Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Review Phim "Perfect Blue - Màu Xanh Ảo Giác": Vạch Trần Bí Mật Đen Tối Của Showbiz

Nếu ai đã từng là fan của các loạt phim anime đình đám như Mộ đom đóm (Grave of the Fireflies), Vùng đất linh hồn (Spirited Away) và Lâu đài di động của Howl (Howl’s Moving Castle) thì chắc chắn không nên bỏ qua bộ phim “Màu xanh ảo giác” (Perfect Blue). Đây là tác phẩm đầu tay của của đạo diễn Kon Satoshi được phát hành vào năm 2002, dựa trên tiểu thuyết cùng tên của tác giả Yoshikazu Takeuchi. Bộ phim được đánh giá là chứa đựng các tình tiết tâm lý và kinh dị đặc sắc hơn cả nguyên tác và chiến thắng giải Fantasia Festival năm 1997 và Liên hoan phim Fantasporto ở Bồ Đào Nha. Susan Napier, giáo sư chương trình tiếng Nhật tại đại học Tuffs (Hoa Kì), đã nhận xét rằng “Perfect Blue thể hiện mối quan tâm sâu sắc của nó đến nhận thức, suy nghĩ và cách ứng xử, đặc biệt là của phụ nữ, ngay từ đoạn mở đầu. Bộ phim này không chỉ đơn thuần nói về phụ nữ, nó nói về số phận người phụ nữ bị thế giới showbiz đẩy vào cạm bẫy như thế nào”.

“Màu xanh ảo giác” kể về Mima Kirigoe, giọng ca nữ chính của nhóm nhạc J-Pop “CHAM” đang nổi tiếng đình đám, đột nhiên thông báo sẽ rút khỏi nhóm nhạc ngay trong buổi diễn mới nhất khiến người hâm mộ ngỡ ngàng. Mima quyết định sẽ dấn thân vào con đường diễn viên với hi vọng sẽ gặt hái được nhiều thành công và trở nên nổi tiếng hơn, mặc dù cô luôn có ước mơ làm ca sĩ dưới ánh đèn sân khấu từ thuở nhỏ. Mọi rắc rối bắt đầu từ đây, khi Mima liên tục nhận được những cuộc gọi, bức thư với nội dung đe dọa đến tính mạng của cô, đồng thời cuộc sống riêng tư của cô được ghi chép chi tiết và đều đặn trên trang web mạo danh Mima mà cô chưa từng biết đến. Cô cũng phải đấu tranh tư tưởng rất kịch liệt khi công ty mẹ ngỏ lời mời cô nhận đóng vai một người phục vụ quầy bar bị cưỡng hiếp tập thể. Thế nhưng vì đồng tiền và sự tiến thân, Mima nhắm mắt chấp nhận vai diễn, nhưng cô không ngờ rằng ranh giới giữa “ảo” và “thật” trong cô đã trở nên mông lung và mờ ảo đến đáng sợ. Những chuỗi án mạng kinh hoàng xảy ra xung quanh Mima, trong đó bao gồm cái chết của nhà biên kịch và nhiếp ảnh gia đã cộng tác cùng Mima trong những cảnh nóng bỏng. Điều đáng sợ hơn là Mima cảm nhận rằng những vụ án mạng đó có liên quan đến mình, nhưng cô không hề có chút kí ức nào về việc đó. Cùng với sự tấn công ngày càng dồn dập của kẻ rình mò, Mima gần như phát điên và không còn nhận ra đâu là chính mình nữa. Cuối cùng cô phát hiện ra chân tướng sự thực và phải đấu tranh bằng máu để tìm lại con người thực của Mima Kirigoe.



