẹ mong trường học và các giáo viên dạy con mình nên người là một tư duy cực kì thiển cận và thiếu sót. Trường học đề cao sự rập khuôn, thứ hạng, cạnh tranh, thụ động, nhồi nhét, phán xét và sợ hãi thông qua từng hành động của nó như thi cử, xếp hạng, nghe và nghe, chỉ nói khi được phép và chỉ được phép nói những điều trong khuôn khổ.

Làm sao cha mẹ có thể mong trường học dạy con mình thành người tự lập, trưởng thành, sáng tạo, chủ động, từ bi, can đảm, thấu hiểu và yêu thương khi mà những thứ ấy chẳng hề được phép tồn tại trong trường học?
Cha mẹ “nhường” trách nhiệm dạy dỗ con cái cho giáo viên và mong họ dạy con mình trở thành người trách nhiệm ư?
Giáo viên trừng phạt học sinh bằng rất nhiều cách mỗi khi chúng phạm lỗi lầm nhưng lại mong chúng trở thành những người can đảm, không sợ lỗi lầm, không sợ sự trừng phạt?
Không ai cho phép học sinh thể hiện quan điểm của chúng về đời sống nhưng lại mong chúng trở thành người góp phần xây dựng đất nước?
Chẳng cha mẹ nào đọc sách, chẳng giáo viên nào khuyến khích chúng đọc sách khi ở lớp lẫn ở nhà (trừ sách giáo khoa) nhưng lại mong chúng trở thành người uyên bác đầy ắp kiến thức về cuộc sống về xã hội?
Chẳng giáo viên nào sáng tạo thì làm sao dạy học sinh cách sáng tạo?
Chẳng cha mẹ nào thấu hiểu, từ bi thì làm sao dạy con cái cách thấu hiểu và từ bi?


Đó là những nghịch lý. Muốn thế này nhưng lại làm thế khác. Không giải quyết được nghịch lý này thì giáo dục của chúng ta chẳng khác gì một chiếc xe hơi đang vừa bị kéo ga lại vừa bị đạp thắng. Tiến không được lùi cũng chẳng xong chỉ để lại một mớ âm thanh đinh tai nhức óc và một màn khói khét lẹt cuồn cuộn làm bẩn hết cả môi trường.

Quay trở lại với đề thi môn văn của cậu học sinh ban đầu, về chuyện đừng vội phán xét ai qua vẻ bề ngoài.
Nếu tôi là học sinh và làm bài ấy, tôi sẽ nói rằng tôi không muốn làm bài thi này, hoặc nếu làm, nó sẽ là thế này:
- Thứ nhất, chúng ta không có quyền gì để phán xét ai cả, hãy học cách chấp nhận điều ấy. Thay vì cho rừng đừng vội phán xét ai qua vẻ bề ngoài. Chúng ta tốt hơn nên tâm niệm rằng ngay cả “bề trong” của người ta như thế nào cũng không phải là quyền của ta để mà phán xét.
-Thứ hai, phán xét là một chủ đề rất hay. Mọi người đều đang phán xét em qua cách em hành xử, thầy cô cũng sẽ phán xét em qua bài thi này. Trường học phán xét em qua kết quả cuối mỗi năm học. Và giờ thầy cô lại muốn em nói rằng em không nên phán xét ai ư? Điều này liệu có công bằng? Tại sao người khác được quyền phán xét mà em thì lại không? Nếu thầy cô không muốn em phán xét ai cả, thế thì thầy cô nên ngừng việc phán xét em trước tiên mới đúng.

Tất nhiên nếu có học sinh nào làm bài kiểu thế này hẳn cậu ta nhẹ thì lên phòng hiệu trưởng uống trà (tôi chưa bao giờ thấy vị hiệu trưởng nào cho học sinh của họ uống trà cả, thậm chí nước lọc cũng không chứ là, thật dối trá), nặng hơn thì bạn học sinh ấy có khi bị đuổi khỏi trường luôn chứ đùa. Chúng ta đang sống trong một môi trường giáo dục như vậy đấy. Môi trường mà bạn bị phán xét, đánh giá từng giây từng phút trong mọi hành động, mọi bài thi, mọi cách ứng xử. Vậy mà họ lại bảo bạn không được phán xét cơ đấy.


