Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Bắt Đầu Học Cách Quản Lý Tài Chính Cá Nhân Thế Nào?

Chẳng biết may mắn hay xui xẻo mà mãi tới sau 30 tuổi mình mới bắt đầu học về quản lý tài chính cá nhân. Trước đây mình cũng không...

Chẳng biết may mắn hay xui xẻo mà mãi tới sau 30 tuổi mình mới bắt đầu học về quản lý tài chính cá nhân. Trước đây mình cũng không đánh giá cao việc này, bởi mình nghĩ là:
Ai đã lăn lộn kiếm tiền thì đều phải biết quản lý tiền của mình chứ, đều phải biết trân trọng những gì mình đã đánh đổi chứ?
Rồi mình nhận ra điều đó đúng nhưng chưa đủ. Trong ba việc "Kiếm tiền - Giữ tiền - Tiêu tiền" thì hầu hết mọi người chỉ được dạy và học cách kiếm tiền mà thôi. Còn Giữ tiền và Tiêu tiền thì thường tự học, tự cóp nhặt, tích lũy từ cuộc sống và kinh nghiệm bản thân. Ít khi chúng ta nghiêm túc học một cách đầy đủ, bài bản, nên tư duy về tiền bạc thường có nhiều thiếu sót. Bản thân mình cũng thế, suốt nhiều năm trước đây mình tưởng là mình biết cách quản lý tài chính nhưng không phải. Những bài học lẻ tẻ, cóp nhặt khiến tư duy còn nhiều lỗ hổng, không giữ được lập trường, dễ thay đổi trong cách nghĩ và trong các quyết định tài chính. Chính vì vậy mà mình quyết định sẽ học, tìm hiểu về quản lý tài chính cá nhân một cách thật sự nghiêm túc.
img_0