Điều đặc biệt đầu tiên ở bộ phim này, mà theo tôi cũng là nét đặc trưng của dòng phim tâm lý Nhật Bản, chính là việc cái kết mở đầy nét u uất của bộ phim. Ở đây đạo diễn không giấu đi những manh mối để người xem tự vẽ lên cái kết theo ý mình, mà là cho dù có đầy đủ các chi tiết cần thiết, người xem vẫn không tài nào đoán được chính xác cái kết dành cho nhân vật là gì. Các chi tiết kéo đến dồn dập và nhanh chóng trôi tuột đi theo nhịp phim tăng dần, khiến cho người xem cứ ngỡ rằng danh tính hung thủ đã lộ rành rành trước mắt nhưng rồi lại trở về con số không. Ban đầu ta sẽ dồn hết sự chú ý vào gã fan cuồng xấu xí đáng ngờ, với một loạt các bằng chứng quá rõ ràng như việc gã đã thần tượng Mima như thế nào khi còn là ngôi sao nhạc pop, và sau đó gã đã thất vọng ra sao khi Mima mà mọi người mến mộ lại sa chân vào con đường tội lỗi. Vì muốn được ở gần thần tượng, gã đã đăng kí làm bảo vệ ở những buổi diễn có mặt Mima và mua tất cả những ấn phẩm có Mima trên đó, thậm chí gã còn dám đánh nhau với bọn côn đồ quấy rối để đảm bảo buổi trình diễn của Mima được thuận lợi. Khi biết tin Mima tham gia vào cảnh quay cưỡng hiếp, lại còn chụp ảnh khỏa thân cùng tay nhiếp ảnh đồi trụy, gã đã giận dữ mua hết tất cả bộ ảnh của cô tại cửa hàng như không muốn ai khác nhìn thấy nó, thay mặt “Mima thật” (theo gã là hình ảnh Mima trong sáng lúc còn là ngôi sao nhạc pop) để thể hiện sự chán ghét với cuộc sống diễn viên hiện tại trên trang web do hắn tự lập mang tên “Phòng Mima”. Đỉnh điểm của sự giận dữ chính là việc gã đã viết dòng chữ “Tôi sẽ trừ khử Mima giả” lên trang web và cố ra tay với Mima khi cô chỉ có một mình ở phòng thay đồ. Rất may là có sự xuất hiện của chị quản lí Rumi nên Mima đã tạm thời được giải cứu.

Xem đến giữa phim thì mối nghi ngờ lại đổ dồn về chính Mima. Cô bị ám ảnh bởi “Mima thật”, mà theo cô là con người hoàn hảo mà cô luôn theo đuổi để thể hiện trước công chúng. Khi cô lấn sân sang ngành diễn xuất và dần cảm thấy mệt mỏi vì quyết định của mình, “Mima thật” đã không ngừng xuất hiện trước mặt cô và khiêu khích cô với vô số câu nói như “Thấy chưa, tôi nói với cô rồi mà, cô chỉ hợp làm ngôi sao nhạc Pop thôi”, “Mọi người đang đợi tôi, tôi sẽ lại được hát cùng Rei và Yukiko với tư cách nhóm nhạc Cham”, ”Cô đâu còn là ca sĩ nhạc pop nữa, cô chỉ là hạng đàn bà nhơ nhuốc mà thôi”. Tôi rất thích lời nhận xét của một nhóm cộng đồng trên Facebook về ý nghĩa của “Mima thật”, xin phép được trích nguyên văn như bên dưới (để đọc nguyên bài viết của nhóm, các bạn có thể nhấp vào ĐÂY)

Bộ phim dài chỉ vỏn vẹn 81 phút nhưng nó tạo dựng một cái nhìn ám ảnh về sự tồn tại song song của "con người thật" và "avatar", nôm na là hiện thân khác của chúng ta, một sự đại diện của chính mình nhưng chỉ tồn tại trên mạng mà thôi. Tất cả chúng ta đều có "avatar" của riêng mình, đó chính là những tài khoản facebook, instagram, twitter... và chúng ta dường như bị ám ảnh bởi nó. Chúng ta dành thời gian để chăm chút cho "avatar" của mình, thể hiện cho cả thế giới thấy ta là ai và ta đang làm gì. Khi bạn lướt qua face của một người hặc thậm chí nói chuyện với họ qua mạng xã hội, bạn có thể ít nhiều hình dung được họ là ai và họ như thế nào, và có thể bạn đúng đấy chứ nhưng không, bạn chỉ đang đánh giá "avatar" của họ mà thôi.

Nói cách khác, bộ phim này đang vạch trần sự giả tạo và khắc nghiệt của thế giới showbiz hào nhoáng mà bất cứ người nghệ sĩ nào cũng phải học cách chấp nhận và hòa hợp với nó nếu muốn trở nên nổi tiếng. Khi trở thành người của công chúng, bạn lúc nào cũng phải tạo cho mình một bộ mặt thương hiệu (hay ở trong phim này chính là “Mima ngôi sao nhạc pop”): luôn xinh đẹp, sang trọng, lịch sự, quý phái, thân thiện, hài hước, biết yêu thương mọi người, và ti tỉ những đức tính tốt đẹp khác mà người hâm mộ luôn tìm kiếm ở thần tượng của mình. Chỉ cần thể hiện ý kiến cá nhân khác với đám đông một chút, tức thì sẽ nhận được vô số “gạch đá” từ cộng đồng chỉ vì nguyên nhân sâu xa là thần tượng của họ không đứng về phía họ, không hành xử như cách họ luôn ao ước.