Trở lại chuyện tôi, hồi cấp 3, tôi học cũng khá, đặc biệt môn toán nhưng giáo viên môn toán lại rất ghét tôi. Điều ghét số một là vì tôi hoàn toàn trái tính với cổ. Cô ấy thuộc tuýp người truyền thống từ tóc tai quần áo đến mọi thứ. Trong khi tôi lại là người khá màu mè vào lúc ấy. Nói thẳng ra là khá thời trang: tôi thường đổi kiểu tóc, ăn mặc quần áo hơi khác chúng bạn và thỉnh thoảng còn đeo những đôi khuyên tai khác người nữa. Cô ấy không chừa bất cứ cơ hội nào để miệt thị tôi trước lớp về “thứ học sinh hư hỏng, đua đòi, ăn chơi, không ra thể loại gì” Nhưng điều khiến cô ấy ghét tôi nhiều hơn cả có khi lại là việc tôi học giỏi môn toán khiến cổ không thể la mắng tôi một cách bình thường được. Bạn biết đấy, nếu bạn ghét ai đó mà nó đầy tật xấu thì dễ rồi, còn giả như bạn ghét ai đó mà nó lại vừa giỏi vừa đẹp vừa ngoan thì hẳn là bạn sẽ tức điên lên cho coi. Haha đùa cho vui thôi chứ nói thật giờ nghĩ lại tôi của lúc ấy, nếu tôi là cô giáo dạy toán thì tôi cũng ghét tôi nữa là.

Cho tới giờ tôi vẫn chưa hoàn toàn tha thứ cho cô ấy, dù chẳng nhớ cổ đã từng la mắng tôi những gì trước lớp. Tôi chỉ nhớ cảm giác tức giận, ấm ức và bất lực lúc ấy khi cứ bị bắt đứng lên cho cô ấy châm chọc chuyện tóc tai, quần áo nọ kia. Nói chuyện này chẳng phải để bênh vực bản thân mình nhưng để bạn thấy một sự thật rằng: phán xét người khác đã tệ rồi, nhưng phán xét một người trước mặt nhiều người khác thì hậu quả để lại còn nặng nề hơn rất nhiều. Nếu bạn từng bị rơi vào hoàn cảnh là nạn nhân của một vụ châm chọc phán xét bạn sẽ hiểu khi tôi nói rằng “đừng bao giờ phán xét châm chọc ai cả” vì lí do đơn giản mỗi người có cuộc đời riêng để sống. Việc ai đó sống cuộc đời của họ thế nào, nếu bạn giúp họ sống tốt hơn được, thì giúp. Còn không thì thôi. Việc phán xét người khác chẳng bao giờ giúp bạn sống tốt hơn cả nhưng qua người khác để bạn nhìn lại bản thân mình thì lại là một việc đáng làm và rất nên làm.



-----------

[ Liên Kết Với Tác Giả Bài Viết - Cộng Đồng Tác Gỉa Chuyên Sâu AUTHORITY ]

Tác giả: Phi Tuyết

Chị Phi Tuyết, tác giả của cuốn sách Best Seller "Sống Như Ngày Mai Sẽ Chết" đã bán được 20,000 bản. Chị là một nhà văn cây bút có những quan điểm và triết lý được giới trẻ yêu thích. Những bài chia sẻ của chị có thể được tìm thấy tại blog cá nhân phituyet.com hoặc facebook của chị là fb.com/phi.tuyet.1990

Link bài gốc: Phán Xét- Ai Cũng Thích Làm Quan Tòa Và Ghét Làm Nạn Nhân

Tìm thêm những bài viết khác của tác giả qua:

Follow Facebook Authority - Cộng Đồng Tác Giả Chuyên Sâu để đọc thêm các bài viết mang tính chất chuyên sâu thuộc nhiều lĩnh vực/ chủ đề khác nhau từ các tác giả là Blogger/ Author đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

64 lượt xem