Mục tiêu khi bắt đầu
Ban đầu mình suy nghĩ đơn giản lắm: mình nghĩ là cách quản lý của mình chưa hiệu quả, nên muốn tìm một cách tốt hơn. Đến khi tìm hiểu, mình mới nhận ra nguyên nhân của việc quản lý chưa hiệu quả đến từ 2 yếu tố:
1. Tư duy, kiến thức chưa đầy đủ.
2. Công cụ chưa có.
Một điều khá "đặc biệt" mà mình thấy trong vấn đề quản lý tài chính cá nhân chính là ở hai chữ "Cá nhân". Tức là mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một điều kiện, mỗi người một thói quen. Thật khó để đòi hỏi mọi cá nhân phải có tư duy giống nhau, xây dựng thói quen giống nhau. Chính vì thế mà giai đoạn bắt đầu mình đã rất băn khoăn về vấn đề này. Đó là làm sao để tiếp cận một cách hiệu quả? Rồi mình quyết định là:
Mình sẽ xem cách người khác - một người có thể coi là thành công trong việc quản lý tài chính cá nhân của họ - để xem họ suy nghĩ và làm nó như thế nào. Từ đó mình sẽ rút ra các bài học cho bản thân mình, để thay đổi phù hợp với điều kiện và thói quen của mình.
Và nơi mình học chính là các video của anh Hiếu trên kênh youtube hieu.tv. Những nội dung này hoàn toàn miễn phí và rất dễ hiểu, dễ tiếp cận.
Quản lý tài chính cá nhân là gì?
Thực sự mà nói thì phạm vi kiến thức này khá rộng, không nói hết được chỉ trong 1 bài viết. Cũng vì phạm vi rộng nên những ai mới bắt đầu tìm hiểu thường bị hoang mang, tốn thời gian bởi dễ bị ngợp trong một rừng thông tin. Vậy nên ở đây mình sẽ nói qua vài ý chính thôi, để làm tiền đề cho các nội dung mà mình sẽ nói tới ở các phần sau. Theo những gì mình đã tìm hiểu được và sắp xếp lại thì mình chia làm các bước như sau:
Bước 1: Hệ thống lại mục tiêu tài chính cá nhân. Mình thấy mục tiêu "tự do tài chính" đúng là một mục tiêu tốt để theo đuổi. Để hướng đến mục tiêu này, chúng ta sẽ cần một tầm nhìn xa (cỡ 10-20 năm hoặc xa hơn nữa). Chính vì đường xa nên cần chuẩn bị kỹ ở hiện tại, có những mục tiêu rõ ràng trên từng chặng để tránh lạc đường. Ở đây có một số cột mốc và có thể dùng được công thức để ước tính ra một giá trị cụ thể, như thế rất dễ hình dung:
An toàn tài chính = Mức chi tiêu tối thiểu mỗi tháng * 12 * 25
Độc lập tài chính = Mức chi tiêu tiêu chuẩn mỗi tháng * 12 * 25
Tự do tài chính = Độc lập tài chính + Mindset về tự do tài chính
Bước 2: Định vị lại sức khỏe tài chính của bản thân. Biết mình biết người, trăm trận không thua. Khi xác định đi trên hành trình này, cần phải nắm rõ điểm xuất phát của bản thân. Mỗi người có điểm xuất phát khác nhau và có những vị thế khác nhau. Biết được điều này thì các mục tiêu, các quyết định hành động cũng sẽ rõ ràng và phù hợp với bản thân hơn. Ở bước này cũng chính là xác định các mức chi tiêu tối thiểu và chi tiêu tiêu chuẩn mỗi tháng của bản thân.
img_2
Bước 3: Quản lý và điều chỉnh thói quen chi tiêu. Người ta hay có câu chúc: "Tiền vào như nước sông đà, tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin". Thường thì trong thực tế người ta lại hay ở vào hoàn cảnh ngược lại, đó là thu nhập thì ít mà chi tiêu thì nhiều. Do đó thói quen chi tiêu chính là một thứ rất quan trọng cần được điều chỉnh càng sớm càng tốt. Thói quen chi tiêu tốt sẽ giúp chúng ta giảm áp lực kiếm tiền, dễ dàng lên kế hoạch và xây dựng mục tiêu tài chính hơn. Mình cũng cho rằng việc duy trì thói quen chi tiêu tốt, ổn định cũng giúp chúng ta tránh việc gia tăng quá nhanh chi phí khi thu nhập tăng lên, và cũng giúp các mốc về an toàn tài chính, độc lập tài chính bớt thay đổi, để dễ đạt được hơn. Đừng để cảnh cứ mải mê đuổi theo 1 mục tiêu biết di động, đuổi mãi không thể nào chạm tới được.
img_3
Bước 4: Cải thiện thu nhập và gia tăng tích lũy. Khi đã định hình được thói quen chi tiêu tốt, chúng ta sẽ gần như không phải suy nghĩ về vấn đề đó nữa, mà có thể tập trung phần lớn thời gian, tâm trí vào việc cải thiện thu nhập. Nếu không cải thiện thu nhập thì khó duy trì được thói quen chi tiêu, cũng chẳng có tích lũy để nghĩ tới những thứ xa xôi hơn. Cải thiện thu nhập có nhiều cách lắm, trong đó có thu nhập chủ động và thụ động. Thường thì ở giai đoạn đầu, việc cải thiện thu nhập chủ động dễ làm hơn và hiệu quả hơn so với cải thiện thu nhập thụ động.
Bước 5: Xây dựng dòng tiền nhàn rỗi để đầu tư. Người ta hay hiểu sai về từ "nhàn rỗi" này. Không phải cứ có tiền dư ra hàng tháng là nhàn rỗi đâu. Phải đảm bảo được thói quen chi tiêu để kiểm soát được dòng tiền, sau đó làm đầy các quỹ khẩn cấp (Emergency fund), quỹ chi dùng những khoản lớn theo kế hoạch (Sinking fund), cuối cùng phần tiền dư ra mới thực sự là nhàn rỗi. Mình đồng ý với quan điểm "dùng tiền nhàn rỗi để đầu tư", và xây dựng tư duy đầu tư, dòng tiền đầu tư là quan trọng, nhưng nó cần được đảm bảo là tiền nhàn rỗi thực sự. Nếu không có các quỹ dự phòng kia, rất dễ xảy ra tình trạng phải rút tiền đầu tư để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày, mà như thế thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới các kế hoạch và tính toán trong đầu tư.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

63 lượt xem

lh-fulllh-x