Cũng như Justin Bieber luôn nhận được vô số lời chỉ trích từ xã hội vì có lối sống theo họ là “không lành mạnh”, gần đây nhất là việc anh chia tay cô bạn gái lâu năm để đính hôn với một người khác. Đứng trên góc nhìn khách quan mà nói, Justin Bieber nổi tiếng là vì giọng ca và biểu cảm tốt, thì việc người hâm mộ nên quan tâm nhất chính là tài năng của anh. Còn về vấn đề anh yêu ai, anh chọn lựa cuộc sống như thế nào, tất cả đều phụ thuộc vào sự quyết định của Justin, người hâm mộ chỉ nên dõi theo và ủng hộ anh vì họ không thể sống cuộc sống của anh được. Việc liên tục thể hiện sự tiếc thương cho Selena và chỉ trích dành cho Justin vô hình chung đã làm cho người trong cuộc trở nên khó xử vô cùng trước vết thương đang liền sẹo lại bị đào bới lên không thương tiếc. Họ hi vọng rằng với sức ép dư luận thì một ngày nào đó cái kết viên mãn của mối tình năm mười bảy tuổi này sẽ đến như họ mong muốn, nhưng họ đâu nhận ra rằng cuộc đời là một thứ gì đó không thể điều khiển và ép nó xảy ra theo dự định của mình được. Suy cho cùng, họ làm vậy không phải vì thương cho Selena, họ chỉ vì muốn thỏa mãn sự mong muốn áp đặt lên người khác mà thôi.

Quay trở lại với Mima, sau cái chết của tay nhiếp ảnh khỏa thân Murano thì cô lại càng nghi ngờ nhiều hơn sự trong sạch của chính mình. Bằng một loạt các chi tiết liên quan đến căn bệnh “đa nhân cách” (như các phân cảnh Mima tham gia đóng phim bàn luận về tên hung thủ mang hội chứng “đa nhân cách” và luôn nghĩ rằng tên bảo vệ bám đuôi mới là người ra tay giết các nạn nhân, hay rõ nét nhất là cảnh Mima trong bộ quần áo nhân viên giao pizza đã giết chết tay nhiếp ảnh bằng chiếc tua vít, và hôm sau cô phát hiện bộ quần áo vấy máu trong tủ của mình), chúng ta không thể nào không nghi ngờ rằng Mima chính là hung thủ đằng sau hai vụ án giết người liên hoàn đang dậy sóng dư luận gần đây. Có lẽ nhân cách khác của Mima, mà ta cũng có thể xem là “Mima thật”, cảm thấy căm phẫn vì chính hai nạn nhân là người đã “vấy bẩn” hình ảnh của Mima. Có một nhận định cho rằng Mima cảm thấy tức giận vì mọi người chỉ đánh giá cô qua hình ảnh “Mima ngôi sao nhạc pop” mà không chịu chấp nhận con người thật của cô, nhưng tôi nghĩ rằng tôi buộc phải không thừa nhận điều đó là đúng. Xét từ hành động thủ tiêu hai nạn nhân là ông đạo diễn và tay nhiếp ảnh, ta có thể nhận thấy bản thân Mima cũng yêu phiên bản “Mima ca sĩ nhạc pop” từ trước đến giờ và cô rất căm phẫn hai con người đã làm vấy bẩn hình ảnh của cô thành một Mima không ai cần đến. Có thể sắm vai “Mima thật” khiến cô gò bó và mệt mỏi, nhưng bù lại nó đem đến cho cô vinh quang và sự yêu mến của khán giả, không như bây giờ, khi cô đã đánh mất gần như là tất cả những gì cô đã từng có. Nhưng giả thiết này lại khá không thuyết phục khi nghĩ rằng Mima là người ra tay với ông quản lí Tadakoro vì nếu quả thực là như vậy cô sẽ không gọi cho ông ấy làm gì (vì làm như vậy chỉ làm cho cô càng bị nghi ngờ hơn vì gọi cho nạn nhân lúc nạn nhân tử vong để ngụy tạo bằng chứng giả).



Môt lần nữa khi chúng ta dồn mọi sự chú ý vào Mima thì đối tượng tình nghi số ba xuất hiện (danh tính người thứ ba tôi xin được phép giấu tên để khuyến khích các bạn xem bộ phim và tự tìm hiểu nhé). Người này có mối quan hệ rất khắng khít với Mima ngay từ những ngày cô chập chững vào nghề, cũng từng là ngôi sao nhạc pop một thời và đặt niềm tin rất nhiều vào nữ ca sĩ trẻ với hi vọng được thấy lại hình ảnh của mình thuở ấy. Vì dành rất nhiều tình cảm cho Mima, thế nên khi chứng kiến Mima đóng cảnh phim bị cưỡng bức, người đó đã không kìm được dòng nước mắt đầy uất ức của mình. Có lẽ việc Mima đồng ý đóng cảnh phim đó và tự buông thả bản thân đã khiến người đó cảm giác vô cùng thất vọng, và cũng nuôi ý định trừ khử “Mima giả” để đem “Mima thật” trở về. Mima và người đó rượt đuổi nhau khắp các nẻo đường, xảy ra rất nhiều xô xát và đổ máu, nhưng rất may một chiếc xe đã tông phải người đó làm người đó bất tỉnh, vì thế Mima giữ được mạng sống của mình. Sau đó người đó được đưa vào trại tâm thần, và Mima trở thành một diễn viên nổi tiếng. Nhưng điều kì lạ là, câu nói cuối cùng của Mima lại được phát ra bằng giọng nói y hệt người đó. Bạn thấy đấy, những chi tiết vô cùng nhỏ lại khiến cho câu chuyện lại bị xới tung một lần nữa và làm tôi phải tự hỏi cuối cùng thì, AI LÀ HUNG THỦ?

Ngoài nội dung đặc sắc, “Màu xanh ảo giác” còn được đánh giá cao bởi các nhà chuyên môn với những kĩ thuật làm phim tiên tiến nhất được sử dụng xuyên suốt bộ phim. Những nét vẽ tả thực và tinh tế vô cùng, góc quay, kĩ thuật lột tả chân thực bối cảnh bộ phim, âm thanh gây kích thích đến rợn người. Các diễn viên lồng tiếng kì cựu (mà người Nhật hay gọi là seiyuu) như Junko và Rica đã giúp thổi hồn vào nhân vật một cách vô cùng đặc sắc mà theo một vài nhận định rằng các thế hệ đời sau chưa chắc sẽ làm tốt được như thế. Nhạc phim gây ám ảnh cho người xem đến vài ngày sau vẫn chưa dứt hẳn. Kịch bản được xây dựng vô cùng công phu đến từng chi tiết nhỏ, đến tận bây giờ khi đang viết bài review này, tôi đã phải xem bộ phim lại hai lần, đọc hơn mười review từ các bạn khác nhau mà vẫn không tài nào tìm được câu trả lời cho các thắc mắc của tôi. Vậy ai là người đã giết ông quản lí Tadokoro? Trong buổi biểu diễn song ca của nhóm CHAM mới, “Mima giả” đứng giữa biểu diễn thì làm sao mọi người xung quanh lại nhìn thấy được thứ vốn dĩ chỉ là tưởng tượng của Mima Kirigoe? Ở đoạn đóng phim về đề tài “đa nhân cách”, tại sao đạo diễn lại có ý muốn giải thích rằng Mima tự tạo ra nhân cách “Mima diễn viên” để cứu rỗi tâm hồn mình rằng việc bị cưỡng hiếp trong quán bar chỉ là một vai diễn? Vì sao ở đoạn phim cuối cùng, Mima lại nói bằng giọng của một người đang ở trại tâm thần?



Tôi xin phép trích nhận định cuối cùng của bài cảm nhận trên Facebook mà tôi đã chèn link ở trên, vì tôi rất tâm đắc với lời kết của bài viết này:

Một bộ phim ngắn nhưng rất hay và ám ảnh và từng ngày từng ngày trôi qua, bộ phim dần trở nên kinh khủng hơn bao giờ hết, bởi vì thời điểm bộ phim ra, đạo diễn Satoshi Kon chỉ hình dung những ca sĩ nổi tiếng, minh tinh mới có "avatar". Nhưng giờ đây, mọi thứ đã khác, với sự ra đời của mạng xã hội, bất kì ai cũng có "avatar" của riêng họ, ai cũng là khán giả chực chờ để thưởng thức và đánh giá, và ai cũng là một người biểu diễn.

Đúng thật là càng lớn lên, con người càng phải chuẩn bị cho mình thật nhiều “Mima giả” để có thể thành công và có địa vị trong xã hội. Nhưng trong sâu thẳm tâm can, tôi tin rằng mỗi chúng ta đều khát khao được người khác chấp nhận con người thật của mình, cho dù con người thật ấy có nhiều hơn một tính xấu đi nữa. Bộ phim này quả là một tuyệt tác điện ảnh xuất sắc cả về nội dung và kĩ thuật, dù chỉ 81 phút nhưng cũng đủ để chúng ta hiểu được cuộc sống của những người tham gia showbiz phức tạp như thế nào. Hãy xem bộ phim này và đừng bỏ lỡ bất kì chi tiết nào của “Màu xanh ảo giác”, dù chỉ kéo dài một giây, để cảm nhận trọn vẹn thông điệp mà đoạn phim muốn truyền tải: “Dù tôi đang sống ở đâu, làm ngành nghề gì, tôi vẫn luôn khao khát được sống thật một lần với chính bản thân mình.” Và đừng quên suy luận đề tìm ra hung thủ thực sự cho từng vụ án và bình luận bên dưới để tôi có thể đọc được nhé!

Tác giả: Ngọc Thanh - Bookademy

-----------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

Tham gia Bookademy Team để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3




----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

7,960 lượt xem

lh-fulllh-x